Chính vì họ cho niềm tin của họ cho là đúng đắn, niềm tin của họ là nhất để rồi họ bắt đầu truy vấn Chúa Giêsu về luật Môsê. Họ đặt thẳng vấn đề rằng khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con, thì người anh chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Đây là một cuộc tranh luận quan trọng giữa Chúa Giêsu và phái Sađốc, một giáo phái phủ nhận đời sống mai hậu, đời sống vĩnh cửu. Họ phủ nhận mọi giáo thuyết của các nhà hiền triết và các ngôn sứ giảng dạy. Điển hình là việc kẻ chết sẽ sống lại trong ngày sau hết.
Nhóm Sađốc trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay là những người không tin có sự sống lại. Họ đến với Chúa Giêsu và đơn cử một trường hợp cụ thể để qua đó, buộc Chúa Giêsu phải giải thích lập trường của Ngài, và cũng để chứng minh với Chúa Giêsu chuyện sống lại là vấn đề vô lý. Họ thí dụ rằng: một người đàn ông lấy vợ nhưng chết đi mà vẫn chưa có con. Người thứ hai, thứ ba… và cả thảy bảy anh em đều lần lượt lấy nàng làm vợ, đều chết và vẫn không có con nối dòng. Vậy trong ngày sống lại, nàng sẽ là vợ của ai trong bảy người từng là chồng của nàng? Thật sự ra mà nói, những người này chỉ đùa giỡn với sự thật mà thôi. Họ hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật.
Thật ra mà nói, Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ. Giản đơn Chúa Giêsu thấy họ là những người vốn liếng Kinh Thánh chẳng có là bao và họ cũng không hiểu biết quyền năng của Thiên Chúa. Kế đến, ta thấy hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này.
Với tất cả những điều đó, Chúa Giêsu nói rõ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh vì Kinh Thánh nói đến sự sống lại. Thật vậy, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: “Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob”, Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.
Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Nhiều người thời nay vẫn quan niệm dương sao âm vậy, nghĩa là khi sống ăn uống, sinh hoạt làm sao, thì khi chết cũng vẫn như vậy. Những người thuộc nhóm Sađốc xưa cũng nghĩ như thế khi họ đưa ra vấn nạn một người phụ nữ đã cưới bảy đời chồng, khi chết sang thế giới bên kia sẽ là vợ của ai. Họ muốn “đánh đố” Chúa Giêsu để dựa vào đó mà bác bỏ niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau. Đây là dịp thuận tiện để Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta giáo lý về sự sống đời sau trên Nước Chúa: Lúc đó, con người không còn ăn uống, không còn lấy vợ lấy chồng nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.
Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.
Tin vào sự sống đời sau, và muốn được sống mãi trong đời sống mới là khát vọng của cả nhân loại. Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của cuộc đời mai hậu với một thực tại siêu việt, thần thiêng. Và hơn nữa Ngài còn mời gọi chúng ta đi vào chung hưởng cuộc sống đó trong tình thân với Ngài.
Cuộc sống đời sau vẫn là một thách đố cho niềm tin của con người. Thật sự, ai cũng muốn biết một cách tỏ tường về tình trạng của mình sau cuộc sống ngắn ngủi ở đời này. Và thực tế, nhiều người vẫn không tin có đời sau. Đối với họ, chẳng có gì hay chẳng còn gì sau cái chết.
Xin Chúa thương soi lòng mở trí để ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Và rồi, ta xin Chúa cho ta biết trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.
Huệ Minh