Sau khi “xé lòng”, chúng ta được chính Chúa Giêsu kêu mời thực hành ba việc hết sức cụ thể: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Tuy nhiên, để làm tốt ba việc này, chúng ta hãy ghi khắc trong tâm trí mình tinh thần của Chúa Giêsu : “Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy; chẳng vậy, các ngươi mất công nơi Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 1).
Ta thấy Chúa Giêsu đã cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí: Những việc đạo đức ấy vừa tốt vừa cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tâm tình khi làm những việc đó: chỉ nên làm vì lòng mến Chúa yêu người. Trái lại, nếu chỉ làm vì mong được tiếng khen của người đời thì tất cả sẽ trở nên vô ích.
Thánh Matthêu mời gọi chúng ta hãy thật sự trở về với Chúa, để một mình ta đối diện với Chúa, ở đó chỉ có Thiên Chúa “Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh” tất cả những gì anh đã hy sinh chỉ để nhằm đoạt được riêng Người mà thôi!
Thái độ phô trương, tự đắc trong khi làm việc lành là không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Một bộ mặt rầu rỉ, thiểu não, ủ dột khi ăn chay cũng không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Một kiểu cầu nguyện cốt để che đậy những suy nghĩ không tốt ẩn trong tâm địa ích kỷ cũng hoàn toàn ngược lại với tinh thần Tin Mừng.
Thật vậy, nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi, một hình thức phải mang tải một nội dung sống động mới có sức hút thật sự. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi. Cũng vậy, việc xức tro sẽ là vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối. Sẽ chỉ là những giọt nước mắt trên sân khấu hay giọt nước mắt cá sấu nếu chúng ta không thật sự khóc cho chính tội lỗi của mình.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh những thói hư tật xấu làm cản trở chúng ta trên con đường về Nước Trời. Một trong những tính xấu độc hại đó là tính phô trương. Chúa Giêsu cũng lấy ba việc thiện của Do Thái Giáo để dẫn chứng về nền đạo đức đích thực, và thiết lập một sự song đôi giữa luật Maisen với những đòi hỏi mới mẽ mà Ngài đề xuất. Nó bao gồm ba chiều kích: Bố thí đối với tha nhân, cầu nguyện đối với Thiên Chúa, ăn chay đối với bản thân ( Đnl 15, 7 – 11 ).
Ba lãnh vực này tiêu biểu cho cả cuộc sống. Điều cốt yếu cho cả ba trường hợp vẫn là yếu tố nội tâm, sống thật, sống trước mặt Chúa, với ý hướng ngay thẳng là thi hành ý Chúa, làm vì Chúa chứ không vì mình hay vì ai khác, làm kín đáo không phô trương, nó đối lập với thái độ của Biệt Phái.
Về việc bố thí: Chúa Giêsu khuyên nhủ “đừng phô trương như bọn đạo đức giả”. Phải kín đáo, âm thầm, khiêm tốn đến mức không cho tay trái biết việc tay phải làm. Phô trương bên ngoài là tìm danh lợi trước mặt người đời, làm cốt cho người ta khen, Chúa kể như họ đã được người ta thưởng công rồi.
Về việc cầu nguyện: Chúa Giêsu cũng dạy “đừng phô trương như bọn giả hình. Hãy vào phòng đóng cửa lại”. Chúa muốn dạy chúng ta: Khi cầu nguyện phải hồi tâm, tự đặt mình trước mặt Chúa trong chính lòng mình, nhờ lòng tin, cậy, mến, thiếu nó thì không thể cầu nguyện thực sự được. Điều này đòi hỏi khi cầu nguyện phải có ý ngay lành chứ không được giả hình.
Về vấn đề ăn chay: luật Do Thái, ăn chay để đền tội, tỏ ra buồn sầu để tỏ lòng chê ghét tội. Thái độ sầu thảm với ý ngay lành Chúa không chê, điều Chúa lên án và dạy từ bỏ là cái ý muốn được khen khi giữ chay. Chúa dạy sự kín đáo bằng việc rửa mặt, chải tóc, xức dầu thơm. Việc thanh tẩy và thánh hóa bản thân là khắc phục bản thân để hoàn toàn thuộc về Chúa trong phẩm giá làm con Chúa.
Chúng ta vẫn được mời gọi sám hối, từ bỏ tội lỗi và trở về với Chúa: Không những từ bỏ tội lỗi mà còn phải làm nhiều việc lành, đặc biệt là các việc lành Chúa Giêsu đã đưa ra: Có việc làm về tha nhân như bố thí, là phục vụ tha nhân trong mọi nhu cầu của đời sống họ. Có việc lành về Chúa như cầu nguyện, là bổn phận của ta đối với Chúa, nghĩa là trong mùa chay, chúng ta phải dành nhiều thời giờ hơn nữa trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Có việc lành về bản thân như chay tịnh là bổn phận thanh tẩy và thánh hóa bản thân là khắc phục bản để hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúng ta còn phải thực hiện các việc lành theo tinh thần Chúa Giêsu dạy, là phải tránh mọi thứ phô trương, nó làm hại chúng ta, vì ta làm cốt để người ta khen thì đã lãnh được phần thưởng ở đời này do người đời ban cho rồi.
Và như vậy ta phải kiểm xét lại tinh thần khi chúng ta làm việc đạo đức, hay khi làm việc thiện, làm công việc tông đồ truyền giáo của mình. Chúa dạy chúng ta phải làm thật kín đáo, đến nỗi nếu tay trái có mắt nó cũng không thể thấy việc tay phải làm; như thế thì Chúa có mặt trong cỏi thâm sâu nhất của con người, thấy rõ sự. Chúa sẽ trả lại, sẽ thưởng công cho chúng ta.
Nhiều khi ta không phô trương cách thô thiển, huỵch toẹt, ta chỉ phô trương cách khéo léo thôi. Song, đằng nào thì cũng là phô trương – và trước mặt Chúa, những “việc lành phúc đức” ta làm sẽ hoàn toàn mất chất. Để tránh bẫy phô trương, ta phải chặn cái ý nghĩ “mình có công phúc” hay “mình tốt lành” ngay từ trong lòng mình. Một vị thánh là thánh cho tới khi vị ấy biết mình là một vị thánh. Chúa dạy ta nhớ mình là tôi tớ vô dụng, nếu có làm được gì thì đấy chỉ là bổn phận mà thôi (x. Lc 17,10).
Dựa vào ba công việc Chúa Giêsu dẫn chứng, và tinh thần thực hiện như Chúa Giêsu dạy ta cố sống những gì Chúa mời gọi.Xin Chúa ban cho chúng ta có thiện chí và có sức mạnh thiêng liêng để sống mùa chay có kết quả, xứng đáng được nhận ơn Phục Sinh Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta trong cuộc Vượt Qua của Ngài.
Huệ Minh