09/03/2019 – Thứ Bảy Mùa Chay (Is 58, 9b-14; Lc 5, 27-32)
Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng. Đó là lúc người ta thông hiệp với nhau, nên một trong tình bạn. và cùng chia sẻ với nhau một thứ đồ ăn, thức uống.Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là điều không được phép, vì điều ấy sẽ khiến mình bị ô nhơ. Chúa Giêsu có vẻ không sợ chuyện này, khi Ngài nhận lời ăn tiệc chia tay do anh Lêvi khoản đãi. Bữa tiệc thật là lớn, có đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh. Trong số khách mời có cả các môn đệ. Chúa Giêsu dám đến nhà người tội lỗi và ăn với họ. Hẳn là Ngài rất vui và tự nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách. Chỉ có những người Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.
Ta quay lại với câu chuyện Chúa kêu gọi ông Lêvi. Chúa đã kêu gọi Lêvi : “Anh hãy theo tôi !”, ông không chần chừ mà đứng dậy mau mắn theo Người. Ông đã nắm chặt lấy cơ hội, không do dự, Ông quyết định làm lại cuộc đời… Ông tổ chức một bữa tiệc lớn mời Chúa Giêsu và các bạn bè của ông là những người bị xếp vào loại hèn mạt, tới gặp Chúa Giêsu cùng thân bằng quyến thuộc đến chung chia niềm vui và như nói lên quyết định quan trọng của mình, đồng thời cũng để từ giã họ mà đi theo Chúa.
Không phải tự nhiên mà Chúa Giêsu “bốc” Lêvi ra khỏi trạm thu thuế. Tính khẩn thiết của lời rao giảng “sám hối và tin vào Tin Mừng” khiến Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi, không chỉ Lêvi mà hết mọi người “đứng dậy” ra khỏi cuộc sống tội lỗi để “đi theo Người.” Và cũng chẳng phải vô tình mà Lê-vi “đứng dậy theo Người.” Ông đã được đánh động sâu xa bởi Chúa Giêsu chẳng những quên hết quá khứ tội lỗi mà còn tín nhiệm chọn gọi ông làm môn đệ của Ngài.
Những người thu thuế và tội nhân là những người đau yếu (c. 31). Những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc Giêsu. Vì mục tiêu của đời Chúa Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32), nên Ngài phải đến với họ, gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương. Chúa Giêsu cho họ thấy trái tim thật sự của Thiên Chúa. Không như người Pharisêu nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân. Chúa Giêsu cũng dành chỗ cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.
Và rồi ta thấy Thầy Giêsu kêu gọi anh Lêvi làm môn đệ phải được coi là một cuộc cách mạng lớn vào thời bấy giờ.Chẳng ai gọi một người thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình. Làm thế là hạ giá chính Thầy và cả nhóm môn đệ. Đức Giêsu đã vượt qua những biên giới ngăn cách rạch ròi giữa tội lỗi và công chính, giữa thanh sạch và ô nhơ. Người Do Thái thường không giao tiếp với các người thu thuế, họ bị coi là tội nhân vì làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam. Đức Giêsu chẳng sợ mời anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.” Ngài không nhìn anh bằng ánh mắt khác với các môn đệ kia. Chỉ một lời mời của Ngài đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách. Lêvi đã quảng đại đáp lại bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.
Trong bữa tiệc vui, Chúa Giêsu đã đồng bàn với những người thu thuế, bạn của ông Lêvi mà vào thời bấy giờ họ bị coi là người tội lỗi, bất lương, vì khi làm nghề thu thuế thì khó tránh khỏi gian tham, bóc lột, đút lót, hối lộ, lem nhem về tiền bạc nên bị mọi người oán ghét, ác cảm và bị đẩy xa bên lề xã hội. Ngài đồng bàn với họ là muốn chia sẻ, muốn nói lên tính thân thiện của Người với họ, ngồi đồng bàn với người tội lỗi, với mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hợp thâm sâu với con người.
Qua những trình thuật trong Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu tìm dịp để đến với tội nhân, Người đồng bàn với họ, Người lân la trò chuyện với họ để giúp họ vươn lên, Ngài tạo cơ hội để giúp họ làm lại cuộc đời.
Nhóm kinh sư và Pharisiêu thấy thái độ của Chúa như thế thì bực tức và tỏ ra bất mãn, họ trách cứ Chúa: “Sao Ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” nhưng Chúa Giêsu trả lời thật đơn giản, thích đáng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần …”. Thật vậy, người khỏe mạnh cần gì đến thầy thuốc, bác sĩ! Chỉ người bệnh hoạn, đau ốm , những người như ông Lêvi và các bạn hữu của ông mới là người cần Chúa hơn hết.
Chúa Giêsu thấu hiểu ý nghĩ xấu xa của những người Pharisêu nên bảo họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Dùng hình ảnh “người mạnh khỏe”, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến người Pharisêu là những kẻ luôn kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết Thánh Kinh và tuân giữ lề luật một cách máy móc, hình thức mà quên đi cái cốt lõi là tinh thần tuân giữ lề luật; chính vì thế, việc giữ đạo của họ trở nên giả dối, vụ hình thức và họ sống trong lầm lạc mà không biết. Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Trong khoảnh khắc gặp gỡ ánh mắt của Chúa Giêsu, ông nhận ra rằng đây là ngôn sứ của Thiên Chúa, một nhân vật mà dân chúng đang hết lòng ca ngợi vì những lời giảng dạy đầy khôn ngoan kèm theo các dấu kỳ phép lạ như: chữa lành nhiều bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ được cả ma quỷ. Lêvi hôm nay đã nhìn thấy được lòng thương xót của dành mình dù ông là kẻ tội lỗi. Cho nên, ông bỏ tất cả, đi theo Chúa vì ông biết rằng chỉ có theo Chúa, mình mới có thể trở nên người thánh thiện và hòa nhập cộng đồng. Vậy, sám hối không phải là việc một mình mình tự cứu lấy mình, mà là còn một tương quan giữa Thiên Chúa và tội nhân. Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy sám hối để mối tình của chúng ta với Thiên Chúa và giữa ta với tha nhân được mãi thắm nồng.
Chúa Giêsu chính là Đấng mà muôn dân đang trông mong chờ đợi; Người đến không phải để giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã nhưng để giải thoát nhân loại nói chung và dân Do Thái nói riêng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đam mê và dục vọng; Người loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng khoan dung, thương xót, Ngài đến không phải để luận tội nhưng để vạch ra cho chúng ta thấy thân phận yếu hèn, tội lổi của mình mà khiêm tốn thống hối, mà hoán cải để được ơn tha thứ.
Mùa chay là mùa sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa mà còn là giao hòa với tha nhân nữa. Xin Chúa cho chúng con sức mạnh nội lực để chúng con can đảm mau mắn đứng dậy trở về với Chúa trong kinh nguyện, sám hối và điều chỉnh lại quan hệ của chúng con với tha nhân, càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không, chúng con càng cảm nhận được ơn nhưng không của Thiên Chúa.
Như Lêvi xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng can đảm đứng dậy, bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, đam mê, lầm lạc để bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng, trở nên quà tặng đích thực cho mọi người.
Huệ Minh