Một trong những bạn trẻ được mời nêu chứng tá tại diễn đàn là anh Fouad Hassoun tín hữu Công Giáo bị mù sau một vụ khủng bố tại Beyrouth thủ đô nước Libăng. Xin tóm lược bài nói chuyện của anh như sau.
Trước khi bắt đầu, tôi xin ký thác tất cả chúng ta cho Đức Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu. Xin Thánh Thần THIÊN CHÚA đến trong chúng ta và cho phép chúng ta sáng nay có cuộc trao đổi: tôi sắp nói chuyện cùng các bạn và các bạn sắp lắng nghe lời tôi nói. Ước gì chỉ có một tiếng nói, một lỗ tai để cùng ca tụng vinh quang và tình yêu THIÊN CHÚA dành cho chúng ta.
Tôi thật cảm động khi nói về điều Chúa đã có thể đặt bình an trong lòng tôi và làm thế nào mà con đường hòa bình đã được thiết lập nơi một người từng là nạn nhân của chiến tranh như tôi. Nhiều người trong các bạn đến từ xa, từ Thánh Địa, vùng đất thân yêu của tất cả chúng ta, đang bị xâu xé, bị tổn thương và sống trong thất vọng. Nhưng sáng nay chúng ta chỉ muốn nói về Tình Yêu, Hòa Bình và Tình Yêu! Có lẽ đây là một thách đố khi nói rằng cần phải hy vọng, khi mà chung quanh chúng ta đang có chiến tranh, nghèo đói và bất công. Nhưng tôi xin lặp lại lời Đức Thánh Cha GioanPhaolô II nói sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001:
– Không có hòa bình nếu không có công lý. Không có công lý nếu không có tha thứ.
Thật thế. Hòa Bình và Tha Thứ gắn liền nhau. Nhưng liệu có thể tha thứ cho người từng gây điều ác cho chúng ta không? Làm thế nào để có thể yêu người bách hại chúng ta? Hơn thế nữa, làm sao để có thể cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta? Yêu kẻ thù là một trong những huấn lệnh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Thật là một tình yêu điên rồ! Không phải là điên rồ sao khi nói:
– Tôi yêu kẻ ghét tôi! Tôi yêu kẻ làm hại tôi!
Nhưng đó lại là tình yêu Chúa muốn chúng ta thi hành vì chính Ngài đã thí mạng sống vì chúng ta. Chính vì tình yêu mà Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã chấp nhận Thánh Giá và chết vì chúng ta. Thánh giá này ngày hôm nay tôi đang vác vì bị mù do chiến tranh gây ra, vì bất công đang gắn chặt vào khuôn mặt tôi. Nhưng thánh giá này ngày hôm nay tôi thật sự yêu mến và sẵn sàng vác vì tình yêu, bởi vì, thánh giá cũng là suối nguồn mang lại ơn thánh trong cuộc đời tôi, là dấu chứng tình yêu và an bình trong lòng tôi.
Tôi xin vắn tắt nhắc lại câu chuyện đau thương của một thiếu niên 17 tuổi.
Năm ấy tôi là sinh viên y khoa bỗng bị mù vì một vụ khủng bố xảy ra tại Beyrouth. Một chiếc xe gài chất nổ đã nổ tung trước cửa nhà tôi. Chỉ trong nháy mắt, tôi bị mù. Trước giường tôi nằm nơi bệnh viện mọi người đều khóc. Tôi nằm đó với đôi mắt bị băng kín và một thân thể rách nát. Nhưng tôi nói với mọi người:
– Đừng khóc nữa! Hãy có an bình và niềm vui, bởi vì ít ra là con vẫn còn sống. Điều quan trọng là sự sống vẫn còn ở trong con.
Chính từ giây phút ấy mà tôi hiểu ý nghĩa cuộc đời tôi, hiểu hồng ân sự sống Chúa đặt trong tôi.
Sau tai nạn bị mù và dốc toàn lực cùng tiền của để kiếm tìm thầy thuốc chữa trị mà vẫn vô hiệu quả, tôi đành rời bỏ xứ sở thân yêu để ra nước ngoài. Tôi đến Thụy Sỹ để mổ mắt với hy vọng lại được nhìn thấy. Nhưng chính tại nơi đây mà tôi biết rằng tôi sẽ bị mù vĩnh viễn suốt cuộc đời. Thế là tôi bị cuốn vào một cơn lốc khủng khiếp, rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Tôi phản loạn hạch hỏi THIÊN CHÚA:
– Sao Chúa lại để cho điều ấy xảy ra? Tại sao Chúa là Đấng quyền năng, Đấng Tạo Thành trời đất, lại để cho bất công có thể xảy ra? Và tại sao nạn nhân lại chính là con?
Nhưng tiếng kêu gào của tôi rơi vào khoảng không. Chỉ có im lặng hoàn toàn. THIÊN CHÚA như làm ngơ giả điếc trước tiếng khóc than của tôi. Và tôi chỉ muốn chết chứ không muốn sống. Lạ lùng thay, chính lúc ấy THIÊN CHÚA gọi đích danh tôi và hỏi:
– Con có yêu CHA không? Con có yêu CHA không?
Tôi thưa:
– Lạy Chúa, có! Con yêu Chúa hết lòng con hết linh hồn con, và chính vì tình yêu này mà con xin Chúa chữa mắt con lành!
Chúa nói:
– Nếu con yêu CHA thật, con phải chấp nhận.
Tôi thưa:
– Làm sao mà con có thể chấp nhận bất công dường ấy?
Chúa nói:
– Đúng, vì tình yêu, con chấp nhận.
Một ngày, qua đài truyền hình, tôi biết tin người ta đã bắt được tên khủng bố đã đặt bom trước cửa nhà tôi. Tôi bỗng nổi cơn điên. Tôi muốn túm lấy tên khủng bố, mổ tim móc mắt hắn ra để trả thù cho hả giận! Thế nhưng sau giây phút điên loạn, tôi bỗng quỳ sụp xuống đất và thưa:
– Xin Chúa tha tội cho con! Làm sao con có thể sống trong bao năm qua với mối hận thù chất chứa trong trái tim con? Lạy Chúa xin tha tội cho con! Xin tha tội cho con!
Và tôi nghe tiếng Chúa hỏi:
– Con có yêu mến CHA không?
Tôi trả lời:
– Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, chính vì thế mà con hỏi tại sao?
Chúa nói:
– Nếu con yêu mến CHA, con tha thứ. Đúng, vì tình yêu, con tha thứ.
Tôi đứng lên, lau sạch nước mắt và bước đi trên con đường mới, con đường của Tha Thứ. Tha thứ cho người đã làm hại tôi. Không dễ dàng cũng không hiển nhiên, nhưng tôi thấy rằng tôi phải tha thứ thì mới được thứ tha, như lời tôi đọc trong Kinh Lạy CHA: ”Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chính lúc ấy tôi hiểu sâu xa tình Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào, yêu đến độ Ngài khiến chúng ta nên giống Ngài khi thông ban cho chúng ta quyền lực và ơn thánh để có thể tha thứ. Và tôi xin chính thức lên tiếng làm chứng rằng:
– Vì tình yêu THIÊN CHÚA tôi tha thứ và không bao giờ còn oán hận muốn báo thù nữa. Tôi muốn bước đi trên con đường an bình trong cuộc đời tôi.
Tôi không đến đây để cho các bạn một bài học hay nêu một tấm gương. Tôi chỉ đến để nói rằng:
– Với tình yêu chúng ta có thể đánh bại sự dữ.
– Với tình yêu chúng ta có thể hồi sinh, hồi sinh từ các nỗi đau buồn.
– Với tình yêu chúng ta có thể vác thánh giá tiến về cuộc sống lại.
Phần tôi, tôi muốn nói với các bạn rằng:
– Ngày hôm nay tôi thiếu đôi mắt và tôi rất ước ao được nhìn thấy, nhưng cùng lúc tôi cũng được tràn đầy tình yêu. Tình yêu tôi dành cho các bạn cũng như tình yêu các bạn dành cho tôi. Xin chân thành cám ơn các bạn.
… Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Chúa GIÊSU mà hỏi rằng: ”Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mátthêu 18,21-22).
(”SOURCES VIVES”, La revue des Fraternités Monastiques de Jérusalem, No 157, Mai 2011, trang 113-119)