Trang Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện thực tế về Nước Trời và được ví như Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, đó là nội dung chính của công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng thấy những thái độ đáp trả khác nhau của mỗi người khi nghe Tin Mừng này. Người thanh niên trong Tin Mừng cũng là hình ảnh của chúng ta trong đời sống thường ngày hôm nay.
Ưu tư của chàng thanh niên trong Tin Mừng có vẻ xa vời đối với những bận tâm của chúng ta ngày nay. Vì chưng, xã hội nhìn nhận giá trị con người qua tiền của, sang giàu hơn bất cứ cái gì khác. Cho nên, người ta phải lo tranh dành, tranh đấu, tranh đua và tranh chấp để chiếm cho được nhiều tiền của, dù phải dùng các phương tiện bất nhân, bất nghĩa hay bất lương.
Thế nhưng, được tiền được của mà mất tha nhân và mất Chúa thì nào ích gì! (Mt 16, 26). Chúa Giêsu nhắc nhở chàng thanh niên và cả chúng ta rằng thực thi điều răn mến Chúa yêu người là kiến tạo một xã hội đầy tình Chúa và tình người lâu bền và vững chắc. Đó cũng là điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Trong xã hội, nhất là trong xã hội hiện tại. giá trị con người được đánh giá qua đia vị, danh vọng. Nói đúng hơn, lương bỗng ai cao, người đó có giá trị. Họ trở thành đại gia và được mọi người kính nể. Người thanh niên mà thánh sử Matthêu nói đến hôm nay cũng thuộc hạng người “đại gia” này. Anh ta có nhiều của cải và thành đạt trong cuộc sống đời này.Chúng ta hãy nghe cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh ta, xem anh ta đi tìm điều gì? Anh đã có những gì? Và anh ta là gì?
Hẳn anh ấy là một người có thiện chí, khi anh đến gặp Đức Giêsu để hỏi về chuyện phải làm điều tốt nào để có sự sống đời đời (c. 16). Như thế sự sống đời đời là điều anh quan tâm, và anh thực sự muốn biết cách hành động để đạt đến sự sống ấy. Thầy Giêsu đã cho anh một câu trả lời đơn giản: hãy giữ các điều răn. Thầy đã kể cho anh sáu điều răn (cc. 18-19), bốn điều cấm làm và hai điều phải làm, tất cả đều liên quan đến tha nhân. Anh cho biết mình đã sống mọi điều răn đó. Dù vậy, anh vẫn mang trong mình một thao thức. Chính thao thức ấy đã đưa anh đến với Thầy Giêsu để hỏi: “Tôi còn thiếu điều gì?” (c. 20).
Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Một câu hỏi xuất sắc, có giá trị đã nói lên điều anh thao thức đi tìm, đó là “ sự sống đời đời”. Anh đã hỏi về điều tốt, điều lành không phải thêm giàu sang, phú quí, nhưng để có sự sống đời đời. Sống trên đời này mà lòng anh đã mơ ước, nghĩ về đời sau. Nhưng Chúa Giêsu đã đưa anh tới cốt lõi vấn đề: “ Sao anh lại hỏi tôi về điều lành, điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.” ( c.17).
Nói đến đây, Ngài bỏ lửng. Ngài chẳng chỉ rõ ai là Đấng tốt lành hoặc giải thích thêm Đấng Tốt lành ở điểm nào. Chúng ta có thể nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, người Do Thái nào cũng biết chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tốt lành và điều tốt lành lành là chỉ được tìm kiếm nơi một mình Ngài mà thôi. Anh đang hỏi về điều tốt, vậy anh nghĩ gì vế Ngài. Ngài đặt vấn đề và gợi ý cho anh suy nghĩ. Sau đó Ngài giúp anh trở về các giới luật mà theo đạo Do Thái là đủ tiêu chuẫn vào Nước Trời: “Nếu anh muốn vào cõi sống hãy giữ các điều răn”. Và Ngài dẫn chứng một “lô” luật Môsê, những điều phải làm và những điều cấm làm, đã trích trong sách Xuất Hành chương 20 và Đệ Nhị Luật chương 5.
Khi nghe Chúa Giêsu nói về luật, anh nhanh nhảu đáp : Tưởng gì, chứ những điều ấy tôi đã giữ tốt, giữ trọn vẹn từ khi có trí khôn. Thật là một con người toàn vẹn cả đạo lẫn đời. Đây là mẫu gương mà nhiều người trong chúng ta mong ước. Xem như anh ta được cả phần xác lẫn phần hồn. Có lẽ khi trả lời Chúa Giêsu như vậy, lòng anh đã dâng trào niềm tự hãnh diện. Một bậc Thầy trong Israel đã nói lên những điều cẩn giữ, cần theovẻ luật, anh ta không sai sót điều nào. Anh ta vẫn bám sát tư tưởng của Chúa Giêsu, đòi nằng nặcxem có còn điều gì mà anh thiếu sót không . “ … tôi còn thiếu điều gì ?” ( c. 20b).
Anh thanh niên giàu có đã phấn khởi đến với Thầy Giêsu (c. 22). bây giờ anh lại buồn rầu bỏ đi. Anh buồn vì không muốn mất một chỗ dựa vững chắc là của cải. Thực ra anh buồn vì không đủ tự do để đáp lại một tiếng gọi đẹp quá. Anh muốn sự sống đời đời, nhưng không dám chọn con đường tốt nhất. Anh muốn làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng tình yêu của cải lại mạnh hơn. Nếu anh chịu tự giải phóng mình khỏi trói buộc của vật chất, khi trở lại gặp Thầy, anh sẽ thấy mình nhẹ hơn và giàu có hơn nhiều.
Cuộc đối thoại đã đạt đến đỉnh điểm. Cái nút cần được tháo gỡ. Chúa Giêsu dẫn anh đến luật Môsê, đến các điều răn, một phần Ngài muốn khích lệ anh, phần khác Ngài muốn anh hiểu rằng: đó là điều căn bản anh đã giữ, bây giờ anh cần bước cao hơn, ngước lên cao mới đi tới cuộc sống đích thực. Sông luật là điều căn bản, nhưng để nên kiện toàn cần phải có lòng tin : “ Nếu anh muốn hoàn thiện, hãy bán tài sản đem cho người nghèo. Anh sẽ có kho tàng trên trời. Đến theo tôi” (c.21) . Đây là lệnh lên đường, lệnh dứt khoát triệt để. Đã đến lúc Chúa Giêsu muốn anh ta cắt bỏ mọi dây tơ vướng lòng.
Hơn nữa, có thể khi anh bán của cải là phần dư thừa và không cần thiết cho đời sống mai hậu, anh sẽ giúp một số người nghèo thoát cảnh bần cùng đói khổ; như thế anh góp phần xây dựng sự bình đẳng , lấp đầy hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo trong xã hội. Công việc của anh khiến cho nhiều thế giới này thêm vui tươi, con người xích lại gần nhau hơn, vũ trụ nở hoa tình đại đồng ấm áp. Và chúng ta nghe thánh sử Matthêu kết luận : “ Nghe lời đó, anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (c.22). Một câu kết luận ngắn gọn nhưng nói lên quan điểm của việc chọn lựa của anh thanh niên “ không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Lc 16,13).
Với Thiên Chúa anh có một khoảng cách. Anh chỉ đi đến đó và không muốn tiến xa hơn, không muốn nên hoàn thiện khi phải từ bỏ của cải mà anh đang bám víu, mà anh xem như là cứu cánh đời mình. Giờ đây của cải là “ cái anh có”, anh đang biến nó thành “ cái là” của anh. Anh sẵn sằng khước từ lời mời cộng tác của Thiên Chúa, chỉ vì anh đã là nộ lệ cho của cải đời này.
Câu chuyện đang diễn tiến tốt đẹp, nội dung đang có chiều hướng tốt đẹp, hẳn chúng ta không thể ngờ kết luận lại là một cuộc thất bại, ngã gục trước sức mạnh của đồng tiền, của cải thế gian này. Buồn và tiếc thay cho anh, nhưng chúng ta cũng cần khóc thương cho số phận mỗi người. mỗi người chúng ta ai cũng có những cục đá ngăn cản hành trình tiến về quê trời, ai cũng mang thân phận yếu đưới khi bị cột trói bằng những sợi chỉ vô hình: sợi chỉ danh vọng, tiền bạc, đam mê xác thịt.
Thường, chúng ta đã đặt lầm bậc thang giá trị : đặt Thiên Chúa dưới những đam mê vô bổ và độc hại đó. Thiên Chúa dưng nên mọi sự dể chúng ta cai trị và làm bá chủ chúng, nhưng chúng ta lại tự nguyện làm nô lệ cho những ảo ảnh, phù phiếm.
Huệ Minh