Sau khi khảo sát đánh giá hiện trạng nhà thờ chính tòa Bùi Chu (Nam Định), Viện Bảo tồn di tích vừa báo cáo với Bộ VH-TT-DL 2 phương án trùng tu nhà thờ 134 tuổi này.
Trước đó, khi thông tin xây dựng nhà thờ mới Bùi Chu làm nóng dư luận hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Viện Bảo tồn di tích tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng nhà thờ và đề xuất phương án báo cáo Bộ trưởng.
Hai phương án của Viện Bảo tồn di tích
Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án ứng xử với nhà thờ Bùi Chu. Phương án thứ nhất: trùng tu cục bộ. Theo đó, giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần. Có nhiều hạng mục được hạ giải và thay thế. Chẳng hạn, hạ giải phần mái ngói, tận dụng tối đa các viên ngói còn tốt để tái sử dụng. Thay thế phần ngói thiếu khuyết bằng các viên ngói phục chế theo kích thước cũ. Phục hồi lại hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950. Hạ giải từng phần những vị trí cần thiết để tu sửa bộ khung gỗ mái vì kèo, thay thế những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng các cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại. Việc thực hiện gia cố, thay lõi các cột tiêu tâm. Giữ nguyên quy mô cấu trúc công trình.
Cũng theo phương án thứ nhất này, tường bị nứt mất liên kết sẽ được gia cố và phục hồi cả về độ bền lẫn hoa văn. Gia cố móng, tường để cứu gác chuông và tường bị nghiêng. Phục hồi nền cũ, lát lại bằng gạch hoa mới phục chế theo mẫu cũ. Sửa chữa lại toàn bộ trần vôi rơm, trần gỗ, trần vẽ hoa văn theo kỹ thuật truyền thống. Phục chế các thành phần trang trí hoa văn, gờ chỉ đắp vẽ bên ngoài nhà…
Theo Viện Bảo tồn di tích, phương án này không bền vững, chỉ ổn định trong thời gian giới hạn, cần duy tu, thậm chí tiếp tục sửa chữa hằng năm. Nó cũng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại. Chưa kể kinh phí lớn và gây lãng phí của cải, vật chất của xã hội đối với những phần việc về mộc đã thi công xong (trước đó nhà thờ đã chuẩn bị nhiều cấu kiện gỗ để phục vụ xây lại).
Phương án thứ hai: là trùng tu triệt để. Theo đó, hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ. Thi công hệ thống móng mới theo quy mô phù hợp và công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định cho công trình. Đặc biệt, trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh. Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo cấu trúc cũ, quy mô kích thước có thể mở rộng thêm nhưng không quá lớn so với mẫu cũ để không gây cảm giác xa lạ, khác biệt với quy mô ban đầu.
Cũng theo phương án này, sẽ bảo tồn những giá trị cốt lõi và yếu tố gốc quan trọng của các thời kỳ, tái sử dụng chân tảng, hoa văn kim loại đúc. Lưu ý bảo tồn nguyên vẹn khu mộ của các linh mục. Phục chế các đồ thờ sơn thếp. Bảo quản tấm bia Thành Thái và hai chuông đồng.
Viện Bảo tồn di tích nhận định phương án hai: “Bền vững, ổn định lâu dài. Bảo tồn đặc điểm cơ bản và những giá trị cốt lõi đặc trưng. Đáp ứng nhu cầu đương đại và nguyện vọng của cộng đồng sử dụng. Kinh phí hợp lý, có tính khả thi và tránh lãng phí đối với của cải vật chất của giáo dân”.
Viện cũng kiến nghị dù thực hiện phương án trùng tu nào, cơ quan thực hiện cũng phải là đơn vị có chuyên môn về tu bổ di tích và xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Trong quá trình thi công, cần lập hồ sơ đầy đủ, chi tiết trước khi hạ giải cục bộ hay toàn phần. Phương án thiết kế trùng tu cần có sự tham vấn chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia bảo tồn di sản kiến trúc. Các nhà chuyên môn cũng giám sát liên tục trong quá trình thi công.
Những băn khoăn
Về hai phương án này, kiến trúc sư Nguyễn Hạnh Nguyên (giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM, thành viên nhóm Yêu di sản) cho biết bà ủng hộ phương án một. “Phương án này giữ lại được những giá trị cốt lõi của công trình. Đồng thời, nó cũng tránh được trường hợp khả năng thi công, vật liệu, cách chọn màu sắc… bị khó kiểm soát. Cái chính, phương án này giữ gìn được những gì là hiện thân của văn hóa, lịch sử, minh chứng cho thời kỳ đầu của Công giáo vào VN. Đấy là bảo tồn tính nguyên vẹn, bảo tồn tính nguyên gốc”, bà cho biết.
Bà Hạnh Nguyên cũng lo ngại sau khi phá cả tường và móng nhà thờ, chúng ta không tìm được bàn tay tài hoa để làm lại giống như trước. “Nhưng cái quan trọng nhất, người ta chỉ phục dựng khi công trình bị phá hủy hoàn toàn như bị cháy, đánh bom. Trong khi đây là công trình đang nguyên vẹn. Chỉ khi nào không còn di sản, di sản bị phá hoàn toàn, khi đó mới phải dùng phương án phục dựng, tái thiết”, bà phân tích.
Trong khi đó, một chuyên gia khác, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Hoài Nam, thành viên nhóm Yêu di sản, cho rằng việc xét đến yếu tố đã thi công trước một phần (các cấu kiện gỗ) như chuyện đã rồi sẽ khó đảm bảo tính khách quan giữa các phương án đề xuất. Ông Nam cũng cho rằng qua các nội dung cần trùng tu gia cố nêu trong phương án một thì kinh phí dành cho phương án này không cao, trái lại sẽ thấp hơn rất nhiều so với phương án hai.
Ông Nam đề xuất phương án ba: “Trùng tu nhà thờ Bùi Chu hiện hữu để giữ gìn như một biểu tượng lịch sử, văn hóa, tôn giáo tầm cỡ; và xây mới nhà thờ bên cạnh (phía trước) – vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ đương đại, vừa đáp ứng gìn giữ cũng như tiếp nối giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc”.
Trinh Nguyễn