Loại nói dối thứ nhất và là loại khủng khiếp, nên tránh và nên lánh nó một khoảng xa, đó là lời nói dối được thốt ra trong bài giảng mang tính tôn giáo; không được dẫn đưa bất cứ người nào đi theo lời nói dối đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Loại thứ hai là lời nói dối gây chấn thương cho người nào đó một cách không chính đáng: thí dụ lời nói dối không những chẳng giúp ích cho ai mà còn làm hại người nào đó.
Loại thứ ba là lời nói dối làm lợi cho người này nhưng gây hại tới người kia, dù sự tổn hại ấy không làm cho người ta ô uế thể lý.
Loại thứ tư là lời nói dối được thốt ra chỉ vì thích nói dối và thích lừa dối; đây là lời nói dối thật sự.
Loại thứ năm là lời nói dối được thốt ra chỉ vì khao khát làm vui lòng người khác bằng ngôn từ êm ái.
Một khi tránh xa và từ khước các loại nói dối trên, thì tiếp theo là loại thứ sáu: lời nói dối không làm hại ai nhưng làm lợi cho người nào đó, thí dụ một người biết rằng tiền của người khác bị lấy đi một cách bất chính, mà khi bị hỏi tới, y trả lời một cách không thật rằng mình chẳng biết số tiền đó ở đâu.
Loại thứ sáu là lời nói dối không làm hại ai nhưng làm lợi cho người nào đó – với ngoại lệ là trường hợp bị quan tòa chất vấn; nó xảy ra khi một người nói dối bởi vì y không muốn phản bội người đang bị truy nã để xử tử, nghĩa là, không chỉ người chính đáng, vô tội mà còn cả người tội phạm, vì theo kỷ luật Kitô giáo, không bao giờ từ bỏ hy vọng vào sự cải giáo của bất cứ người nào, và đừng bao giờ bít kín cơ hội sám hối. Vậy, tôi vừa nói dài lời liên quan tới hai loại vừa rồi [thứ sáu và thứ bảy] vốn thường gây ra những thảo luận đáng kể, và tôi cũng đang trình bày ý kiến của mình, ấy là, bằng việc chấp nhận những khổ đau được gánh vác một cách vinh dự và dũng cảm, những nam nữ chân thành, có đức tin và mạnh mẽ cũng nên tránh hai loại nói dối này.
Loại thứ tám là loại nói dối không làm hại ai nhưng làm lợi cho người nào đó trong chừng mực che chở người đó khỏi tình trạng ô uế thể lý, ít ra là sự ô uế thể lý mà chúng ta đề cập ở trên. Vậy, người Do Thái xem là ô uế việc ăn mà chưa rửa tay. Nếu ai đó xem như thế là ô uế thì lúc đó không được dùng lời nói dối để tránh né nó. Tuy nhiên, chúng ta đối mặt với một vấn đề mới mẻ là không biết lời nói dối đó có làm tổn thương mọi người không mặc dù nó che chở người khác khỏi vấn đề ô uế mà mọi người đều rất ghét và ghê tởm. Có nên thốt ra lời nói dối đó không nếu nó đưa tới sự tổn thương không nằm trong bản chất của sự ô uế mà chúng ta đã và đang ứng xử? Ở đây câu hỏi không liên quan tới việc nói dối; đúng hơn, nó liên quan tới vấn đề không nên làm hại ai hoặc không nhất thiết bằng lời nói dối, làm cho người khác có thể tránh né sự ô uế. Tôi nhất định nghiêng về phía chống đối sự bừa bãi đó.
Nguyễn Ước dịch và chú
Ghi chú:
* St Augustine (354-430) Tên La-tinh là Aurelius Agustinus, cũng được gọi là Augustine thành Hippo. Ông là bậc vĩ đại nhất trong các Giáo phụ của Giáo hội La-tinh[1]; Tiến sĩ Hội Thánh. Chào đời ở Tagaste xứ Numidia, nay thuộc nước Tunisia. Thân phụ là người ngoại giáo, nhưng thân mẫu ngoan đạo ông, Thánh nữ Monica, giáo dưỡng ông thành tín đồ Kitô giáo.
Ông đi Carthage du học, có con trai tên Adeonatus với một nhân tình ở đó. Carthage thuở ấy là một trung tâm đại đô thị và ông được tiếp xúc với nhiều trào lưu trí thức mới mẻ cùng những ảnh hưởng của chúng. Ông ngày càng can dự sâu xa vào đạo Ma-ni [2], một giáo phái dường như cống hiến giải pháp cho vấn đề cái ác, một chủ đề chiếm lĩnh suốt cuộc đời còn lại của ông.
Năm 383, Augustine chuyển chỗ ở tới dạy học ở kinh thành Rô-ma, rồi tới Milan, và bắt đầu chịu ảnh hưởng của phái triết học hoài nghi chủ nghĩa[3] và phái Tân Plato [4]. Sau những cuộc khủng hoảng tâm linh đầy gay cấn được mô tả trong cuốn tiểu sử tự thuật của ông, cuối cùng ông cải đạo sang Kitô giáo và cùng với con trai mình, được Thánh Ambrose (k.339-397) rửa tội vào năm 386.
Ông quay về Bắc Phi và trở thành giám mục Hippo năm 396, ở đó ông miệt mài chống lại các phái dị giáo Donatus[5], Pelagion[6] và đạo Ma-ni, và đấu tranh bảo vệ thần học chính thống. Ông vẫn ở lại Hippo cho tới ngày từ trần năm 430, khi người Vandals[7] bao vây các cổng thành ấy.
Là nhà văn có sức viết phi thường, Thánh Augustine ghi dấu cuộc chiến đấu tâm linh cá nhân trong hầu hết các tác phẩm của mình. Cuốn Confessions (400) là một tác phẩm văn chương kinh điển và tiểu sử tự thuật tâm linh cũng như một tác phẩm gốc của triết học (với bài thảo luận nức tiếng về thời gian). Đại tác phẩm The City of God (412-27) là một công trình lớn lao với 22 cuốn, trình bày lịch sử loài người theo sự xung khắc giữa tính tâm linh hăèng cửu và tính trần thế tạm bợ, cuối cùng kết thúc trong cuộc khải hoàn của City of God, mà thể hiện trên trần gian này là giáo hội của Thiên Chúa.
[1] Giáo phụ của Giáo hội La-tinhTước hiệu thường áp dụng cho các nhà lãnh đạo thần học Kitô giáo thời sơ khai (bảy thế kỷ đầu), được công nhậnlà tôn sư về chân lý của đức tin. Học thuyết của họ chính thống, và họ có đời sống đạo hạnh, thường được phong tước vị tiến sĩ giáo hội và phong thánh. Khoa nghiên cứu cuộc đời và văn bản của họ được là patristics.
[2] Giáo phái Ma-ni Tức Manicheanism/Manichaeanism hay Manicheism/Manichaeism.Một giáo phái phát sinh ở Ba Tư khoảng những năm 200′ SCN. Kết hợp các đức tin Kitô giáo, Phật giáo, Bái hỏa giáo, v.v. nó duy trì một nội dung thần học nhị nguyên chủ nghĩa trong đó thân xác và vật chất bị đồng hóa với bóng tối và cái ác, trong khi đó, linh hồn phấn đấu để giải phóng nó, được đồng hóa với ánh sáng và cái thiện.
[3] Chủ nghĩa hoài nghi(scepticism) Chủ trương rằng không gì có thể được chứng minh một cách tuyệt đối, và vì thế kiến thức thật sự thuộc bất cứ loại nào đều là bất khả thi.
[4] Phái tân-Plato(neoplatonism) Một hệ thống triết học và tôn giáo phối hợp chủ yếu các yếu tố của chủ nghĩa Plato, thần bí Đông phương và một ít Kitô giáo về sau, được thể hiện đặc biệt trong các văn bản của Philo (k.20 TCN- k.50 SCN), Plotinus (k.205-270), và Porphyry (k.232-303). Nó phát khởi ở Alexandria, Ai Cập, từ đầu những năm 200′ SCN. Hoặc một phái triết học về sau, dựa trên sự phối hợp kể trên hoặc trên chủ nghĩa Plato.
[5] DonatusMột phái dị giáo và ly khai nổi lên ở Bắc Phi năm 311, phát sinh từ sự tuyển cử Caecilian làm giám mục Carthage.
[6] PelagionNgười theo học thuyết của Pelagius (k.360-k.420), một tu sĩ người Anh. Ông phủ nhận tội tổ tông (tội nguyên tội), và quả quyết rằng ý chí của con người tự nó có khả năng đạt tới sự thiện hảo, không cần sự hỗ trợ của hồng ân thiêng liêng.
[7] Vandals Những thành viên của một bộ lạc Nhật Nhĩ Man (Đức), xâm chiếm Tây Âu các năm 300′ và 400′, tàn phá các xứ Gaul (nay là Pháp) Tây Ban Nha, Bắc Phi. Năm 455 SCN, họ chiếm Rô-ma. Đặc tính của người Vandal là cướp phá, thù nghịch văn hóa (Vandalism).
Nguyên tác: Augustine, St (pp. 33-35,) “On Lying”, trong Treatise on Various Subjects, ed. R.J. Deferrari, Fathers of the Church, Catholic University Press, New York, 1952.