Ủy Ban Thánh Nhạc
(Ngày 1 tháng 11 năm 2016)
A. Về: 2 tuyển tập THÁNH CA VIỆT NAM
Trong thời gian qua, Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBTN) đã xuất bản:
Tuyển tập THÁNH CA VIỆT NAM, quyển 1, năm 2010,
và Tuyển tập THÁNH CA VIỆT NAM, quyển 2, năm 2016;
(và đang tiếp tục thực hiện quyển 3).
Hai tuyển tập Thánh Ca này bao gồm những bài thánh ca từ trước đến nay của các nhạc sĩ công giáo (đã có sách và đã được phổ biến) do UBTN tuyển chọn, nhuận sắc và giới thiệu.
Khi thực hiện 2 tuyển tập này, UBTN ước muốn giới thiệu mỗi nhạc sĩ một số bài tiêu biểu của mỗi giai đoạn trong quá trình hình thành nền Thánh Nhạc Việt Nam. Vì thế, xin các Cha trưởng ban thánh nhạc giáo phận, cũng như quý cha và quý vị đang phụ trách thánh nhạc các Đại chủng viện, các dòng tu lưu ý:
1. Những bài thánh ca nếu không có trong danh mục của 2 tuyển tập này mà đã được Imprimatur thì vẫn được sử dụng trong Phụng vụ;
2. Khi chọn bài hát, các ca trưởng nên soát lại xem bài hát được chọn có trong 2 tuyển tập này không, nếu có cần so lại để xem có chỗ nào đã được chỉnh sửa (về lời cũng như về nhạc) ngõ hầu hát cho đúng và thống nhất.
3. Cụ thể: sau đây là những bài đã được chỉnh sửa:
TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, quyển 1
(Chỉ xin đan cử một số bài)
Trang | Tên bài hát | Tên tác giả |
45 | Đàn Hát Lên Các Dân Ơi | Thiện Cẩm |
83 | Tôi Chỉ Ước Trông | Kim Long |
96 | Chúa Chăn Giữ Tôi | Hoài Chiên |
142 | Từ Vực Sâu (sửa câu 4) | Kim Long |
145 | Giờ Đoàn Con | Vinh Hạnh |
302 | Đây Phép Nhiệm Mầu | Hoài Chiên |
310 | Con Thờ Lạy | Hoài Chiên |
314 | Thờ Lạy Chúa | Hoài Đức |
319 | Thành Tâm Thờ Kính | Kim Long |
324 | Lòng Chúa Ái Tuất | Nguyễn Bang Hanh |
326 | Phút Than Thở | Thiên Phụng-Tâm Bảo |
332 | Trước Thánh Thể | Thăng Ca |
368 | Nguyện Yêu Chúa | Hoài Chiên |
370 | Thánh Tâm Chúa Giêsu | Huyền Linh |
372 | Trái Tim Người | Nguyễn Khắc Tuần |
402 | Cao Cung Lên (máng lừa) | Hoài Đức |
426 | Hang Bêlem (Hát: Hát khen hay hát Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh đều được…) | Hải Linh |
430 | Mùa Đông Năm Ấy (sửa : mừng sinh nhật Chúa vinh quang …) | Hoài Đức |
604 | Cung Chúc Trinh Vương | Hoài Đức |
610 | Dâng Mẹ | Hoài Đức |
620 | Đền Tạ Trái Tim Mẹ | Nguyễn Khắc Tuần |
758 | Tận Hiến Cho Đức Mẹ (Có Mẹ dắt dìu con tiến lên đường mới …) | Huyền Linh |
768 | Tiếng Hát Thiên Thu | Dao Kim-Thiên Tân |
808 | Cầu Xin Thánh Gia (Cuối câu PK 2) | Phạm Đình Nhu |
TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, quyển 2
(Chỉ xin đan cử một số bài)
Trang | Tên bài hát | Tên tác giả |
28 | Bình an trong Chúa | Minh Tâm |
34 | Cảm tạ ơn Chúa | Đàm Ninh Hoa |
38 | Chính Chúa đang nâng đỡ | Viết Chung |
56 | Có Chúa trong đời | Anh Tuấn |
72 | Con nâng hồn lên | Hoàng Kim |
74 | Con tìm nhan thánh Chúa | Sơn Ca Linh |
104 | Lời hằng sống | Hạt Sương Nguyên |
106 | Lời kinh dâng Chúa | Anh Tuấn |
116 | Nguồn ánh sáng | Hoàng Kim |
122 | Nơi con nương ẩn | Minh Tâm |
132 | Tán tụng hồng ân | Vũ Đình Trác – Hải Linh |
142 | Tình Ngài yêu | Huy Hoàng |
146 | Tình yêu của Chúa | Ngọc Linh |
160 | Tựa nương bên Chúa | Trầm Hương |
162 | Vinh quang Chúa | Hùng Lân |
166 | Xin chỉ cho con | Hùng Lân |
178 | Ca vang ngày mới | Nguyễn Duy |
182 | Con hằng ước mơ | Đa Minh |
194 | Nơi Nhà Chúa | Đa Minh |
200 | Tiến về Nhà Chúa | Viết Chung |
202 | Trước nhan Chúa | Đa Minh |
222 | Dâng | Du Sinh |
228 | Dâng dâng lên | Đa Minh |
249 | Thân lúa miến | Mi Trầm |
260 | Xin dâng đời con | Huy Hoàng |
261 | Xin dâng lên | Minh Tâm |
266 | Chúa chăn nuôi tôi | Duy Thiên |
270 | Chúa chăn nuôi tôi | Vũ Văn Lịch |
278 | Chúa sống trong tôi | Nam Hoa |
280 | Đến dự tiệc thánh | Nguyễn Duy |
282 | Đồng cỏ tươi | Hùng Lân |
288 | Lương thực của con | Viết Chung |
290 | Nếm thử mà xem | Cát Minh |
299 | Ra về | Anh Tuấn |
309 | Chúng con kính thờ | Đa Minh |
324 | Vì yêu thương | Minh Tâm |
331 | Hãy sẵn sàng | Minh Tâm |
332 | Lễ dâng trông đợi | Viết Chung |
360 | Một Hài Nhi | Nam Hoa |
372 | Tin vui từ trời | Viết Chung |
382 | Con đường Chúa đã đi qua | Văn Chi |
386 | Con vươn hồn lên | Hùng Lân |
392 | Hãy trở về | Ngọc Kôn |
417 | Hoan ca Phục Sinh | Hùng Lân |
424 | Mừng Chúa sống lại | Phanxicô |
426 | Xin ở lại với con | Hải Triều |
433 | Xin ban Thần Trí | Việt Trì |
442 | Bài ca bác ái | Minh Tâm |
444 | Bài ca yêu thương | Minh Tâm |
458 | Chút tình con thơ | Nguyễn Duy |
466 | Kính chào Trinh Nữ | Minh Tâm |
472 | Mẹ cao sang | Tạ Mạnh Nghi |
486 | Tràng hoa Mân Côi | Phạm Xuân Chiến |
497 | Kính chào Thánh Cả | Minh Tâm |
508 | Monica hiền mẫu | Đa Minh |
512 | Người là Gio-an | Đa Minh |
528 | Chúa thánh hiến con | Minh Tâm |
532 | Lời kinh cầu cho các linh mục | La Thập Tự |
572 | Dâng lễ mùa xuân | Hải Nguyễn |
591 | Con đã cậy trông | Nguyên Kha |
596 | Niềm hy vọng | Mai Thiện |
619 | Này chính Chúa | Ng. Đức Tuấn |
626 | Xin cho con | Anh Tuấn |
1. Cần phân biệt Chúa và Cha; Ngài và Người …
2. Alleluia, nếu có ngắt (nếu cần cắt chữ ra thì cắt theo nghĩa): tức là Al-lê-lu, Al-lê-lu-ia, chứ đừng cắt Al-lê Al-lê-lu-ia (như thấy trong một vài bài hát)
3. GIA-VÊ là danh Chúa trong Cựu ước. Theo thông cáo của Tòa thánh (xem Hương Trầm số 8, trang 41) chúng ta sẽ không dùng từ Giavê trong các bài hát nữa (những bài cũ đã lỡ soạn rồi, cần phải sửa lại để có thể tiếp tục hát)….
B. VỀ THÁNH VỊNH ĐÁP CA:
Ở nhiều nhà thờ ta thấy thay vì đọc hay hát Tv đáp ca như Sách Bài đọc chỉ, thì người ta hát một bài nào khác. Làm như thế có đúng phụng vụ không ? Cha Roguet, chuyên viên phụng vụ giải thích: “Gọi là Tv đáp ca vì Tv thường do ca đoàn hay một người xướng, còn giáo dân chỉ hát câu đáp, tức là một điệp khúc ngắn lặp lại sau mỗi câu Tv. Nhưng chữ “đáp ca” còn có một ý nghĩa sâu hơn: trong phần phụng vụ Lời Chúa, Thiên Chúa nói với ta trước, và chúng ta hát một Tv để đáp lại. không phải là một bài hát để lấp chỗ trống. Tv đáp ca là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa. Tv này cần phải được lắng nghe thực sự trong thinh lặng. Đây là một cách suy niệm Bài đọc 1 trước đó và giúp ta lĩnh hội ý nghĩa Bài đọc đó trong sự cầu nguyện. Tv được phụng vụ chọn lựa tùy theo Bài đọc 1, cho nên có thể coi như một Bài đọc thứ 4” (Tìm hiểu Thánh lễ số 22 ; ba bài đọc kia là bài Cựu Ước, bài Thánh thư và bài Tin Mừng). Như vậy ta thấy rõ: Tv đáp ca có liên hệ chặt chẽ với Bài đọc 1 trước đó và phải là một bài Tv hoặc thánh ca lấy từ TK, chứ không phải là bài ca có tính cách trang trí, lấy lời của một người phàm nào, dù hay đến mấy.
Khi hát Tv đáp ca thì làm thế nào ? Lý tưởng là hát Tv chỉ định trong sách Bài đọc. Trong thực tế, điều này khó thực hiện, vì chỉ có rất ít Tv được dệt nhạc và cộng đoàn thường không đủ khả năng để hát mỗi lần. Khi nào Tv đã được dệt nhạc thì có thể hát (nhưng lưu ý: nhiều khi phụng vụ chỉ dùng một số câu chứ không lấy cả Tv). Một giải pháp khác là dệt một điệu nhạc dễ vào câu đáp (điệp khúc), còn các câu riêng thì do một người xướng lên bằng một cung giọng đơn giản. Sách lễ Rô-ma (Qui chế Tổng quát, số 36) còn đưa ra một giải pháp nữa, ít được biết đến: Khi nào hát thì tùy theo Mùa phụng vụ có thể dùng một số câu đáp chung và một số Tv chung, thay cho các Tv đáp ca được chỉ định trong sách Bài đọc.
1. CÁC CÂU ĐÁP VÀ THÁNH VỊNH ĐÁP CA CHUNG
1- Các câu đáp chung có thể dùng (khi hát) với bất cứ Tv đáp ca nào trong Mùa PV
+ Mùa Vọng: Xin Chúa đến cứu chuộc chúng con.
+ Mùa Giáng sinh: Lạy Chúa, hôm nay chúng con đã nhìn thấy (hoặc: được chiêm ngưỡng) vinh quang Chúa.
+ Mùa Chay: Lạy Chúa, xin nhớ lại ân tình và tín nghĩa của Chúa. (hoặc: tình thương và lòng thành tín của Ngài)
+ Mùa Phục sinh: Al-lê-lu-ia (2 hoặc 3 lần)
+ Mùa Thường niên:
a) Với Tv tán tụng:
– Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
– Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu
– Hát lên mừng Chúa một bài ca mới
b) Với Tv cầu xin:
– Chúa gần gũi những ai kêu cầu Chúa
– Lạy Chúa, xin nhận lời và cứu độ con
– Chúa là Đấng từ bi nhân hậu
2- Các Thánh vịnh đáp ca chung có thể hát thay cho Tv được chỉ định trong sách Bài đọc, tùy thuộc Mùa (số trước là số của bản PV, số trong ngoặc là số của bản Híp-ri)
+ Mùa Vọng:
. Tv 24 (25),4bc-5ab.8-9.10+14 (câu đáp: 1b) lấy ở Mùa Vọng, CN 1C.
. Tv 84 (85),9ab-10.11-12.13-14 (câu đáp 8) lấy ở Mùa Vọng, CN 2B.
+ Mùa Giáng sinh:
. Tv 97 (98),1.2-3ab.3cd-4.5-6 (câu đáp: 3c) lấy ở lễ Giáng sinh, lễ ngày.
+ Mùa Chay:
– Tv 50 (51),3-4.5-6a.12-13.14+17 (câu đáp: x.3a) lấy ở Mùa Chay CN 1A
– Tv 90 (91),1-2.10-11.12-13.14-15 (câu đáp: x.15b) lấy ở Mùa Chay CN 1C
– Tv 129 (130),1-2.3-4ab.4c-6.7-8 (câu đáp: 7) lấy ở Mùa Chay CN 5A
+ Mùa Phục sinh:
. Tv 117 (118),1-2.16ab-17.22-23 (câu đáp: 24) lấy ở lễ Phục sinh, lễ ngày
. Tv 65 (66),1-3a.4-5.6-7a.16+20 (câu đáp: 1) lấy ở Mùa Phục sinh, CN 6A
+ Mùa Thường niên:
. Tv 18B (19B),8.9.10.15 (câu đáp: Gioan 6,64b) lấy ở Mùa Thường niên, CN 3C
. Tv 26 (27),1.4.13-14 (câu đáp: 1a) lấy ở Mùa Thường niên, CN 3A
. Tv 33 (34),2-3.4-5.6-7.8-9 (câu đáp: 9a) lấy ở Mùa Thường niên, CN 19B
. Tv 63 (63),2.3-4.5-6.8-9 (câu đáp: 2b) lấy ở Mùa Thường niên, CN 12C
. Tv 94 (95),1-2.6-7.8-9 (câu đáp: 8) lấy ở Mùa Thường niên, CN 4B
. Tv 99 (100),2.3.5 (câu đáp: 3c) lấy ở Mùa Thường niên, CN 11A
. Tv 102 (103),1-2.3-4.8+10.12-13 (câu đáp: 8a) lấy ở Mùa Thường niên, CN 7A
. Tv 144 (145),1-2.8-9.10-11.13cd-14 (câu đáp: x.1) lấy ở Mùa Thường niên, CN 14A
Hy vọng các nhạc sĩ sẽ dệt nhạc (dễ một chút) các câu đáp chung và các thánh vịnh đáp ca theo đúng tinh thần phụng vụ.
2. MỘT SỐ TỪ HÍP-RI DÙNG TRONG PHỤNG VỤ
Trong các sách phụng vụ, tiếng La-tinh chỉ còn ba từ: A-men, Al-lê-lu-ia và Ho-san-na. Trong một ít bài hát tiếng Việt đôi khi ta còn gặp Gia-vê, Ma-ra-na-tha. Ta thử tìm hiểu ý nghĩa và cách dùng những từ này.
A-MEN có nghĩa là “thật như thế”, “tôi đồng ý”. Phụng vụ năng dùng A-men, nhưng lời thưa A-men đặc biệt long trọng ở cuối Lời nguyện nhập lễ và nhất là ở cuối Kinh Tạ ơn (Kinh nguyện Thánh Thể), trước Kinh Lạy Cha, nói lên sự đồng tình của cộng đoàn với lời cầu nguyện của linh mục. Nên nghiên cứu cách nào để làm nổi bật hai lời thưa A-men đó.
AL-LÊ-LU-IA: theo Khải huyền 19,1.3.4.6, Al-lê-lu-ia được dùng trong bài ca khải hoàn trên thiên quốc. Vì thế thánh tiến sĩ Augustinô nói: chúng ta hát Allêluia khi còn đi trên đường ở trần thế, để thêm can đảm, thêm sức tiến về quê trời, nơi chúng ta sẽ muôn đời hát Allêluia. Khi hát, nếu cần cắt chữ ra thì cắt theo nghĩa, tức là Al-lê-lu, Al-lê-lu-ia. chứ đừng cắt Al-lê, Al-lê-lu-ia (như thấy trong một vài bài hát).
HO-SAN-NA dùng trong bản Latinh Thánh Thánh Thánh (xem phần số 2 ở trên). Bản chính thức tiếng Việt dịch là “Hoan hô Chúa”, chỉ có bộ lễ của linh mục Nguyễn Văn Trinh dùng Ho-san-na.
GIA-VÊ là danh Chúa trong Cựu ước. Trong một số bài hát tiếng Việt còn gặp từ này. Thực ra trong Cựu ước Híp-ri, tên Chúa được viết tắt bằng bốn phụ âm YHVH. Bốn phụ âm này đọc với nguyên âm nào thì không rõ, vì chính người Do-thái, do kính trọng, đã từ lâu không đọc tên Chúa, mà hễ gặp YHVH thì đọc là A-đo-nai, nghĩa là “Chúa chúng tôi”. Đọc là Giê-hô-va chắc chắn là không đúng. Nhiều học giả Thánh Kinh cho rằng đọc là Gia-vê (Yahveh), nhưng cũng không chắc, vì có ý kiến cho rằng có lẽ đọc là Gia-vô (Yahvoh). Dầu sao, đối với chúng ta vấn đề đó không quan trọng vì phụng vụ Giáo hội, tiếp nối truyền thống Do thái, không hề đọc tên Chúa, mà chỉ dùng Ky-ri-os (Hy lạp) hoặc Do-mi-nus (Latinh), nghĩa là “Chúa”. Vì thế chúng ta cũng nên tránh dùng Gia-vê trong các bài hát (trừ khi những bài cũ đã lỡ soạn rồi, cần phải sửa lại) và khi soạn bài hát thì nên dùng “Chúa”. Như thế hợp với truyền thống phụng vụ hơn.
MA-RA-NA-THA là một từ tiếng A-ram gặp ở 1Cr 16, 22. Tùy theo cách ngắt chữ, có thể có hai nghĩa: Ma-ra-na-tha là “Chúa ngự đến”, Ma-ra-na tha là “Lạy Chúa chúng con, xin ngự đến” (Kh 22,20 có lời tương tự: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến”).
Như đã thấy trên, thánh nhạc có liên hệ chặt chẽ với Thánh Kinh. Vì thế muốn soạn và dùng thánh nhạc cho đúng và cho thấm thía ý nghĩa, cần phải học, phải biết Thánh Kinh.
Nếu hiểu ý nghĩa Thánh Kinh và việc sử dụng Thánh Kinh trong phụng vụ, ta sẽ chọn bài hát đúng chỗ và đúng mùa phụng vụ. Ta cũng sẽ có thể soạn những bài ca thích hợp, tránh được trường hợp đáng tiếc như bài “Hãy vùng đứng” của Vinh Hạnh lấy lời Is 60 và có cảm hứng nhạc rất khá, nhưng lại không dệt nhạc những câu 3-6 (nói về các vua tiến bước theo ánh sáng của Giê-ru-sa-lem và các dân nước sẽ mang lễ vật, vàng với trầm hương đến) nên nếu dùng trong lễ Hiển linh (là hoàn cảnh thích hợp nhất) thì thấy thiếu. Bài “Hát Lên Một Bài Ca Mới” của cùng một tác giả cũng thế: bài này là Tv 97 (98), thánh vịnh đặc trưng của Mùa Giáng sinh, nhưng lại thiếu câu 2-3 là hai câu quan trọng nhất (“Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ … toàn cõi đất đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”), do đó bài ca hùng hồn này trở nên què quặt … Ngược lại, soạn với lời ca lấy cảm hứng từ Thánh Kinh thì không những lời ca phong phú và đúng với đường lối Giáo hội, mà hơn nữa bài ca được bảo đảm có giá trị lâu dài, vì lời ca do nhạc sĩ sáng tác dễ chạy theo thời trang và do đó cũng rất chóng lỗi thời, còn lời ca lấy từ Thánh Kinh (và phụng vụ) thì không bao giờ lỗi thời cả (về mặt này có lẽ phần nào cũng có thể lấy linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh hay linh mục nhạc sĩ Kim Long làm ví dụ).
Lm Rôcô Nguyễn Duy
Trưởng ban Mục Vụ Thánh Nhạc TGP Sàigòn-TPHCM
Thư ký UBTN-HĐGMVN.
(Nguồn: http://hdgmvietnam.org)