Thánh Maria Madalena Pazzi sinh năm 1566 tại Florence. Khi rửa tội Ngài được đặt tên là Catarina. Ngay từ nhỏ, Ngài đã ham thích cầu nguyện và làm việc lành. Muốn cho Ngài vui thích, cứ việc đọc cho Ngài nghe truyện các thánh hay là dẫn Ngài tới nhà thờ.
Lên 7 tuổi lòng thương người của Ngài đã tiến xa tới độ nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo. Có dịp về miền quê, niềm vui chính của Ngài là tập họp trẻ em lại để dạy giáo lý cho chúng. Một lần kia, khi mới bắt đầu dạy đạo cho một em bé con một nông dân, thì Ngài phải báo cho biết là phải trở về Florence. Ngài đã buồn rầu đến độ không cầm được nước mắt, Cha Ngài chỉ có thể an ủi Ngài bằng cách dẫn em bé ấy về để dạy cho xong.
Thánh nữ có lòng sùng kính phép Thánh thể một cách đặc biệt. Lên 10 tuổi, tức là năm 1576, Ngài được rước lễ lần đầu. Dịp này, Ngài đã khấn dâng mình trọn vẹn cho Chúa. Năm 13 tuổi Ngài còn tự ý làm một mão gai để đội đầu mỗi khi đi ngủ để cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.
Đến 16 tuổi, Catarina đã ao ước được gia nhập dòng Carmêlô. Sau một thời gian luỡng lự, cuối cùng cha mẹ Ngài đã chấp nhận, Catarina vào dòng ngày 14 tháng 8 năm 1582 và ngay 30 tháng giêng năm 1583, được mặc áo dòng với danh hiệu Maria Madalena. Cuộc đời Ngài là một phép lạ liên tục. Một cơn bệnh xâu xé Ngài. Có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, chỉ vào cây thánh giá Ngài trả lời: – Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi. Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình lên Thiên Chúa, họ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.
Đau đớn vì bệnh hoạn, thánh nữ lại hay xuất thần. Những yếu tố ấy đều góp phần xây dựng đời sống thánh thiện của Ngài. Dù suốt năm năm liền kể từ tháng 6 năm 1585, Ngài đã phải trải qua một cuộc thử thách dữ dằn, Thiên Chúa cho Ngài thấy sự dữ đang diễn ra trong Giáo hội, những xúc phạm do hàng giáo sĩ và do các giám mục gây nên. Các tu sĩ trong cộng đoàn vấp phạm vì những khuyến cáo Ngài trình lên Đức gíao hoàng và các đức giám mục để thực hiện cuộc canh tân. Sự nghi ngờ của họ trở thành sự khinh bỉ, khi thánh nữ chịu cơn thử thách khủng khiếp này, là thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Thêm vào đó, Ngài còn bị cám dỗ trở nên kiêu căng thất vọng.
Dầu vậy, ý chí của Ngài bám chặt vào Chúa không ngơi, Ngài chỉ còn biết rên rỉ: – Tôi không hiểu mình có còn trí khôn nữa không. Tôi không thấy mình còn có gì đáng kể ngoài một chút thiện chí là không bao giờ dám xúc phạm đến Thiên Chúa.
Nhưng nhìn lên thánh giá Ngài thêm phấn khởi: – Đừng chết, nhưng chớ gì được chịu đau khổ mãi.
Bị cám dỗ quá, Ngài gieo mình vào bụi gai, bình thường Ngài hãm mình kinh khủng và thường mặc áo nhặm.
Năm năm bão tố trôi qua nhằm lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong khi hát kinh tạ ơn, Maria Madalena đã bỗng xuất thần và thưa với bề trên trong niềm vui mừng: – Bão tố qua rồi, xin hãy giúp con cảm tạ Chúa tạo thành khả ái.
Từ đây Ngài chỉ còn ước muốn vô cùng là được làm việc để tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Ngài luôn tìm kết hiệp với thánh ý Chúa. Thánh Thần đọc cho Ngài những ý tưởng thâm sâu và hai chị thơ ký đã ghi thành một pho sách được các người nhân đức và thông thái ở Ý chuẩn nhận.
Với nhiệt tình, Ngài đã nguyện hy sinh không muốn biết đến một sự dịu ngọt nào nữa. Khi làm phó bề trên, Ngài bị tật bệnh dày vò lại còn mất ơn an ủi, cha linh hướng tìm cách an ủi, nhưng Ngài nói:
– Không, đó không phải là thứ an ủi con tìm kiếm. Con chỉ ước mong được đau khổ đến lúc cuối đời. Khi sắp từ trần thánh nữ nói:
– Tôi sắp từ giã mà không hiểu tại sao một thụ tạo lại quyết tâm phạm tội chống lại Chúa tạo thành được.
Với các nữ tu vây quanh, Ngài nói những lời sau cùng: – Tôi sắp từ giã các chị để đi vào vĩnh cửu, tôi xin các chị như là một ân huệ cuối cùng là chỉ yêu mến một mình Chúa, đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài và chịu đựng tất cả vì tình yêu Ngài.
Thánh nữ từ trần ngày 25 tháng 5 năm 1607. Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.