Trên đường đi làm phép xác cùng với một ông trùm trong giáo khu thì tôi được biết là anh này mới được cha chánh xứ rửa tội vào chiều hôm qua khi tình trạng bệnh xem ra không qua khỏi! Anh chị đã làm phép chuẩn có ba cháu, hai cháu được rửa tội, còn lại một là con trai thì không.
Anh thuộc loại hiền lành, chịu khó, chăm chỉ làm việc. Sở dĩ vào giờ phút cuối anh mới gia nhập Giáo Hội là vì anh lo lắng sợ ảnh hưởng đến gia đình bên nội, mặc dù phía bên vợ thì thật là tích cực, đã tìm đủ mọi cách để anh được gia nhập Giáo Hội, nhất là khi biết anh bị bệnh đang bước vào giai đoạn cuối!
Chính tầm ảnh hưởng này, nó đã chi phối trong việc cử hành thánh lễ tại gia, lễ an táng và việc đưa tiễn tại nghĩa trang. Gia đình phía bên anh quyết tâm nghe theo “ thầy cúng” là chỉ được phép hạ huyệt vào lúc 08g sáng nếu không muốn gia đình có thêm người chết nữa, sau khi đã nhượng bộ mọi sự theo nghi thức của người Công Giáo.
Cuối cùng với sự hướng dẫn trong sự cương quyết của cha chánh xứ thể hiện niềm tin của những người theo Chúa, bên phía nội của gia đình đành chấp nhận theo lệ thường của Giáo Xứ để mọi sự được tốt đẹp. Thêm một lần nữa vào giây phút cuối, anh được bước đi theo Chúa một cách trọn vẹn, không còn bị trần gian vương vấn, chi phối. Cảm tạ ơn Chúa thương ban, qua sự việc anh biết mở lòng ra đón nhận Chúa, tôi thầm nghĩ công lớn của người vợ và nhất là những người con đã có nhiều hy sinh để cầu nguyện cho người chồng, người bố, vì tôi biết được những khi người con đi dâng lễ phải trốn, mang quần áo đến một nơi khác để mặc mà đi lễ, bởi người bố không cho, mặc dù đã chấp nhận cho rửa tội!
……..
Trong dịp đi Hà Giang đến thị trấn Yên Minh đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi quen biết một gia đình có đạo ở nơi đây, quê gốc ở tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình này có hai cô con gái từng sinh sống ở tỉnh Bình Dương và có thời gian học ở Sài Gòn. Sau đó là trở về Hà Nội sinh sống, giờ đây theo bố mẹ lên sống ở trên này.
Trên thị trấn Yên Minh này chưa có nhà thờ, muốn tham dự thánh lễ thì phải đi xuống thành phố Hà Giang, 100km đường đèo ngoằn ngèo vào tối hôm trước, để sáng hôm sau tham dự thánh lễ và ra về. Các cha ở nơi đây hình như là một tháng hay lâu hơn nữa mới lên đây và dâng lễ tại một nhà của người giáo dân, số tín hữu ở đây cũng không nhiều lắm, khoảng vài chục người.
Qua đó cho thấy những người kitô hữu ở đây phải vững tin lắm mới có thể giữ đạo của mình, điều này chẳng khác gì ngọn đèn trước gió vậy. Để khích lệ và duy trì niềm tin giữa biết bao thách đố đầy dẫy trong cuộc sống, tôi đã quyết định gửi lên đây số báo Giáng Sinh của tuần báo “ Công giáo và dân tộc ”, cùng cuốn “ Phút suy niệm ” hàng tháng. Báo đã được gửi đi ngay từ ngày 22/12 để kịp lễ, kịp thời gian, vậy mà cho đến ngày 04/01 tôi mới được tin là trên đó vừa nhận được báo. Nghe tin chính thức mà tôi thấy buồn, buồn cho người vùng xa đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi, và thiệt thòi nhiều mặt. Nhưng nghe cung cách nói chuyện của người nhận báo, tôi chợt thấy vui vui, vì dù sao đi nữa nó cũng đã đến và sẽ giúp được gì cho những người ở trên đó, bởi trước kia họ có gì đâu?
Từ suy nghĩ ấy, tôi coi những câu chuyện kể trên là quá tốt rồi. Có còn hơn không, và giờ đây mong muốn là những điều ấy sẽ phát huy theo thời gian với những kết quả tích cực.
Thiên Quang sss