(NLĐO) – Bất chấp lời kêu gọi “đoàn kết” sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, các cuộc biểu tình “áo ghi-lê vàng” phản đối chính phủ Pháp vẫn diễn ra trên khắp cả nước.
Hôm 20-4, lần đầu tiên biểu tình “áo ghi-lê vàng” nổ ra kể từ sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Giới chức Pháp lên án mạnh mẽ các cuộc biểu tình này.
“Những kẻ biểu tình dường như không cảm nhận được điều đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà” – Bộ trưởng Nội vụ Minister Christophe Castaner khẳng định.
Các tỉ phú và doanh nhân Pháp đã quyên góp tổng cộng hơn 1 tỉ USD để xây lại nhà thờ – số tiền mà những người biểu tình khẳng định là nên được sử dụng vì mục đích khác. “Nếu họ có thể chi hàng chục triệu USD để xây lại Nhà thờ Đức Bà, họ nên thôi nói với chúng tôi rằng không có tiền để ứng phó với tình trạng xã hội khẩn cấp” – lãnh đạo công đoàn Philippe Martinez nhấn mạnh.
Ảnh: EPA
Cũng giống như các cuộc biểu tình “áo ghi-lê vàng” trước đây, cuộc biểu tình hôm 20-4 chứng kiến nhiều cảnh tượng bạo lực khi các phần tử quá khích đốt rào chắn và đập phá xe cộ, buộc cảnh sát sử dụng khí cay và vòi rồng để giải tán đám đông, bắt giữ 189 người.
Ngoài thủ đô Paris, biểu tình còn diễn ra ở nhiều thành phố khác như Nantes, Pau, Caen, Montbeliard, Bordeaux và Lyon. Bộ Nội vụ Pháp cho biết có tổng cộng khoảng 9.600 người tham gia biểu tình hôm 20-4, trong đó có 6.700 người ở Paris. Khoảng 60.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp cả nước
Bắt đầu nổ ra vào hồi tháng 11-2018 như một động thái thể hiện sự bất mãn đối với chính sách tăng phí nhiên liệu, “áo ghi-lê vàng” nhanh chóng biến thành phong trào biểu tình phản đối chính phủ trên toàn quốc, thể hiện sự tức giận về bất bình đẳng thu nhập và các chính sách mà họ cho là “vì người giàu” của Tổng thống Emmanuel Macron.
Đám đông biểu tình khẳng định tiền quyên góp xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề xã hội. Ảnh: Anadolu
Ảnh: The Local
Nguồn: Báo lao động