Khi cho một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Gioan đã làm tròn sứ mạng đó, cho nên dù chết sớm, Gioan cũng hoàn thành tốt đẹp ý nghĩa và sứ mạng của đời mình.
Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.
Việc cưu mang và hạ sinh Gioan trong dạ của một phụ nữ đã quá hiếm muộn là không thể được, nhưng Thiên Chúa đã dùng quyền năng thương xót của Ngài trước hoàn cảnh hoàn toàn bất lực của con người để đem lại niềm vui lớn lao cho con người; đồng thời qua trẻ này Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài bằng sự chuẩn bị, sẵn sàng cho Đấng Thiên Sai đến để cứu độ dân Người. Vì thế, Gioan sau khi sinh ra có những dấu hiệu hết sức lạ lùng và ngạc nhiên, đến nỗi láng giềng và người thân thích không ai hiểu nổi, nhất là việc đặt tên cho con trẻ là Gioan.
Câu chuyện bà Êlisabét được sinh con, cho mỗi người chúng ta thấy được khát vọng của người phụ nữ, thấy được giá trị của họ, đồng thời thấy được vinh dự khi họ được làm mẹ; trong sách 1 Samuen: “Bà Anna đứng dậy sau khi họ đã ăn uống tại Silô. Tư tế Êli đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ của Đức Chúa. Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó” (1Sm 1,9-11).
Thiên Chúa can thiệp đặc biệt nơi bà Êlisabét để bà có đứa con trong tuổi già. Đây là ân huệ hết sức lớn lao và có tính nền tảng: hồng ân sự sống! Ta chúc tụng Chúa cùng với bà con láng giềng của bà Êlisabét. Nhưng không phải chỉ những trường hợp đăc biệt mới do Chúa can thiệp mà tất cả những gì trong trật tự tự nhiên cũng đều do Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo cho tới ngày tận thế. Người có đức tin hay người khiêm nhường luôn khám phá thấy cái hữu hạn của con người. Có được sự sống, sức khỏe, có thai… tất cả đều có sự can thiệp của Thiên Chúa toàn năng
Theo truyền thống Do Thái, một gia đình tư tế phải có tập truyền, tức là lấy tên cha đặt cho con để nối dõi tông đường; thế mà bà Êlisabét đã từ chối lấy tên cha đặt cho con của mình, và lấy tên “Gioan” – là tên mà không ai trong họ hàng của bà có để đặt cho con trẻ. Điều này không có nghĩa là bà Êlisabét không nhất trí với chồng là ông Dacaria, vì ông bị câm điếc nên không tài nào nghe được Êlisabét nói gì. Điều lạ lùng là cả hai ông bà đều đồng lòng đặt tên cho con trẻ là Gioan, như lời Thiên Chúa đã báo trước cho ông Dacaria rằng : “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (1,13). Tên Gioan có nghĩa là “Giavê ban phúc”. Đó chính là dấu chỉ tiên báo ý định của Thiên Chúa trên con trẻ. Kể từ lúc viết tên cho con là “Gioan”, ông Dacaria đã vâng lời Thiên Sứ và lập tức bệnh câm điếc của ông biến mất, đúng như lời Thiên Sứ đã báo trước (1, 20).
Ông Dacaria đã cất lời ngợi ca Thiên Chúa vì những việc Người làm cho Israel, cũng như sẽ thực hiện lời hứa của Ngài trong Đức Giêsu Kitô – Đấng sẽ đến giải phóng nhân loại. Bài chúc tụng của Dacaria là bài thánh thi lớn của các Kitô hữu được vang lên mỗi buổi sáng được thêu dệt bằng cả niềm tin của Cựu ước, để loan báo hoà bình, tức là sự sung mãn và niềm vui lớn lao cho con người như một hồng ân của Thiên Chúa.
Trang Tin mừng ghi lại việc Gioan tẩy giả sinh ra và chịu cắt bì để trình bày cho chúng ta về thân thế và sứ vụ tiền hô của ông. Qua câu chuyện đặt tên cho Gioan, chúng ta không thấy hai ông bà bàn với nhau để đặt tên cho con trẻ, nhưng cả hai đều muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan. Lời sứ thần loan báo cho Dacaria đã được ứng nghiệm. Giúp chúng ta xác tín rằng: ở đâu có sự hiệp nhất vì danh Chúa thì ở đó có sự hiện diện của Chúa. Chúng ta cố gắng duy trì sự hiệp nhất này ngõ hầu làm chứng cho sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi ngày của mình.
Niềm vui khi Gioan chào đời: Có nhiều lý do để vui mừng chung quanh biến cố chào đời của Gioan Tẩy Giả: Cha mẹ của Gioan vui mừng vì họ được Thiên Chúa cho có con trong lúc cao niên. Niềm vui của ông bà được gấp đôi vì không những có con, mà lại có con trai để nối dõi tông đường. Bên cạnh niềm vui có con, còn một niềm vui khác là ông Zechariah khỏi bệnh câm. Trên hết mọi niềm vui là Gioan được tuyển chọn là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tất cả bà con và láng giềng biết Thiên Chúa đã quá thương ông bà, nên đến chia vui, và họ tự hỏi “tương lai của trẻ này sẽ ra sao,” vì quả thực “bàn tay của Thiên Chúa đặt trên con trẻ.”
Trong dòng tộc của Dacaria không có ai tên Gioan cả. Họ hàng của ông biết rõ điều đó và ông cũng biết rõ như thế. Nhưng Dacaria vẫn đặt tên cho con là Gioan, vì ông biết giữ lòng trung tín với Chúa. Thực vậy, tên Gioan là tên do Thiên Chúa truyền đặt, để nhắc nhở người con đó là do Ngài thương ban, là ân huệ của Thiên Chúa ban cho gia đình ông, trong lúc cả hai ông bà đều đã cao niên mà lại còn son sẻ. Dacaria vẫn có thể đặt tên khác cho con theo ý riêng hay theo tục lệ trong dòng tộc, nhưng ông không làm trái ý Thiên Chúa, bởi vì như thế sẽ là thất tín, là vô ơn đối với Thiên Chúa. Sự trung tín với Lời Chúa của ông được chứng thực bằng việc ông mở miệng nói được sau những tháng ngày bị câm nín; và điều đó đã làm cho mọi người chung quanh bỡ ngỡ và kính sợ Thiên Chúa.
Khi đặt tên cho con mình, bà Êlisabét và ông Dacaria đều muốn “gọi tên con là Gioan”. Cả hai đã chọn cho con một cái tên thật lạ trong họ hàng. Việc này cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. Gia đình Dacaria đã đón nhận sự can thiệp này trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan (nghĩa là “Chúa thương”) bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Kinh “Cám ơn” chúng ta thường đọc nhắc ta nhớ đến tình thương đó: Chúa đã chẳng để chúng ta là “không đời đời” (rất nhiều người đọc sai là “sống đời đời”) mà đã sinh dựng nên ta; lại cho ta sinh ra làm người chứ không là gỗ đá hay súc vật; lại cho ta được làm Kitô hữu; có người còn được làm tu sĩ và linh mục của Ngài…
Huệ Minh