Tuổi ra đi có người chín mấy, tám mấy và bảy mấy. Cạnh hàng gọi là thọ ấy thì đâu đó bên đời có trẻ chỉ mười chín đôi mươi và có trẻ chỉ vài tháng tuổi, vài năm tuổi. Sự ra đi chết đột ngột đến với cô bé chỉ vì lý do đồ sạc điện thoại bị chập điện đã để lại cho gia đình và những người thân cận và cách riêng là cha mẹ. Trước đó không lâu, chàng sinh viên vắn số cũng đã về nhà Cha với lý do chả mấy thuyết phục. Chỉ vì mảng bê tông của những người làm ăn gian dối đã cướp đi sinh mạng của một con người.
Thật ra mà nói : chín, tám, bảy hay mười mấy, hai mấy cũng đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa.
Cuộc đời con người là vậy, có sinh thì ắt phải có tử. Một khi đã cất tiếng khóc chào đời thì cũng phải có ngày khép mắt lìa đời.
Như cố tổng thống Mỹ kia đã nói rằng trên đời này không có cái gì chắc, chỉ có 2 điều chắc là chết và thuế. Hẳn nhiên như mọi người đã biết thì bất cứ một ai sống trong xã hội nào cũng phải đóng thuế và đóng mãi cho đến ngày chết mới thôi.
“Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên …”
Ca từ da diết của Nhị Hà lại ùa vào lòng tôi khi đứng bên nấm mồ của Mẹ.
Dưới lớp đá rửa phủ kín cả rêu xanh hay ngã màu theo năm tháng là thân hình của Mẹ. Chúa ban cho Mẹ đẹp cả người lẫn nết. Sinh ra trong một dòng tộc ở Huế và Mẹ cũng như các Dì được thừa hưởng nét đẹp Trời phú. Nhưng rồi, cơn bạo bệnh đến thật chóng vánh và con cái phải chia xa dù không ai mốn.
Chả hiểu sao, dù hơn hai mươi năm ngót nhưng rồi hình ảnh Mẹ cứ hiện về trong ký ức. Dù hình dung thế nào đi chăng nữa thì dưới nấm mộ này chỉ là dúm xương khô.
Không chỉ Mẹ mà những người nằm kề bên Mẹ, những người nằm chung quanh Mẹ và những người ra đi trước cũng như thế mà thôi. Dẫu tiền tài danh vọng hay nghèo hèn đau bệnh những ngày cuối đời như Mẹ cũng chỉ được dăm ba tấc đất làm nhà. Nhưng rồi đây, tương lai phủ kín mây mù khi người sống đi dành đất của người chết và Mẹ phải di dời đến một nơi khác nữa để chờ đợi ngày phục sinh với Đấng là Nguồn Cội của mình.
Thật sự, nói cho bằng cùng kẻ hèn này rất sợ nhìn người chết và nhất là nhìn cảnh những anh em đội mai táng “thi hành phận sự”. Chắc có lẽ lòng tràn cảm xúc nên rất sợ nhìn giây phút ấy. Thế nhưng rồi dần dần cái sợ nó đã vượt qua khỏi ranh giới và để lại những dòng cảm xúc suy tư.
Những người ra đi trước, có thể là ông bà cha mẹ, có thể là những người có liên hệ cách này hay cách khác với mình. To có, nhỏ có, quyền cao chức trọng có, kẻ hèn người mọn có … và rồi tất cả họ đều trở thành người thiên cổ dẫu rằng “hôm nay người người vui cười rồi mai đây lệ rơi”.
Cùng đang ủ ấp tâm tình nghĩ về phận người, khi xem bộ phim Việt mới nhất “Cô Ba Sài Gòn” lại trào tràn cảm xúc của phận người.
Một Cô Ba Sài Gòn ngang bướng không theo nghề của mẹ để rồi phá sản không chỉ thương hiệu áo dài nổi tiếng “Thanh Nữ”mà mất cả nhà cửa và rơi vào cảnh nghiện ngập sầu bi. Nhưng rồi, trong một lần “phủi bụi”, Cô Ba Sài Gòn đã làm lại cuộc đời bằng cách học may áo dài giống mẹ. Bộ phim gợi lại hình ảnh của một cô Ba những năm 1966 và 2017 đã để lại trong lòng khán giả phận người hay nói cách khác là kiếp người. Dù muốn dù không không ai vụt tay khỏi tay của thần chết và qua đời.
Mới hôm qua, trên chuyến xe tang chia buồn với một người thân thiết, nhìn lại những người ngồi chung xe kẻ mọn đây không khỏi giật mình bởi lẽ thời gian qua đi quá nhanh và quá vội. Người bõ đỡ đầu mới ngày nao mà năm nay đã qua hàng tám ! Nhiều người trên xe lâu ngày nhận ra họ trong cám cảnh tóc bạc da mồi và tiều tụy.
Những hình ảnh như thế và nhất là những cuộc ra đi của những người thân thương hay của thầy già 96 tuổi đó cho ta cái nhìn đậm nét của cuộc đời : không ai lột da để sống đời cả !
Thật vậy, khi nghe tiếng còi hụ, khi nhìn thấy các y bác sĩ ngày đêm tận tâm trong các phòng cấp cứu ta mới thấy mạng người thật quý dường bao. Bao nhiêu công sức của bao người nhằm giành lại sự sống của người thân quen trong tay Thần Chết. Thế nhưng rồi phận người chúng ta thật mong manh và thật hữu hạn. Có khi hôm nay ta còn vui cười nhưng ta đâu biết rằng mai ngày ta chợp mắt khép mi và giã từ cuộc sống dương gian.
Nói như thế, nghĩ như thế để ta nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều được Chúa cho một hạn định nào đó mà chỉ mình Ngài mới biết mà thôi. Phần mỗi người chúng ta, chúng ta chỉ là những đầy tớ và ngay như kẻ mọn này không chỉ là đầy tớ mà còn là đầy tớ vô duyên bất tài và lắm tội.
Chúa vẫn mời gọi và chỉ bí kíp cho mỗi người chúng ta là “Anh em hãy canh thức vì không biết ngày nào giờ nào”.
Vâng ! Đời chúng ta như hoa kia sớm nở tối tàn và Chúa đong cho được một vài gang tấc. Ý thức điều đó để ta sống sao cho đời ta có ý nghĩa hơn hay là ít là ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút, ngày mai tốt hơn hôm nay một chút. Có như vậy ta mới hy vọng rằng khi ta khép mắt, ta sẽ mỉm cười và mọi người sẽ khóc và nhất là ta sẽ có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa là Cha chúng ta. Nếu cứ mãi hì hà hì hục ky cóp để rồi mất cả chì lẫn chài thì quá ư tà tội nghiệp cho phận người chúng ta.
Người Giồng Trôm