II- Tình yêu trong ca nhạc
1- ”Ngày Hạnh Phúc”: ”Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm, anh lo cầy cấy. Dù cho bao gian lao, nhưng tình nghèo góp sức mà vui. Cầu mong cho mai sau gió đưa thuyền tình về bến mơ. Phút bạc đầu đẹp lòng lứa đôi.” Nhạc và lời rất hay, nhưng đó chỉ là ước mơ!
2- ”Mùa Đông Của Anh”: ”Những cuộc tình dương gian, muôn đời không nghĩa lý – Nhưng người vẫn tìm nhau trong vòng tay tình ý – Như đôi ta niềm yêu xưa chỉ còn một vì sao em lẻ loi!” Vậy thì, khi yêu, tôi phải thêu mơ, dệt mộng như chính tác giả trong bài Lâu Dài Tình Ái: ”Tinh tú trời cao thành vương miện sáng. Khai lễ đăng quan vũ trụ chong đèn”???
III- Tình yêu trong thơ
Xuân Diệu: ”Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều! Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt – Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu… Rồi một ngày mai, tôi sẽ đi. Vì sao, ai nỡ bỏ làm chi! Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá – Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì.” Nhưng Alexis Felix Arvers thì: ”Un amour éternel en un moment conçu…” được Khái Hưng dịch thành: ”Tình trong giây phút mà thành thiên thu.”
IV- Tình yêu đối với một số danh nhân và trong tục ngữ
1- Alfred de Musset: ”Tình yêu là tai họa của thế giới, là sự điên khùng ghê tởm!” Tuy nhiên Anne Barratin thì: ”Hãy đặt niềm tin sống động trong tim, bạn sẽ thấy lòng ích kỷ chán chường và cái phù vân héo tàn nơi ấy.”
2- Alphonse Kaar: ”Tình yêu là cuộc đi săn và thợ săn phải để con thú chạy theo mình! Yêu là phải như ăn cá, đừng để mắc xương!” Nhưng Saint-Exupéry thì: ”Yêu không phải nhìn nhau, mà nhìn chung về cùng hướng.”
3- Jacques Dyssord: ”Tình yêu bắt đầu bằng thuật hùng biện và kết thúc bằng triết lý.” Nhưng Blaise Pascal thì nói: ”Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết!”
4- Jean Paul Sartre (triết gia hiện sinh Pháp, mất năm1980): ”Địa ngục là người khác!” (L’enfer, c’est les autres!) Như vậy, chẳng lẽ các Bậc Tiền Bối, Đấng sinh thành, dưỡng dục, đồng bào, ân nhân, thân hữu và người yêu… của tôi là địa ngục của tôi và tôi cũng là địa ngục cho ”họ”?
5- Tục ngữ Pháp: ”Khi sự nghèo nàn vào bằng cửa chính thì tình yêu đi ra qua cửa sổ.” Nhưng Pierre-Claude-Victor Boiste thì: ”Sự giàu có giết nhiều người hơn sự nghèo khó.”
6- Trịnh Công Sơn: ”Xin cho về trọ gần nhau, mai kia dù có ra sao cũng đành.” (*) Như thế, tìm đâu ra ”tình yêu chân chính, bền lâu, tuyệt đối” ở đời nầy?
V- Tình yêu tuyệt đối
1- Triết gia Pháp Auguste Comte: ”Chỉ có một phương châm tuyệt đối, tức là không có gì tuyệt đối.” Nhưng mệnh đề ấy cũng không là tuyệt đối! Rõ ràng tình mẹ yêu con là tuyệt đối bởi vì Thượng Đế dựng nên vô số kỳ quan, mà kỳ quan lớn nhất là quả tim của người Mẹ như Ngài nói về Ngài trong Kinh Thánh: ”Hỡi Giêrusalem, Giêrusalem ôi, ngươi giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần, Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ gọi con đến và ấp ủ chúng dưới cánh, nhưng các ngươi không chịu.” (Luca 13,34; Math. 23,37)
2- Câu chuyện ”Anh Phải Sống” (Khái Hưng), người mẹ Nhật ôm con vào lòng trong trận động đất, anh chàng nọ lấy dao cắt thịt để bầy cá sấu quay lại ăn xác mình ngõ hầu người yêu của anh được thoát chết là ”hiện thân hùng hồn” về tình yêu tuyệt đối!
3- Cuốn Larousse dùng từ ”Dieu absolu”: Thượng Đế tuyệt đối. The New International Webster’s Comprehensive Dictionary Of The English Language thì: The Absolute: God. (Đấng Tuyệt Đối: Thiên Chúa.)
4- Gottfried Wilhelm Leibniz, nhà toán học, triết gia Đức, phát biểu: ”Thượng Đế tính toán, sử dụng ý tưởng của Ngài, cho nên thế giới đã được tạo thành. Trước hết mọi sự, Thượng Đế là VỊ tính toán vĩ đại, Nhà luận lý VĨNH HẰNG.”
Khái niệm ”ý tưởng của Ngài” (mà nhà toán học Leibniz vừa nêu) chính là Tình Yêu của Thiên Chúa như Lời Ngài trong Kinh Thánh. Khi con của mình còn là thai nhi, vợ chồng nào cũng mua sắm đủ thứ cho nó, chờ ngày nó chào đời thì huống chi Thiên Chúa là Tình Yêu: Ngài là Đấng Tạo Hóa, Toàn Năng như lời ”xác tín, tuyên xưng” trong Kinh Tin Kính: ”Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”
5- Hàn Mặc Tử tôn thờ Thiên Chúa là Tình-Yêu-nhập-thể-và-nhập-thế: ”Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel – Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ – Người có nghe xôn xao muôn tinh tú – Người có nghe náo động cả muôn trời? Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời – Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng – Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng – Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?” Vâng, mẹ người phàm có thể thay thế ai khác hay người cha thì huống chi là Mẹ của Chúa Giêsu! Chúa dùng hai lần chữ BÀ cho Trinh Nữ để công bố rằng, nơi Nàng Tân Eva của nhân loại, kế hoạch ”Tình Yêu Cứu Rỗi” bắt đầu ứng nghiệm: ”Này, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai…” (Matth. 1,23)
Trong ”Đà Lạt Trăng Mờ”, cố thi sĩ khuyên đời chiêm nghiệm Tình Yêu như sau: ”Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều – Để nghe dưới đáy nước hồ reo – Để nghe tơ liễu run trong gió – Và để xem Trời giải nghĩa yêu.” Thật vậy, chỉ có Thiên Chúa Tình Yêu mới diễn nghĩa thế nào là Tình Yêu như trong Kinh Thánh. Ngạn ngữ Latinh có câu: ”De amore, numquam satis!” (About love, never enough!)
6- Văn hào Victor Hugo: ”Nước Anh có hai cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare; còn Kinh Thánh làm nên nước Anh.” Vì Kinh Thánh là Sách của mọi cuốn sách!
7- Isaac Newton ”khám phá” được Thiên Chúa Tình Yêu: ”Trong đời, tôi nhận biết hai sự thật: thứ nhất, tôi là đại tội nhân và thứ hai, Giêsu Kitô vĩ đại, vô lượng là Đấng Cứu Chuộc.”
VI- Lời kết
Thiên Chúa Cha YÊU tôi trước khi có vũ trụ và Chúa Giêsu càng yêu tôi hơn chính Ngài, bằng chứng Lời Ngài như sau:
1- Ep 1,4-5: 4 ”Trong Chúa Kitô, Ngài đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ để, trước Thánh Nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô.” (Ephêsô 1, 4-5)
2- ”Vì những ai Ngài đã biết từ trước thì Ngài đã tiền định họ nên đồng hình, đồng dạng với Con của Ngài để Con của Ngài làm Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc.” (Roma 8, 29)
3- ”Chúa Cha đã yêu Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu các con như vậy.” (Gioan 15,9)
4- ”Không có tình yêu nào lớn hơn tình hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình.” (Gioan 15,13)
5- ”Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Gioan 15,15) Có lời nầy trong Thánh Ca Pháp: ”Car Toi seul es l’ami, et la paix et l’amour.” (Vì chỉ mình Ngài là bạn, là hòa bình, là tình yêu.)
6- ”Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con… Điều Thầy truyền dạy cho các con là hãy yêu thương nhau.” (Gioan 15,16)
7- ”Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3,16)
Như vậy, Thiên Chúa yêu tôi trước việc tạo thiên, lập địa, yêu không bờ, không bến, yêu chẳng phân biệt nam-nữ, màu da, nước tóc… Tôi nghèo rớt mồng tơi, càng được Ngài yêu và chúc phúc. Tôi phạm tội tày trời, Ngài vẫn yêu và mở rộng vòng tay ôm tôi vào lòng như đứa con hoang đàng trở về trong Kinh Thánh, như Ngài thương xót những ”tên lý hình” trước khi tắt hơi: ”Xin Cha tha thứ cho họ vì họ chẳng hiểu việc họ làm!” (Luca 23,34)
Phan văn Phước, 08.3.2018
(*) Trước năm 75, tại Trường Jeanne d’Arc, Huế, Trịnh Công Sơn hát và tập cho sinh viên bài ”Cõi Tạm” vừa sáng tác. Sau nầy, ông ta đổi tên tác phẩm ấy thành: Ở Trọ.