Trả lời:
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Câu hỏi rất hay. Chúng tôi tin rằng không chỉ có bạn và còn nhiều bạn trẻ khác cũng quan tâm đến điều này.
Ta biết việc Đức Giêsu Phục Sinh còn lưu lại với các môn đệ suốt bốn mươi ngày sau khi Ngài sống lại từ cõi chết nhờ vào trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ. Cv 1,3 nói rằng: “Sau cuộc thương khó, Ngài [Đức Giêsu] đã cho họ [các môn đệ] thấy mình vẫn còn sống với nhiều bằng chứng. Suốt bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra cho họ và nói về Nước Thiên Chúa.” Trong Kinh Thánh, ta thấy xuất hiện con số 40 này với nhiều dụng ý khác nhau như dân Israel trong đi sa mạc (Cv 7,30; Đnl 9,18.25), Mosê ở trên núi Sinai 40 đêm ngày (Xh 24,18), dân Israel đã phục vụ cho dân Philitinh 40 năm trước khi được Samson giải cứu (Tp 13,1), Đức Giêsu bị cám dỗ 40 ngày đêm trong sa mạc (Mt 4,2)… Bởi thế, nhiều người cho rằng, con số 40 này mang một ý nghĩa nào đó hơn là chỉ ra chính xác số ngày. Phần lớn cho rằng con số 40 tượng trưng cho thời gian thử thách, thanh luyện: việc Đức Giêsu ở lại với các môn đệ trong 40 ngày trước khi về Trời chính là một sự thanh luyện dành cho các ông, là khoảng thời gian “đủ” để Đức Giêsu củng cố niềm tin cho các ông trước khi xa rời.
Giả thuyết này cũng có lý. Tuy nhiên, dựa vào các biến cố lịch sử, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, còn số 40 này cũng có thể là 40 (hoặc trên dưới một chút) ngày thật sự. Đức Giêsu bị bắt và bị hành hình vào khoảng thời gian người Do Thái mừng lễ Vượt Qua. Nhờ trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ, ta biết rằng Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái (x. Cv 2,1-13), mà Lễ Ngũ Tuần này được cử hành 50 ngày sau ngày lễ Vượt Qua. Như thế, việc Đức Giêsu lên trời nằm giữa khoảng thời gian 50 ngày này. Sách Công Vụ trong chương thứ nhất cho chúng ta biết rằng sau khi Đức Giêsu về trời thì theo lời căn dặn của Thầy, các tông đồ tụ họp ở Giêrusalem để chờ Thánh Thần đến và trong thời gian này, họ đã chọn Mathia để thay thế cho Giuđa, kẻ bán Chúa (x.Cv 1,15-26). Những căn cứ này cho thấy việc Đức Giêsu Phục Sinh lưu lại với các môn đệ trong 40 ngày có thể không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng nhưng còn có thể có tính lịch sử.
Đức Giêsu đã làm gì và ở đâu trong khoảng thời gian sau phục sinh trước khi về trời? Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết, nhưng dựa vào những dữ kiện của Kinh Thánh, chúng ta có thể dùng lý trí mà suy luận ra được. Trong nhiều bài viết trước, chúng tôi đã lặp đi lặp lại rằng sự phục sinh của Đức Giêsu không giống như sự sống lại của Lazarô (x.Ga 11,1-44), và con trai bà goá thành Naim (x.Lc 7,11-17), những người đã được Đức Giêsu cứu khỏi tay tử thần. Hai người này tuy đã được sống lại nhưng rồi họ cũng sẽ chết. Họ đã tắt thở và Đức Giêsu đã dùng quyền năng của mình mà phục hồi lại các chức năng của cơ thể, khiến cho nó hoạt động trở lại và thân xác đã chết ấy được cử động như trước. Nhưng sự sống mà họ lãnh nhận lúc đó cũng giống như trước kia. Họ – cũng giống như chúng ta – đều bị lệ thuộc vào không gian, thời gian và những quy luật của tự nhiên. Nghĩa là, nếu ở chỗ này, thì họ không thể ở chỗ khác; sống ở hôm nay thì không biết ngày mai và không thể thay đổi được quá khứ; thời gian qua đi, họ sẽ bị lão hoá rồi các bộ phận của cơ thể sẽ đi đến sự huỷ hoại; đến một lúc nào đó, họ và chúng ta sẽ xuôi tay nhắm mắt, về với lòng đất.
Còn với Đức Giêsu, Ngài phục sinh nghĩa là Ngài đi vào một sự sống mới khác loại hoàn toàn so với sự sống của chúng ta. Đức Giêsu phục sinh, nghĩa là Ngài đã chết thật, cơ thể Ngài đã ngừng hoạt động, nhưng chính cơ thể ấy đã được ban cho một sự sống mới. Đức Giêsu phục sinh cũng là Đức Giêsu đã sống trước kia, đã giảng dạy, đã bị giết chết, chứ không phải là một người nào khác, cũng không phải là “linh hồn” của Đức Giêsu, như ta vẫn thường gán cho linh hồn của người chết (rằng họ vẫn còn sống và “ở đâu đó” quanh đây!). Đức Giêsu phục sinh không phải là ma vì ma thì không thể nói chuyện, ăn uống và có xương thịt để người ta đụng chạm như một người thường (x.Lc 24,39). Nhưng Đức Giêsu phục sinh cũng khác trước rất nhiều vì Ngài thoát ẩn thoát hiện, không bị già đi, không bị lão hoá. Có thể nói, với sự phục sinh, Đức Giêsu đã đi vào sự bất tử. Thời gian, không gian và mọi định luật tự nhiên không còn có quyền gì với Ngài nữa. Đối với Ngài, hôm qua, hôm nay, hay ngày mai không có sự phân biệt nào cả, tất cả đều chỉ là “bây giờ”; Ngài có thể cùng một lúc hiện diện ở bất cứ nơi nào Ngài muốn. Kiểu sự sống này chỉ có thể tồn tại nơi Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế, nói theo ngôn ngữ thần học, lúc này đây Đức Giêsu đã đi vào trong sự sống của Thiên Chúa, Ngài đã hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Từ những quan sát trên, ta có thể đi đến kết luận rằng ngay khi phục sinh, Đức Giêsu đã trở về tình trạng hiệp nhất nguyên thuỷ với Cha và Thánh Thần rồi.
Vì Đức Giêsu không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, nên câu hỏi “Đức Giêsu làm gì trong 40 ngày trước khi về Trời” trở nên vô nghĩa. Ta có thể nói một cách có vẻ khó hiểu là: Ngài chẳng ở đâu và làm gì cả, vì lúc đó Ngài đã ở trong Ba Ngôi, đã hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa rồi. Đúng ra mà nói, chẳng phải đợi đến lúc thăng thiên thì Ngài mới “bay” lên trời để về với Cha, nhưng ngay khi Phục Sinh, Ngài đã đi vào trong cung lòng của Cha. Biến cố Ngài lên trời chỉ là một cột mốc đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp là từ nay, Ngài không còn hiện diện bên các môn đệ một cách hữu hình như trước nữa, chứ không phải là từ lúc đó, Ngài mới được “cho phép” về trời. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng không tồn tại không gian, nên hình ảnh “ngồi bên hữu Chúa Cha”, cũng chỉ là một hình ảnh biểu trưng rằng Đức Giêsu kết hiệp chặt chẽ với Cha và được Cha trao quyền năng cả “trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ”.
Hy vọng một vài giải đáp ngắn gọn như vậy giúp giải đáp phần nào câu hỏi của bạn.
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 06.05.2016)