Anh ta đã có vợ, một con trai nhưng họ đã ly thân khá lâu và sau đó là ly dị. Anh chỉ sống với mẹ già và mấy đứa em. Ban ngày anh chăm chỉ làm việc và kiếm được nhiều tiền. Chiều tối lên giáo xứ sinh hoạt với ca đoàn vài hôm trong tuần. Tuy nhiên vì là đàn ông, có tiền và lại sống một mình cho nên việc anh ta la cà đến những quán bia ôm, karaoke ôm để thư giãn sau một ngày làm việc và nhất là để tìm quên nỗi đau buồn vì sự rạn vỡ của cuộc hôn nhân là điều khó có thể tránh khỏi. Cho dù anh hoàn toàn có đủ điều kiện để giải sầu qua những cuộc vui thâu đêm nhưng khi trò chuyện với bạn bè, anh vẫn không giấu được nỗi khao khát có một mái ấm gia đình chứ không phải là những thú vui tạm bợ. Và rồi sau một thời gian khá dài, anh kết hôn với một người phụ nữ và có một gia đình mới cho quãng đời còn lại của mình. Thế nhưng, từ ngày có cuộc hôn nhân mới, anh ta nghỉ công việc phục vụ ở ca đoàn. Thậm chí anh ta cũng không đi lễ cho dù trước đây anh luôn xuất hiện ở nhà thờ với vai trò một giáo dân nhiệt thành, đạo đức. Là vì trong cái nhìn của mọi người lúc bấy giờ, anh ta là một người phạm luật vì đã có hôn nhân Công Giáo mà nay lại tiếp tục lấy vợ trong khi vợ cũ của anh ta vẫn còn sống.
Trong phần cuối cuộc của cuộc phỏng vấn của ĐHY Walter Kasper nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Thúc Đẩy Hiệp Nhất Kitô Giáo dành cho hãng tin Commonwel, khi nói về vấn đề người Công Giáo ly dị và tái hôn. Ngài nói :
“ Cuộc hôn nhân đầu tiên là bất khả phân ly vì hôn nhân không chỉ là một lời hứa giữa hai người phối ngẫu; đó còn là lời thề trước mặt Chúa, và điều Chúa làm thì bất biến qua mọi thời. Do đó ràng buộc hôn nhân vẫn còn. Và dĩ nhiên, các Kitô hữu rời khỏi cuộc hôn nhân đầu tiên thì đã có lỗi. Đó là điều rõ ràng. Vấn đề chẳng lẽ là không có cách nào ra khỏi một tình huống như vậy. Nếu chúng ta nhìn vào hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn ban cho dân Người một cơ hội mới. Đó là lòng thương xót… Tôi không phủ nhận mối dây ràng buộc hôn phối vẫn còn. Nhưng các mục tử trong Giáo hội cần có hình ảnh đẹp này: Nếu thấy một chiếc tàu bị chìm, bạn không có một chiếc tàu khác để cứu người anh em mình, nhưng bạn sẽ quăng một tấm ván để họ được sống sót. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Một tấm ván để có thể sống sót” . ( ĐHY Walter Kasper: Lòng thương xót của Thiên Chúa và Hội Thánh – Tin Mừng Cho Người Nghèo )
Vâng ! MỘT TẤM VÁN ĐỂ CÓ THỂ SỐNG SÓT. “ Tình yêu của Thiên Chúa không dừng chỉ vì một con người đã phạm lỗi-nếu anh ta biết ăn năn nhưng Thiên Chúa còn ban cho một cơ hội mới – không phải bằng cách hủy bỏ những đòi hỏi của công lý: Thiên Chúa không biện minh cho tội lỗi. Nhưng Người biện minh cho tội nhân” . Trở lại với câu chuyện về anh ca đoàn trưởng trên, rõ ràng việc anh ta có vợ con, ổn định cuộc sống há chẳng phải là tốt hơn là việc cứ sống một mình rồi tìm vui nơi bia rượu và gái làng chơi hay sao ? Đằng nào thì cuộc hôn nhân của anh chẳng thể cứu vãn. Tại sao anh ta không được phép tìm một hướng đi khác cho đời sống hôn nhân của mình? Tại sao lại từ chối việc “ quăng một tấm ván” để anh ta “được sống sót” trong khi cuộc hôn nhân thứ nhất của anh ta đã như “ chiếc tàu bị chìm” và chúng ta “ không thể có tàu khác đến cứu” ? Ngày ấy tôi chưa được đọc bài phỏng vấn này của ĐHY Walter Kasper nhưng quả thật trong tôi đã ngầm có một sự phản kháng về cái nhìn mà tôi cho là bất công, thiếu nhân bản của đa số giáo dân dành cho anh ca trưởng nọ.
Và rồi giờ đây, khi luận về người Công Giáo ly dị rồi tái hôn, trong bài giáo lý của mình về gia đình trong buổi triều yết chung đầu tiên vào mùa Hè, Đức Thánh Cha Phanxico đã thẳng thắn phát biểu về vấn đề này như sau :
“ Giáo Hội biết rõ rằng những tình huống này mâu thuẫn với Bí tích Kitô. Không nghi ngờ gì, Giáo hội có cái nhìn của một người thầy nhưng được ủng hộ bằng trái tim của một người mẹ. Một trái tim mà, được khuyến khích bởi Chúa Thánh Thần, luôn luôn nhìn đến hạnh phúc và sự cứu rỗi của con người.”
“Những người này không bị rút phép thông công. Họ không bị rút phép thông! Và họ không bao giờ nên được đối xử như vậy. Họ luôn luôn là thành phần của Giáo Hội.” (http://conggiao.info/news/809/29894)
Đức Thánh Cha Phanxico thay đổi giáo lý chăng ? Không ! “ Ngài sẽ không thay đổi giáo lý,” De la Serna, người bạn Argentina của ngài nhất quyết như thế. “ Điều ngài sẽ làm là đưa giáo hội về với giáo lý đích thực, giáo lý đã bị lãng quên, giáo lý đặt con người vào vị trí trung tâm. Giáo hội đã đặt tội lỗi vào vị trí trung tâm quá lâu rồi. Bằng cách đặt đau khổ của con người, và mối liên hệ với Thiên Chúa, về lại vị trí trung tâm, thì những thái độ khắc nghiệt đối với đồng tính luyến ái, li hôn, và những chuyện khác sẽ bắt đầu thay đổi”.
Hành trình hôn nhân trong cuộc đời của mỗi con người cũng giống như một chuyến đi dài từ nơi này sang nơi khác. Có người may mắn hay có điều kiện tốt nên chỉ dùng một phương tiện để di chuyển đến cái đích mình cần tới. Nói là may mắn bởi lẽ không ai có thể đoan chắc phương tiện mình đã chọn sẽ mãi tốt, không bị sự cố hay đã thực sự phù hợp cho chuyến đi của mình. Do vậy có người phải chuyển trạm, phải thay đổi. Và như vậy không thể xem là họ có lỗi trong khi việc cố đi đến cái đích hạnh phúc là một nhu cầu rất chính đáng. “Cuộc hôn nhân thứ hai, tất nhiên, không phải là một cuộc hôn nhân trong cảm thức Kitô giáo…nhưng có những yếu tố của nó- hai người phối ngẫu chăm sóc cho nhau, họ cũng bị ràng buộc với nhau, có một ý định chung sống lâu dài, họ chăm sóc con cái, họ có đời sống cầu nguyện.. v..v. Đó không phải là tình thế tốt nhất. Đó là tình thế tốt nhất có thể.” (ĐHY Walter Kasper) Cũng vậy, giữa hai cái xấu chúng ta nên chọn cái ít xấu hơn.
Ước mong anh ca trưởng ngày nào cũng như nhiều trường hợp khác tương tự, tất cả đều có thể đàng hoàng trở lại nhà thờ vì “ họ luôn là thành phần của Giáo Hội” , “ những người này không hề bị rút phép thông công ” vì nay giáo hội “ đã đặt con người, và mối liên hệ với Thiên Chúa ” thay vì “ đặt tội lỗi ” vào “ vị trí trung tâm thì những thái độ khắc nghiệt đối với đồng tính luyến ái, li hôn, và những chuyện khác sẽ bắt đầu thay đổi.’ ” . Đức Thánh Cha Phanxico.
Điền Phương Thảo