Với tư cách là nhà triết học kiêm thần học gia, Cha Philippe viết rất nhiều tác phẩm để đời, không kể các bài khảo luận ngắn, các bài giảng thuyết và giảng cấm phòng. Năm 1975, tại Fribourg bên Thụy-Sỹ, theo lời yêu cầu của các sinh viên người Pháp, Cha Marie-Dominique Philippe thành lập Cộng Đoàn Tu Huynh Thánh-Gioan. Vài năm sau, Cha thành lập Cộng Đoàn các Nữ Tu Chiêm Niệm, rồi Cộng Đoàn các Nữ Tu Tông Đồ. Sau khi 3 Cộng Đoàn này thành hình đã có rất nhiều giáo dân và trợ tá sống theo linh đạo của Cộng Đoàn Thánh-Gioan. Tất cả quy tụ thành gia đình thiêng liêng mới trong Giáo Hội Công Giáo với tên gọi Gia Đình Thánh-Gioan.
Cha Marie-Dominique Philippe chào đời ngày 8-9-1912 tại Cysoing, miền Bắc nước Pháp, trong một gia đình Công Giáo đạo đức có 12 người con. Cha đứng hàng thứ 8. Gia đình đã dâng hiến cho Giáo Hội 3 tu sĩ Đa-Minh và 4 Nữ Tu chiêm niệm. Trong một bài phỏng vấn nhân dịp mừng sinh nhật thứ 90, Cha Marie-Dominique đã nói về quãng đời thơ ấu và tâm tình của một tu sĩ Linh Mục cao niên như sau.
Những kỷ niệm đầu đời của tôi gắn liền với chiến tranh. Thật thế, tôi sinh ra đúng 2 năm trước khi đệ nhất thế chiến 1914-1918 bùng nổ. Và trọn tuổi thơ tôi trải qua trong vùng bị quân Đức chiếm đóng. Thân phụ tôi mặc dầu là sĩ quan trừ bị vẫn bị động viên và cho dù lúc ấy người là cha gia đình có đến 9 đứa con. Thế là mẹ tôi một mình cáng đáng công việc cửa nhà với đàn con 9 đứa cho đến khi cha tôi trở về vào năm 1918.
Lúc ấy anh chị em chúng tôi sống trong tình cảnh nghèo thật nghèo nhưng hết lòng yêu thương đùm bọc nhau, vây quanh hiền mẫu yêu dấu. Mẹ tôi nuôi dưỡng sự hiện diện sống động của Ba tôi giữa chúng tôi bằng cách mỗi ngày mẹ tôi ghi lại trong nhật ký tất cả những gì xảy ra trong ngày.
Khi được hỏi thế nào là con tim xuân trẻ của một cụ già 90 tuổi, Cha Marie-Dominique trả lời. Đó là niềm hy vọng tuyệt đối con người đặt nơi THIÊN CHÚA. Khi Đức Chúa GIÊSU bảo Phêrô đi trên mặt nước, tức là Người truyền cho ông phải bước đi mà không cần phải so đo lo lắng gì ráo trọi! Ngừng lại tức là chìm xuống nước. Thế nên khi mục tiêu tối hậu lôi cuốn chúng ta thật sâu đậm thì nó cho phép chúng ta vượt xa mọi trạng huống cùng mọi điều kiện.
Điều này thật quan trọng trong một thế giới chú trọng quá nhiều đến khoa tâm lý, đến cái phức tạp môi trường chúng ta đang sống và đến những tranh đấu chúng ta không ngừng vùng vẫy để có thể phát triển.
Ở vào tuổi 90 cũng như ở vào bất cứ tuổi nào khác, có con tim xuân trẻ tức là luôn luôn sống với tình yêu. Sống cho người yêu thương chúng ta. Trong tư cách là tín hữu Công Giáo thì chúng ta sống cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, cho Đức Mẹ MARIA và cho tất cả anh chị em đồng loại. Khi chúng ta thật sự sống và hiểu như thế thì chúng ta sẽ có can đảm thắng vượt mọi điều kiện cũng như mọi chước cám dỗ .. Chúng ta là những người hành khất của THIÊN CHÚA. Và THIÊN CHÚA chỉ có thể ghé mắt xót thương một kẻ ăn mày. Đây chính là bí thuật của niềm hy vọng. Vâng, đúng thế. Chỉ trong tâm tình nghèo khó đích thật, con người mới rộng mở cho lòng từ bi THIÊN CHÚA.
Khi được hỏi phải chăng có ơn thánh dành riêng cho tuổi già, Cha Marie-Dominique trả lời. Đời sống thể xác chậm lại – người già đi chậm hơn và kháng cự yếu hơn – nhưng nếu suốt cuộc đời con người luôn kiếm tìm chân lý để được chiêm ngưỡng thật sự THIÊN CHÚA thì linh hồn chúng ta được hoàn toàn tự do thanh thản.
Người già bị lệ thuộc nhiều hơn về phương diện thể xác, nhưng về phương diện tinh thần thì lại được tự do hơn. Bởi vì, tuổi càng cao con người càng sớm đạt đến đích. Và chỉ có đích điểm chung kết mới giữ vai trò quan trọng.
Người cao tuổi nhìn mọi vật rõ ràng hơn và thường tự nhủ: ”Điều người đời nghĩ tưởng thì chóng qua lắm!” Nghĩ thế nên người già thường đạt đến mức độ tự do nội tâm vô cùng rộng lớn. Trên vai chĩu nặng dĩ vãng, người già sống khoảng thời gian còn lại trong tâm tình hoàn toàn phó thác nơi sự quan phòng và thánh ý của THIÊN CHÚA.
Khi được hỏi THIÊN CHÚA đặt trong lòng ngài những ước muốn nào với tư cách là Linh Mục dòng Đaminh, là con Hội Thánh và là sáng lập viên, Cha Marie-Dominique chậm rãi trả lời. Làm sao để Chúa vui lòng? Đó là ước nguyện thâm sâu nhất đời tôi. Làm thế nào để đẹp lòng Chúa? Đó là tiếng kêu khát của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và của Mẹ Teresa Calcutta, của con đường thơ ấu và của lòng nhân lành. Tôi mong ước rằng, cho đến cuối đời, tôi luôn giữ mãi niềm khát khao nhận lãnh trực tiếp các ân huệ THIÊN CHÚA và nhận lãnh các ân huệ cách nhưng không.
… Tôi đã là một đứa trẻ nhiều may mắn từ lúc sinh ra, đã nhận được một linh hồn lương hảo; hay đúng hơn, vì là lương hảo, tôi đã được nhập vào một thể xác không vết nhơ. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng: Đức Khôn Ngoan, tôi không thể có được, nếu THIÊN CHÚA chẳng ban cho tôi, – biết được ơn này do ai ban tặng, thì cũng đã khôn ngoan phần nào rồi – nên tôi hướng về THIÊN CHÚA và cầu nguyện, tôi hết lòng thưa lên: ”Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên, Lạy THIÊN CHÚA từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái. Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa. Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con”(Khôn Ngoan 8,19-21 / 9,1-4).
(”Le Christ Au Monde” Revue Internationale de documentation et d’expériences apostoliques, n 1, Janvier-Février/2007, trang 28-39)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt