Có lẽ hòa bình không chỉ là từ để chúng ta phân tích trên môi miệng, nhưng đó còn là một thực tế quá cần thiết trong cuộc sống. Con người cần hòa bình, muốn sống trong bình an. Thánh Tôma Aquinô dòng Đa Minh nói với chúng ta rằng: “Hòa bình là kết quả của công bình, và là dấu hiệu của tình bác ái sống động. Nơi có hòa bình, mọi thụ tạo có thể đạt tới yên tĩnh trong trật tự tốt.” Như thế, Việt Nam tuy không còn súng đạn chiến tranh, nhưng nơi ấy có thực sự hòa bình, trật tự và yên lành? Trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình có thực sự bình an?
Nếu có mặt ở trên Núi Tám Mối Phúc năm xưa, chúng ta có thể nghe được lời giảng này của Giêsu: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9). Đó là căn tính của Kitô hữu, người con của Thiên Chúa. Chúng ta không ủng hộ chiến tranh, không tạo nên hận thù chết chóc. Ngược lại, người trẻ yêu quý tự do và hòa bình. Một xã hội hòa bình chỉ khi con người được tôn trọng, ai cũng theo sống theo sự thiện và lề luật của lương tâm: làm lành, lánh dữ. Nói về một thế giới hòa bình thì dễ vô cùng, nhưng thực hiện, vun đắp cho thế giới ấy không dễ chút nào. Tuy nhiên, là người trẻ chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo được thế giới ấy ngay trong môi trường sống hằng ngày.
Một thực tế là không ít người trẻ đùn đẩy trách nhiệm xây dựng một đất nước, một môi trường sống hòa bình cho các nhà lãnh đạo dân sự hay tôn giáo. Khi xã hội đầy ắp bất công, bạo lực và vắng bóng hòa bình, nhiều người trẻ quy trách nhiệm ấy cho người khác. Tại sao đất nước tôi không có hòa bình thực sự; tại sao gia đình tôi không được hạnh phúc, hoặc vì đâu mà tôi luôn thấy bất an? Hàng tỷ câu hỏi liên quan đến chất lượng cuộc sống thường được chúng ta đặt ra trong những cuộc chuyện trò, “chém gió”. Nhưng sau đó, dường như chẳng ai bắt tay vào làm cả. Hệ lụy là đất nước vẫn còn nhiều vấn đề, môi trường sống vẫn còn nhiều bất ổn. Bức tranh về một thế giới hòa bình dường như vẫn chưa thể được vẽ lên.
Không sao! Đã đến lúc người trẻ chúng ta cần nhìn vào những vấn đề thực tế đang diễn ra hằng ngày. Đó không chỉ là vấn nạn quốc gia quá tầm của tôi, nhưng còn đó những việc tôi có thể làm được để góp sức kiến tạo hòa bình. Chẳng hạn mỗi người gieo một chút suy nghĩ tốt lành hướng thượng, trao đi một chút cử chỉ yêu thương liên đới, đóng góp một chút tài năng của mình cho công ích, v.v. Hoặc ít ra tôi quyết tâm không bồi đắp thêm nền văn minh sự chết trong cuộc sống này. Nói tóm lại, Giáo Hội cho rằng: “Khi hòa bình, phẩm giá và sự tự do phát biểu của các cá nhân và dân tộc được tôn trọng và sống chung trong tình liên đới anh em với nhau.”
Người ta nói để vào được Nước Trời cần tuân thủ những lời mời gọi của Thiên Chúa trong Bài Giảng trên núi (Tám mối phúc thật). Đó là hiến chương Nước trời, là con đường để người tín hữu dõi theo. Như thế người trẻ thấy trong xã hội Việt Nam hôm nay, lời mời gọi của Thầy Giêsu dành cho các bạn là hãy xây dựng hòa bình lại khẩn cấp biết bao! Cấp thiết đến nỗi nhiều người trẻ thiện chí muốn xây dựng hòa bình mà không biết phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta đồng ý rằng, trước hết người ấy phải là con người bình an, người an vui trong nội tâm, mới có thể gieo hòa bình đến cho người khác. Triết lý sống ấy của Khổng Tử vẫn luôn hợp thời trong xã hội hôm nay, đó là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”
Kế đến, người trẻ chúng ta xây dựng hòa bình theo những giá trị Tin Mừng. Đó là những Lời Thiên Chúa nhắn nhủ với con người. Sống theo những Lời ấy, kết quả là hòa bình sẽ ngự trị trong tâm hồn và cuộc sống của các bạn. Thử hỏi bao nhiêu phần trăm Lời Chúa đơm hoa kết trái trong cuộc sống của chúng ta? Hoặc đau xót hơn khi người trẻ Công giáo nghe những chia sẻ của một nhà xây dựng hòa bình trong đường lối bất bạo động, Mahatma Gandhi (1869–1948). Ông than phiền rằng: “Bạn là Kitô hữu, bạn đang có sẵn một tư liệu gồm khá nhiều thuốc nổ để làm cho cả cái văn minh này nổ tung ra, để làm cho thế giới không còn trên dưới, để mang lại hòa bình cho thế giới bị xé nát vì chiến tranh. Nhưng các bạn lại đối xử với tư liệu đó chỉ như một tác phẩm văn chương mà thôi, và thế là hết.” Đã đến lúc người trẻ chúng ta hãy để cho Tin Mừng hướng dẫn cuộc sống của ta. Khi đó đương nhiên người trẻ biết phải làm gì và làm như thế nào để có hòa bình đích thực. Hoặc Baudouin, vua nước Bỉ diễn tả ý hướng này một cách khác, như: “Tôi nhận thấy rằng mỗi lần con người cố gắng sống theo Tin Mừng như Chúa Giêsu dạy thì sự gây gổ, xâm lược, sợ hãi và buồn khổ phải nhường chỗ cho hòa bình và niềm vui.”
Ước gì lời khoản hiến chương trên đây của Đức Giêsu luôn vang vọng trong tâm hồn của người trẻ chúng ta. Rồi với khao khát kiến tạo hòa bình, với tài năng và sức sống của người trẻ, với tình yêu và trợ lực của Thiên Chúa, chúng ta tin rằng hòa bình là thực tại có thể xây dựng được. Không đâu xa, chúng ta cần bồi đắp hòa bình ngay trong tâm hồn mỗi người, nơi gia đình, nơi công sở, trường học và mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Khi đó, người trẻ chúng ta hạnh phúc cất cao lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi:
Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thưong vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống
Những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(dongten.net 27.11.2018)