Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời,sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ… Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy.Thêm nữa nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theonhững phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Trang Tin Mừng theoThánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho thiên hạ, hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nagiarét với hy vọng giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Thế nhưng Người đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm “Bụt nhà không thiêng”.
Sau khi hoàn tất sứ vụ ở Galilê, Chúa Giêsu trở về quê hương Nazarét. Đây là nơi Ngài đã sống những năm tháng ẩn dật trước khi thi hành sứ vụ rao giảng công khai. Chúa Giêsu trở về Nazarét vì muốn cho những người dân ở quê hương được đón nhận Tin Mừng.
Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Không có gì đau đớn bằng sự phản bội của những người thân. Chúng ta có thể trách móc những người đồng hương của Chúa, nhưng chính chúng ta cũng phải đấm ngực ăn năn vì thái độ thờ ơ của chính mình. Hàng ngày Chúa vẫn thi ân giáng phúc, Chúa vẫn bao bọc chở che, vỗ về an ủi nhưng chúng ta không nhận ra những ơn ấy mà chỉ lo chạy theo tiếng gọi của thế gian, của đam mê xác thịt. Chúng ta sống bên cạnh nhau như những người “quen biết xa lạ” để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý của mối tương giao huynh đệ với tha nhân, đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông ngày được như thế. Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?”Sởdĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
Có lẽ trước khi Chúa Giêsu về thăm quê hương Nazarét thì dân làng ở đây đã nghe được những tiếng đồn về Chúa. Đến khi những người đồng hương Nazarét được tận tai nghe những lời giảng dạy, tận mắt chứng kiến những phép lạ từ nơi Chúa Giêsu thì họ đã sửng sốt và kinh ngạc.
Sự khôn ngoan trong lời nói và uy quyền trong các phép lạ đã dẫn họ đến gần niềm tin rằng đây chính là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân tộc. Nhưng tiếc thay, họ đã không tin rằng người đang giảng dạy và làm phép lạ trước mặt họ là Đấng Messia. Bởi vì những người Nazarét nghĩ rằng họ biết quá rõ về thân thế và gia cảnh của Chúa Giêsu. Trong mắt họ, Chúa Giêsu là một người thợ mộc tầm thường, và sống trong một gia đình bình thường. Họ còn biết rõ rằng cha mẹ và anh em của Chúa Giêsu là những người nghèo hèn, và chị em của Chúa là bà con lối xóm với họ. Và hơn nữa, Đấng Cứu Thế không thể nào xuất thân từ một ngôi làng nhỏ bé nghèo nàn như Nazarét. Với lối suy nghĩ đó, những người đồng hương đã không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu dẫn đến thái độ khước từ. Nguồn gốc tầm thường chính là chướng ngại làm cho dân làng Nazarét không nhận ra căn tính của Chúa và tin vào Ngài.
Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa.
Có thể ở bên ngoài chúng ta không từ chối Chúa nhưng tận sâu trong đáy lòng và ước muốn, chúng ta không còn tin nhận quyền năng và tình thương của Chúa nữa. Nhân loại đang phải đối đầu với một cơn cám dỗ khốc liệt về niềm tin. Ngay trong gia đình cha mẹ và con cái không còn tin tưởng lẫn nhau. Ngoài xã hội đâu đâu cũng nhan nhản những chuyện bất công và những thói xấu cũng đang len lỏi vào cả trong Giáo hội. Đọc lời Chúa hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước để có thái độ sống xứng hợp Tin Mừng.
Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu vẫn đến thăm ta trong những người thân cận, nhất là những người hèn kém, bé mọn, nghèo khổ và tầm thường. Tôi có tiếp đón Chúa hay là tôi đã để cho những thành kiến cản trở làm cho tôi không nhận ra Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta khám phá ra hình ảnh của Chúa nơi những người xung quanh để có thái độ sống bác ái hơn, tôn trọng và yêu thương người đồng loại nhiều hơn.
Huệ Minh