Trong bài này, chúng ta nghiên cứu lịch sử của tư tưởng Ki-tô giáo về con người, đặc biệt là thời các giáo phụ và thời Kinh viện.
I. CÁC GIÁO PHỤ
Trong khi rao truyền Tin mừng cho thế giới, các giáo phụ đã gặp phải văn hóa Hy lạp, với những quan điểm về con người và vũ trụ khác với quan điểm của Kinh thánh. Vũ trụ của văn hóa Hy lạp có tính cách khép kín, theo nghĩa là nó cố gắng tìm ra các lý lẽ giải thích lý do sự hiện hữu của cả vũ trụ lẫn con người trong bản chất nội tại của nó. Trong khung cảnh đó, Thượng đế chỉ là một ý tưởng trừu tượng chứ chẳng có ảnh hưởng gì tới hoạt động của con người hết. Vũ trụ này được điều hành do một cái Lý phổ quát (Logos), và con người cần phải biết khám phá ra cái Lý của vũ trụ, bởi vì con người phản ánh vũ trụ.
Thái độ của các Ki-tô hữu trong những thế kỷ đầu tiên đối với văn hóa Hy lạp có thể phân thành ba khuynh hướng:
– Một nhóm thiểu số đã tẩy chay văn hóa xem ra vô thần ấy.
– Một khuynh hướng khác đã bị văn hóa ấy đè bẹp, tạo ra lạc giáo gọi là “ngộ đạo” (gnostique): họ chủ trương rằng sự cứu độ hệ tại tri thức mà con người có thể cố gắng đạt tới.
– Một khuynh hướng khác chấp nhận đối thoại với nền văn hóa này, với những rủi ro của nó. Tượng trưng của phái này là các giáo phụ ở Alexandria, thí dụ khi họ cố gắng giải thích cái Lý (Logos) của các nhà triết học Hy lạp theo nghĩa là Đức Ki-tô “Lời” (Logos) tạo dựng và nhập thể mà thánh Gio-an nói tới.
Tưởng cũng nên biết là khi nói đến tư tưởng Hy lạp vào thời này thì phải hiểu là tư tưởng của Platon. Nhiều giáo phụ vô tình đã bị mê hoặc bởi thuyết Platon, đến nỗi cũng chấp nhận thuyết nhị nguyên của ông, theo đó chỉ có linh hồn mới đáng giá, còn thân xác chỉ là tù ngục vật chất hèn hạ mà linh hồn cần phải giải thoát. Dù sao thì do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp, con người không còn được coi như một toàn bộ duy nhất như là trong quan niệm Do thái nữa : con người gồm có hai yếu tố tách biệt, một đàng là hồn thiêng bất tử, và đàng khác là thân xác vật chất.
Chúng ta hãy điểm qua vài đề tài chính của các giáo phụ bàn về con người.
1/. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa
Có thể coi đây như là chân lý nền tảng của Ki-tô giáo về con người. Thế nhưng phải hiểu nó như thế nào? Ta nhận thấy có những câu trả lời khác nhau. Các giáo phụ Alexandria cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì nó có lý trí; cái hình ảnh đó được in vào trong linh hồn. Thánh Âu-tinh thì coi là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa là phản ánh sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ có những quan năng nội tại : ký ức, trí hiểu và ý chí (hoặc: mens, notitia, amor). Còn I-rê-nê và Téc-tu-li-a-nô thì cho rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa xét vì nó giống với Đức Ki-tô, hình ảnh của Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người. Dù sao, các giáo phụ cũng không quên rằng cái hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không còn được nguyên tuyền trong sáng nữa, nhưng đã bị rách nát mờ đục sau khi phạm tội.
2/. Con người trong lịch sử cứu độ
Tuy rằng không phải lúc nào các giáo phụ cũng duy trì chiều kích lịch sử (xét vì triết học Hy lạp thiên về lý luận bản thể siêu hình hơn là lịch sử tính), nhưng Kinh Thánh thì luôn đặt con người trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Kinh Thánh cho thấy con người trong tình trạng nguyên tuyền, rồi đã sa ngã không còn giữ được bản chất nguyên tuyền như khi tạo dựng, và được Đức Ki-tô cứu chuộc. Một cách đại khái, có thể nói rằng hai khuynh hướng khác nhau khi bàn về thần học lịch sử cứu độ.
a/. Khuynh hướng thần học Đông phương chú trọng tới khía cạnh tích cực, theo nghĩa là nhìn con người được thần linh hóa nhờ ơn thánh sủng;
b/. bên Tây phương, do ảnh hưởng của Âu-tinh, thì nói tới khía cạnh tiêu cực, nghĩa là xác định tình trạngtội lỗi với những thương tích gây ra cho các cơ năng trong con người. Trong cuộc tranh luận với Pê-la-gi-ô, vì muốn đề cao sự cần thiết của ơn thánh, Âu-tinh đã trình bày một cái nhìn khá đen tối về khả năng tự do của con người; con người bị đè nặng bởi tội nguyên tổ, bị xâu xé do các đam mê dục vọng. Tuy nhiên Âu-tinh không dừng lại ở chỗ đó : tình trạng tội lỗi càng đen tối bao nhiêu thì ảnh hưởng của ơn thánh lại càng nổi bật bấy nhiêu; ơn thánh đã tái tạo con người, giúp cho con người sống thực nhân tính của mình.
3/. Thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa
Dĩ nhiên, dù có dùng các khái niệm của triết học Hy lạp để tìm hiểu về con người (thí dụ : bản chất, bản thể, quan năng), các giáo phụ vẫn nắm chắc nền tảng con người như là thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm được hạnh phúc, theo như lời thánh Âu-tinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa; trái tim con sẽ mãi bồn chồn bao lâu chưa an nghỉ trong Chúa”.
“Bốn mùa” – Tranh của George Kordis, một hoạ sĩ công giáo Hy-lạp
Các giai đoạn của cuộc đời : (3) Thu – (4) Đông – (1) Xuân – (2) Hạ
II. KINH VIỆN TRUNG CỔ
Như đã nói trên đây, nói chung các giáo phụ cảm thấy dễ đối thoại với tư tưởng của Platon hơn, vì triết gia này nghiêng về những thực thể thiên giới và coi cái trần gian vật chất này chỉ là rác rưởi bất toàn. Thế nhưng, vào thời Trung cổ, Âu châu bị quyến rũ bởi một nền triết học mới được du nhập, đó là tư tưởng của Aristote. Triết gia này tìm ý nghĩa đời sống con người trong vũ trụ vật chất, thực tại hữu hình, cũng như đề cao vai trò của cá nhân, của thân xác. Thoạt tiên, người Ki-tô hữu xem những tư tưởng đó có tính cách vô thần duy vật, trái ngược với Ki-tô giáo.
Nhưng thánh Tô-ma đã nhận thấy những chân lý trong học thuyết Aristote, và đã chấp nhận nó làm nền tảngđể viết ra một thiên khảo luận triết học và thần học về con người.
Những luận đề chính của triết học về con người có thể tóm lại như sau:
1/. Con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác
Nhờ có yếu tố tinh thần, mà con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, có phẩm giá cao quý vì được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng. Linh hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể. Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt là lý trí và ý chí. Những ý tưởng của lý trí không phải là do thiên phú nhưng là do sự trừu xuất từ những hình ảnh mà giác quan cung cấp. Nên lưu ý là Thánh Tô-ma nhấn mạnh tới con người như là một hợp thể gồm cả xác cả hồn. Linh hồn không hiện hữu trước khi có con người (và đây là điểm khác với thuyết của Platon). Linh hồn và xác gắn bó với nhau cho đến nỗi Thánh Tô-ma nói tới khát vọng tự nhiên của thân xác là được sống lại, bởi vì linh hồn sẽ bất toàn khi tách rời khỏi thân xác. Con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhắc các lý lẽ trước khi hành động, và ý chí để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiện tuyệt đối.
2/. Con người không phải là một tiểu vũ trụ khép kín
Sau khi đã bàn tới bản chất của con người, thánh Tô-ma lại đã đặt nó trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và Hạnh Phúc của con người. Thánh Tô-ma biết rằng Kinh thánh đã nói tới con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; nhưng ngoài thế giá của Mạc Khải, Thánh Tô-ma đã cố gắng đi vào trong chính bản tính con người để cho thấy rằng cơ cấu của con người tự nó hướng về Thiên Chúa. Con người mở rộng về Thiên Chúa: “homo capax Dei”, một thành ngữ của thánh Âu-tinh (De Trinitate, lib. XIV, c.8: PL 42,1044) được Thánh Tô-ma khai triển (I-II,113, 10). (Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo dùng làm tựa đề cho chương mở đầu). Con người mở rộng tới Thiên Chúa bởi vì con người luôn khao khát đạt tới chân lý thực tại và sự thiện toàn mỹ. Con người tìm về Thiên Chúa không phải chỉ vì muốn thỏa mãn óc lý luận muốn biết nguồn gốc của vũ trụ, nhưng còn vì muốn được hạnh phúc, sự thiện tuyệt đối. (homo capax summi boni: I,93,2,3m; – capax perfecti boni: I-II,5,1; – capax vitae aeternae: II-II, 25,3 2m). Dựa trên sự phân tích ấy, Thánh Tô-ma cho rằng giữa lý trí và đức tin không có gì là mâu thuẫn; cũng như giữa bản nhiên (natura) và ân sủng (gratia) không có gì đối chọi. Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, đã muốn thông truyền sự tốt của mình cho con người, và đã mời gọi con người vào chia sẻ hạnh phúc với mình.
3/. Con người trong lịch sử cứu độ
Trong bối cảnh của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, mà Thánh Tô-ma lồng vào tất cả những đề tài của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ con người tất cả những khả năng cần thiết để có thể đạt tới cứu cánh tối hậu của mình (thông hiệp với Thiên Chúa, qua việc hiểu biết mến yêu Người). Nhờ sống trong sự thông hiệp đó, mà con người duy trì được tất cả các mối liên hệ theo trật tự : lý trí tùng phục Thiên Chúa, các cơ năng hạ đẳng suy phục ý chí, ý chí tùng phục lý trí, thân thể tùng phục linh hồn. Thế nhưng tội lỗi đã làm xáo trộn tất cả trật tự đó : không những A-đam đã mất đi những ơn huệ tình nghĩa với Chúa, nhưng mất cả sự kiểm soát trên các quan năng của mình. Vì thế mà trong tình trạng sa ngã, con người mang nhiều thương tích. Nhưng Thánh Tô-ma cũng thêm rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người vẫn không bị tiêu diệt: con người vẫn còn có khả năng tìm tới chân lý và làm điều thiện; nhất là trong Đức Ki-tô Thiên Chúa đã chữa trị con người nhờ ân sủng và Thánh Thần, nhờ vậy mà con người được sống trong tương giao thân mật với Thiên Chúa, và được trang bị với các nhân đức để có thể đạt tới cứu cánh tối hậu.
Phan Tấn, OP.,
catechesis.net
Cuoc doi la hoa co. sach vo la trai tim. Cuoc song phai di tim den nhung noi chan ly