Các tông đồ đã được loan báo cho biết trước để cảnh giác: họ sẽ như chiên hiền lành bị trao nộp vào vòng tay hung tợn của địch thù, chẳng khác chi bầy sói dữ. Nước Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự hèn yếu của các sứ giả của Đức Giêsu. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết trước trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, các Tông đồ sẽ gặp bách hại, thất bại, ghen ghét và chống đối. Sự chống đối này còn xảy ra ngay trong gia đình nơi thân thương gần gũi với mình. Nên Ngài không những trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ mà còn dạy các ông cần phải biết Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như Chim câu. Điều này đòi hỏi người môn đẽ phải luon có đời sống cầu nguyện và tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt (x St 3). Nó có thể cắn chết người (rắn lửa trong sa mac) và cứu người(con rắn đồng của Môi sê). Xưa cũng như nay, người ta còn dùng rắn để chữa nhiều bệnh. Chúa Giê su mượn hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ cũng như những ai muốn làm môn đệ Ngài khi thi hành sứ vụ phải biết khôn ngoan cẩn trọng nhưng không quỷ quyệt, luồn lách, thâm độc, Sự khôn ngoan này phải xuất phát từ tấm lòng từ bi chân thành, ngay thẳng, đơn sơ như chim bồ câu. Con rắn rất nhiều ở Palestin. Hình như con rắn nào càng độc thì càng tinh khôn. Chúng thường đi ăn và săn mồi ban đêm, chúng trườn mình rất nghề, chúng đi lại êm đềm như gió, chúng biết cách ẩn nấp trong bóng đêm để rình mồi. Chúng biết cách sợ sệt và trốn lủi tài tình. Chúng leo cây, chui luồn dưới nước đều được hết. Con rắn hay bắt sâu bọ, chuột, ếch nhái là những đồ ăn loại mát tạng. Rắn rất thích nghe nhạc nhất là tiếng đàn violon, sáo, (biết nghe nhạc là một dấu khôn ngoan). Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ bài học của sự khôn ngoan cẩn trọng trong đời tông đồ. Một sự khôn ngoan không lèo lái thâm độc. Nhưng là sự khôn ngoan đi đôi với lòng chân thành đơn sơ trong trắng như chim bồ câu. Chim bồ câu ai cũng quen thuộc. Con chim nào cũng dễ thương. Từ bộ lông trắng mượt pha xám, đến đôi mắt ngây thơ, dáng điệu đi lại gật gù, điệu bay là là nhẹ nhàng thật dễ thương. Nói đến bồ câu, làm chúng ta liên tưởng tới ngày tạo dựng vũ trụ, có Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn là là trên nước (St 1,2) hay con chim câu đã bay về tàu Noe, sau lụt hồng thủy. Cũng nhắc tới Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên đầu Chúa Giêsu ở bờ sông Giodan (Mt 3, 16). Tiên tri Isaia đã ví lời cầu nguyện van xin của dân Israel như tiếng rì rầm của chim câu (Is 59, 11). Sách Diễm tình ca diễn tả chim câu là biểu tượng của tình yêu (2,14). Nói chung, con chim câu là biểu tượng của bình an, trong trắng, đơn sơ. Chúng không biết làm tổ để ở. Chúng sống nương tựa vào người ta. Chúng có một trí nhớ đặc biệt đến nỗi người xưa đã dùng nó để đưa thư cả hàng chục cây số mà chúng vẫn trung thành hoàn tất sứ mệnh, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh chim câu để cầu chúc các tông đồ sống thành thật trung tín và hữu ích. Nói đến chim câu là nói đến sự trung thành (St 8, 8-12), hiền lành, trong trắng, đơn sơ là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, của hòa bình, an lành. Chúa Giê su dùng hình ảnh này không những để khuyến khích các tông đồ mà cả chúng ta nữa, những người muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa phải luôn thành thưc, tín trung và phó thác vào tình yêu Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Với sự khôn ngoan cẩn trọng của con rắn, cùng với tấm lòng ngay thẳng của chim bồ câu…Chúa sai các môn đệ ra đi truyền giáo như con thuyền tròng trành giữa biển khơi, như rơi vào vùng đất lạ, như con chiên lầm lũi ngơ ngác giữa rừng hoang. Và rồi tất cả những gì Chúa Giêsu phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21). Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua. Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.“ Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha. Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ. Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức. Thật vậy, thời nào cũng có những cuộc bách hại gây khó khăn cho người môn đệ. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại đầy dẫy những bất công, con người chỉ muốn sống tự do, hưởng thụ an nhàn tự tại cho riêng mình. Thời đại mà người công chính, lương thiện, người bênh vực chân lý thì mất dần tiếng nói trong xã hội, trong các công sở. Nếu không khôn ngoan như con rắn để phân định sự kiện. Nếu không đơn sơ như chim câu mở rộng tâm hồn đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trung thành, tín thác vào tình yêu của Chúa. Người môn đệ dễ bị chán nản thất vọng trước nhựng thất bại, chống đối ghét ghen, phản bội, kết án của xã hôi, bạn bè và ngay cả chính những người thân trong gia đình. Huệ Minh