CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Bài đọc 1: Đnl 30,10-14; Bài đọc 2: Cl 1,15-20; Phúc Âm: Lc 10,25-37
Sống trên đời nếu ai đó không sống, không cảm nghiệm tình yêu thì khó lòng có thể hiểu tình yêu là gì! Thường người ta thích, cảm tình với người yêu mình, với người thiện cảm hay quan tâm tới mình. Tuy nhiên đối với người môn đệ của Chúa, người Kitô hữu, Chúa đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn nữa. Chúa bảo chúng ta phải yêu hết mọi người, chính bản thân mình, yêu thương ngay cả thù địch. Ðức Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn…”, đối với người lân cận, chúng ta hãy xem Chúa đưa ra dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu để trả lời vị thông luật, cũng như cho mọi người qua muôn thế hệ là “hãy yêu mến người thân cận như chính bản thân mình”. Ðúng là một đòi hỏi đầy tình nghĩa, một sự đáp trả đầy tình thương, đầy tình người…
Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu mang ý nghĩa cao vời, nhân văn sâu xa và đầy tình yêu thương, bác ái. “Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp đánh?”, Chúa đặt câu hỏi với người thông luật và ông đã mau mắn thưa lại với Chúa Giêsu: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Chúa Giêsu bảo ông: “… Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37). Người Samaritanô nhân hậu đã không chỉ nói trên đầu môi chóp lưỡi, nói mà không làm. Ông đã thi hành đức ái và tình thương tuyệt vời đối với người bị cướp đánh dở sống dở chết. Ông đã nói và hành động. Ngôn hành đi đôi. Người Pharisêu, người Do Thái đã quy định tình yêu thương đối với người khác. Họ bóp méo giới luật yêu thương của Thiên Chúa. Họ chỉ yêu phe họ, những người yêu họ, thiện cảm với họ. Chúa Giêsu qua dụ ngôn này đã phá đổ rào cản mà các Kinh sư, Luật sĩ, Pharisêu núp bóng để tránh thực thi luật bác ái yêu thương. Trong đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy cái trớ trêu của các thầy Tư tế và Lêvi, những thầy dạy sống yêu thương lại tránh lối khác mà đi khi đối diện với người bị nạn. Sở dĩ họ làm như vậy vì chỉ nói mà không làm, sợ bị lây nhiễm, phiền hà, sợ đụng vào xác chết, sợ bọn cướp và nhất là chỉ nói ngoài môi miệng, sống giả hình… Còn người Samaritanô dù là người ngoại giáo, không phải là chức sắc, chức việc, nhưng ông đã biết dừng lại để làm cái điều mà tiếng lương tâm đòi buộc là thực thi tình nhân loại, đức thương người. Hành động của người Samaritanô thật cao quý biết bao, vì ông đã vượt qua giới hạn mà các thầy Tư tế và Lêvi phải làm nhưng đã không làm. Vâng, người Samaritanô đã trở nên bạn với người bị nạn. Bởi vì, người ta có thể trở nên huynh đệ, anh em với nhau khi con người biết cảm thông, quảng đại, tha thứ… Vì yêu thương không có nghĩa là cho tha nhân tiền của, vật chất, nhưng là sống bác ái với nhau. Thầy Tư tế và Lêvi đã sống hoàn toàn xa lạ đối với người đồng loại, họ đã làm ngơ với người bị nạn khi hằng ngày họ vẫn rao giảng sống bác ái yêu thương. Ngôn hành của họ thực bất nhất. Họ nói mà không làm đúng như lời Chúa nói.
Chính vì thế, có sống yêu thương, con người mới hiểu được hai chữ yêu thương. Người Samaritanô nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vì yêu thương nhân loại, Người đã hóa kiếp làm người để sống vì, sống cho nhân loại, sống cho con người. Người đã hủy mình ra không, sống khó nghèo, làm tất cả mọi sự, thậm chí làm những việc vượt quá sự mong đợi của con người, miễn sao con người được hạnh phúc. Chúa Giêsu chính là quà tặng tình yêu vô giá Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, cho con người. Tình yêu của Chúa chính là sự tự hiến chết cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Ðạo Công giáo là Ðạo tình yêu. Người Kitô hữu phải thể hiện Ðạo Tình Yêu bằng chính đời sống bác ái yêu thương của mình theo gương Ðức Giêsu. Mỗi Kitô hữu phải sống tình yêu thương bác ái bằng những việc làm cụ thể, bằng những hành động tỏa sáng. Nếu không, họ chỉ là Kitô hữu giả hiệu như thầy Tư tế và Lêvi đã rao giảng tình thương nhưng không sống tình thương. Yêu thương là tự hiến, hy sinh chết đi cho người yêu được sống.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm gương cho chúng con bằng chính sự hy sinh tự nguyện, dám chết cho nhân loại, cho chúng con để cho tất cả người Chúa yêu được sống. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết sống như Chúa, để khi gặp họ cũng nhận ra Chúa đang hiện diện trong chúng con.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCTT