Bài đọc: Eph 4:7-16; Lk 13:1-9.
Khi nhìn vào một sự kiện xảy ra, mỗi người có một nhận xét khác nhau: có người cho là hay, có người cho là dở, có người chẳng cho là hay và cũng chẳng cho là dở. Hay hoặc dở tùy vào trình độ hiểu biết của mỗi người; vì thế, cần phải nghiên cứu để hiểu rõ vấn đề trước khi phê phán. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu hiểu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa và vai trò của mỗi người trong kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách sự hiểu biết sai về liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt của một số người qua 2 sự kiện: (1) những người Galilee bị Tổng Trấn Philatô giết, và (2) 18 người bị tháp Siloah đè chết.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa
1.1/ Thiên Chúa ban cho mỗi người một ơn gọi khác nhau: Thánh Phaolô quả quyết: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho.” Để dẫn chứng thực tại này, Thánh Phaolô trích dẫn lời của Thánh Vịnh 68:18 với một sửa đổi quan trọng: “Người đã lên trên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người.” Trong khi vế hai của Thánh Vịnh 68:18 viết, “… Người đã nhận lễ vật giữa lòai người.” W. Barclay cho một nhận xét rất hay về sự sửa đổi này: “Trong Cựu Ước, Vua chiến thắng khải hòan về có quyền đòi hỏi và nhận quà từ dân. Trong Tân Ước, Đức Kitô sau khi đã chiến thắng khải hòan lại dâng và ban quà cho dân. Đây chính là sự khác biệt nền tảng giữa 2 Giao Ước: Trong Cựu Ước, một Thiên Chúa ghen tương nhấn mạnh đến nhận lễ vật từ dân; trong Tân Ước, một Chúa tình thương tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống trên dân. Đó mới thực sự là Tin Mừng.”
Đâu là quà tặng mà Đức Kitô ban thêm cho con người? Thánh Phaolô liệt kê một số những ơn gọi chính:
(1) Kẻ này làm Tông Đồ: Ngòai Nhóm Mười Hai, Chúa còn chọn nhiều môn đệ và các Tông Đồ khác để sai đi như Phaolô, Barnabas …
(2) Người nọ làm ngôn sứ: Ngôn sứ là những người nói thay cho Thiên Chúa. Mặc dù ngôn sứ theo nghĩa hẹp đã chấm dứt sau khi Gioan Tẩy Giả đến, nhưng theo nghĩa rộng tất cả những ai nói Lời Chúa đều là những ngôn sứ của Ngài.
(3) Kẻ khác làm người viết Tin Mừng: là 4 Thánh Ký: Matthew, Marco, Luca, và Gioan. Cũng có thể mở rộng để bao gồm Phaolô và những tác giả khác của Tân Ước.
(4) Kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ: Đây là nhiệm vụ của các chủ chăn trong Giáo Hội: Đức Giáo Hòang, các Giám Mục, các linh mục.
1.2/ Cho một mục đích: Mặc dù ơn gọi Chúa ban cho mỗi người khác nhau, nhưng tất cả đều nhắm một mục đích: “là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.” Đứng trước Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, con người có tự do lựa chọn hai lối sống:
(1) Sống theo sự gian dối và chia rẽ: Thánh Phaolô ước mong các tín hữu đừng chọn lối sống này: “Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường.” Chẳng hạn: vì ham danh, một số người đòi quyền để làm những gì người khác làm.
(2) Sống theo sự thật và trong tình bác ái: Thánh Phaolô mong ước cho các tín hữu: “Chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.”
2/ Phúc Âm: Nếu các ông không sám hối, các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
2.1/ Xét mình thay vì xét người: Đâu là sự liên quan giữa đau khổ và tội lỗi? Có 2
cách nhìn: của thế gian và của Thiên Chúa. Theo cách nhìn của thế gian: đau khổ phải chịu là do tội lỗi gây lên, “Ác giả ác báo, tội càng lớn đau khổ càng nhiều.” Theo cách nhìn của Thiên Chúa: đau khổ có thể không do tội lỗi. Chẳng hạn, có người hy sinh chịu đau khổ cho người khác được sống (Chúa Giêsu), hay để vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện (Job, người mù từ lúc mới sinh). Chúa Giêsu dẫn chứng 2 ví dụ:
(1) Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Chúa Giêsu hỏi khán giả: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
(2) Mười tám người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi cho khán giả: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành
2.2/ Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa: Thay vì làm việc vô ích như xét đóan tội lỗi của người khác, Chúa Giêsu muốn con người làm việc ích lợi hơn là xét đóan chính mình qua dụ ngôn cây vả không sinh trái: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.””
Thiên Chúa sẽ kiên nhẫn chờ đợi để con người sinh hoa kết quả; nhưng nếu con người vẫn không sinh trái, Ngài sẽ chặt đi và lấy chỗ cho người khác để sinh trái cho Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần hiểu biết tường tận Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa và vai trò của mỗi người chúng ta trong Kế Họach này.
– Đừng ghen tị đòi làm những gì người khác làm, nhưng biết chu tòan ơn gọi Chúa ban, để cùng với mọi người, đưa Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ viên mãn.
– Đừng nhìn chung quanh để dò xét và kết án người khác, nhưng hãy tự xét mình để xem mình đã sinh hoa kết trái tương xứng với những hồng ân Thiên Chúa đã ban chưa?
Anthony Đinh Minh Tiên, OP