Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 50, sẽ được tổ chức vào ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, 21 tháng 4, tôi muốn mời gọi anh chị em suy nghĩ về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng trên đức tin”, được diễn ra trong bối cảnh của Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticano II. Trong thời Công Đồng, vị tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập Ngày Ơn Gọi để cầu xin Chúa là Cha tiếp tục gởi đến cho Hội Thánh nhiều tay thợ gặt lành nghề (x. Mt 9,38). Lúc đó, Ngài (ĐGH) nói rằng: “Vấn đề tuyển chọn linh mục liên quan mật thiết đến mọi tín hữu, không chỉ vì nó liên quan đến tương lai của đời sống xã hội Kitô, nhưng còn là dấu chỉ rõ ràng của sức sống đức tin và đức ái của mỗi cộng đoàn giáo xứ và giáo phận, và nó còn minh chứng về sự thánh thiện của đời sống luân lý nơi các gia đình Kitô. Nơi đâu càng có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, thì nơi đó người ta sống Tin Mừng tốt đẹp” (Phaolô VI, Sứ điệp truyền thanh, ngày 11 tháng 4 năm 1964).
Trong vài thập niên gần đây, các cộng đoàn giáo hội nhiều nơi trên thế giới mỗi năm quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, cầu xin Chúa ban cho những ơn gọi thánh thiện, và cùng nhau suy nghĩ về việc đáp trả một cách khẩn thiết lời mời gọi thần linh này. Sự kiện đầy ý nghĩa là nhờ việc gặp nhau hằng năm này, đã giúp các tín hữu biết dấn thân mạnh mẽ hơn trong đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và tông đồ của mình cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến.
Hy vọng là mong đợi một điều gì tốt đẹp cho tương lai, nhưng đồng thời nó cũng nâng đỡ hiện tại của mình thường được ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Vậy thì hy vọng của chúng ta dựa vào cái gì đây? Khi nhìn vào lịch sử của dân Do Thái được kể lại trong Cựu Ước, chúng ta luôn thấy một điểm vẫn luôn được các ngôn sứ đặc biệt nhắc nhở, cho dù trong những thời điểm vô cùng đen tối như thời lưu đày: Hãy ghi nhớ lời hứa của Thiên Chúa nói với các Tổ phụ; hãy bắt chước mẫu gương của Abraham, như lời thánh Phaolô, “mặc dù không còn gì để cậy trông, ông vẫn vững tin sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa đã phán hứa: dòng dõi của ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4, 18). Một chân lý sáng ngời và đầy an ủi luôn luôn tỏ lộ trong toàn bộ lịch sử cứu độ là Thiên Chúa luôn trung thành với Giao Ước, qua đó Ngài luôn thực thi và còn canh tân mỗi lần con người phản bội và bất trung do tội lỗi, từ thời đại hồng thủy (x. St 8,21- 22) đến biến cố xuất hành và hành trình qua sa mạc (x. Đnl 9,7). Lòng trung tín của Thiên Chúa tiếp tục đi đến cùng khi ký kết Giao Ước mới và vĩnh cửu bằng máu của Người Con Một đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta.
Vào mọi thời điểm, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất, chính sự trung tín của Thiên Chúa là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ vốn khơi lên trong lòng những người nam và người nữ, và củng cố họ kiên trì trông cậy một ngày nào đó sẽ đạt tới ‘Đất hứa”. Chính nơi điều này chúng ta tìm gặp nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và Ngài luôn trung tín với Lời đã hứa. Chính vì lẽ đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận tiện hay bất lợi, chúng ta vẫn luôn nuôi trong mình một niềm hy vọng chắc chắn và hãy cầu nguyện cùng tác giả thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn, vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62, 6). Vậy hy vọng có nghĩa là tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng trung tín luôn giữ lời hứa giao ước. Đức tin và hy vọng liên kết chặt chẽ với nhau. “Thực ra, hy vọng là một từ đặc hiệu của đức tin theo nghĩa Kinh thánh, đến nỗi trong một vài trích đoạn, thì những từ đức tin và hy vọng dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Cũng thế, thư gởi tín hữu Do Thái liên kết chặt chẽ việc “tuyên xưng niềm hy vọng cách vững vàng” (Dt 10, 23) với “sự viên mãn của đức tin” (Dt 10, 22). Cũng vậy, khi thư thứ nhất của thánh Phêrô khuyến khích các Kitô hữu hãy luôn sẵn sàng đáp trả về logo – ý nghĩa và lý do – của niềm hy vọng nơi họ ( x. 1 Pr 3, 15) thì “hy vọng” tương đương với “đức tin”. (thông điệp Spe salvi, n. 2)
Anh chị em thân mến,
Vậy thì lòng trung tín của Thiên Chúa hệ tại điều gì mà trong đó chúng ta phải đặt để niềm hy vọng của mình? Thưa, chính là tình yêu của Ngài. Ngài là Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần, đổ tràn tình yêu của Ngài vào trong nơi sâu thẳm của con người chúng ta (x. Rm 5,5). Tình yêu này được tỏ hiện sung mãn nơi Đức Kitô, thấm nhập hiện hữu của chúng ta, đòi hỏi một lời đáp trả qua cách biểu lộ nơi cuộc sống của từng người, sẵn sàng để Thiên Chúa sử dụng cuộc đời mình cách tốt đẹp nhất. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc dấn bước vào những con đường không ai ngờ tới, nhưng lại gặp được những ai thành tâm thiện chí muốn Ngài gặp. Như thế, niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng chính sự xác tín này: “Chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4, 16). Tình yêu sâu xa và có tính thúc bách này vượt qua tính hời hợt nông cạn của mỗi chúng ta, ban cho mỗi chúng ta lòng can đảm, làm cho chúng ta hy vọng vào hành trình cuộc sống và tương lai của mình, làm cho chúng ta tin tưởng vào chính bản thân mình. Cha muốn ngỏ lời cách riêng với các bạn trẻ chúng con, và cha muốn nhắc lại rằng: “Cuộc đời chúng con sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu này? Thiên Chúa chăm sóc mỗi con người từ khi được tạo dựng cho đến tận thế, khi Ngài hoàn thành cách viên mãn chương trình cứu độ của mình. Trong Chúa Kitô Phục Sinh chúng ta nắm chắc hy vọng” (Diễn từ cho giới trẻ của giáo phận San Marino-Montefentro, ngày 19 tháng 6 năm 2011).
Đặt để ý muốn của mình trong thánh ý Chúa Giêsu
Như trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu ngày xưa, thì hôm nay Chúa Phục Sinh cũng tiếp tục rảo bước đồng hành với cuộc đời chúng ta, nhìn thấy chúng ta ngụp lặn trong những sinh hoạt thường ngày, với những nhu cầu và khát vọng. Chính trong cuộc sống thường ngày đó Ngài tiếp tục ngỏ lời với chúng ta; mời gọi chúng ta cùng sống với Ngài vì chỉ có mình Ngài là Đấng có thể thỏa mãn khát vọng của chúng ta. Lúc này, Chúa Giêsu đang sống giữa cộng đoàn các môn đệ là Giáo Hội, Ngài mời gọi hãy bước theo Ngài. Lời mời gọi này có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Lúc này Chúa Giêsu tiếp tục nhắc lại: “Hãy đến và theo Ta” (Mc 10, 21). Một khi đón nhận lời mời gọi này, thì không còn được chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Chúa Giêsu, có nghĩa là đặt để ý riêng mình trong thánh ý của Chúa Giêsu, trao cho Ngài quyền ưu tiên, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lãnh vực của cuộc đời mình: gia đình, công việc, sở thích riêng, và chính cả bản thân mình. Điều này còn có nghĩa là giao nộp chính bản thân mình cho Ngài, sống kết hợp sâu xa với Ngài, nhờ Ngài mà thông hiệp với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, và như thế, nên một với mọi anh chị em khác. Sự hiệp thông này với Chúa Giêsu là một “môi trường” đặc biệt mà nơi đó người ta học được cái kinh nghiệm về hy vọng và qua đó họ thực hiện được một cuộc sống tự do và sung mãn.
Các ơn gọi linh mục và tu sĩ được phát sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, và nhờ vào cuộc trao đổi chân thành riêng tư với Ngài, người ta đi đến chỗ đón nhận ý muốn của Ngài. Do đó, cần phải lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, nghĩa là tăng trưởng sâu xa mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe tiếng nói của Ngài được vọng lên trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Tiến trình này giúp chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa, có thể phát sinh nơi cộng đoàn Kitô hữu biết sống đức tin cách mãnh liệt, quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nhiệt thành truyền giáo đến độ quên mình vì Nước Thiên Chúa, siêng năng nhận lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và chuyên chăm cầu nguyện. Điểm cuối cùng này (cầu nguyện) “một đàng phải là một chuyện riêng tư cá vị, là một cuộc gặp gỡ của bản thân tôi với Đấng Thiên Chúa hằng sống. Mặt khác, nó cũng cần phải được hướng dẫn và soi sáng nhờ những kinh nguyện quý báu của Giáo Hội và của các thánh, và kinh nguyện phụng vụ, qua đó Chúa luôn tiếp tục dạy chúng ta biết cầu nguyện cách xứng hợp” (Thông điệp Spe salvi, số 34).
Một đời sống cầu nguyện kiên trì và sâu xa làm tăng trưởng đức tin của cộng đoàn Kitô, đồng thời luôn giúp canh tân niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Dân Ngài, nhưng luôn bảo vệ bằng cách khơi lên những ơn gọi đặc biệt – linh mục và đời sống thánh hiến – để họ trở nên những dấu chỉ cho thế giới hôm nay. Thật vậy, các linh mục cũng như các nam nữ tu sĩ được kêu gọi để trao hiến chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Chúa, để phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội cách yêu thương, một sự phục vụ với niềm hy vọng vững chắc như thế thì chỉ có được nơi tâm hôn những ai hướng trọn về Chúa. Do đó, với chứng tá đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, cách đặc hiệt cho các thế hệ giới trẻ, một khát vọng đáp trả mau mắn và quảng đại trước lời mời gọi của Đức Kitô là Đấng muốn họ bước theo Ngài cách sít sao nhất. Khi người môn đệ của Đức Giêsu đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để hiến thân mình trong ơn gọi linh mục hay bậc tu trì, thì đấy là một trong những hoa trái tốt đẹp nhất của cộng đoàn Kitô, giúp chúng ta hy vọng và tin tưởng vào một tương lai của Giáo Hội trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng. Điều đó luôn đòi hỏi cần phải có những người thợ mới để rao giảng Tin Mừng, để cử hành Thánh Thể và bí tích Hòa Giải. Vì thế, mong sao không thiếu những linh mục nhiệt thành, luôn biết đồng hành với các bạn trẻ như là những người “bạn đường” để giúp họ trên bước đường cam go và đen tối nhận ra được Đức Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống (x. Ga 14,6); với lòng can đảm của Tin Mừng, các linh mục cũng hãy trình bày cho các bạn trẻ nét đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô và các anh chị em của mình. Một khi các linh mục sản sinh được hoa trái qua một cuộc sống dấn thân nhiệt thành thì các ngài biểu lộ được ý nghĩa sung mãn nơi chính cuộc sống của mình, vì cuộc sống này được xây dựng trên niềm tin vào Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4, 19). Cha cầu chúc cho các bạn trẻ chúng con, giữa vô vàn chọn lựa nông cạn và chóng qua, biết theo đuổi ước muốn các giá trị đích thực, mục đích cao cả, chọn lựa căn bản, trong việc phục vụ tha nhân theo mẫu gương của Chúa Giêsu.
Các bạn trẻ thân mến, chúng con đừng sợ bước theo Chúa Giêsu trên những nẻo đường nhiều yêu sách, đòi phải can đảm để thực hiện đức ái và dấn thân quảng đại này. Như thế, các con sẽ hạnh phúc trong việc phục vụ, các con sẽ là những nhân chứng về một hạnh phúc mà thế gian không thể trao tặng, các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu bao la và vĩnh cửu, các con sẽ học được cách để “sẵn sàng trả lời về niềm hy vọng đang có nơi các con” ( 1 Pr 3, 15)
Tại điện Vatican, ngày 6 tháng 10 năm 2012
† Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
Lm Fr.X Nguyễn văn Cầnchuyển ngữ
từ : La DOCUMENTATION CATHOLIQUE
N. 2506, 17 Février 2013
trang 152 – 154