Anh chị em thân mến,
Tháng chín nhắc nhớ ngày tôi về nhận nhiệm vụ tại giáo phận Phan Thiết (3/9/2009) tính đến nay đã tròn 6 năm. Cám ơn anh chị em đã chung lời cầu nguyện, cách riêng trong Kinh Nguyện Thánh Thể hằng ngày, cho tôi được sức khỏe và ơn thánh để chu toàn nhiệm vụ được trao, là phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em. Nhưng tháng chín năm nay cũng có nhiều biến cố được đi vào lời kinh của giáo phận.
1. Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa: 1/9
Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội Công Giáo sẽ cử hành “Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa” vào ngày ngày 1 tháng 9 hằng năm, bắt đầu từ năm 2015 này, như một góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà nhân loại hiện đang phải trải qua.
Ngày cầu nguyện này là một cơ hội về nguồn, tái khám phá trong di sản tinh thần quý báu của Giáo Hội những động lực sâu xa thúc đẩy nhiệm vụ chăm sóc này. Nếu bộ mặt trái đất đã bị biến dạng vì tội lỗi, trong đó có sự thiếu sót trách nhiệm chăm sóc của con người, thì hoán cải nội tâm là một thái độ cần thiết để gây dựng lại mối tương quan thân thiện với trái đất và với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngày cầu nguyện này cũng là một cơ hội mang đến cho cá nhân và cộng đoàn điều kiện thuận lợi để tái khẳng định ơn gọi trở thànhngười quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vừa biết chăm sóc bảo vệ giữ gìn để không tàn phá, vừa biết khai thác để không lãng phí hôm nay mà vẫn dành phần cho thế hệ tương lai, và vừa biết phân phối cũng như sử dụng các tài nguyên cách khôn ngoan dưới ánh sáng của công lý và hòa bình.
Ngày cầu nguyện này còn là một cơ hội hiếm hoi để làm chứng chosự hiệp thông đang gia tăng giữa người Công giáo và người Chính Thống giáo, vì cả hai, thông qua các vị lãnh đạo tinh thần, đều nhất trí xem yếu tố đại kết thiêng liêng là ưu tiên, nên dành ngày này để chung lời cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
2. Ngày Quốc Khánh: 2/9
Về mặt dân sự, Quốc Khánh là ngày lễ quan trọng được tổ chức trên quy mô cả nước với nhiều sinh hoạt vui mừng, có sự tham dự của nhiều thành phần xã hội; nhưng về mặt tôn giáo, cách riêng cho người công giáo, đây lại là ngày lễ được tham gia bằng nhiều ý cầu nguyện. Lịch công giáo ghi tổng quát là cầu cho Tổ Quốc, hay chi tiết hơn là cầu cho Quốc thái Dân an. Vì thế hợp với lời kinh chung của mọi người công giáo trên đất nước Việt Nam, anh chị em hãy quan tâm đưa vào nội dung cầu nguyện ý hướng bình an. Bình an không chỉ được hiểu cách tiêu cực là không có chiến tranh, không còn tiếng súng, không bị đe dọa bởi thù địch hoặc không bị vây bủa xâm lăng, dù trên đất liền hay ngoài biển đảo; nhưng bình an ở đây còn được nhìn rộng hơn và tích cực hơn, là mọi người được ấm no trong một đất nước được bảo vệ và hạnh phúc trong một xã hội được trân trọng và phát triển.
Mượn ý của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngỏ lời với các Phong trào bình dân tại Bolivia trong chuyến viếng thăm mục vụ ngày 9/7/2015, dịp Quốc Khánh năm nay, anh chị em hãy cầu nguyện cho đất nước Việt nam được ổn định và phát triển, mọi người Việt Nam được hạnh phúc, cụ thể trong ba lãnh vực cơ bản mà tiếng Anh thể hiện bằng ba chữ “L”: Labour (Công ăn việc làm); Lodging (Nơi ăn chốn ở); Land (Đất đai sản nghiệp). Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, người Việt nào, có đủ cả ba chữ “L” nêu trên, là có điều kiện phù hợp để thủ đắc niềm bình an một cách trọn vẹn.
3. Đại Hội Thế Giới Gia Đình lần thứ VIII: từ 22 đến 26/9
Cứ ba năm một lần, Đại Hội Thế Giới về Gia Đình lại diễn ra. Lần này là lần thứ VIII, tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ với chủ đề “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta để gia đình được sống dồi dào”. Đây là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế, được tổ chức bởi Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình, bao gồm nhiều sinh hoạt như cầu nguyện, học hỏi giáo lý, hội thảo và những buổi cử hành phụng vụ. Đại hội nhằm mục đích củng cố mối liên kết giữa các gia đình, muốn minh chứng rằng hôn nhân và gia đình có một tầm quan trọng đối với mọi xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình buông lơi, xã hội lỏng lẻo; gia đình bền vững, xã hội thăng tiến. Trong các xã hội truyền thống, gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, nhưng trong một số xã hội được xem là tân tiến, gia đình đang mang lấy những dạng thức xa lạ và không trọn vẹn, như chỉ có mẹ đơn thân với con cái. Trong các xứ đạo ngày trước, những cuộc hôn nhân khác đạo rất khó xảy ra, nhưng ngày nay lại có thể gặp thấy trong bất cứ khu xóm nào. Rồi, việc ly dị hoặc ly dị tái hôn được nhiều xã hội công nhận, khiến gia đình công giáo bỗng dưng rối như mớ bòng bong và về lâu về dài như mất phương hướng giữa cuộc sống đức tin. Chung lời cầu nguyện cho Đại Hội gặt hái được nhiều thành quả, đem đến cho các gia đình ánh sáng cần thiết, giúp vượt qua khó khăn thử thách và nhất là gặp được tình yêu đích thực để tích cực làm chứng cho Tin Mừng, mong vun xới hạnh phúc trần thế hôm nay và được hưởng hạnh phúc dồi dào mai sau.
Anh chị em thân mến, mặc dù ba ý cầu nguyện hướng tới những đối tượng khác biệt, từ “công trình sáng tạo của Thiên Chúa” qua “đất nước Việt Nam” đến “các gia đình”, và thời điểm cầu nguyện được dàn trải xem ra không đồng đều trong tháng, nhưng nơi từng đối tượng, chúng ta vẫn cảm nhận được hồng ân sống động của Thiên Chúa, nên quyết tâm sẽ hiệp thông với trọn tâm tình theo bậc sống và giữa hoàn cảnh sống của mình.
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết