Một ngày trước đó, bác sĩ của bà vốn nghi nghi bà sẽ xẩy thai và đã dặn dò bà rất kỹ. Và do đó, như đã được chỉ dẫn, bà đặt những gì còn lại của người đáng lẽ đã là con trai của bà vào một chiếc bình thủy tinh.
Vì là người Công Giáo, bà đi tìm nước thánh mà bà luôn giữ trong nhà, và rửa tội cho con.
Phải 47 năm sau, bà Caruso mới đề cập tới những gì đã xẩy ra tại bệnh viện vào ngày hôm sau. Năm nay đã 69 tuổi, nhân tham dự buổi tưởng niệm các trẻ em chết vì xẩy thai tại Nghĩa Trang Chúa Cứu Chuộc Chí Thánh ở bên ngoài thành phố Albany, N.Y., bà nói rằng “tôi nhớ cô y tá bước vào. Cô cầm lấy chiếc bình và nói: ‘ồ đúng rồi, đây là chiếc bình chúng tôi đang đi kiếm’ rồi quăng nó vào thùng rác, ngay trước mặt tôi trong khi tôi còn nằm trên giường lăn.
“Đó là tất cả những gì tôi nhớ được. Cô ta cầm lấy nó và quăng nó vào thùng rác”.
Ngày nay, các bà mẹ xẩy thai được hưởng nhiều thái độ hiện đại hơn đối với việc mất bào thai của họ. Nhiều bệnh viện dành thì giờ cho các gia đình nói lời từ biệt với các trẻ bị xẩy thai. Họ thường hỏi xem gia đình có cần mời giáo sĩ tới hay không…
Vườn Tưởng Niệm của Nghĩa Trang Chúa Cứu Chuộc Chí Thánh tôn kính các trẻ bị xẩy thai, an ủi các cha mẹ trẻ mới mất đứa con của mình. Nhưng việc lập ra nó cách nay 2 năm đã được nhiều thế hệ cha mẹ xẩy thai trước đây gợi hứng. Giống như bà Caruso, các bà mẹ này chưa bao giờ được cơ hội khóc thương cho đứa con bị xẩy thai cũng như chưa bao giờ được cho biết việc gì đã xẩy ra cho di thể của chúng.
Có ai biết được rằng sự mất mát này tác động lên cuộc đời các bà mẹ lâu dài như thế nào. Bà Durden, ở Atlanta, nay đã 70 tuổi, xẩy thai đứa con trai đã 7 tháng mà bà đặt tên cho là Justin, nhận định rằng việc mất mát này hình như ai cũng muốn quên đi, nhưng “nó không bao giờ biến mất, nó tác động lên người đàn bà suốt cả cuộc đời họ”.
Không phải người đàn bà nào cũng tiếc thương đứa con bị xẩy thai như thế. Tuy nhiên, niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng tới cách đáp ứng của họ đối với việc xẩy thai. Bà Steinbock, người có tham gia buổi tưởng niệm tại Nghĩ Trang Chúa Cứu Chuộc Chí Thánh, cho biết: “nếu bạn được dưỡng dục trong đạo Công Giáo và do đó cho rằng bào thai ở ngay giai đoạn đầu đã là một con người giống như mọi con người khác, chỉ là không ai thấy trong bụng mẹ mà thôi, thì hẳn bạn sẽ có một phản ứng khác hẳn người có một nền dưỡng dục khác”.
Các bà mẹ tham dự buổi lễ tưởng niệm nói trên còn nhắc tới một điều khác nữa từ nền giáo dục Công Giáo của họ, khiến họ hết sức đau khổ khi không biết số phận đứa con bị xẩy thai ra sao. Như bà Caruso chẳng hạn. Đối với bà một đứa trẻ chưa chịu phép rửa không thể lên thiên đàng được.
Dù ý niệm trên, phát xuất từ thời Trung Cổ, nay đã bị Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo bác bỏ, nhưng nó vẫn còn lẩn khuất trong tâm trí nhiều người Công Giáo ngoan đạo.
Về phương diện này, linh mục Peter Ryan, Giám Đốc Điều Hành của Văn Phòng Tín Lý và Giáo Luật Sự Vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho hay: dù các trẻ em nên được rửa tội càng sớm càng hay sau khi sinh ra, nhưng các cha mẹ không nên ngã lòng về phần rỗi của đứa con nếu điều đó không xẩy ra, “ngược lại, Chúa Cha, Đấng từng sai Con Một của Người xuống cứu vớt ta, luôn muốn cho mọi người được cứu rỗi. Qúy vị biết: Chúa Giêsu rất thương đứa trẻ này”.
Còn về việc rửa tội cho các trẻ chưa sinh, theo cha, Giáo Hội dạy rằng “các bí tích là dành cho người sống” nhưng nếu nghi ngờ có sự sống, thì nên rửa tội ngay.
Đức Maria, người đàn bà Việt Nam trong nền văn hóa bạo lực
Kathleen Hirsch, trên tạp chí Crux số ngày 8 tháng 5, 2015, nhận định rằng trong nền văn hóa Tây Phương, không điều gì biến đổi hơn hình ảnh về chức phận làm mẹ. Chúa Nhật này, bữa nửa sáng nửa trưa (brunch) sẽ được ăn mừng bởi một thế hệ những bà mẹ thành đạt, đa tài, những bà mẹ lên đường vào buổi sáng trông giống như trị gía cả hàng triệu bạc. Không hiểu nếu Đức Maria, người mẹ tiêu mẫu của Thế Giới Kitô Giáo, mà xuất hiện trong các phố xá của Khu Hạ Manhattan của New York, thì ta sẽ thấy gì ở nơi ngài, và ngài thấy gì ở nơi ta? Thậm chí liệu ta có nhận ra ngài hay không?
Nhớ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, không năm nào qua đi mà Hirsch và các bạn không đua tranh nhau rước tượng Đức Mẹ vào nhà thờ chật ních người trong một buổi tối tháng Năm yên tĩnh, đội cho ngài vòng hoa đủ mầu sặc sỡ và đồng thanh hát mừng ngài những bài ca ngợi khen tất cả những gì ngài đại diện cho họ lúc ấy: sự ngọt ngào, sự dịu dàng và kiên nhẫn của một tình yêu luôn có đó.
Nhưng rồi cuộc sống biến đổi và cả họ nữa. Các nhà nhân loại học và các sử gia văn hóa sẽ cho thấy có phải nền văn hóa của ta hiện nay bạo động hơn các nền văn hóa trong quá khứ hay không, nhưng không một ai có thể bác bỏ rằng chúng ta hiện đang rơi vào những trận co giật chưa từng thấy của bạo lực, một thứ bạo lực bùng lên như trận cháy rừng tháng Tám, thiêu rụi hết những người yếu ớt và vô quyền giữa chúng ta: người da đen, phụ nữ và người đồng tính. Những giá trị vốn được coi là đặc trưng nam tính như sự hữu lý, sự khách quan, sự trật tự và biết kiểm soát từng tạo ra biết bao thành tựu, đã bị bóp méo trở thành trò khôi hài thô kệch của văn minh: tính đế quốc! Chỉ an ủi một điều là ta chưa sa vào thực hành đóng đinh mà thôi, nhưng có những ngày ta thấy mình thật gần với thực hành này.
Ngày Hiền Mẫu năm nay, ta nên đảo ngược câu hỏi để hỏi rằng “Đức Mẹ sẽ làm gì?” Ngài dạy ta phải đẩy lui ra sao cái nền văn hóa bạo lực do mình trồng ra này, đẩy lui sự kỳ thị và khinh bạc cũng như óc thống trị bừa bãi từng nạn nhân hóa bất cứ ai không chịu nhập cuộc với nó? Ngài có một hay hai lời nào về chủ đề tình yêu luôn có đó, về những đòi hỏi chủ yếu của dưỡng dục hay không?
Đức Maria không lạ lẫm gì đối với bạo lực. Ngài biết rõ sự bất lực của thân phận làm mẹ, cũng như các đau đớn do nó phát sinh ra. Đứa con sinh ra trong hy vọng và niềm vui, bị giản lược bởi thiên kiến, bởi các hệ thống loại trừ, bởi bỏ bê, trở thành đứa con xé lòng. Một xé lòng khôn nguôi vì không có khả năng thay đổi chòm xóm, thay đổi nhóm cùng trang cùng lứa, các giải pháp, bất kể đã tham gia bao nhiêu hội ý giữa cha mẹ và thầy cô, bất kể bao nhiêu cuộc họp với hiệu trưởng, van nài ai đó tỏ một chút từ tâm, một tia hy vọng. Thấy một đứa con bị xâm hại, bị cắt khỏi sức sống khôi nguyên, là điều gần như đe dọa tới chính ý muốn sống của người ta.
Không có gì ở trên đời lại đòi hỏi nhiều can đảm, nhiều gan góc, và sức mạnh tinh thần bằng điều trên. Sức mạnh phát sinh từ việc chịu đựng, từ việc tìm ra sự sống mới và niềm hy vọng quá bên kia những cái chết hàng ngày này, là một sức mạnh có khả năng đội đá vá trời.
Hirsch không nghĩ rằng Đức Maria lại xuất hiện giữa phố xá ta trong bất cứ vòng tròn đặc ân nào, không như cách người ta vốn nghĩ ngài hiện ra ở Medjugorje hay Gaudalupe. Không hề có không gian huyền bí cho ngài. Các phẩm tính của ngài không được trân qúy, không được coi là có liên hệ, ngay cả trên môi miệng, bởi ta quá bận bịu với việc phải đúng hạn chót, phải đọc các trang về kinh doanh, làm bẩn hành tinh qua việc thi đua chạy tới những nơi ẩn dật mỗi ngày mỗi hiếm hoi thêm.
Nhưng gần đây, Hirsch nghe kể về một trường hợp: một thiếu phụ Việt Nam, mẹ của 3 đứa con 9, 6 và 3 tuổi, một năm trước đây bị chồng bỏ rơi một mình. Nàng sống chật vật với đồng lương thợ móng tay (lương tối thiểu cộng thêm tiền khách cho) làm 12 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, để nuôi ăn nuôi mặc cho chúng. Về chỗ ở, nàng phải dọn về nhà mẹ trong một cộng đồng ở nội thành nơi nàng từng lớn lên.
Nàng nói với Hirsch: “Mỗi đêm, về tới nhà là tôi mệt nhoài. Tôi nằm xoài lên giường ngủ của mẹ. Mẹ tới nằm bên cạnh tôi, hỏi tôi nhiều điều về ngày sống của tôi. Mẹ lắng nghe, mẹ an ủi tôi. Có được một ai đó để chuyện trò quả là tuyệt diệu. Đôi lúc tôi mệt quá đành thiếp ngủ đi. Mẹ để tôi ngủ một tiếng đồng hồ. Rồi lại đi vào, đánh thức tôi dậy và nói: ‘mấy đứa con của con đang đợi con kìa!’”.
Hirsch bảo đó là một bà mẹ có khả năng đội đá vá trời cho những người lệ thuộc bà khi thế giới của chúng tan tành. Quá tuổi mang nặng đẻ đau, bà chăm sóc các đứa cháu của bà, coi chúng làm bài ở nhà và sự an toàn của chúng, lắng nghe các tỉ tê của người con gái kiệt lực. Bà là sức mạnh và cột nâng đỡ cho tới lúc cuộc đời trẻ trung này nhận phiên của mình. Đó là một sức mạnh vượt quá cái nhợt nhạt của những niềm hy vọng và giấc mơ tan tành; đó chính là một trong những nơi Đức Maria ẩn mình, trên ngoại biên thế giới hiện đại.
Lưu lạc là điều chẳng mới lạ gì đối với Đức Maria cũng như việc phải trốn chạy bạo lực. Nhưng Hirsch nghĩ rằng ngài chỉ thực sự dấu mặt đối với những người có xu hướng phá hoại hay giết hại những ai dám đe dọa địa vị ưu đãi của họ. Ở những nơi đem đến cho ta hy vọng, nơi ta có thể nằm xuống và nói ra các sự thật của ta và được lắng nghe mà không bị luận bác hay phán xét, ngài hiện diện một cách hết sức sinh động, trở thành nguồn sức mạnh cho ta.
Không phải vô cớ, ngài được xưng tụng là Nữ Vương Thiên Đàng. Ngài có thể đạp dập đầu rắn độc, nhưng vẫn là Mẹ Thiên Chúa, hạ sinh hy vọng quá bên kia máng cỏ Bêlem. Trong khi ta đang tạo ra những cuộc sống đen tối và đầy hãi hùng cho những người không thể đánh trả, thì ngài đang thực hiện những điều ngài vốn luôn thực hiện. Ngài đội đá vá trời.
Vũ Văn An