Trang Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về chuyến thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với ông Giacaria (Lc 1, 5-25). Thánh Luca đặt lần thăm viếng này trong cách mà chúng ta có thể đọc cả hai văn bản một cách chăm chú, để chúng ta có thể cảm nhận được sự khác biệt nhỏ và có ý nghĩa giữa lần thăm viếng này và lần kia, giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ta hãy tìm kiếm và khám phá ra những khác biệt giữa lần thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với ông Giacaria và với Đức Maria.
Thời Hêrôđê trị vì, có nhà tư tế thuộc nhóm Avia, có ông Giacaria và cả vợ ông… là người sinh ra Thánh Gioan, tuy họ đang trong thời điểm cao tuổi và hiếm muộn.
Thiên Chúa đã can thiệp vào đời tư của 2 ông bà. Ngài thực hiện chương trình cứu độ của Ngài ngay trong dòng lịch sử nhân loại, với những con người bị coi là một hình phạt, là một điều xỉ nhục. Giacaria đã bắt thăm trúng phiên dâng hương và thay than trên bàn dâng hương trong Nơi Cực Thánh.
Đây là một vinh dự hiếm có vì số tư tế quá đông. Người dâng hương sẽ thay mặt toàn dân để dâng lời cầu khẩn lên Thiên Chúa, xin Ngài ban Đấng Mêsia đến Cứu độ nhân loại. Khi vào dâng hương, ông Giacaria gặp một sứ thần của Thiên Chúa đứng bên phải hương án (.c.11). Đây là một cuộc thần hiện thường xảy ra trong Cựu Ước. Ông bối rối và sợ hãi (c.12) đó cũng là tâm lý thường tình khi con người đối diện với lãnh vực Kinh Thánh. Sứ thần đã trấn an ông “ Đừng sợ…” .
Sau đó sứ thần loan báo cho ông một Tin Mừng : ông sẽ có một con trai. Niềm mong mỏi mà ông chờ bấy lâu, nay Thiên Chúa đã thực hiện. Nhưng tên con trẻ sẽ đặt theo ý của sứ thần, vì đó là một sứ mạng cao cả dành cho con trẻ. Sự sinh ra của con trẻ sẽ làm cho nhiều người vui mừng, kể cả ông bố nữa. Vì ngoài sự vui mừng trong nỗi hiếm muộn, sứ vụ của con trẻ sẽ dẫn đưa nhiều người về cùng Thiên Chúa và chuẩn bị mọi tâm hồn sẵn sàng đón Chúa. Để được như vậy, bà mẹ phải kiêng cữ rượu và các chất có men, ý nói về nếp sống hy sinh khổ hạnh của vị tiên tri của Chúa.
Sự kiện ông Dacaria và bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn sinh con như lời sứ thần loan báo trong bài Tin Mừng, có tương quan đặc biệt đối với lịch sử cứu độ và đối với lời “xin vâng” của Đức Maria, vốn làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.
Sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng vẫn có thể mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi vì sự kiện này nhắc nhớ cách hành động của Đức Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham
Sứ điệp đầu tiên của Thiên Thần Chúa với ông Giacaria là: “Đừng sợ!” Cho đến bây giờ, Thiên Chúa vẫn còn khiến cho nhiều người sợ hãi va cho đến bây giờ sứ điệp vẫn còn có giá trị: “Đừng sợ!” Ngay lập tức, Thiên Thần Chúa nói thêm: “Lời cầu nguyện của ông đã được nhậm lời!” Trong cuộc sống của chúng ta, mọi việc là kết quả của lời cầu nguyện!
Ông Giacaria đại diện cho Cựu Ước. Ông tin, nhưng đức tin của ông yếu ớt. Sau lần thiên thần hiện ra, ông vẫn không nói được, không có khả năng thông tri với người ta. Cách thức mà trong đó chương trình cứu độ, được biết đến bởi ông Giacaria, cách đã được mặc khải cho đến thời điểm ấy, đã cạn kiệt mọi nguồn lực của mình, trong khi Thiên Chúa đã bắt đầu một giai đoạn mới cùng với Đức Maria.
Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc “tĩnh tâm” dài ; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng “Gioan”.
Như vậy, cuối cùng đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian “cưu mang” Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng : “Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (c. 23-25)
Tin Mừng nêu bật giá trị của thinh lặng. Thiên Chúa nói trong thinh lặng. Ông Dacaria bị câm sau khi ông chất vấn thiên thần về khả năng có thể sinh con của vợ mình. Bà Êlisabét yên lặng ẩn mình trong năm tháng, thích thú tận hưởng những kỳ công của Chúa làm cho hai ông bà.
Ông Dacaria không nói được nữa. Ông Dacaria và bà Êlisabét đã được Thiên Chúa chúc phúc. Ngài đã ban tặng cho họ có được một người con. Thiên Chúa đã cất khỏi hai ông bà nỗi khổ nhục của sự hiếm hoi, son sẻ.
Ta hãy tìm thời gian trò chuyện với Thiên Chúa trong thinh lặng của tâm hồn để ta không quá bận tâm vào việc sẽ ăn gì, mặc gì, hay sẽ tổ chức lễ hội ở đâu. Ta cũng hãy dừng lại trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Khi ta phải có một quyết định nghiêm túc, khi phải hành động hay phát biểu về một vấn đề tinh tế, ta hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trong thinh lặng cầu nguyện.
Huệ Minh