Tôi không muốn đi vào vấn đề giá trị luân lý hay pháp lý của bản luật thánh Augustinô trong công thức khấn dòng, nhưng chỉ muốn giới thiệu sơ lược lịch sử của bản văn, và ý nghĩa của việc du nhập vào Dòng Đa Minh. Sau đó, chúng ta hãy lược qua một bản chú giải nổi tiếng nhất do cha Humbertô đã viết.
I. Bản văn
A. Tác giả
Thiết tưởng không phải là thừa khi ôn lại vài nét chính của cuộc đời thánh Augustinô (354-430), để hiểu được bối cảnh của bản luật.
Augustinô sinh tại Thagaste (Bắc Phi) ngày 13/11/354. Cho đến năm 383, anh học và dạy tại quê nhà. Từ năm 374, anh sang dạy học tại Cartago, thủ phủ hành chánh của miền Bắc Phi. Lúc đó, anh đã bị quyến rũ bởi thuyết manikê cũng như đã có tình nhân và sinh đứa con tên là Adeodatus. Đến năm 383, anh xuống tàu qua Italia, dạy học ở Rôma một thời gian, và sau đó lên Milanô. Khỏang năm 385/6, anh rời bỏ tình nhân. Vào mùa hè năm 386 anh được ơn trở lại, và được rửa tội vào Vọng Phục sinh (24/4) năm 387 tại Milano. Mùa hè năm 388 anh trở về quê nhà (Thagaste). Tại đây anh thiết lập một đan viện và trụ trì cho đến năm 391, khi thụ phong linh mục cho giáo phận Hippo. Giám mục Valerius cho phép cha được lập một đan viện trong khu đất của nhà thờ. Khỏang năm 395/6, cha được cử làm giám mục phó, và không bao lâu thì kế vị giám mục Valerius. Ngài qua đời ngày 28/8/430.
Điều đáng chú ý là thánh Augustinô đã thiết lập 3 cộng đòan, với đặc tính khác nhau: cộng đòan thứ nhất tại Thagaste năm 388 (có lẽ tại nhà riêng, gồm bởi một vài bạn hữu, servorum Dei, fratres); cộng đòan thứ hai tại Hippo năm 391, khi Augustinô đã làm linh mục: cha vừa là đan sĩ vừa thi hành công tác mục vụ; cộng đòan thứ ba dành cho giáo sĩ (monasterium clericorum), lập ngay tại tòa giám mục Hippona khỏang năm 395/6. Bản luật có lẽ được viết khỏang năm 397, dành cho cộng đòan “giáo dân” (tức là cộng đòan thứ hai). Đan viện do một thủ trưởng (praepositus) đứng đầu, đảm nhiệm việc quản trị hàng ngày, kể cả công việc quản lý tài sản và phân phối đồ dùng. Những chuyện quan trọng hơn thì phải trình lên một presbyter, giữ vai trò “cấp trên”.
Mặt khác, thánh Augustinô cũng không xa lạ gì với các trinh nữ. Ngay tại Hippona cũng có một nữ đan viện do bà em gái làm bề trên một thời gian, và có mấy cháu làm phần tử. Chính vì có chuyện lục đục xảy ra tại đây mà thánh nhân phải viết một lá thư (mang số 211, viết khỏang năm 423).
B. Bản luật.
Luật của thánh Augustinô được kể vào hạng cổ điển nhất trong lịch sử đời tu, sau bản luật thánh Pacômiô (k.292-346/7), Basiliô (k.330-379); và trước luật của thánh Biển đức (k.480-k.547) cả một thế kỷ. Mặt khác, lịch sử đã để lại nhiều bản văn mang tên là “luật thánh Augustinô”. L. Verheijen đếm được tới 9 bản: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới.
1/ Ordo Monasterii (bắt đầu bằng các lời “Ante omnia, fratres carissimi” và kết thúc bằng “de vestra salute. Amen”). 2/ Praeceptum (bắt đầu bằng “Haec sunt quae ut observetis praecipimus” và kết thúc “et in temptationem non inducatur”). Dài gấp 5 lần bản số Một. 3/ Praeceptum longius ghép hai bản số Một và Hai. 4/ Regula recepta, lấy các lời đầu của bản số Một đem chắp vào bản số Hai.
Các bản dành sau đây dành cho nữ giới: 5/ Obiurgatio, bức thư gửi cho các nữ tu, khiển trách vì tội bất tuân bề trên, (tức là lá thư số 211 đã nói trên đây). 6/ Regularis informatio, bản luật (số Hai nói trên đây) chuyển sang giống cái. 7/ Epistula longior, ghép hai bản văn số Năm và Sáu. 8/ Ordo monasterii feminis datus, hầu giống y như bản văn số Một, chuyển sang giống cái. 9/ Epistula longissima, ghép một mảng của bản số Năm với số Tám, dán thêm một khúc của bản số Sáu.
Sau khi đối chiếu, phân tích và phê bình, tác giả lọai ra 4 bản (Ba, Bốn, Bảy, Chín); rồi lọc đi lọc lại, cuối cùng chỉ còn 2 bản được vào vòng chung kết, đó là: một bản luật dành cho nữ giới (Obiurgatio, Regularis Informatio), và một bản dành cho nam giới (Praeceptum, còn mang tên là Regula ad servos Dei).
Giữa bản văn Regularis Informatio và Regula ad servos có nhiều đọan giống nhau. Phải chăng thánh Augustinô đã viết cả hai bản luật, hay chỉ có viết một bản thôi (bản kia chỉ là sự thích nghi văn phạm, đổi giống cái sang giống đực)? Bản nào ra đời trước: nữ hay nam? Các học giả chia thành 2 ý kiến:
(a) Theo một ý kiến cổ truyền, thánh Augustinô đã viết một bản luật cho nữ giới, rồi sau đó nó được chuyển sang giống đực. Lý do vì có những ý tưởng xem ra chỉ thích hợp cho đàn bà chứ không dính dáng gì tới nam giới, chẳng hạn như thích làm dáng trong cách phục sức (chương IV), gửi đồ đi giặt ở ngòai nhà dòng (chương V), hoặc là những hình ảnh về hương thơm và soi gương (chương VIII).
(b) Ý kiến thứ hai (do cha Pierre Mandonnet O.P. khởi xướng vào giữa thế kỷ XX) lật ngược lại thế cờ: bản Regula ad servos Dei mới thực là bản luật được Augustinô viết cho một cộng đòan đan tu tại Hippona (năm 397), rồi sau đó nó được thích nghi cho nữ giới! Cha Verheijen đã tán thành ý kiến của cha Mandonnet.
Dù nói thế nào đi nữa về nguồn gốc của bản luật, để nắm được tư tưởng của thánh Augustinô về đời đan tu, cần phải quy chiếu về những văn phẩm khác nữa, chẳng hạn: khảo luận De opere monachorum và De sancta virginitate (viết khỏang năm 401); hai bức thư gửi cho các nữ đan sĩ tại Hippona (số 210-211); hai bài giảng (số 355 và 356) dành cho các đan sĩ sống cạnh tòa giám mục; chú giải thánh vịnh 132.
C. Bố cục và Nội dung.
Chúng ta không thể nào so sánh luật thánh Augustinô với các bản quy luật của các Dòng tu hiện đại. Trước tiên, nó không phải là một bản văn pháp lý quy định guồng máy tổ chức một cộng đòan. Thứ đến, kể cả các quy tắc kỷ luật (ba lời khấn, việc đào tạo, đời sống thiêng liêng, vv) cũng không đầy đủ chi tiết.
Thực ra, bản văn xem ra chỉ là một tóat lược những lời huấn đức của thánh Augustinô dành cho các đan sĩ, dựa trên nền tảng Kinh thánh (người ta đếm được 35 chỗ trưng dẫn:8 Cựu ước, và 27 Tân ước). Đọan văn chủ yếu là Cv 4,31-35 về cộng đòan Giêrusalem, được chọn làm kiểu mẫu cho cộng đòan đan tu. Xét về bố cục, các ấn bản gần đây đã phân thành 8 chương. (Nguyên bản latinh Liber Constitutionum et Ordinationum OFP cũng bắt chước theo, dùng số la mã để phân chương).
Chương 1. Phát biểu ý tưởng then chốt của bản luật: kiến tạo một cộng đòan yêu thương. Các chương kế tiếp (2-7) chỉ đề ra vài phương thế để thực thi lý tưởng đó.
– Mẫu gương là cộng đòan Giêrusalem: đồng tâm nhất trí đi tìm Chúa. Tôn kính Thiên Chúa nơi anh em.
– Việc thông chia tài sản là một dấu hiệu của đời sống cộng đòan.
– Một cộng đòan sống động không có nghĩa là tất cả phải họa theo một khuôn đúc y trang. Cần biết tôn trọng những tài năng tự nhiên của mỗi người.
– Khiêm nhượng và kiêu ngạo: yếu tố tích cực và tiêu cực trong đời sống cộng đòan.
Chương 2: Cầu nguyện. Cần phải kiên trì trong việc cầu nguyện. (Nên biết ở đây tác giả nói đến việc cầu nguyện chung, chỉ có một câu đả động đến việc cầu nguyện tư). Ngòai vài quy tắc cụ thể liên quan đến địa điểm (lần đầu tiên danh từ oratorium xuất hiện trong tiếng latinh, có nghĩa là: nhà nguyện, nơi cầu nguyện, nguyện đường), thời giờ, các kinh phải đọc hay hát, điều quan trọng hơn cả là “tâm tình cầu nguyện” (lòng mến yêu Chúa).
Chương 3: Việc chăm sóc thân thể.
– Điều độ khi ăn uống. Thực hành chay tịnh khổ chế (tùy theo khả năng: khổ chế chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh đời tu).
– Nghe lời Chúa khi dùng bữa (Nuôi dưỡng tinh thần đang khi nuôi dưỡng thân xác).
– Chu cấp cho mỗi người tùy theo nhu cầu (lưu ý đến những người đau yếu, những người “tế nhị”), nhưng cũng cần phải biết kìm hãm các yêu sách. “Thà thiếu tí chút thì hơn là dư thừa”, đây là một châm ngôn của triết gia Seneca, được xen vào trong bối cảnh thông hiệp.
– Săn sóc các người bệnh tật.
Chương 4: Trách nhiệm hỗ tương.
– Những nguyên tắc chung về tác phong (y phục, đi đứng, di chuyển).
– Thái độ đối với người khác giới. (Thiện căn ở tại lòng ta, điều xấu cũng vậy: tội phạm ngay từ con tim theo như lời Chúa trong Mt 5,27-28).
– Trách nhiệm đối với những lỗi lầm xúc phạm lẫn nhau.
– Sửa bảo huynh đệ: tiến hành theo giai đọan (xc Mt 18,15-17). Mục đích của sự sửa bảo là “sức khỏe tinh thần” của người anh em, chứ không phải là hành hạ họ!
Chương 5: Các dịch vụ trong cộng đòan. Đây là một chương “cụ thể” hơn cả, bởi vì muốn giải quyết những chuyện lặt vặt hàng ngày trong cộng đòan: áo quần (xài chung), tắm rửa (bể tắm công cộng), qùa cáp, sách vở. Quy tắc cư xử: “hãy quan tâm đến ích lợi chung; đặt công ích lên trên tư lợi”.
Chương 6: Giải hòa khi xảy ra đụng độ xích mích. Đời sống trong cộng đòan không thể nào tránh được những cuộc cãi cọ. Điều quan trọng là đừng để chúng đâm ra giận ghét; trái lại hãy biết tha thứ, và đặc biệt là hãy kiên nhẫn với những người còn “trẻ dại” (minores: có thể hiểu là non nớt về đường thiêng liêng, hoặc còn trẻ tuổi).
Chương 7: Tương quan bề trên bề dưới. Quyền bính (bề trên) và vâng lời (bề dưới) đều cần được hướng dẫn bởi đức ái: bề trên hãy lấy tình thương để phục vụ, cách riêng qua việc làm gương sáng; bề dưới hãy vâng lời vì thông cảm với gánh nặng của bề trên.
Chương 8. Tóm kết.
– Một lời ước nguyện: Anh em hãy giữ luật vì yêu mến nhân đức, trong tinh thần tự do của ân sủng.
– Một quyết định thực tiễn: Anh em hãy năng đọc bản luật để tự vấn. Hai hình ảnh được sử dụng (“hương thơm vẻ đẹp của đức hạnh” và “tấm gương soi” ) không phải rút từ mỹ viện dành cho phụ nữ nhưng là trích từ Kinh thánh (2Cr 2,15 và Gc 1,23-25).
D. Vài đặc điểm
Như đã nói trên đây, xét theo thứ tự thời gian, luật thánh Augustinô được xếp vào những bản văn cổ điển trong lịch sử đời tu, cách riêng về đời tu trì cộng đòan, với nhiều sắc thái độc đáo.
1/ Quan điểm về cộng đòan. Ngay từ những hàng đầu, thánh Augustinô đã bày tỏ ý định muốn tổ chức một cộng đòan “tông đồ”, nghĩa là:
a/ cộng đòan họa theo khuôn mẫu của cộng đòan nguyên thủy tại Giêrusalem nói ở sách Tông đồ công vụ (Cv 4,32b.32c.35b: đồng tâm hiệp ý trong đức ái, chung tài sản);
b/ hướng về hoạt động tông đồ (các đan sĩ là giáo sĩ, và thi hành các công tác mục vụ). Đây là điểm khác với các cộng đòan đan tu khác, chỉ lo tu thân tích đức. Giữa đời sống đan tu với đời sống giáo sĩ có những liên hệ hỗ tương: đời đan tu hướng đến sinh họat giáo sĩ (các đan sĩ chuyên về học hành và giảng thuyết); đối lại, công tác giáo sĩ được nâng đỡ nhờ nếp sống cộng đòan đan tu: vix monachus bonus facit bonum clericum.
c/ tinh thần đồng trách nhiệm (bề trên không phải là “cha” abbas dẫn đàng thiêng liêng, nhưng chỉ là người điều hành các phần tử hướng về lý tưởng chung).
2/ Tinh thần bản luật
a/ Động lực quy tụ các phần tử là yếu tố siêu nhiên, được diễn tả ngay từ đầu như là “đi tìm Thiên Chúa” (sit vobis anima una et cor unum in Deum: c.I). Thiên Chúa là đích điểm của hành trình: đây là một tư tưởng then chốt của linh đạo Augustinô. Tâm hồn của con người luôn khắc khỏai đi tìm hạnh phúc, và duy chỉ có Thiên Chúa mới mang lại cho nó sự yên hàn. Nhưng đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng đang hiện diện trong mỗi người anh em như trong đền thờ (Omnes ergo unanimiter et concorditer vivite, et honorate in vobis Deum invicem, cuius templi estis: c.I, cuối).
b/ Nhân đức bác ái là luật tối cao và hồn của mọi tương quan giữa các phần tử. Xin miễn nhấn mạnh đến điều này bởi vì quá rõ. Chỉ xin ghi nhận rằng trong cộng đòan này, thánh Augustinô nhấn mạnh đến tình huynh đệ kể cả trong tương quan đối với bề trên (thủ trưởng, praepositus, chứ không phải là viện phụ, abbas).
c/ Riêng về việc tuân hành kỷ luật, thánh Augustinô không ngừng nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm, chứ không phải chỉ bôi bác bên ngòai. Điều này không những chỉ áp dụng đến việc “giữ gìn con mắt khi đi đường” (đừng liếc ngang liếc dọc, tưởng rằng không ai biết, c.VI), nhưng thậm chí cả trong khi cầu nguyện (miệng đọc thì tâm suy: c.2). Phải giữ luật vì yêu thích vẻ đẹp tinh thần chứ không vì sợ hãi (c.VIII).
E. Ảnh hưởng.
Đừng kể ảnh hưởng đối với các đan viện vào thời các giáo phụ, vào thời Trung cổ, luật thánh Augustinô được nhiều dòng áp dụng: Prémontrés, Tôi tớ Đức Mẹ, đặc biệt là các Dòng mang danh là dòng thánh Augustinô (Ordo S. Augustini).
II. Việc du nhập vào Dòng Đa Minh
A. Lịch sử
Thánh Đa Minh đã tuân giữ luật thánh Augustinô từ khi gia nhập đòan kinh sĩ nhà thờ chánh tòa Osma. Như chúng ta đã biết, khi sang Rôma xin Tòa thánh châu phê Dòng mới thành lập, cha Đa Minh được đức Innocentê III khuyên hãy chọn một bản luật cổ điển để khỏi vi phạm lệnh của công đồng Latêranô IV (1215) cấm lập dòng mới. Trở về Toulouse vào năm 1216, cha đã nhất trí với anh em chọn luật thánh Augustinô.
Xưa nay, người ta quen giải thích rằng đây chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ mà phải chọn lựa (xem ra lúc ấy anh em chỉ biết có 2 bản luật: Augustinô và Bênêđictô). Nói cách khác, luật thánh Augustinô được coi như bình phong che mắt (hoặc lá chắn đỡ đạn); chỉ có Hiến pháp mới thực là bản văn diễn tả cốt cách của Dòng Giảng.
Tuy nhiên, cha Vicaire lại nghĩ khác. Khi cha Đa Minh cùng với anh em chọn lựa luật thánh Augustinô, thì họ thực sự nhìn nhận giá trị của nó, thấy có những yếu tố trùng hợp với lý tưởng của Dòng Giảng. Trong số các yếu tố ấy, ta có thể kể đến: cộng đòan giáo sĩ dấn thân vào sinh họat tông đồ (giảng, giải tội), qua nếp sống cầu nguyện, khó nghèo. Thêm vào đó, có thể thêm hai điểm nữa mà bản luật này đã gây ảnh hưởng nơi cha Đa Minh trong cách tổ chức Dòng: 1/ Tinh thần đồng trách nhiệm (quen gọi là “dân chủ”), với những hệ quả về tương quan giữa người lãnh đạo với cộng đòan. 2/ Tinh thần tự do đối với luật pháp: tuân giữ vì yêu mến chứ không vì sợ hãi (luật không buộc thành tội).
B. Các bản chú giải
Những nhận xét của cha Vicaire được xác nhận qua những bản chú giải luật thánh Augustinô trong những thế hệ đầu tiên của Dòng. Các tác giả coi luật thánh Augustinô như một tòan bộ của nếp sống Đa Minh, chứ không phải như là bình phong trang trí. Nổi tiếng nhất là bản chú giải của cha Humbertô Expositio Regulae B. Augustini. Trong phần dẫn nhập (prooemium), tác giả giải thích những lý do vì sao mà Dòng Giảng gắn bó với luật thánh Augustinô: bởi vì nó lấy khuôn mẫu là đời sống tông đồ (vita apostolica), bởi nó không đặt qua nhiều luật lệ chi ly cũng chẳng có qúa sơ sài; hơn thế nữa, bản luật này khuyến khích việc học hành, cổ võ tinh thần khó nghèo.
Trên thực tế, cha Humbertô giải thích tinh thần của Dòng Đa Minh khi chú giải luật thánh Augustinô. Bản luật của thánh Augustinô chỉ dài hơn kém 15 trang nhưng phần chú giải lên tới 600 trang. Dầu vậy, bản văn này đã được lưu hành trong rất nhiều đan viện thời Trung cổ. Người ta đã tìm thấy các thủ bản trong các thư viện của nhiều Dòng khác nhau (Biển đức, Chartreux, Xitô, Premontrés, Serviti, và nhất là các Dòng mang danh hiệu của thánh Augustinô). Lý do không có gì khó hiểu: cha Humbertô không chỉ chú trọng đến các đặc trưng của Dòng Giảng nhưng còn đi sâu vào các yếu tố chung của đời tận hiến nữa. Ngòai ra, những trang chú giải của cha Humbertô được “tô điểm” với nhiều trích dẫn Kinh thánh (Cựu và Tân ước), các tư tưởng giáo phụ (Ambrôsiô, Augustinô, Gioan Kim khẩu, Hiêrônymô, Grêgôriô), các danh sư của đời tu (Cassianô, Biển đức, Bernarđô), và không thiếu những tích tóp từ cuộc đời thánh Đa Minh và các anh em tiên khởi trong Dòng. Dĩ nhiên là không thể nào tóm tắt tác phẩm 600 trang trong khuôn khổ 60 hàng; dù vậy, xin được nêu bật vài tư tưởng chính.
III. Bản chất đời tu
Lề luật thánh Augustinô mở đầu với giới răn yêu thương (mến Chúa yêu người). Đức bác ái yêu thương là điều cần thiết cho hết mọi người, cách riêng cho nhà giảng thuyết: nó dạy ta những điều cần thiết để được rỗi; nó hâm nóng lời giảng; nó hun đúc lòng thương xót tha nhân; nó thúc đẩy ta đi tìm vinh danh Chúa; nó tăng gia lòng can đảm thi hành sứ vụ. Dựa theo vài tư tưởng then chốt của bản luật, cha Humbertô vạch ra 6 đặc điểm của đời sống tu trì: 1/ Cộng đòan (status congregatorum): “anh em được quy tụ nên một.. Hãy kính trọng Thiên Chúa trong anh em”. 2/ Thống hối (status poenitentiae): “hãy chuyên tâm cầu nguyện… Thà thiếu thốn chút đỉnh thì hơn là dư thừa”. 3/ Đoan trang (status honestatis excellentis): “y phục đừng hào nhóang”. 4/ Khó nghèo (status necessitatum multarum): “hãy để y phục vào một nơi chung”. 5/ Huynh đệ (status fraternitatis): “anh em đừng cãi nhau”.
6/ Vâng lời (status subiectionis quod facit obedientia): “Anh em hãy vâng phục bề trên”.
A. Nếp sống cộng đòan.
1/ Nếp sống cộng đòan mang lại cho ta 9 lợi điểm so với đời ẩn tu: nhân đức được thủ đắc, tăng trưởng và kiện cường hơn; các phần tử được nâng đỡ hơn khi sa ngã, khi chiến đấu, khi làm việc thiện; Chúa dễ ban ơn tha thứ hơn, tuôn đổ dồi dào các ơn sủng, khấng nhậm các lời chung nguyện hơn.
2/ Nếp sống cộng đòan được xây dựng trên sự hợp nhất về 3 mặt: việc làm, lời nói và nhất là con tim. Để xây dựng sự đòan kết thì cần phải dẹp bỏ những chướng ngại của nó: khư khư bảo vệ ý kiến cá nhân; tình nghĩa riêng; thích tìm an nhàn bản thân; theo ý riêng hơn là tuân theo ý Chúa. Dĩ nhiên, nói đến đòan kết thì phải hiểu là hợp nhất để làm điều tốt phục vụ Chúa, chứ không phải đồng lòng nhất trí để phạm tội ác!
3/ Tiếp theo sự hợp nhất trong con tim là sự hợp nhất về tài sản. Đây quả là một lý tưởng đẹp, nhưng khó thực hiện bởi vì mỗi người mang sẵn trong mình bản năng chiếm hữu tư sản. Những khó khăn chính của việc để chung tài sản bắt nguồn từ những tội sau: a/ tham lam, hà tiện, ích kỷ; b/ tìm đòi trong nhà dòng những gì mà trước đây mình không có.
Đồng thời với việc ý thức những trở ngại, cần phải tập các nhân đức siêu thóat, khiêm tốn.
4/ Ngòai sự hợp nhất về tâm tình và về tài sản, cần phải thêm sự hòa hợp về hành động. Có 6 trở ngại cho sự hòa hợp này: khác tính tình; bản năng chiếm tư sản, thiếu quân bình khi phân phối các tài sản chung; ích kỷ khi sử dụng của chung; ham muốn tích lũy, kiêu căng. Sự bất hòa đưa đến việc dèm pha chê bai lẫn nhau. Trái lại, để giữ hòa khí, cần phải biết tôn trọng lẫn nhau, qua việc nhìn nhận những ưu điểm của nhau và bày tỏ những cử chỉ cung kính nhau.
B. Nếp sống thống hối.
Tính cách thống hối của đời tu trì được diễn tả qua ba hành vi: cầu nguyện, khổ chế, lân tuất.
1/ Cầu nguyện. Trước hết cần phải trung thành với những thời buổi cầu nguyện của cộng đòan. Tiếp đến, hãy dành giờ vào việc cầu nguyện riêng tư nữa. Dù sao, không những cần phải cầu nguyện nhưng còn phải biết cầu nguyện “tốt” nữa, nghĩa là với sự chú ý.
2/ Khổ chế. Nhà giảng thuyết rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, vì thế cần phải bày tỏ sự khổ hạnh nơi nếp sống của mình.
3/ Khoan hậu. Trong đời sống cộng đòan, cần biết bao dung đại lượng với ba hạng người sau: a/ những người đau yếu; b/ những người thuộc hạnh quyền quý trước khi vào nhà dòng; b/ những người dưỡng bệnh.
C. Nếp sống đoan trang.
Người tu sĩ cần biểu lộ tư cách đoan trang qua y phục, cung cách đi đứng, cử điệu thân thể, lối trông nhìn.
Đừng kể việc tự giác cảnh tỉnh cá nhân, sự sửa bảo huynh đệ là một phương thế hữu hiệu để giúp nhau đạt tới lý tưởng. Sự sửa bảo huynh đệ cần tiến hành theo cấp độ (khuyên lơn, khiển trách, trừng phạt), và luôn biết phân biệt: ghét tội lỗi và yêu tội nhân.
D. Nếp sống khó nghèo
Tuy đã khước từ tài sản thế gian, nhưng người tu sĩ vẫn còn những nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày. Vấn đề cụ thể được đặt ra cho việc phân phối những đồ dùng cần thiết cho các phần tử. Đi từ chuyện phân phát áo mặc (theo phong tục thời ấy, các tu viện có một tủ quấn áo chung, cũng như có một kho chung cho lương thực), và nhận thấy những chuyện kỳ kèo lẩm bẩm thường xảy ra, cha Humbertô khuyến khích anh em hãy đi tìm các nhân đức như là y phục để che chở thân thể thiêng liêng, và đồng thời cũng học biết nhường nhịn những khuyết điểm của nhau.
Khi chú giải đến việc làm bạn “đồng hành” để tới các bể tắm nước nóng, tác giả có dịp để bàn về những đức tính cần có của một người bạn: biết thương người, biết đón nhận tình thương, dịu dàng, dễ thương, biết chăm sóc những yếu đuối thể chất và tinh thần của người bạn.
Việc phân phối các dịch vụ được đặt ra cách đặc biệt đối với các phần tử đau ốm. Họ cần được đối xử với lòng thương xót dành cho những người nghèo của Chúa Kitô. Các bề trên hãy tỏ ra là những mục tử, y sĩ và hiền mẫu.
Tóm lại, việc phân phối các nhu cầu (của ăn, áo mặc, sách vở, thuốc thang) đặt ra một trách nhiệm cho các bề trên. Đồng thời, các phần tử cũng cần ý thức tinh thần khó nghèo, không tìm cách đòi hỏi quá đáng nơi cộng đòan, hoặc tệ hơn nữa, xin xỏ bên ngòai cộng đòan.
Nhân bàn về việc phân phối sách vở, cha Humbertô đã dành ra gần 60 trang để nói về sách vở và học hành trong Dòng Đa Minh (op.cit., p.419-476), từ mối tương quan giữa học hành với đời tu và việc tông đồ, cho đến cách dạy học, viết sách, tranh luận.
E. Nếp sống huynh đệ
Các tu sĩ phải yêu thương nhau như anh em. Vì thế phải tránh tất cả những gì làm thương tổn đến tình huynh đệ.
Một điều dễ gây bất hòa là sự cãi cọ. Đôi khi nó bộc phát từ một người mà thôi; nhưng thưòng xảy ra là “lời qua tiếng lại” cho nên khó mà phân định ai phải ai trái! Điều quan trọng là thực hành sự tha thứ cho nhau. Sự tha thứ cần phải thực tâm và đưa tới sự cầu nguyện cho nhau. Lợi dụng cơ hội này, tác giả thêm vài tư tưởng về sự cầu nguyện (tinh tuyền, chú ý, thường xuyên).
Chương này được kết luận với khảo luận về sự thương yêu. Có thứ thương yêu theo xác thịt (xét vì bắt nguồn từ một điều thiện khả giác, hoặc hướng tới một mục tiêu tự nhiên); có thứ thương yêu thiêng liêng, dựa trên nhân đức bác ái. Tình yêu này vừa ở trong thâm tâm, vừa có khả năng diễn ra tác động bất chấp những trở ngại. Nó không tính tóan, không mong đền ơn. Thực ra hoa trái cao quý nhất của nó là được Chúa ngự trong lòng, được trở nên con cái Chúa; vì thế mà nó muốn tuân hành giới răn yêu thương mà Chúa truyền, và chỉ sợ làm trái ý Chúa khi gây xúc phạm cho anh em.
F. Vâng lời trong đời tu
Mặc dầu các bậc thánh hiền khuyên ta hãy biết vâng phục cả những kẻ hèn mọn trong nhà dòng, nhưng ở đây cha Humbertô chỉ nói đến sự vâng phục các bề trên. Dĩ nhiên trong Dòng Đa Minh, “bề trên” không mang cùng một ý nghĩa như là trong cộng đòan của thánh Augustinô. Tuy vậy, sau khi đã nói qua các cấp bậc bề trên trong Hội thánh, tác giả đi sâu vào tinh thần của đức vâng phục, với 7 đặc tính mà thánh Bênarđô đã kê ra: thân thương, đơn sơ, vui tươi, nhanh nhẹn, trung thành, khiêm tốn, bền chí.
Ngòai những trang bàn về giá trị của đức vâng lời, cha Humbertô cũng chịu khó đụng tới những khó khăn của sự vâng lời (về phía bề trên khi truyền những chuyện ngang trái hoặc lố bịch; về phía bề dưới do tính tình bướng bỉnh).
Dựa theo chiều hướng của thánh Augustinô, tác giả muốn đặt tương quan bề trên với bề dưới dưới viễn tượng của tình yêu. Bề trên hãy cai quản trong tình yêu mến phục vụ (như một người cha dưỡng nuôi, một người tuần phòng canh thức, một bác sĩ săn sóc, một người lính bảo vệ, một mục tử che chở, một nhà hướng đạo dìu dắt). Bề trên hãy nêu gương sáng cho anh em và biết “sợ” vì trách nhiệm nặng nề. Trái lại, các bề dưới không nên “sợ hãi” bề trên: tuy cần tỏ lòng kính trọng bề trên nhưng đồng thời cũng hãy thương bề trên, yêu mến kẻ được đặt lên để phục vụ cộng đòan, chia sẻ gánh nặng với bề trên.
Phan Tấn Thành, OP.