Mọi kế cấu bên trong của nhà thờ – từ trần nhà, tường, vách ngăn, bàn ghế – đều bằng gỗ thông, nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương
Gian chính của nhà thờ được trang trí đơn giản. Các cánh cửa luôn mở, tạo ra cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, không khép kín bí hiểm như các nhà thờ thiết kế theo kiểu Tây phương. Bên trong nhà thờ luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên thông qua các khoảng trống thông gió
Cách Đà Lạt 40km và không nằm trên tuyến đường du lịch phổ biến nên có lẽ chỉ những người thích khám phá giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc mới chịu khó lặn lội về đây, để ngắm vẻ đẹp rất khác lạ của nhà thờ này.
Từ đường số 13 trên Quốc lộ 27, đi khoảng 7km, bạn sẽ tới một lối nhỏ rợp cây xanh dẫn vào nhà thờ. Bóng dáng nhà thờ đã thấp thoáng xuất hiện trong khu rừng thông mát rượi. Một không gian hoàn toàn mở, không tường rào, không có những cánh cổng sắt kiên cố.
Nhà thờ được xây dựng theo bản vẽ thiết kế – đồ án cao học của đôi vợ chồng kiến trúc sư người Việt, Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuần Dũng – học tại Trường đại học Kỹ thuật Berlin, dựa trên nền ý tưởng của cha xứ cai quản địa phận Ka Đơn, Linh mục Nguyễn Đức Ngọc.
Vị linh mục đưa ra “đầu bài” cho các kiến trúc sư trẻ khi họ tìm đến ông: không nhiều màu sắc, tận dụng được vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu sẵn có áp dụng cho công trình, phản ánh được nét văn hóa và tính cách sống mộc mạc, khiêm tốn, hòa mình vào thiên nhiên của người Churu.
Bao quanh nhà thờ là một rừng thông, không có tường vây, để bất cứ ai cũng có thể ghé lại và viếng thăm
Ý tưởng của vị linh mục được các kiến trúc sư đang sống ở châu Âu tuân thủ chặt chẽ. Không một đường nét nào của kiến trúc Tây phương lẫn vào bản sắc văn hóa Churu bản địa trong bản vẽ thiết kế.
Sau bốn năm xây dựng, năm 2014 nhà thờ đã hình thành với mái lợp ngói, vách tường được kết hợp giữa kính và nhiều thanh gỗ thông ghép lại. Người dân Churu trong thôn hân hoan và hạnh phúc khi cử hành thánh lễ được nghe ca đoàn hát thánh ca và nghe cha xứ rao giảng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình trong một không gian ấm áp, tràn ngập ánh sáng và hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên.
Công trình được trao giải thưởng lớn về Kiến trúc Thánh quốc tế lần 6 – 2016 ở Ý.
Nhà thờ nhìn như một gian nhà rông, nhưng không có bậc thang hay bậc tam cấp, để người người khuyết tật đi xe lăn hay người mù dễ dàng tiếp cận mà không bị một cản trở nào. Là nhà thờ Công giáo nhưng không hề có đường nét nào ảnh hưởng của kiến trúc Gothic, không mái vòm, không tháp chuông nhọn cao vút. Đơn giản như một ngôi nhà rông dành húng dành cho mọi người. Một kết nối hòa hợp với thiên nhiên giữa tĩnh lặng của không gian nhà thờ và mảng màu tươi xanh của rừng cây xanh.
Đến với nhà thờ Ka Đơn, bạn còn được tìm hiểu thêm về văn hóa và con người của nhiều thế hệ dân tộc Churu qua bộ sưu tập của linh mục Ngọc và cộng sự của ông trong những năm tháng cai quản giáo xứ. Không khác một bảo tàng thu nhỏ, nhiều bộ hiện vật về đời sống dân dã, hoang sơ một thời của người Churu được trưng bày trong hai gian nhà thuộc khuôn viên nhà thờ.
Bạn có thể tìm thấy ở đây dường như mọi thứ thuộc về đời sống sinh hoạt của người Churu, từ bộ đàn đá, đàn t’rưng, dàn cồng chiêng đến bộ vũ khí phòng thân và săn bắn, chiếc bình rượu, cái chén đậm chất núi rừng Tây Nguyên.
Có những vật dụng giờ đây đã thật sự là di tích của quá khứ và lịch sử, không còn tồn tại trong đời sống hiện tại nữa. Mỗi vật dụng được trưng bày không phải là những hiện vật vô hồn mà ẩn chứa trong đó một nét văn hóa khá sinh động, đa dạng, đậm chất rừng núi và linh hồn Tây Nguyên.
Gian nhà lưu niệm lưu trữ khá nhiểu hiện vật phong phú về đời sống sinh họa và văn hóa của người Churu
Những bộ đàn đá cùng các loại nhạc cụ tiêu biểu được người Churu sử dụng trong đời sống văn hóa và tinh thần
Tháng 10 cũng là lúc Đơn Dương vào mùa hoa quỳ nở. Bạn hãy ghé qua Ka Đơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà thờ. Sự bình dị, giản đơn của một không gian tâm linh hòa nhịp với sự bình yên, tĩnh lặng của thiên nhiên vùng núi chắc chắn sẽ làm tâm hồn bạn thanh thoát và nhẹ nhàng hơn…
Hà Đức Trí