1- Tòa Giám mục trống ngôi khi :
a) Do Đức Giám Mục Địa phận qua đời. Những gì vị Tổng đại diện hoặc đại diện Giám mục làm vẫn có hiệu lực cho đến khi được tin chắc chắn Đức Giám Mục qua đời (Can 416,417).
b) Do Đức Giám Mục từ chức và đã được Tòa Thánh chấp nhận (Can 416).
c) Do được thuyên chuyển. Từ khi nhận được lệnh thuyên chuyển cho tới khi đi nhận Địa phận mới, Đức Giám Mục đó trở thành vị Giám quản, và trong vòng hai tháng phải đi tới nhiệm sở mới (Can 416, 418). Chức vụ Tổng đại diện, đại diện Giám mục chấm dứt khi được tin Đức Giám mục được thuyên chuyển (Can 418,2). Ngày Ngài đi nhận nhiệm sở mới, Tòa Giám Mục đó trống ngôi (Can 418).
d) Bị cách chức mà lệnh đã chuyển đạt tới Đức Giám Mục.
2- Vị tạm quyền lãnh đạo địa phận
Khi Tòa Giám Mục trống ngôi, Đức Giám Mục Phụ tá tạm quyền cai quản. Nếu có nhiều vị Giám mục Phụ tá, thì ai thâm niên Giám mục sẽ cai quản Địa phận cho đến khi đặt Giám quản Địa phận.
Không có Giám mục Phụ tá, Hội đồng Cố vấn cai quản trừ khi Tòa Thánh định thể khác. Ai tạm cai quản Địa phận, phải triệu tập Hội đồng có thẩm quyền để bầu vị Giám quản trong vòng tám ngày từ khi Tòa Giám Mục trống ngôi (Can 419, 421,1). Trong vòng 8 ngày chưa bầu xong vì bất cứ lý do nào, Đức Tổng Giám mục Giáo tỉnh sẽ chỉ định vị Giám quản. Nếu Tòa Tổng cũng trống ngôi thì Đức Giám mục thuộc Giáo tỉnh có thâm niên nhất sẽ chọn (Can 421,2). Ai tạm quản Địa phận, phải thông báo cho Tòa Thánh biết ngay Tòa Giám Mục trống ngôi. Vị Giám quản sẽ thông báo cho Tòa Thánh biết mình được bầu làm Giám quản (Can 422).
3. Giám quản Địa phận
Được bầu làm Giám quản Địa phận, Linh mục phải đủ 35 tuổi trọn, trổi trang về kiến thức và khôn ngoan, không được giữ chức quản lý (giữ thì phải từ chức quản lý khi được bầu làm Giám quản), chưa đắc cử hoặc chưa được giới thiệu làm Giám mục của Tòa Giám Mục đang trống ngôi (nếu phát hiện ra được, Tổng Giám Mục sẽ chọn người khác thay ngay) (Can 425, 1, 2 và 3).
Giám quản Địa phận có nhiệm vụ và quyền như Đức Giám Mục Địa phận nhưng thực ra bị hạn chế nhiều.
– Không được làm điều gì mới (Can 428,1).
– Không được tự mình hoặc cho người khác lấy hoặc hủy bất cứ văn kiện nào của Tòa Giám Mục hoặc sửa đổi (Can 428,2).
– Chỉ có thể bổ nhiệm Cha Chánh xứ sau một năm Tòa Giám Mục trống ngôi (Can 525,2).
4. Tòa Giám Mục bị cản trở
Khi Đức Giám Mục Địa phận bị bắt, bị trục xuất, bị lưu đày hoặc vô năng nên Ngài bị cản trở hoàn toàn không thể chu toàn chức vụ chủ chăn địa phận, cũng không thể liên lạc với giáo dân bằng thư từ (Can 412) Đức Giám Mục Phó sẽ lên tạm quyền như vị Giám quản Địa phận.
Không có Đức Giám mục Phó thì căn cứ vào danh sách của Đức Giám mục của Địa phận đã chỉ định, hoặc Đức Giám mục Phụ tá hoặc Linh mục Tổng Đại diện, hoặc Đại diện Giám mục, hoặc Linh mục được chỉ định trong danh sách. Không có danh sách đó, Hội đồng Cố vấn có nhiệm vụ bầu vị Giám quản Địa phận (Can 413,2).
5. Hội đồng Cố vấn (collegium consultorum)
Gồm ít nhất là 6 Linh mục, nhiều nhất là 12 Linh mục do Đức Giám Mục Địa phận chọn lựa trong số các Linh mục thuộc Hội đồng Linh mục, nhiệm kỳ 5 năm. Mãn nhiệm kỳ, Hội đồng vẫn tiếp tục làm việc cho tới khi có Hội đồng mới (Can 502,1).
Đức Giám Mục Địa phận làm chủ tịch và chủ tọa của Hội đồng Cố vấn. Khi Tòa Giám Mục trống ngôi hoặc bị cản trở, vị Giám quản sẽ chủ tọa hội đồng, nếu chưa có ai thì vị Linh mục nào thâm niên hơn sẽ chủ tọa Hội đồng (Can 502,2).
6. Hội đồng Linh mục (consilium presbyterale)
Mỗi địa phận phải lập Hội đồng Linh mục gồm một số Linh mục đại diện cho các thành phần Linh mục, được xem như thượng viện (senatus) của Đức Giám Mục (Can 495,1) để giúp Đức Giám Mục trong việc hướng dẫn, cai trị Địa phận (Can 495,1).
Bao nhiêu người sẽ do nội qui ấn định. Một nửa do chính các Linh mục bầu ra (tất cả các Linh mục triều đã gia nhập Địa phận, các Linh mục triều ở địa phận khác đang giúp Địa phận ở đây và các Linh mục Dòng đang giúp Địa phận ở đây có quyền bầu cử và ứng cử (Can 497,1).
Một nửa gồm một số Linh mục chiếu theo nội quy đương nhiên là thành viên của Hội đồng và một số do Đức Giám Mục tự do chỉ định (Can 497,2 và 3).
Nhiệm kỳ do nội quy ấn định nhưng phải liệu để toàn thể hay một phần của Hội đồng được đổi mới trong vòng 5 năm (Can 501,1).
Đức Giám Mục triệu tập, chủ tọa và ấn định các vấn đề thảo luận, chấp nhận các đề nghị, Hội đồng chỉ có tính cách tư vấn, giúp đỡ Đức Giám Mục Địa phận nên mọi quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi Đức Giám Mục Địa phận đồng ý và công bố (Can 500, 2 và 3).
Nếu Hội đồng không chu toàn nhiệm vụ hoặc lạm quyền, Đức Giám Mục Địa phận sau khi tham khảo Đức Tổng Giám Mục Giáo tỉnh của mình (Nếu là chính Tòa Tổng Giám mục thì tham khảo vị Giám mục thâm niên của Giáo tỉnh, Đức Giám Mục Địa phận có thể giải tán Hội đồng, nhưng trong một năm phải lặp lại (Can 501). Khi Tòa Giám Mục trống ngôi, Hội đồng tự giải tán và các công việc sẽ để Hội đồng Cố vấn đảm nhiệm (Hội đồng Cố vấn còn tồn tại khi Tòa Giám mục trống ngôi) (Can 501,2). Trong vòng 1 năm, từ khi nhận địa phận, Đức Tân Giám Mục phải lập lại Hội đồng (Can 501,3).
Linh mục Fx Nguyễn Hùng Oánh