Như vậy, tinh thần ăn chay theo Cựu Ước không còn phù hợp nữa, nhưng đòi buộc phải thay đổi. Phải có một tinh thần ăn chay mới là đổi mới đời sống, không còn cậy dựa vào hình thức bên ngoài, mà cần phải đi sâu vào trong mối tương quan với Đức Giêsu.
Người đạo đức ở vào thời nào cũng thế, ăn chay là một điều kiện không thể thiếu. Nhưng trang Tin Mừng hôm nay lại không cho biết họ đang thuộc vào thời gian chay tịnh nào, mà Pharisêu và môn đệ Gioan lại giữ chay, nhưng môn đệ Chúa Giêsu lại không. Những người chuyên công kích Chúa đã chộp ngay cơ hội để bắt bẻ Chúa.
Khi các môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu giải thích cho họ biết thêm vì “khách dự tiệc cưới không thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”.
Chúa Giêsu không vội trả lời trực tiếp, nhưng lại trả lời gián tiếp qua hai cách nói ẩn dụ “Tân lang”. Với hình ảnh ẩn dụ này, Chúa ám chỉ là chính Chúa Giêsu. Hình ảnh đám cưới chính là ơn cứu độ do Chúa đem đến, bạn bè của chú rể là các môn đệ. “Rượu mới”: là Luật mới do Chúa mang đến. “Áo cũ, bình cũ” là Lề Luật cũ do bọn Do Thái chỉ nắm giữ bằng mặt chữ mà trong lòng không có gì!
Ý Chúa muốn trả lời cho bọn họ, tại sao các môn đệ Chúa không giữ chay? Bởi vì Chúa đang hiện diện ở giữa họ, Ngài đang mang lại ơn cứu độ, mang lại niềm hạnh phúc sâu xa tràn ngập, thế thì làm sao lại phải ăn chay với tâm hồn sầu thảm, khóc lóc? Chúa muốn bảo họ hãy chờ đến khi “chú rể” không còn hiện diện nữa, tức là Chúa đi vào con đường Thập Giá tử tội, thì họ sẽ buồn khóc cũng đâu có muộn! Đây có lẽ là lời công bố cuộc khổ nạn sớm nhất so với các sách Tin Mừng khác.
Khi khẳng định điều này, Chúa Giêsu quả là một người quan sát tinh tế vì ở thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Chúa Giêsu còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ lề luật để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì việc ấy có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì nào có ích gì.
Hình ảnh áo vá và rượu trong bầu da hình như không còn quen thuộc lắm nữa. Nếu Chúa nói chuyện với mọi người hôm nay, hẳn Ngài sẽ dùng những hình ảnh khác. Dù sao, cốt lõi sứ điệp vẫn rất rõ: Cần thích nghi để phù hợp! Ngữ cảnh ở đây là sự giải thích của Chúa Giêsu: Vì chàng rể đang hiện diện, nên các bạn hữu không ăn chay. Như vậy, chính sự hiện diện của Chúa Giêsu, tức của Tin Mừng, của Nước Trời, làm nên yếu tố mới mẻ và đòi người ta phải ứng xử phù hợp với yếu tố mới mẻ này.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông … Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Chúng ta luôn sa ngã phạm tội, bởi đầu óc của ta cứ suy nghĩ và sống theo thói quen cũ. Xin Chúa giúp cho ta đổi mới cách nghĩ, cách nói, cách làm để ta trở nên con người mới.
Huệ Minh