+ “Tôi còn đánh thức cả bình minh” (phần 1)
Nhưng thế giới của chúng ta đang thay đổi sâu sắc. Ở phương Tây, chúng ta đã thấy mọi dấu hiệu của sự kết thúc của cuộc cách mạng công nghiệp. Nền công nghiệp nặng cũ kỹ đa số đã ngưng hoạt động. Chúng ta sống trong thế giới mới, thế giới mà Zygmunt Bauman, giáo sư tại Đại học Leeds và Warsaw, gọi là “Hiện Đại Lỏng”[1]. Trong thế giới này, không còn lưu hành nữa những hàng hóa nặng nề – thép, than… – mà là những hình ảnh, logo, những biểu tượng và những dấu hiệu. Chúng ta sống trong điều được gọi “một xã hội bão hòa của các biểu tượng”[2]. Trong thế giới mới này, người Kitô hữu xa lạ tập trung vào quyền lực của các dấu hiệu có thể không có vẻ chi là quá ngớ ngẩn. Nếu chúng ta có thể tìm thấy các dấu chỉ của niềm hy vọng, rồi thế giới này sẽ chú ý và sẽ chuyển đổi chúng trên mạng toàn cầu chỉ trong khoảnh khắc. Hãy nghĩ đến hình dáng mảnh mai dễ tổn thương đứng trước một chiếc xe tăng, trên quảng trường Thiên An Môn. Trong vòng vài giờ, người ta thấy hình ảnh này khắp nơi trên thế giới và chính phủ của một phần tư nhân loại đã bị rung động.
Thánh Phanxicô nói đến những cử điệu biểu tượng cho một thế giới mà chính nó cùng có những biến đổi sâu sắc như thế giới của chúng ta. G.K. Chesterton viết:
“Điều ngài nói tác động đến trí nhớ hơn những gì ngài viết. Điều ngài làm thì gây tưởng tượng phong phú hơn những gì ngài nói (…). Kể từ lúc mà ngài dứt áo và vứt chúng dưới chân thân phụ mình cho đến lúc ngài nằm dài trên đất để chết, khi tạo nên một chữ thập, cuộc đời ngài được thực hiện với những thái độ vô thức và những cử chỉ can đảm”.[3]
Chính vì thế mà hội hoạ của Giotto rất thích hợp với Thánh Phanxicô. Những cái gần như của ngài thì như được nhúng chìm vào trong những cử chỉ sáng tạo. Chúng tôi, các tu sĩ Đa Minh, chúng tôi có Fra Angelico. Mạng Internet trao tặng một phương tiện tương tự. Làm sao ta có thể dùng mạng Internet như những tu sĩ Phanxicô đầu tiên và những tu sĩ Đa Minh tiên khởi dùng những nghệ sĩ hay nhất ở thời của các ngài?
Dĩ nhiên, những kẻ đã lên kế hoạch cho cuộc khủng bố 11/9 hiểu rất rõ tầm quan trọng của hành động biểu tượng. Những thiệt hại nhân mạng và vất chất rất khủng khiếp và không thể nói hết bằng lời, nhưng nó đã được dự trù như một sự kiện mang tính biểu tượng: những biểu tượng của truyền thông hiện đại, những chiếc máy bay phản lực nghiền nát những biểu tượng của quyền lực quân sự và kinh tế của nước Mỹ, Lầu Năm Góc và Toà Tháp Đôi. Chính sự kiện mang tính biểu tượng của bạo lực này đã nói cho chúng ta bằng sự không-truyền-thông (non-communication). Chính vì thế mà câu trả lời thích đáng nhất chỉ có thể có được thông qua những cử chỉ khác. Những cử chỉ này nói về sáng tạo và nói không với sự tàn phá, nói về tha thứ và nói không với bạo lực. Đối với phần lớn chúng ta, điều đầu tiên mà chúng ta ghi nhận, ngay sau sự kiện này, là những người lính cứu hoả đã đến, sẵn sàng hy sinh. Chúng ta cũng nhớ vị tuyên uý dòng Phanxicô của họ, Mychael Judge, đã chết chung với họ.
Vài tu sĩ Đa Minh người Mỹ đã quyết định tưởng niệm kỷ niệm đầy năm sự kiện 11/9 bằng việc tuyệt thực suốt một tháng. Suốt thời gian này họ chỉ uống nước. Có những anh chị em Đa Minh và có một người giáo dân Đa Minh, Sheila Provender, người sau đó đã qua Bagdad trong suốt thời gian chiến tranh tại Irak. Vài người khác, trong đó có tôi, đã nhập bọn với họ trong một vài ngày sau. Đó là cách thức tốt nhất để giảm cân! Khi sự đe doạ của chiến tranh trở nên căng thẳng hơn, cuộc tuyệt thực tới phiên trở nên trung tâm của sự chú ý. Chúng tôi tất cả đều mặc những chiếc áo T-Shirt trên đó ghi hàng chữ: “Có một phương cách khác”. Chúng tôi cắm lều ở Union Square, ngay hướng Bắc của Ground Zero, và nói chuyện hằng ngày với hàng trăm người đến hỏi han chúng tôi và đọc những tờ bướm chúng tôi phân phát. Nhiều người Do Thái và Hồi giáo cũng tham gia cầu nguyện cùng với chúng tôi, 3 lần mỗi ngày. Điều này quả làm tôi kinh hãi, đó là ý nghĩa biểu tượng của việc tuyệt thực đã ngay lập tức được hiểu, ngay cả với những thanh niên, ngoại trừ một chàng trai trẻ hằng ngày vẫn đến đây ăn bánh hamburger và khoai tây chiên gần tôi. Thật là thơm ngon! Cử chỉ biểu tượng này đã nói lên rất nhiều. Mỗi ngày có các ký giả và máy quay phim của các đài truyền hình đến tác nghiệp sự việc này.
Tôi nhận ra rằng việc này chẳng có nhiều tác dụng. Người ta không hề nghe nói đến cú điện thoại của Tổng thống Bush cho Thủ tướng Anh để bàn thảo việc chấm dứt chiến tranh bởi vì các tu sĩ Đa Minh đang tuyệt thực ở New York. Chính qua dấu chỉ này đã nói lên niềm hy vọng của chúng ta. Niềm hy vọng mà chúng ta mở cánh cửa cho ân sủng biến đổi của Thiên Chúa đi vào thế giới này. Chính thông qua sự lưu tâm đến ý nghĩa chứ không phải sức mạnh thô bạo mà chúng ta chi sẻ với cách nói của Lời Chúa mà Nước Trời đem đến. Lời này nói “Hãy để con người phát đạt” và chúng ta sẽ là. Trong vở kịch Gã Lái buôn thành Venise, Portia nói: “Ước chi ngọn đuốc nhỏ này quăng đi xa sẽ vẽ lên những tia sáng của nó! Như thế sẽ chiếu sáng một hành động tốt đẹp trong một thế giới gian ác”.[4]
Đức Giêsu đã không làm sáng mắt cho tất cả những người mù ở Israel, và ta có thể tự hỏi rằng sự chữa lành một người mù có làm khác đi điều gì không. Người cũng không giải quyết hết mọi tình huống xảy đến trong các tiệc cưới khi thiếu rượu. Nhưng những dấu chỉ nhỏ bé này thuộc về Lời Chúa tạo dựng và lại tạo dựng nữa. Chính sự mỏng dòn và nhỏ bé của những cử chỉ này mà nó nói lên rất nhiều. Thiên Chúa đã không để Gedeon nghiền nát những người Midianites trước khi giảm quân của ông từ 32.000 xuống còn 2.000, rồi 300 người. Trong Thánh Kinh, ta yêu thích những gì nhỏ bé. Đức Giêsu nói rằng điều gì ta làm cho những kẻ bé nhỏ trong chúng ta là làm cho chính Người. Những cử chỉ nhó bé đồng thời là lời cầu xin Nước Chúa trị đến và Lời Chúa, làm nó gần hơn.
Đức Giêsu không làm bất cứ dấu chỉ nào. Mà đó là hành vi sáng tạo và biến đổi. Người sắp bị nộp vào tay những kẻ thù của mình. Người sắp bị nộp bởi chính một trong số các môn đệ của Người cho quyền lực tàn bạo của đế quốc. Người đã không đón nhận nó cách thụ động mà đã biến đổi nó thành thời khắc của ân sủng. Người đã làm cho sự phản bội thành ân sủng. Người nói: “Này đây, anh em sẽ nộp Thầy và anh em sẽ chạy trốn; sự bất trung, xâm chiếm lấy tôi và chính tôi sẽ làm cho nó trở nên ân sủng cho anh em”.
Hy vọng không đơn giản là sự đánh cuộc nhưng cái tốt sẽ mạnh hơn cái xấu. Đó không chỉ với niềm tin của chúng ta mà Thiên Chúa sẽ có tiếng nói sau cùng, như những người hùng trong các phim Cao bồi Viễn Tây luôn phi nước đại đến cứu chúng ta vào phút chót căng thẳng tột cùng. Bởi dấu hiệu này, Đức Giêsu thâu tóm lại và làm sinh hoa kết trái từ lỗi lầm giết chết Con Thiên Chúa. Như thế, không có chi trong suốt lịch sử nhân loại là không thể cách nào đó, trong cách mà chúng ta không thể dự báo, được đảm nhận và sinh hoa kết trái. Karl Barth nói rằng, nếu âm nhạc của Mozart mạnh mẽ bởi vì nó chứa đựng một tiếng KHÔNG vĩ đại (great NON), bao trùm luôn cả tiếng CÓ vinh quang (triumphant YES). Như Rowan Williams viết: “Ánh sáng thì ở trong lòng của bóng tối. Bình minh chỉ chiếu rọi khi ta đi vào giữa bóng đêm”.[5]
Tôi đến Burundi lần đầu tiên khi xảy ra cuộc xung đột sắc tộc giữa người Hutus và người Tutsis chia cắt đất nước xinh đẹp này. Tôi mong muốn viếng thăm cộng đoàn các chị đan sĩ Đa Minh ở phía Bắc nước này. Quãng đường bộ thực sự là quá nguy hiểm và chúng tôi dự trù lợi dụng một trong các chuyến bay bằng phi cơ nhỏ của Liên Hiệp Quốc. Nhưng trước sự gia tăng bao lực, Liên Hiệp Quốc cũng đã rút khỏi nước này và chỉ còn cách phó mình tin tưởng là mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp khi dùng đường bộ. Một chuyến đi đầy khó khăn. Quân đội chặn xe chúng tôi liên tục và định ngăn không cho chúng tôi tiếp tục đi vì họ đang đánh nhau trên con đường đó. Chúng tôi đã gặp một chiếc xe buýt chất đầy xác chết. Có những phát súng nhắm vào chúng tôi, tôi tin là thế. Toàn bộ đất nước khó khăn và chết chóc, mùa màng bị thiêu huỷ. Và rồi, từ xa, chúng tôi thấy một ngọn đồi xanh mướt, đó là đan viện của các chị.
6 tu sĩ là người Tutsis và 6 người Hutus. Đây là một trong số hiếm hoi những nơi mà các nhóm sắc tộc sống chung trong thanh bình và tình yêu thương. Họ đã mất hầu như toàn bộ gia đình trong cuộc tàn sát này. Chỉ duy nhất trong số họ, một tập sinh, đã được cứu sống và tin tức về cuộc tàn sát gia đình của chị cũng đến nơi khi chúng tôi ở đó. Tôi hỏi họ làm sao họ sống được trong bình an với những người khác. Các chị trả lời tôi rằng bên cạnh việc cầu nguyện chung, các chị còn cùng nghe tin tức chung với nhau, để có thể sống chung tất cả những gì xảy đến mà không ai trong số họ phải cảm thấy phải chịu đau khổ riêng một mình. Và dần dần, những người thuộc mọi đảng phái bảo đảm rằng người ta được an toàn ở xung quanh đan viện; họ quy tụ lại trong nhà thờ để cầu nguyện và ở xung quanh đan viện người ta bắt đầu trồng trọt và canh tác. Đó là nơi xanh tươi trong một đất nước bị tàn phá và là một dấu chỉ của niềm hy vọng.
Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Giêrusalem, có nhiều người Do Thái hoài nghi, như rabbi Jonathan Sachs. Điều gì sắp thay đổi đây? Lại là những lời nói gió bay! Nhưng tình hình đã thay đổi khi ngài đến bên bức tường Than khóc và đứng thinh lặng giữa những người Do Thái đang khóc than cho sự phá huỷ của ngôi Đền thờ. Họ cảm động “khi thấy bóng liêu xiêu đứng một mình bên bức tường từng là ngôi Đền thánh, mang trên vai sức nặng của hàng thế kỷ chia rẽ, xác quyết đoạt tuyệt với quá khứ và đánh dấu một con đường mới”[6]. Những dấu hiệu nói và làm.
Ở phương Tây, Giáo Hội đối diện với sự phản bội gây khó xử: việc lạm dụng tình dục của một số nhỏ giáo sĩ. Nhiều người có trách nhiệm trong Giáo Hội có vẻ như hy vọng rằng họ sẽ thức dậy vào một ngày đẹp trời nào đó và cơn ác mộng sẽ biến đi và họ lại tiếp tục như chẳng hề có chi xảy ra. Chúng ta dám tin rằng sự đau khổ này có thể, Giáo Hội cũng vậy, được đương đầu trong sự trong sáng và hy vọng. Như Đức Giêsu đã ôm lấy sự phản bội của Giuđa, thì chúng ta cũng dám đương đầu với sự phản bội đang xảy ra với niềm tin tưởng rằng chúng có thể mang lại hoa trái. Enda McDonagh hỏi rằng nếu chúng ta dám chia sẻ nỗi thất vọng của những người bị lạm dụng này. “Chúng ta có dám làm tất cả cho mối thất vọng này, mối thất vọng đeo đuổi các nạn nhân (lạm dụng tình dục) trong suốt hàng chục năm, trong khi họ tìm kiếm sự đồng hành mục vụ trong sự cảm thông để giúp họ trong đêm tối này của chính họ? Đó là những gì ta phải làm hiện nay, chúng ta, những anh chị em của họ trong Đức Kitô; cố gắng chia sẻ nỗi đau của họ, màu đen tăm tối của họ, nỗi thất vọng của họ”[7]. Với họ, có thể chúng ta biết khám phá ra niềm hy vọng mới và biết rung động. Nếu chúng ta chạy trốn, cơ hội sẽ bị đánh mất như thể Đức Giêsu đã trốn đi bằng cửa sau để không phải đương đầu với đêm tối của sự phản bội.
Đây là lúc mà toàn bộ niềm hy vọng có vẻ như đã khai mở cho chúng ta cử hành bí tích của niềm hy vọng. Đây không chỉ là một cách thức tương lai bày tỏ ra bên ngoài. Trong một nghĩa nào đó, tương lai bị áp đặt. Điều mà các môn đệ hy vọng thấy đã được thực hiện trước. Trước cái chết, họ ăn uống và lễ lạc, sự vĩnh cửu bị áp đặt. Những người lính có thể đang ở rất gần, chính lúc đó, đối với Đức Giêsu, là lúc bẻ bánh, thời khắc duy nhất còn hiện hữu, đó là bây giờ.
Người Kitô hữu, chúng ta hy vọng sự vĩnh hằng. Nhưng sự vĩnh hằng không phải điều gì đó xảy đến vào lúc kết thúc của thời gian khi chúng ta chết. Vĩnh hằng bắt đầu ngay từ bây giờ, mỗi lần chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa. Bởi tình yêu, sự sống đó đến mỗi khi ta vượt qua lòng căm thù với tình yêu. Thực sự, Thế hệ hiện tại không sống trong hiện tại nhưng vì điều gì đó sắp xảy ra, vì phần thưởng sắp được ban cho, vì sắp có được điều gì đó, vì cái gì đó được chờ đợi để tiêu thụ. Đó là thay đổi liên tục không thể cưỡng lại được. Hy vọng nghĩa là cho phép sự vĩnh hằng của Chúa xuyên qua những làn mây ngay bây giờ. Sống trong hy vọng là sống tràn đầy mỗi khoảnh khắc hiện tại cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Như nhà thần bí và tu sĩ dòng Đa Minh ở thế kỷ XIV, tôn sư Eckhart viết: “Ngày hôm nay là gì? Ngày hôm nay là vĩnh cửu”. Nên trong việc cử hành của chúng ta, Thánh Thể là bí tích của niềm hy vọng về Vương quốc. Nhưng Vương quốc này được thoáng qua từ hôm nay. Chúng ta có trước hương vị của niềm vui trong tương lai ngay bây giờ. Chúng ta cần những dấu chỉ mà nó nói cho ta về tương lai.
Vào năm 1966, Đức Phaolô VI và Tổng Giám mục Cantobery, Michael Ramsey, cùng cử hành phụng vụ đại kết chung với nhau tại Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, ở Rôma. Họ đã ký kết tuyên bố chung khẳng định niềm ham muốn hiệp nhất của họ. Rồi Đức Giáo hoàng đưa Đức Tổng Giám mục đi xem những bức tranh tường. Bất ngờ, ngài bảo Đức Tổng Giám mục tháo nhẫn ra. Đức Tổng Giám mục Ramsey hết sức bỡ ngỡ nhưng vẫn làm theo yêu cầu. Khi Đức Giáo hoàng đem vào ngón tay của Đức Tổng Giám mục Cantobery chiếc nhẫn của mình, chiếc nhẫn ngài đem từ khi làm Tổng Giám mục Milan. Đức Tổng Giám mục Ramsey bật khóc nức nở và mang chiếc nhẫn đó cho đến ngày cuối đời. Đó cũng chính là chiếc nhẫn mà Rowan Williams đeo khi ngài đến thăm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Người ta thường chú ý rằng có sự bất hợp lý giữa cử chỉ của nhìn nhận này và lời từ chối chính thức của Công giáo khi nhìn nhận tính hợp pháp của phẩm trật trong Giáo hội Anh giáo. Nhưng cử chỉ này không diễn tả nhiều hơn điều phải đạt tới trong tương lai. Bằng việc diễn tả niềm hy vọng, nó đem việc ấy lại gần nhau hơn. Những Giáo hội có thể vẫn còn bị chia rẽ, chúng ta có thể vẫn chưa ở trong sự hiệp thông, nhưng ở đây đã có cử chỉ đi xa hơn, hướng về điều phải xảy đến. Sự hiệp nhất của các Giáo hội có thể không phải là thiên đường, nhưng ít là kết thúc cho những phản chứng đáng xấu hổ.
Vào tháng 4-2002, tôi viếng thăm tu viện Cairo và vị bề trên đã đưa tôi vào một khu trong thành phố nơi chẳng bao giờ du khách dám đặt chân tới, khu Mukatam. Ở đó là nơi những người hốt rác sinh sống. Có khoảng 300.000 mà nhiều người trong số họ là người Kitô hữu. Đó là nơi dơ dáy nhất và hôi hám nhất mà tôi từng thấy. Ngay cả đến những đứa trẻ cũng có vẻ già nua, và chúng chơi đá bóng say sưa trên đường phố. Mỗi ngày, họ đi vào trong thành phố với chiếc xe lừa kéo và mang về rác rưởi để phân loại nhằm kiếm được cái gì đó có thể thu hồi và tái chế. Trên đường về, họ có thể nhận ra bức tường đá bao quanh thành phố. Một người nghệ sĩ Ba Lan đã vẽ ở đây hình của Đức Kitô vinh hiển: sự phục sinh của Đức Kitô, thăng thiên và trở lại vào thời sau hết của Đức Kitô. Khi trở về nhà, người ta có thể thấy những dấu chỉ này và nhớ rằng họ không chỉ là dân Mukatam, mà còn là công dân của Nước Trời. Những dấu chỉ này nói lên điều gì đó phải là.
Một hôm tôi kể lại kinh nghiệm này, ai đó đã phản bác rằng điều này có thể là cách đề nghị với người ta một liều thuốc phiện tôn giáo, hoà giải họ với số phận. Tin tưởng vào một tương lai huy hoàng có thể khuyến khích họ nhẫn nhục chịu đựng đau khổ ở hiện tại hơn là đấu tranh cho công lý. Đó có thể là trường hợp của chúng ta. Nhưng mục đích của những cử chỉ này và những hình ảnh này thì rõ ràng cho chúng ta hy vọng để vượt qua sự thờ ơ và tình cảm bất lực, và hành động. Khi ở Cairo, tôi cũng được đưa đi thăm một dự án ở một khu phố nghèo nơi những người Kitô giáo và Hồi giáo làm việc chung để đặt đường ống nước sạch và cống rãnh. Dấu chỉ này hứa hẹn tương lai và giải phóng chúng ta khỏi sự thờ ơ giúp ta vươn lên làm cái gì đó.
Trong bộ phim Clockwise, John Cleese nói: “Không phải sự thất vọng làm phiền tôi, nhưng chính là hy vọng mà tôi không thể chịu nổi”. Hy vọng thách thức định mệnh của chúng ta, chính vì thế mà nó mới làm phiền. Như Eric Hoffer viết: “Những ai muốn biến đổi một quốc gia hay làm thay đổi thế giới, thì sẽ chẳng đạt đến trong khi vẫn phải nuôi dưỡng và chăm sóc sự bất bình mà vẫn không chỉ ra rằng mong muốn thay đổi là hữu lý và đáng ước ao hay lẫn buộc người ta phải áp dụng một lối sống mới. Họ phải biết làm sao khơi lên và duy trì ngọn lửa của niềm hy vọng phi lý”[8]. Khoảng 1/6 dân số toàn cầu sống dưới ngưỡng nghèo khổ[9]. Nạn nghèo đói mỗi ngày cướp đi khoảng 20.000 sinh mạng. Họ chết không vì lý do nào khác là họ nghèo. Không phải không thực tế khi khẳng định rằng chúng ta có thể xoá bỏ cảnh cùng cực của cái nghèo trong 1/4 đầu tiên của thế kỷ XXI. Cách nay khoảng một trăm năm, một tỉ lệ tương tự dân số nước Anh sống trong cảnh cùng khốn của nghèo khổ và đã có những người cho rằng điều đó không thể khác đi được: nhưng họ đã lầm. Là người Kitô hữu, chúng ta nên từ chối quan điểm cực đoan và cố gắng chấm dứt cái nghèo. Là người Kitô hữu, chúng ta không có quan điểm riêng về kinh tế hay chính trị để theo đó mà điều này được thực hiện, nhưng chúng ta có thể hoàn tất những dấu chỉ nói lên niềm hy vọng của chúng ta. Điều này đòi hỏi trí tưởng tượng và lòng dũng cảm. Nếu người ta thấy rằng những Kitô hữu sẵn sàng làm những cử chỉ điên điên, thay vì nhút nhát rút lui vì sợ không thể làm được việc hay người ta không thích chuyện đó, nên họ sẽ cảm thấy thoáng qua làn gió của niềm hy vọng kỳ cục của chúng ta.
“Mọi đau khổ đều chịu được, nếu ta gắn nó với một câu chuyện hay kể ra câu chuyện đó”[10]. Người ta đồng ý rộng rãi rằng con người tìm thấy ý nghĩa của đời mình, với những đau khổ và niềm vui, qua những câu chuyện họ tự kể. Theo cá nhân hay theo nhóm, chúng ta sống những câu chuyện mà nó hình dáng và mục đích cho kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta, những người Kitô hữu, tìm thấy niềm hy vọng bằng cách sống bên trong một câu chuyện. Câu chuyện tạo nên hình dáng cho sự vận hành của Năm Kitô giáo, từ mùa Vọng cho đến lễ Chúa Kitô Vua. Câu chuyện quy tụ chúng ta lại xung quanh bàn thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Trong ký ức được chia sẻ của chúng ta chứa đựng một lời hứa. Nhưng liệu câu chuyện này có thực không? Một người bạn của tôi, là một đức ông ở Vatican, một ngày nọ, bất ngờ, trích dẫn bài hát “Cuộc đời đầy bất ngờ” của nhóm Prefab Sprout tại một cuộc hội thảo quốc tế rất quan trọng: “Thế giới này cần những kẻ mơ mộng, Ồ! Hình như những kẻ chẳng bao giờ thức dậy”. Sự lo lắng lan rộng trong đám cử tọa, vì người thông dịch tiếng Pháp hiểu ông muốn nói “thế giới này cần đến những kẻ cực đoan”. Người Kitô hữu phải chăng chỉ là kẻ mơ mộng đơn thuần, họ chẳng hề hay biết đến thực tại lạnh lùng vô nghĩa? Có thật chăng cuộc đời này chẳng có chi khác ngoài “một chuyện cổ tích được một tên ngốc kể lại, đầy thịnh nộ và ồn ào, chẳng có nghĩa chi hết”.[11]
D. H. Lawrence viết:
Lạc quan xây căn phòng trú ẩn cho chính mình
trên những bức tường bên trong vẽ bầu trời thiên thanh
Cửa đóng
và tự nhủ ta đang ở thiên đường.[12]
Giáo Hội hình như đang đi qua những thời điểm của cơn khủng hoảng để Thiên Chúa phá bỏ đi những căn phòng lạc quan nơi chúng ta trốn tránh. Người xô đổ bức tường sơn xanh để ánh mặt trời chiếu rọi vào bên trong và chúng ta có thể ra ngoài. Nhân dịp khấn trọng của anh em, cha giám tỉnh tỉnh dòng Anh, Ian Hislop giảng lễ. Đó là một ông già Scotland nhăn nheo và khắc khổ, một người theo giáo phái Trưởng lão (presbytère) trở lại. Ngài nói:
“Tôi đã đi đến tận cùng đời tu của tôi và anh em chỉ mới bắt đầu. Khi tôi nhìn lại quãng đời tu đã qua của mình, nó khá dài, và tôi nghĩ đến tất cả những gì tôi đã khó công xây dựng và chịu đựng. Thường tôi làm việc cực nhọc để xây dựng cái gì đó, nhằm để lại làm kỷ niệm cho những người sau tôi, vì thế mà tôi làm. Rồi không thể không tránh khỏi việc một tên ngốc nào đó đến sau và xoá sạch tất cả nhân danh sự tiến bộ. Tôi muốn khuyên anh em điều này, dù anh em có dự trù, dù mọi dự án của anh em có được thiết lập, hãy chắc một điều: Thiên Chúa sẽ làm cho thất bại hoàn toàn”[13].
Điều này có vẻ giống như tính bi quan theo tinh thần Calvin, nhưng không phải vậy. Những giấc mơ của chúng ta quá nhỏ bé và nếu Thiên Chúa có phá huỷ chúng đi, là để chúng ta có thể phiêu lưu trong không gian bao la rộng lớn hơn của đời Ngài. Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi những tham vọng nhỏ bé để chúng ta có thể học được hy vọng cách lạ đời hơn.
Không có năm phụng vụ cũng chẳng có thánh lễ nào đem lại cho ta sự chắc chắn trên điều chúng ta chờ đợi. “Cách tường thuật của thời gian diễn tiến trong đức tin, bên trên hố thẳm của sự thiếu hiểu biết. Nhưng cách kể chuyện của chúng ta không hơn một lời cầu xin rằng thời gian có ý nghĩa”[14]. Và phải như thế, vì chúng ta vẫn chưa thể biết được ý nghĩa của đời ta, vì ý nghĩa của cuộc đời chúng ta là Thiên Chúa, như Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở, những gì thuộc về Chúa thì ta không thể biết được. Số phận của chúng ta là “cái mà mắt ta không thấy, tai ta không nghe, tất cả những gì Thiên Chúa chuẩn bị cho những kẻ yêu mến Người” (1 Cr 2,9). Để đến được ý nghĩa này chúng ta phải đi xuyên qua cái chết. Đó là lúc mà tất cả bị xoá bỏ để chúng ta có thể đi vào trong ánh sáng ngập tràn của Mặt trời Thiên Chúa.
Chúng ta đã bắt đầu chương này với Momo và Oscar, hai lữ khách trẻ của chúng ta. Đó là hai đứa trẻ và tuổi trẻ luôn là dấu chỉ của hy vọng, bởi chúng đang ở lúc khởi đầu. Thánh Âu Tinh khẳng định rằng: “Thiên Chúa trẻ hơn tất cả”[15]. Còn phần mình, chúng ta đang già đi, nhưng Thiên Chúa luôn giữ được sự trẻ trung hơn chúng ta mãi mãi. Hy vọng diễn tả sự trẻ trung vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong bài thơ nổi tiếng về hy vọng, Péguy đã tìm thấy niềm hy vọng được biểu tượng nơi cô con gái chín tuổi của ông. “Giờ đây cô gái nhỏ hy vọng là cô luôn luôn bắt đầu”[16].
Mỗi năm, chúng ta mừng sinh nhật, chúng ta nhắc nhở rằng chúng ta đã sống thêm được một năm nữa – một ngọn nến nữa trên chiếc bánh. Nhưng vào Giáng Sinh, chúng ta không mừng tuổi mới của Đức Giêsu với một chiếc bánh vĩ đại. Ngài luôn là Đấng-ở-giữa-chúng-ta, Thiên Chúa ở giữa chúng ta như một hài nhi, mà đời Người đến vào đúng lúc bắt đầu. Giáng Sinh là lễ của tuổi trẻ vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ở Rwanda, sau nạn diệt chủng, tôi gặp một người anh em, một tu sĩ Đa Minh Canada, đang thất vọng. Hầu như mọi bạn hữu của anh đều chết hết và tất cả những gì anh làm đều bị phá huỷ. Anh có cảm tưởng rằng chẳng còn tương lai nữa. Rồi Giáng Sinh năm sau, anh gởi cho tôi một tấm hình trong đó anh bế hai em bé Rwanda. Anh viết bên dưới “Châu Phi có tương lai”. Mỗi dịp Giáng Sinh, khi chúng ta cùng kỷ niệm sự sinh ra của hài nhi Giêsu, thì chúng ta có thể nói “nhân loại có tương lai”.
Nhưng Oscar và Momo là những đứa trẻ đang đứng trước cái chết. Oscar đương đầu với cái chết của mình với sự trợ giúp của Mamie Rose, một đấu sĩ tuyệt vời. Và Momo phải làm chứng cho cái chết của thầy mình. Sự đối đầu của tuổi trẻ với cái chết biểu trưng cho sự mỏng giòn của niềm hy vọng hiện tại của chúng ta. Cuộc điều tra ở Châu Âu về những giá trị cho thấy số lượng gia tăng của những người trẻ ở châu Âu lo âu về cái chết. Sự sụp đổ của các huyền thoại vĩ đại mà trong thế kỷ vừa qua đã hứa hẹn một tương lai cho nhân loại, có thể đã thúc đẩy chúng ta chú ý quan tâm trên số phận cho riêng mình. Không hiểu tại sao, các bạn trẻ Công giáo tin cách một tự nguyện vào thiên đàng, trong khi các bạn trẻ Tin Lành chỉ tin cách đơn giản vào “cuộc sống khác sau khi chết”. Ngày cáng có ít đi những người xin rửa tội hay làm phép hôn phối ở nhà thờ, nhưng phần lớn người ta vẫn chờ đợi Giáo Hội quan tâm đến họ khi chết. Nước Pháp là nước tục hoá nhất ở Âu châu, nhưng 70% người Pháp còn ước ao được chôn cất tại nghĩa trang của họ đạo. Và ngay cả đến cựu tổng thống Mitterand nổi tiếng là người vô thần, đã để lại câu nói đầy ẩn ý: “Một thánh lễ thì có thể”[17]. Ông có cả hai cùng một lúc.
Dấu chỉ của Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly thì thật là đẹp. Nếu nó nói với chúng ta về niềm hy vọng trước cái chết, thì sẽ phải nhắc lại trong toàn bộ nét đẹp của nó. Giáo huấn của Giáo Hội thường được đón nhận với sự chán ghét. Từ ngữ “tín điều” bị xem thường nhất trong xã hội chúng ta. Nhưng cái đẹp có vị thế riêng. Nó trình bày niềm hy vọng được phát âm vừa đủ rằng có thể có ý nghĩa cuối cùng nào đó cho cuộc đời của chúng ta. Cái đẹp diễn tả niềm hy vọng mà cuộc lữ hành của cuộc đời chúng ta quả thực dẫn đến nơi nào đó, dù ta chẳng thể nói ở đâu và bằng cách nào. Cái đẹp không phải là lớp kem trên ổ bánh phụng vụ. Mà nó là cái cốt yếu. C.S. Lewis nói rằng cái đẹp làm sống dậy niềm ham muốn của chúng ta “cho quê hương xa xôi của chúng ta”[18], ngôi nhà nơi ta sống mà từ lâu rồi ta chưa thấy lại nó. Khi Ellen McArthur hoàn tất chuyến du hành vòng quanh thế giới một mình một thuyền buồm cô biết rằng lúc cô về gần nhà là khi cô ngửi được mùi của đất, mà từ lâu trước đó cô không thể nhìn thấy. Cái đẹp cho chúng ta làn hương thoang thoảng của Vương Quốc.
Goerge Steiner, trong Real Presence, giải thích rằng sáng tạo nghệ thuật là cách gần nhất mà ta có thể đến gần với sự sáng tạo của Thiên Chúa. “Tận thâm sâu của mỗi ‘hành vi nghệ thuật’, lưu trú giấc mơ về một cú nhảy vào tuyệt đối, ra ngoài hư vô, giấc mơ phát minh ra một hình thức biểu đạt rất mới, rất riêng cho nhà phát minh của nó, mà nói theo nghĩa đen là nó nổi lên trên thế giới”[19]. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều gợi nhớ đến tiếng fiat đầu tiên, khi Chúa nói “hãy có ánh sáng”. Trước cái chết, chính cái đẹp nói lên niềm hy vọng của chúng ta về tái sinh và sự vĩnh hằng. Yeats nói rằng: “Không ai có thể sáng tạo như Shakespeare, Homer hay Sophocle đã làm, nếu như kẻ ấy không tin với tất cả máu huyết và sức lực rằng linh hồn con người là bất tử”[20].
Đức Tổng Giám mục Birmingham, George Patrick O’Dwyer, là một người cáu kỉnh và đáng sợ. Một ngày nọ, vào cuối những năm 1960, vị Tổng Giám mục này đến chủ tế thánh lễ tại một giáo xứ. Nhóm phụng vụ của giáo xứ đã làm việc cật lực nhằm trình diễn những bài hát mới. Ca đoàn hát với nhiều guitare đệm. Giữa chừng một bài hát, vị giám mục đột ngột gấp sách lại và la lên: “Thế đủ rồi, những bài hát cụt ngủn! Hãy hát cái gì đó dễ nghe một chút. Nào mở sách hát trang…”. Vào cuối thánh lễ, cha xứ cảm ơn mọi người đã đến tham dự và xin lỗi công khai vì sự thô lỗ của vị giám mục. Sau một lúc im lặng căng thẳng, vị giám mục lên tiếng: “Ừ hừm, tôi có đôi điều để nói với anh chị em. Ít ra thì cũng có một ông cha xứ can đảm trong địa phận này”.
Chúng ta thuộc số nào đó cảm thấy thông cảm với vị giám mục kia, mặc cho sự bất lịch sự đáng ghét của ngài. Thường, điều người ta đề nghị hát trong thánh lễ không có được cái đẹp có thể nói lên niềm hy vọng siêu nhiên. Thánh vịnh cuối cùng của phần Thánh vịnh nói: “Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và / Ca tụng Người họa tiếng cầm tiếng sắt / Ca tụng Chúa bằng vũ điệu trống đưa / Ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo”. Nếu ta chỉ làm những gì nói ở trên, thì tốt hơn nên làm đúng theo những gì ngược lại, khi lầm rầm những lời này theo một cung đều đều! Nếu Giáo Hội phải đưa ra niềm hy vọng cho người trẻ thì ta phải đặt lên hàng danh dự cái đẹp trong Giáo Hội của chúng ta. Phần lớn thời gian, khi Kitô giáo có sự đổi mới, đã có sự đổi mới về mỹ học, phải nói đến cách hát Gregoria ở thời Trung Cổ, âm nhạc barốc ở sau Công đồng Trentô hay những bản thánh ca Méthodist của vùng Wesley ở thế kỷ XVIII.
John Donne tin rằng tiếng mà Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ là một bài ca. Đó là chủ đề mà nó gợi lên xuyên suốt mọi truyền thống, kể từ các tác giả Thánh vịnh hát rằng toàn thể sự sáng tạo hát khen Thiên Chúa, cho đến các lý thuyết thời Trung cổ về “Âm nhạc của các vì sao” và đến các lý thuyết hiện đại về sự toả sáng của chất liệu và sự hoà hợp của nó[21]. Với Michio Kaku, “vật lý không gì khác hơn những luật của sự hoà hợp. Vũ trụ là bản hoà tấu của các dây đàn rung lên và rồi trí tuệ của Chúa, trí tuệ mà Einstein đã nói đến, trí tuệ của Chúa sẽ là âm nhạc vũ trụ, một thứ âm nhạc vũ trụ vang vọng xuyên qua siêu không gian 10 chiều”[22]. Và cũng chính bởi thứ âm nhạc này mà chúng ta trình bày niềm hy vọng của chúng ta nơi mà theo John Donne, “không có tiếng động lẫn sự thinh lặng, như một thứ âm nhạc bình đẳng, không còn sợ hãi lẫn hy vọng, như sự sở hữu bình đẳng, không còn bạn hữu lẫn kẻ thù, nhưng sự hiệp thông bình đẳng và căn tính, không kết thúc lẫn khởi đầu, nhưng một sự vĩnh hằng bình đẳng”[23].
Âm nhạc là một trong những dấu chỉ của cái ta cần trước cái chết; những nốt đen và những nốt móc trên dòng nhạc. Đen hơn cả bóng đêm, khi tác giả Thánh vịnh bị cám dỗ của thất vọng, ông ca lên: “Thức dậy đi hỡi đàn sắt đàn cầm / Tôi còn đánh thức cả bình minh!” Nhất là chính âm nhạc đã vượt qua bóng đêm và nói lên một niềm hy vọng mà chúng ta không biết tưởng tượng tới. Khi cha tôi hấp hối, ông bảo chúng tôi mua cho ông chiếc máy nghe nhạc bỏ túi để có thể nghe nhạc. Trọn vẹn nhất và trừu tượng nhất trong toàn bộ nghệ thuật, sự hóa thân của một ý nghĩa mà không sức mạnh thô bạo nào có thể vượt qua.
“Hy vọng” như chiếc lông vũ
đậu xuống tâm hồn
và hát lên giai điệu không lời
không hề dứt – không bao giờ.[24]
——————————————————————————–
[1] Liquid Modernity, Cambridge 2000.
[2] Scott Lash and John Urry, Economies of Signs and Space, London 1994, tr. 222.
[3] St. Francis of Assisi, London 1939, tr. 106.
[4] W. SHAKESPEARE, The Merchant of Venice – Le Marchand de Venise, Hồi V, cảnh 1, bản dịch tiếng Pháp của François-Victor Hugo, Paris, 1959.
[5] Open to Judgment, London, 1994, tr. 100.
[6] The Times, 29/04/2005.
[7] “Shared Despair”, The Furrow, 5/2002, tr. 261.
[8] The True Believer: Thoughts on the Nature of Mass Mouvements, New York, 1951, tr. 18.
[9] Jeffrey SACHS, The End of Poverty: How we can make it happen in our lifetime, London, 2005.
[10] Isak DINESON, trích dẫn bởi Raimond GAITA, A Common Humanity: Thinking about Love and Justice, London, 1998, tr. 98.
[11] W. SHAKESPEARE, Macbeth, Hồi V, cảnh 5, bản tiếng pháp, Maurice Maeterlinck, Paris, 1959.
[12] D. H. LAWRENCE, “The Optimist”, trích dẫn bởi H. RAYMENT-PICKARD, The Myths of Time: From St Augustine to American Beauty, trang XI.
[13] Bài giảng của Cha Allan WHITE, OP, trong The Acts of the Provincial Chapter of the English Province of the Order of Preachers, Oxford, 2000, tr. 66.
[14] Hugh RAYMENT-PICKARD, The Myths of Time: From St Augustine to American Beauty, tr. 16.
[15] De Genesis 8. 26, 48.
[16] (Bản tiếng Pháp) Le Porche du mystère de la deuxième vertu, Paris, 1954 (1911), tr. 173 và 189. Bản tiếng Anh: The Portal of the Mystery of Hope, trans. D.J. Schindler Jr, Edinburgh 1996, tr. 23.
[17] Grace DAVIE, Religion in Modern Europe: A Memory Mutates, tr. 61 tt.
[18] Trích dẫn bởi R. HARRIES, Art and the Beauty of God: A Christian Undersatnding, London, 1993, trang 4.
[19] G. STEINER, Real Presences: Is there Anything in What we say?, London, 1989, tr. 202.
[20] Ibid., trang 228.
[21] Xem, chẳng hạn, Brian GREEN, The Elegant Universe, New York, 1999.
[22] BBC 4, “Frontiers”, 11/05/2005, do Peter EVANS giới thiệu.
[23] The Sermons of John Donne, George POTTER và Evelyn SIMPSON (chủ biên), Berkeley, 1953-1962, vol. 8, tr. 191.
[24] “Hope” is the thing with feathers / That perches in the soul / And sings the tune without words. / And never stops – at all (Emily DICKINSON, The Complete Poems, Thomas H. JOHNSON [éd.], London – Boston, 1975, số 254, tr. 116).
Timothy Radcliffe, OP
Hoàng Dũng, OP, chuyển ngữ