Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,
Để tuyên xưng và sống mầu nhiệm Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc, vị thế, cấu trúc và những thành phần làm nên dân này.
1. Dân Thiên Chúa.
Công Đồng Vaticanô II đã dành nguyên chương II (LG 9-17) của Hiến chế tín lý về Hội Thánh, “Lumen Gentium” để bàn tới mọi khía cạnh của Dân Thiên Chúa. Đây tôi xin sơ lược mấy điểm chính. Theo Công Đồng, nguồn gốc xa nhất của Dân Thiên Chúa là ý định cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng “cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG 9). Với ý định đó, sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham, hứa làm cho ông trở thành một “dân lớn”(St 12, 1-2). Sau này, khi đưa dẫn Israel ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã triệu tập họ tại chân núi Sinai, long trọng ký kết với họ một giao ước. Thiên Chúa nói với Moysê: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19, 5-7).
Công Đồng khẳng định thêm: “Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và là giao ước hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Kitô, … Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người kêu gọi đoàn người gồm cả Do thái và dân ngoại để họ nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa”.
Công Đồng khẳng định tiếp: “Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Đức Kitô, … dân này nhận lấy phẩm giá và sự tự do của con cái Chúa như là phẩm vị của mình, hơn thế còn được Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: yêu thương nhau như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa. Nước này đã được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được lan rộng hơn nữa cho tới khi được hoàn tất vào lúc thời gian kết thúc. … Vì thế, chính dân tộc thiên sai ấy, tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí, chỉ là một đoàn chiên nhỏ, lại chính là hạt mầm đầy năng lực đem lại sự hợp nhất, và là niềm hy vọng, là ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông trong sự sống, trong tình bác ái và trong chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16)”.
2. Dân Thiên Chúa là chính Giáo Hội
“Như dân Israel theo huyết nhục, lúc còn tiến bước trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Esd 13,1; Ds 20,4; Đnl 23,1tt), cũng vậy, dân Israel mới, đang khi lữ hành nơi trần thế vẫn hướng nhìn về thành đô tương lai là thành đô bất diệt (x. Dt 13,14) nên cũng được gọi là Giáo Hội của Đức Kitô (x. Mt 16,18), vì chính Đức Kitô đã chuộc lấy Giáo Hội bằng máu mình (x. Cv 20,28), đã đổ tràn Thần Khí của Người trên Giáo Hội, đã trao ban cho Giáo Hội các phương thế thích hợp giúp kiến tạo một cộng đoàn hợp nhất và hữu hình. Thiên Chúa qui tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu độ và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và là Đấng thiết lập họ thành Giáo Hội như bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu độ cho mọi người cũng như từng người . Bởi được đặt định trải rộng khắp trái đất, nên Giáo Hội hoà mình vào lịch sử nhân loại, trong khi vẫn siêu việt trên tất cả giới hạn thời gian và ranh giới chủng tộc. Tiến bước qua thử thách và bách hại, Giáo Hội được kiện cường nhờ sức mạnh của ơn Chúa đã được hứa ban để, cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa, và không ngừng canh tân chính mình dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi qua Thập Giá đạt đến ánh sáng không hề tắt.
3. Sống mầu nhiệm Giáo Hội như là Dân tư tế
Chúa Kitô đã làm cho đoàn dân mới thành một “vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6; x. 5,9-10). Vì thế, tất cả những môn đệ Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv 2,42-47), phải chứng tỏ mình là hy tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Khắp nơi trên trần thế, họ phải làm chứng về Đức Kitô và trả lời cho những người chất vấn họ về niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu (x. 1 Pr 3,15).
Tính cách thánh thiêng và cơ cấu của cộng đoàn tư tế được thực hiện qua các bí tích và các nhân đức. Được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ bí tích Thánh tẩy, các tín hữu lãnh nhận ấn tín để chuyên trách việc phụng tự Kitô giáo.
Nhờ bí tích Thêm Sức, họ được ban cho sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì thế, họ có bổn phận dùng lời nói và việc làm loan truyền và đồng thời bảo vệ đức tin như những chứng nhân đích thật của Đức Kitô .
Khi tham dự hy tế Thánh Thể, họ dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy . Từ đó, được bồi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong phụng vụ thánh, họ biểu lộ cách cụ thể sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa, được biểu thị cách hoàn hảo và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.
Những ai đến với bí tích Sám Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm xúc phạm đến Ngài, đồng thời cũng được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội, và Giáo Hội cùng hợp lực giúp họ hoán cải bằng đức ái, gương lành và kinh nguyện.
Qua bí tích Xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác những người yếu đau cho Chúa, để Người nâng đỡ và cứu chữa họ (x. Gc 5,14-16), hơn nữa, Giáo Hội cũng khích lệ họ sẵn sàng kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô để mang lại thiện ích cho đoàn dân Chúa (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13).
Những tín hữu được lãnh nhận chức thánh được thiết định nhân danh Đức Kitô để nên mục tử chăn dắt Giáo Hội bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa.
Sau cùng, nhờ sức mạnh của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32), họ giúp nhau đạt tới sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con cái. Sự kết hợp của các đôi vợ chồng làm nên gia đình, trong đó những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra và được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn Thánh Thần nhận được trong bí tích Thánh tẩy, để Dân Thiên Chúa tồn tại mãi qua các thế hệ. Trong gia đình như là Giáo Hội tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.
Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.
4. Sống mầu nhiệm Giáo Hội như là dân tiên tri.
Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào sứ vụ tiên tri của Đức Kitô, khi làm chứng cho Người bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng việc dủng miệng lưỡi dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng mà ngợi khen thánh danh Người, (x. Dt 13,15).
Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ “cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời của thánh Tông Đồ: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).
Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, làm Thầy dạy, làm Vua và làm Tư Tế, làm Thủ lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu. Cũng vì thế mà sau cùng, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến, là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm qui tụ và là nguyên lý hợp nhất toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu trong giáo lý của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42: bản Hy Lạp).
Như Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con cũng sai các Tông đồ (x. Ga 20,21) khi phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Từ các Tông đồ, Giáo Hội đã tiếp nhận mệnh lệnh long trọng của Đức Kitô truyền phải rao giảng chân lý cứu độ cho đến khi hoàn tất ở tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Do đó, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), vì thế Giáo Hội không ngừng sai phái các sứ giả Tin Mừng, cho đến khi các Giáo Hội trẻ được thiết lập hoàn chỉnh, để rồi chính họ sẽ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn những người nghe để họ đón nhận và tuyên xưng đức tin, giúp họ sẵn sàng lãnh bí tích Thánh tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, nhập hiệp họ vào Đức Kitô, để nhờ đức ái, họ tăng trưởng trong Người cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn.
Hoạt động của Giáo Hội không những không hủy mất mầm mống thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của con người, hoặc trong nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, nhưng chữa trị, nâng cao và hoàn thiện hoá những điều ấy để làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỷ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi người môn đệ Đức Kitô đều có bổn phận góp phần vào việc truyền bá đức tin .
Như vậy, Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ.
Anh chị em thân mến,
Trên đây là giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, một dân tư tế và tiên tri. Là thành phần của dân tư tế, chúng ta có bổn phận dâng lên Chúa Cha, không những của lễ tinh tuyền là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, nhưng cũng phải dâng chính bản thân chúng ta, gồm thân xác, linh hồn và mọi sinh hoạt, mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống hằng ngày để được kết hợp với của lễ của Chúa Kitô mà tôn vinh danh Chúa, đồng kéo ơn Chúa xuống hầu thánh hóa chúng ta và đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Là thành phần của dân tiên tri, chúng ta được mời gọi tham dự vào việc loan báo Chúa Kitô cho mọi người, thuộc mọi thời đại, để mọi người trên khắp cùng bờ cõi trái đất trở thành môn đệ Chúa Kitô, Đấng Cựu Độ duy nhất, và qua Người, tất cả được vào Nước Chúa, Nước vinh quang và tồn tại mãi tới muôn đời.
Anh chị em thân mến,
Tháng Năm cũng là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Chúng ta hãy giữ thói quen tốt lành đặc biệt này của Giáo Hội Việt Nam để bày tỏ lòng súng kính của chúng ta đối với Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta sống mầu nhiệm Giáo Hội sao cho đẹp lòng Chúa và sinh ích cho chúng ta và mọi người.
Thân ái chào toàn thể anh chị em.