Trả lời: Phụng vu thánh ( Sacred Liturgy=liturgia) là toàn thể việc phụng thờ, ca tụng, tạ ơn và xin ơn Thiên Chúa mà Giáo Hội , với tư cách là Hiền Thê của Chúa Kitô, hàng ngày cử hành qua kinh nguyện, nhất là cử hành Thánh lễ Tạ Ơn và các Bí tích nhân danh Chúa Kitô ( in personna Christi) để xin ơn cứu chuộc của Chúa tiếp tục ban phát cho những ai thành tâm thiện chí muốn hưởng nhờ để hy vọng được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Nói cách khác, Phụng vụ Thánh là việc thi hành chức vụ Tư Tế của Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng phẩm tiếp tục dâng lại Hy Tế của Người cách bí nhiệm qua tác vụ của Giáo Hội, hay nói rõ hơn, qua thừa tác vụ của những tư tế có chức Thánh là Giám Mục và Linh mục.
Thật vậy, mỗi khi các vị này cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, tức Thánh lễ Tạ ơn thì Chúa Giêsu lại hiện diện cách bí nhiệm để dâng lên Chúa Cha Hy tế mà Người đã một lần dâng trên thập giá năm xưa. Và mỗi lẫn Hy Tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô , chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế ( 1 Cor 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( x. Hiến Chế Lumen Gentium (LG ) số 3)
Nghĩa là, mỗi lần Thánh lễ Tạ Ơn được cử hành theo đúng Lễ Qui Rôma ( Roman Rite) ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, thì ơn cứu chuộc của Chúa Kitô lại được áp dụng cho chúng ta ngày nay cùng thể thức và mục đích của Hy Tế lần đầu tiên Chúa đã dâng lên Chúa Cha qua hy sinh đổ máu và chết trên thập giá khi xưa…Do đó, Thánh lễ được coi là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” ( Sđd, số 11) và cũng là suối mạch thiêng liêng của đời sống Giáo Hội.
Các hoạt động và Nghi thức Phụng Vụ gồm có:
I-Thánh lễMisa hay Tạ Ơn ( Eucharist): là đỉnh cao của mọi hoạt động Phụng Vụ vì nó diễn lại qua nghi thức phụng vụ trước hết Bữa tiệc của Chúa Giêsu với Nhóm Mười Hai trước giờ Người bị trao nộp, bị hành hình và sau đó bị treo trên thập giá là bàn thờ Chúa dùng để dâng Hy tế đền tội cho nhân loại lên Chúa Cha lần đầu năm xưa.Như thế, Thánh lễ Tạ Ơn vừa diễn lại Hy tế thập giá , vừa là hành động ca ngợi và cảm tạ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô, trong tinh thần cảm tạ của Chúa dâng lên Chúa Cha sau đây:
” Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất
Khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho Con.” ( Ga 17: 4)
Mặt khác, qua Thánh lễ Tạ Ơn, Giáo Hội cũng xin ơn tha thứ và thánh hóa cho con cái còn sống và tha tội cho các linh hồn nơi Luyện tội, vì Thánh lễ là chính nguồn mạch từ đó chúng ta nhận được ân sủng dồi dào của Thiên Chúa để giúp cho chúng ta được nên thánh như lòng Chúa mong muốn là “ Anh em hãy nên hoàn thiện ( nên thánh) như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện.” ( Mt 5 :48).Vì thế , không có việc đạo đức nào trong Giáo Hội cao trọng và đẹp lòng Chúa Cha hơn Thánh lễ Misa vì đây chính là Hy Tế, lời ngợi khen và cảm tạ của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha thay cho chúng ta, những kẻ tội lỗi được Chúa thương yêu và qui tụ trong Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Người. Do đó, khi tham dự và hiệp dâng Lễ với linh mục cử hành nhân danh Chúa Kitô, chúng ta được hưởng nhờ những lợi ích lớn lao của Hy Tế mà Chúa Kitô tiếp tục dâng lên Chúa Cha qua tác vụ của Giáo Hội để tuôn đổ mọi ơn lành của Chúa cho chúng ta, những người còn sống đang lữ hành với Giáo Hội và cho các tín hữu đã ly trần mà chưa được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.
Nói đến việc cử hành và tham dự Thánh lễ Tạ Ơn, chúng ta cần lưu ý những Qui đinh về Nghi Thức cử hành Thánh lễ mà Giáo Hội đã ban hành từ xưa đến nay như sau:
1-Trước hết là Nghi thức lễ Tridentine hay Lễ Latinh. Gọi là Lễ Tridentine vì Công Đồng chung Tridentinô (1545-1563) đã khuyến cáo Đức Thánh Cha duyệt xét lại và cho ấn hành những sách thánh trong đó có Sách Lễ Rôma ( Missale Romanun). Kết quả ngày 4 tháng 7 năm 1570, Đức Thánh Cha Piô V đã ban hành cho sử dụng trong toàn Giáo hội Sách lễ Roma cử hành hoàn toàn bằng tiếng La tinh để nói lên sự hiệp nhất của Giáo Hội trong Phụng Vụ thánh.
2- Nhưng đến sau Công Đồng Vaticanô II( 1962-65) Sách Lễ Rôma với nghi thức mới ( Novus Ordo) đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970 cho phép dùng các ngôn ngữ địa phương thay tiếng La Tinh như đã quen dùng từ năm 1570 trong Thánh lễ.
Đây là một cải cách lớn lao về Phụng Vụ và đã gây ra nhiều tranh cãi trong Giáo Hội.
Cụ thể là Tổng Giám Mục Pháp Lefreve đã ly khai khỏi Giáo Hội để tiếp tục cử hành mọi nghi thức Phụng Vụ bằng tiếng La Tinh như cũ.Ngài đã qua đời, nhưng Nhóm giáo sĩ theo ngài vẫn tiếp tục không chấp nhận những cải cách của Công Đồng Vaticanô II.
Nghi thức mới ban hành năm 1970 được gọi là Nghi thức thông thường ( Ordinary Form) trong khi Nghi thức cũ ( dùng tiếng Latinh) được coi là Nghi thức bất thường ( Extraordinary Form)
Dầy vậy, Nghi thức cũ ( bất thường ) vẫn còn được dùng hạn chế trong Giáo Hội, sau Công Đồng Vaticanô II, bên cạnh Nghi thức mới được sử dụng rộng rãi trong toàn Giáo Hội.
Nhưng có lẽ để xoa dịu những “âm ỷ” bất đồng còn tồn tại trong Giáo Hội sau khi nghi thức mới được ban hành năm1970, mà ngày 7 tháng 7 năm 2010 , Đức Thánh Cha Bê-nê-đichtô XVI đã ban hành Tông Thư Summorum Pontificum cho phép rộng rãi việc sử dụng Nghi thức cũ ( dùng tiếng La tinh trong Thánh lễ) nên cạnh Nghi thức mới ( dùng các ngôn ngữ địa phương). Nghĩa là từ nay nơi nào có nhu cầu thực sự và có linh mục đọc được tiếng Latinh thì không còn phải xin phép Đấng bản quyền địa phương hay Tòa Thánh trước khi dùng nghi thức Lễ Latinh như trước đây nữa.Nhưng cũng cần nói rõ ngay là Nghi thức mới hay cũ thì cũng đều theo chung một Lễ qui Rôma ( Roman rite ) và thể hiện đúng Luật cầu nguyện ( Lex Orandi= law of prayer) của Giáo Hội.
Khi tham dự Thánh lễ, mọi giáo hữu được tham dự vào Bàn Tiệc Thánh để được ăn và uống Mình Máu Chúa Kitô hiện diện thực sự nhưng bí tích qua hai hình bánh và rượu nho, và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc nhờ Hy tế của Chúa Kitô..Do đó, mọi tín hữu được mời gọi tích cực tham dự Thánh lễ mỗi ngày – nếu có thể được – nhưng bó buộc dự lễ ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa ( Day of the Lord), ngày tưởng niệm sự sống lại của Chúa Kitô từ cõi chết để cho chúng ta hy vọng chắc chắn về sự sống lại của mỗi người chúng ta sau khi tất cả có ngày sẽ phải chết trong thân xác yếu hèn này.
Khi tham dự Thánh lễ, mỗi tín hữu được mong đợi tham dự trọn vẹn hai phần quan trọng của Thánh lễ là Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.
Qua phụng vụ lời Chúa, ( Liturgy of the Word) chúng ta nghe lời Chúa qua các bài đọc, nhất là bài Phúc Âm, nghe bài giảng của chủ tế để được nuôi dưỡng tâm hồn theo đúng lời Chúa Giêsu đã trả lời cho tên quỷ đến cám dỗ Người đang ăn chay trong rừng vắng : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.” ( Mt 4 : 4; Lc 4: 4)
Tiếp đến, qua phần phụng vụ Thánh thể,( Liturgy of the Eucharist) mọi giáo hứu được mời gọi đến bàn thánh để ăn và uống Mình Máu Chúa Kitô hiện diện thực sự nhưng bí tích qua hình bánh và rượu nho.Đây chính là thần lương nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng ta trong cuộc lữ hành tiến vể quê Trời.Đây cũng là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời với Chúa Kitô như lời Người đã phán hứa :
“ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta
Thì được sống muôn đời
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6: 54)
Tuy nhiên, cho được xứng đáng rước Mình và Máu Chúa Kitô, Giáo Hội dạy phải sạch tội trọng ( mortal sin) và giữ chay ( fasting) tối thiểu một giờ trước khi rước Mình Máu Chúa Kitô. Nghĩa là ai biết mình đang có tội trọng, chưa được tha qua bí tích hòa giải, thì không được làm lễ ( linh mục và rước lễ ( giáo dân).( x. SGLGHCG số 1415; Giáo luật số 916)
Tóm lại, Thánh lễ Ta Ơn là chóp đỉnh của Phụng vụ thánh và là suối nguồn tuôn trào ơn Chúa cho chúng ta được thánh hóa, được bổ sức thiêng liêng để đứng vững và lớn lên trong đức tin trước mọi nguy cơ cám dỗ của ma quỷ với sự tiếp tay đắc lực của thế gian và yếu đuối của bản năng con người.
II- Các Bí tích và Á Bí tích:Các bí tích mà Chúa Kiô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội sử dụng như những phương tiện hữu hiệu để tái sinh con người ( bí tích Rửa Tội) chữa lành ( Bí tích Hòa giải và Sức dầu thánh) thêm sức mạnh thiêng liêng và Thánh hóa ( bí tích Thêm sức và Thánh Thể ) cộng tác với Chúa trong việc truyền sinh, rao giảng Tin Mừng và ban ơn Cứu độ ( bí tích hôn phối và Truyền chức thánh). Do đó, khi cử hành đúng theo nghi thức của Giáo Hội, các bí tích này sẽ mang lại ơn Chúa dồi dào và hữu hiệu cho những ai lãnh nhận với đức tin và được chuẩn bị chu đáo về mặt giáo lý. Nghĩa là nếu không có đức tin và không được chuẩn bị thích đáng về giáo lý thì không thể lãnh nhận hữu hiệu bất cứ bí tích nào.Cụ thể, không thể lấy nước đổ đại lên đầu ai là có ngay hiệu quả của bí tích Rửa tội. Ngược lại, phải tin và ý thức đầy đủ về công dụng của bí tích thì người lãnh nhận mới thực sự được “tái sinh” trong tâm hồn qua dấu chỉ bề ngoài là nước và lời đọc công thức Chúa Ba ngôi.
Ngoài bảy Bí Tích của Chúa, Giáo Hội cũng thiết lập thêm nhiều Á bí tích ( Sacrementals) để xin ơn Chúa qua lời cầu nguyện của Giáo Hội. Các Á bí tích gồm có : nước phép, các phép lành, kể cả phép lành của Đức Thánh Cha, dầu thánh, các ảnh tượng Chúa Kitô , Đức Mẹ và các Thánh nam nữ, Xương thánh ( Relics) bàn thờ, khăn bàn thờ, khăn thánh ( purificator, Corporal) Áo Lễ, Bình đựng Mình Thánh Chúa ( Ciborium), Sách lễ, Sách Kinh, tràng hạt, Áo Đức Bà ( Scapular) v..v.…Phải kính trọng các Bí tích và Á Bí tích vì đó là những phương tiện hữu hiệu để thông ban ơn Chúa cho chúng ta lãnh nhận với đức tin vững vàng và hy vọng chắc chắn về những hiệu quả thiêng liêng do các bí tích và Á bí tích mang lại.
III- Kinh Thần Vụ ( Kinh Nhật Tụng = Phụng Vụ Giờ Kinh = Divine Office)
Giáo Hội không những cử hành các Bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể để Chúa Kitô tiếp tục ban ơn thánh của Chúa cho chúng ta mà còn đặc biệt cầu nguyện để cảm tạ , ca tụng Thiên Chúa và cầu xin cho mình và cho con cái đang hiệp thông với Giáo Hội, là Mẹ nữa.Và đây là mục đích của việc đọc kinh nhật tụng để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa và xin ơn Người nâng đỡ như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa:
“ Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối.” ( Mc 14: 38).
Thánh Phaolô cũng đặc biệt khuyên tín hữu Thê-xa-lô-ni ca như sau :
“ Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô.”( 1 Th 5: 16-18)
Các giáo sĩ ( Giám mục, Linh mục, Phó tế) và Tu sĩ ( Religious) đều buộc đọc Kinh Nhật tụng trong Phụng Vụ giờ kinh ( Liturgy of Hours) được chia ra Kinh sáng, kinh trưa, kinh Chiều và kinh Tối để hiệp thông cầu nguyện với Giáo Hội. Giáo dân cũng được khuyến khích đọc kinh nhật tụng được sọan riêng, nhưng không bó buộc phải đọc như Giáo sĩ và tu sĩ.
Cũng được kể là hình thức phụng vụ việc lần chuỗi Mân Côi để kính Đức Mẹ và xin Mẹ nguyện giúp cầu thay cho chúng ta con cái của Mẹ trong Chúa Kitô, Con yêu quí của Mẹ..
Sau hết Thánh nhạc ( Sacred Music) cũng là hình thức phụng vụ rất quan trọng được sử dụng để ca ngợi Thiên Chúa và giúp nâng tâm hồn mọi tín hữu lên với Chúa qua lời ca tiếng nhạc được chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ.
Trên đây là đại cương những hình thức phụng vụ thánh trong Giáo Hội để tôn thờ, cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phụng vụ là chính đời sống thiêng liêng của Giáo Hội. Nếu thân xác cần dưỡng khí để thở thế nào thì Giáo Hội cũng cần cầu nguyện qua phụng vụ như thế. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cử hành phụng vụ mỗi ngày, mỗi mùa quanh năm, gồm có Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường niên kéo dài trong 34 tuần lễ ở xen kẽ hai Mùa lớn là Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh.Mọi giáo hữu đều được mong đợi hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội trong mọi cử hành phụng vụ thánh để cùng thờ lậy, ngợi khen, cảm tạ và xin ơn lành của Chúa ban qua Giáo Hội.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn