Bình thường, thân xác (vật chất) và tinh thần luôn hiện hữu trong mỗi con người chúng ta. Có người thì đề cao tinh thần, coi nhẹ vật chất (phái duy lý); ngược lại, có người thì coi trọng vật chất, nhưng chưa thấy hết giá trị của tinh thần (phái duy vật). Cơm áo gạo tiền… được coi thuộc về vật chất. Sự tin tưởng, đức tin, lòng yêu nước, hoài bão… thuộc về tinh thần.
Lịch sử nhân loại từ thời tiền sử cho tới ngày nay cho ta thấy đã có biết bao cuộc chiến tranh khốc liệt, với mục đích chiếm đoạt “cơm áo gạo tiền” cho bộ tộc mình, phe mình, nhóm mình, nước mình; và cũng có biết bao cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, dân chủ, nhân quyền cho con người…
Trong phạm vi của bài viết, ta chỉ tìm hiểu hạn hẹp:
Lương thực, hay “cơm áo gạo tiền” với đời sống con người
Sự cần thiết của lương thực “cơm áo gạo tiền” đối với đời sống con người.
Lương thực là điều rất cần thiết cho sự sống của con người. Lương thực một khi được chuyển vào trong cơ thể con người qua việc ăn uống, với sự hoạt động diệu kỳ của bộ máy tiêu hóa thì một phần được đồng hóa thành máu và xương thịt. Nhờ đó, con người được lớn lên, lúc ta còn trẻ. Một phần khác của lương thực được biến thành năng lượng giúp ta sống, và hoạt động (trung bình 2200 calories/người/ ngày). Điều này thì tồn tại mãi trong suốt đời sống của chúng ta. Lương thực quan trọng đến độ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre (1905-1980) của Pháp, nhà văn được giải thưởng Nobel văn học năm 1964 đã nói: “Trước một người đang đói, thì những tác phẩm của tôi không có giá trị bằng một ổ bánh mì”. Và cũng chính vì thế, ta thấy trong kinh Lạy Cha, Chúa đã dạy: “Xin Cha cho chúng con, hôm nay lương thực hàng ngày”.
Lương thực ngày xưa.
Trở về thuở tạo thiên lập địa, Thuở đó con người còn “ăn hang ở lỗ”, sống trong các hang động, đâu có nhà cao cửa rộng, cao lương mỹ vị như ngày nay. Thời đó, lương thực của con người, chính là hoa trái, cỏ cây quanh nơi ở, cùng với “chim trời cá biển”, thú rừng, thật đơn sơ và giản dị, chả cần tích góp, nấu nướng (khi chưa có lửa) như ngày nay. Vùng này hoa trái, chim cá hiếm, người ta lại di chuyển đến vùng khác. Thời đó thì: “Của đời muôn sự của chung”…
Người ta gọi, đó là thời kỳ công xã nguyên thủy.
Tiếp đến là thời nô lệ, phong kiến.
Thế rồi, con người ngày một đông, hoa trái tự nhiên ngày một ít đi. Vì thế, con người chiếm đất để trồng trọt cây lúa, cây bắp, cây sắn…(thời có lửa) để có của ăn, của để, và chiếm hữu nô lệ. Người ta đã biết biến chế gạo, đậu, bắp thành các loại bánh; chế biến các loại thịt cá thành những món ăn thơm ngon hơn là “ăn sống nuốt tươi”. Các vua chúa thường dùng “cao lương mỹ vị” để tẩm bổ: “Bát chân”, tám món ăn quí hiếm, bổ dưỡng: Nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào, gân nai. Nhìn chung, lương thực thời nay phong phú và đa dạng.
Còn ở Việt Nam thời vua Hùng Vương thứ VI thì bánh dày (tròn), bánh chưng (vuông) được chọn là lương thực có ý nghĩa, vì hàm chứa lòng biết ơn trời đất và công ơn mẹ cha (Tiết Liêu, hay Lang Liêu con trai thứ 18 của vua Hùng đã dâng vua cha bánh dầy bánh chưng, và được chọn nối ngôi).
Lương thực thời nay
Lương thực thời nay phong phú, đa dạng, bổ dưỡng, ngon miệng và được chế biến rất khoa học hơn nhiều so với trước đây. Khắp nơi đều có lớp dạy “nghệ thuật nấu ăn”; tuyển chọn các đầu bếp nổi tiếng… Từ đó, ta thấy những bữa tiệc do Trung Quốc khoản đãi các nguyên thủ quốc gia thường trên 100 món ngon vật lạ. Lương thực tựu trung gồm 4 loại:Top of Form
Chất bột đường (Gluxit): có trong các loại ngũ cốc, chiếm 60-65% tổng năng lượng hoạt động.
Chất đạm (protein): có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu nành…Chất đạm chiếm 14 – 16%.
Chất béo (lipit): chiếm 20 – 25% tổng năng lượng khẩu phần ăn, và có nhiều trong dầu, mỡ…
Vitamin và khoáng chất có trong rau, trái cây… (phỏng theo báo sức khỏe và đời sống).
Hệ quả của việc thiếu lương thực
Thông tin từ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam ngày 19 tháng 03 năm 2017: “Theo ước tính của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 800 triệu người bị đói hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi hai phần ba tổng số đó thuộc về châu Á (với tỉ lệ cứ 9 ngườithì có một người bị đói).Tiểu vùng Sahara châu Phi là vùng có tỉ lệ người dân bị đói cao nhất (cứ 4 người thì có 1 người đói).
Còn theo báo Người Lao Động (17-10-2002) dựa theo báo cáo của FAO (Food and Agriculture Organisation), tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc thì mỗi ngày trên thế giới bình quân có 25.000 người bị chết đói, trong đó có 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói mỗi năm.
Còn tại Việt Nam thì nạn đói năm Ất Đậu 1945, đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người Việt ở phía Bắc Việt Nam. Nhiều làng xã ở đồng bằng sông Hồng đã chết đến 80% dân số trong làng. Trong 32 tỉnh có người chết tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra, thì tỉnh Thái Bình có số người chết nhiều nhất với 280.000 người” (theo Wikipedi A).
Một thảm họa thật đau lòng trong lịch sử dân tộc Việt Nam!
Những cố gắng cứu đói của con người
Trước một thực trạng của nhân loại với hơn 7 tỉ người, mà có cả một tỉ người bị đói, và từng ngày từ 25.000 đến 30.000 người bị chết đói. Nhân loại đã có nhiều phương cách trợ giúp. Các giải pháp đó rất đa dạng, đến từ các cá nhân thiện chí; các tổ chức có chức năng quyền hạn nơi mỗi quốc gia, thế giới; các hội từ thiện của các tôn giáo…Ta cùng điểm qua một số phương cách cứu đói:
Liên Hiệp Quốc
Sau thế chiến thứ II (1939-1945), nhân loại đã hình thành một tổ chức gọi là Liên Hiệp Quốc (24-10-1945). Hiện Liên Hiệp Quốc có 193 nước tham gia cùng ký kết thực hiện bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Paris (Pháp) với 30 điều ràng buộc. VN tham gia năm 1977.
Điều I đã qui định “Mọi người sinh ra đề được bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái”.
Chính nhờ Liên Hiệp Quốc, cùng các tổ chức trực thuộc, mà gần một thế kỷ qua (2018-1945) nhân loại không xẩy ra thế chiến thứ III, trong lúc ta thấy chỉ nửa đầu thế kỷ thứ XX thế giới đã xẩy ra hai thế chiến (1914-1919) và (1939-1945) cướp đi sự sống của cả trăm triệu người. Xin nêu một vài tổ chức hoạt động hiệu quả trợ giúp đói nghèo trực thuộc LHQ:
Tổ chức UNICEF (The United Nations Children’s Fund), Quĩ Nhi Đồng LHQ;
Tổ chức FAO (Food and Agriculture Organization of United Nations): Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ;
Tổ chức IFAD (International Fund for Agricultural Development): Quĩ quốc tế về phát triển nông nghiệp;
Tổ chức WFP (World Food Programme): Chương trình lương thực thế giới;
Tổ chức WHO (World Health Organization): Tổ chức y tế thế giới.
Tổ chức Caritas Quốc tế và Caritas từng quốc gia
Đây là một tổ chức của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Dưới tổ chức Caritas Quốc tế tại Rôma thì mỗi Giáo Hội ở mỗi quốc gia lại có tổ chức Caritas của quốc gia đó. Giáo Hội mỗi quốc gia lại có tổ chức Caritas của từng giáo phận và có nơi đã tổ chúc tới từng giáo hạt, giáo xứ… Tổ chức này hình thành đầu tiên năm 1897 tại Đức; Hoa Kỳ năm 1910, và toàn thế giới năm 1950. Hiện có trên 200 quốc gia có tổ chức Caritas.
Mục đích của Caritas là: “Cứu trợ, giúp đỡ các người nghèo khổ và bị áp bức, để xây dựng một thế giới tốt hơn.”
Tại Việt Nam, tổ chức Caritas được thành lập năm 1965 tại miền Nam Việt Nam, và hoạt động tích cực, hiệu quả đến năm 1975 thì ngưng. Và từ ngày 02 tháng 07 năm 2008 được hoạt động trở lại cho đến nay. Việt Nam hiện có 26 hiệp hội Caritas cấp giáo phận/ 26 giáo phận
Sự tích cực trợ giúp của cá nhân
Theo Báo Mới ngày 16-01-2017 thì 8 người giầu nhất trên thế giới sở hữu tài sản bằng 3, 6 tỉ người. Và 1% nhân loại nắm tài sản bằng 1/2 số tài sản của loài người (TSCNL: 255 ngàn tỉ USD).
Theo báo Kinh Doanh ngày 30-10-2016 thì Tỉ phú Bill Gates dành 70 tỉ USD/81, 8 tỉ ông có để làm việc từ thiện. Tỉ phú cho biết từ khi thành lập quĩ năm 2000, họ đã chi 30 tỉ USDcho việc làm từ thiện, giúp giảm số trẻ tử vong vì đói từ 12 triệu xuống còn 6 triệu em mỗi nam. Ông kỳ vọng đến năm 2030 số này giảm còn 3 triệu.
Ngoài ra, trên thế giới còn biết bao người đã thật tích cực giúp đỡ người nghèo đói, hoạn nạn.
Thật đáng trên trọng những con người, những tổ chức vì sự sống của con người biết bao!
Phần Kết
Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, chủ tịch Caritas Quốc tế trong bài tham luận trước 700 đại diện Caritas các nước vào ngày 01và 02 tháng 06 năm 2012 tại Vienne, thủ đô nước Áo đã khẳng định:
“Nạn đói trên thế giới không phải là một định mệnh, đó là một thảm kịch có thể tránh được”.
Tôi suy nghĩ, nạn đói có thể do hai nguyên nhân chính:
Nguyên nhân chủ quan, do chính con người gây ra như: Chiến tranh, tham nhũng, bất công, dân trí thấp, chính sách, chủ trương về đất đai không họp lý…Điều nay, nếu đủ thiện chí, con người có thể khắc phục…
Nguyên nhân khách quan như: Hạn hán, thiên tai, sâu bệnh… con người cũng có thể khác phục từng phần. Và trên hết con người phải biết nhận ra Đấng Tối Cao để tôn thờ.,.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh