Chị giỏi dang, một tay quán xuyến dựng nên cơ nghiệp sấp xỉ ngưỡng đại gia. Chồng chị thật có phước đức mới kiếm được người vợ đảm đang như thế… Người ta tấm tắc khen, có kẻ hờn ghen gió!
Chị vào Nhà xứ, mặt sầu thảm:
– Con vất vả buôn bán, làm hàng ngày đêm để cho chồng con được ấm no. Thế mà anh ấy phản bội con…
Chị trải lòng…
Rằng chị mới bắt gặp tại trận chồng tại quán cà phê ôm đang ôm ấp, hôn hít gái bia ôm…
Rồi chị kể đã đón nhận phần hy sinh trội hơn trong việc làm ăn, thức khuya dậy sớm, tất bận giao dịch khách hàng, đại lý… Thế mà…
Tôi cảm nhận nỗi đau sau cái ‘thế mà…’ của chị. Nỗi đau của người vợ hết lòng chung thủy chồng lại bị chồng phản bội.
Tôi cứ để chị xả lòng, thêm những câu hỏi để chị dễ trải lòng…
Khi thấy lòng chị đã xả vơi phần nào, tôi hỏi kiểu… chọc tức.
– Có khi nào chị … đẩy chồng đi… bia ôm, gái gú?
– Có người vợ nào điên mà làm thế, thưa cha ?
– Chị buôn bán, lại một đại lý đầu mối phân phối, công việc rất bận, thế chị có để chồng làm chung không?
– Anh phụ con nhiều, chở hàng, giao hàng, bày hàng, chở con đi giao dịch, có khi nhờ anh đi lấy tiền nợ nữa…
– Anh là chồng chị, sao lại toàn làm công việc theo kiểu…osin vậy?
– Chồng con hiền và thật lắm không thể đứng ra buôn bán, với lại buôn bán vất vả, lắm chuyện lắm… Con nghĩ đã là vợ chồng, công việc nào cũng như nhau, ai so đo.
– Đấy là chị nghĩ, người ta có nghĩ như mình không? Chị nên nhớ, chồng chị cũng là người, mà lại làm chồng. Bây giờ chị thử đặt mình vào vị trí chồng: Mọi cái đều do vợ quyết định, bị lệ thuộc, bị sai khiến. Chị có khi nào nghĩ đến cái ‘tự ái’- cái sĩ của người đàn ông không, đặc biệt trong bối cảnh cảnh xã hội ít nhiều còn quan niệm trọng nam hơn nữ, người chồng là chủ cột gia đình…?.
Tôi nhấn mạnh: Thậm chí cả trong lãnh vực ‘tay nghề’ chồng chị cũng không để cho chồng không gian tự do.
– Dạ đâu có!
– Tôi nhận định trên từ những gì chị kể. Chị bảo, chồng chị là tay thợ mộc giỏi. Thế tại sao, khi cần đóng những phông gỗ trong nhà, kệ để đồ nhà bếp… chị không để cho anh chủ động, đành này chị cũng xen vào, quyết định, chỉ đạo làm theo ý mình hết.
Chị ngồi im nghe, có vẻ suy tư. Tôi cố tình để khoảng … lửng lơ (im lặng) để nhờ ơn Chúa, có ‘độ thấm’ hồi tâm nhờ nhìn lại chính mình…
Một lúc sau, tôi mới nói:
– Tôi thấy anh xã chị còn nhiều cái được lắm. Việc anh bỏ nghề mộc yêu thích để ở nhà phụ vợ, chứng tỏ anh yêu vợ con hơn cả sở thích riêng….
Thực ra việc anh ấy ‘lỡ’ đi càphe ôm cũng chẳng phải là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh hôm nay. Chị đừng vì việc bé mà xé ra to, đừng vì con sâu mà đổ cả nồi canh ngon. Có người đi bia ôm thử xem chứ không phải không không còn yêu vợ; cũng có người cảm thấy thiếu thốn tình cảm, đi ‘ăn phở’ phần nào bù đắp…
Bất ngờ tôi trở lại vấn đề ‘gây sốc’:
– Lúc nãy tôi nói có khi nào chị đẩy chồng đi bia ôm là ở điểm này. Biết đâu chị mải mê làm ăn quá, đến độ như chị nói ‘nhiều lúc không có giờ đi lễ Chúa Nhật’, thiếu quan tâm đến chuyện vợ chồng, gia đình?
Có người nói, muốn thằng đàn ông hư hỏng không khó, cứ thảy cho hắn cục tiền lớn, cho hắn nhiều thời gian rảnh rỗi thế nào hắn cũng nghĩ đến ăn chơi, thể hiện ‘bản lãnh đàn ông’
Có vấn đề tế nhị, tôi chuyển hướng xa xa:
– Tôi thấy chị hơi… quán triệt tư tưởng của Thánh Gioan Tiền hô ‘san bằng đồi núi’…
– Dạ không có đâu cha !
Chị chưa hiểu, tôi nói gần hơn:
– Là con gái, phụ nữ, nhất là người vợ phải có dáng, có sự hấp dẫn, biết đâu cũng góp phần đáng kể để ‘giữ chồng’. Người ta gọi chị em là phái đẹp. Người phụ nữ không quan tâm làm đẹp, tệ hơn ‘phá hủy’ cái đẹp âu cũng có tội với người khác, cụ thể với chồng… Chị thấy đúng không?…
Tôi có cảm tưởng chị ham làm không chỉ quên chồng con mà còn quên cả chăm sóc bản thân mình nữa, đến độ ngày càng mất dáng chị em…
Chị hiểu ý, toát thấy sự e gại… dễ thương của người chị em.
Kết lại, tôi chia sẻ:
– Thứ nhất chị bỏ đi quan điểm cứ chịu khó vất vả, kiếm được nhiều tiền là thương chồng con. Chị cần quan tâm đến mình, đến chồng con, lưu ý đến việc sống Đạo (cụ thể có giờ Kinh tối trong gia đình)hơn là việc kiếm tiền. Đồng thời biết chia sẻ, tạo ‘chỗ đứng làm chủ’ cho chồng trong ‘sự nghiệp’ của mình.
–Thứ hai, chị hãy học ‘hiền lành và khiêm nhường’ như Chúa Giêsukêu mời. Cụ thể, sống ba lời ‘chìa khóa vàng’ trong đời sống gia đình theo Đức Thánh Cha Phanxico: ‘cám ơn- xin lỗi- xin làm ơn…’; biết ‘trao nhau nụ cười’ như Mẹ Têrêxa Calcutta nói.
Lm.Đaminh Hương Quất