Salômôn là con trai của Vua Đavít và bà Bethsabê, kế vị vua cha cai trị Giêrusalem. Ông trị vì từ năm 962 đến năm 922 trước Công nguyên. Tên ông trong tiếng hébreu có nghĩa là “hòa bình”, “thịnh vượng”. Ông không phải là con trưởng của vua Đavít và lên ngôi nhờ dùng thủ đoạn (xem 1 V 1-2).
Sau khi loại bỏ các đối thủ, Salômôn lên ngôi cai trị và đem lại hòa bình cho đất nước. Israel có được nền hòa bình trong nước cũng như với các quốc gia láng giềng. Thương mại bùng nổ đem lại thịnh vượng cho quốc gia. Tiền bạc dư đầy nên chẳng mấy ngạc nhiên khi ông cho xây những công trình vĩ đại trong số đó có cung điện hoàng gia và Đền Thờ. Salômôn khai thác các mỏ đồng ở miền Nam. Đôi khi muốn sớm kết thúc các công trình, ông áp đặt lao công khổ dịch đối với các nô lệ của xứ Canaan và ngay cả với người dân Israel.
Salômôn tổ chức nền hành chính quốc gia dựa trên khuôn mẫu Ai Cập. Đất nước được phân chia 12 miền không xếp đặt theo 12 chi tộc cốt để làm suy yếu quyền lực của họ. Nhà vua đảm trách mối quan hệ ngoại giáo với các quốc gia khác.
Salômôn có những mặt hạn chế: những cuộc hôn nhân với các công chúa ngoại quốc; chấp nhận thần thánh của họ; xây dựng những hậu cung xa hoa. Lơ là với việc thờ phụng Giavê, nền hành chánh quá tập quyền, điều đó đã phân chia đất nước ra làm hai và ly giáo là điều không tránh khỏi.
Thời đại Salômôn được ghi dấu với nền văn chương đã khai sinh ra truyền thống yahviste (trình thuật sáng tạo Ađam và Eva thuộc truyền thống này). Người ta cũng gán cho Salômôn là cha đẻ của phong trào khôn ngoan.
Ông cưới quá nhiều vợ! Không kể các bà vợ người Do Thái, ông kết hôn với các phụ nữ ngoại quốc người Moabite, người Ammonite, người Édomite, Sidon, Hittite và cưới cả con gái của Pharaon.
Các bà này xuất xứ từ những quốc gia mà Thiên Chúa đã nói với con cái Israël: “Các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của chúng”. Salômôn có đến 700 bà vợ chính thức và 300 thê thiếp (xem 1 V 11, 2-3).
Đa thê được chấp nhận trong thế giới Kinh Thánh. Tất cả các vua Israël đều có nhiều vợ nhưng nhiều như Salômôn thì vô địch. Cứ hãy tưởng tượng ông phải mất đến 3 năm mới giáp mặt lại bà đầu tiên, và đó mới chỉ là cách tính … lý tưởng!
Salômôn có thật sự cưới ngần ấy bà vợ không? Con số 1.000 có giá trị biểu trưng trong Kinh Thánh, đơn giản là nói đến một số lượng rất lớn. Con số này muốn gây ấn tượng bởi vì mục đích của tác giả chỉ để làm chúng ta thất kinh! Ở chương trước trong sách Các Vua, tác giả nói đến sự giàu có của vị đại vương này. Các bà vợ là một phần trong tài sản của ông. Và để chu cấp cho các bà này thì cần phải có rất nhiều tiền: họ đòi hỏi quần áo, trang sức và rất nhiều … sự chịu đựng!
Các bà đến từ các quốc gia khác, có thể hiểu đây là những cuộc hôn nhân «chính trị» với mục đích liên minh với thủ lĩnh các quốc gia láng giềng. Đó là phong tục cần phải theo để được sống yên ổn với lân bang chứ chẳng thể nào sống … yên ổn được với ngần ấy bà vợ!
Khi về già, các bà thường lèo lái tâm hồn Salômôn hướng về các thần thánh khác, xa lìa Thiên Chúa, trái hẳn với tinh thần của phụ vương Đavít. Salômôn đã thờ lạy thần Astarté, nữ thần của Sidon, và thần Milkôm của người Ammonite. Salômôn đã trở nên xấu xa trước mặt Thiên Chúa chứ không như Đavít, cha của ông. Chính Salômôn xây dựng trên núi đối diện với Giêrusalem một nơi thờ phượng thần Kemosh của người Moab, và thần Molek của người Ammon. Ông xây đền thờ thần cho hết các bà vợ ngoại quốc: các bà dâng hương và của lễ lên thần thánh của họ (1 V 11, 4-8).
Salômôn không chỉ xây đền thờ kính Thiên Chúa ở Giêrusalem và còn xây điện kính các thần thánh khác cho các bà vợ cũng như các thương gia ngoại quốc, để giao hảo với các lân bang. Điều này đã làm hoen ố sự tinh tuyền của đức tin vào một Thiên Chúa chân thật của Israël. Vậy thì vấn đề của Salômôn không phải là có quá nhiều vợ nhưng là các bà đã lèo lái ông xa lìa Thiên Chúa chân thật duy nhất.
Ta thấy ở đây có mối quan tâm của người soạn thảo Sách Thánh khi từ cuộc lưu đầy Babylone trở về. Khi người Do Thái trở về Giêrusalem và xây dựng Đền Thờ, họ quyết liệt xây dựng căn tính dân tộc dựa vào đức tin nơi Giavê, Đấng mà họ ký kết giao ước. Trình thuật các bà vợ của Salômôn được kể lại cốt để đả phá những cuộc hôn nhân hỗn hợp. Sau khi trở về từ cuộc lưu đày, hôn nhân với các bà vợ ngoại quốc được xem như là mối nguy cơ cho sự tinh tuyền của nòi giống và đức tin. Bản văn đã hai lần so sánh sự thua kém của Salômôn đối với Đavít, cha của ông: Đavít luôn trung thành với Thiên Chúa. Ta biết rằng Đavít không phải là một thiên thần. Tuy nhiên, dầu phạm tội ngoại tình và sát nhân, ông vẫn không bao giờ xây đền cho các thần thánh nào khác. Chính vì thế, Đavít vẫn luôn là vị vua trung thành mẫu mực với Thiên Chúa và là mẫu gương cho các vua khác noi theo, thậm chí còn là tổ phụ của Chúa Giêsu.
theo Sébastien Doane, interbible
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên dịch