Nghiên cứu mới đây của công ty an ninh máy vi tính Norton công bố rằng càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chia sẻ password của email và của các trang mạng xã hội – với 20% trong số các đôi vợ chồng tham gia đều nhận rằng họ đã từng vào tài khoản email của vợ/chồng và các trang mạng xã hội mà không cho biết, trong số đó có 15% nói rằng nhờ vậy mà vợ chồng giải hòa.
Sự riêng tư và sự độc lập được coi là “linh thiêng”, vậy bạn đã thực sự chia sẻ với người bạn đời về lĩnh vực này tới mức độ nào? Ngày nay, chữ “tôi” không còn được đưa vào chữ “chúng ta”. Các mã số của mối quan hệ đã thay đổi và khái niệm về một đôi vợ chồng liên hiệp cũng không còn là lý tưởng. Trước đây, đi ăn ngoài với bạn bè hoặc “tám” chuyện qua điện thoại với “cố nhân” là điều không tưởng, nhưng ngày nay đã hoàn toàn khác, tất nhiên ở “mức độ cho phép” chứ không thể lạm dụng.
Nói hay im lặng? Các mối quan hệ nên đặt nền tảng trên sự trong sáng, sự chân thật và sự cần thiết. Theo nghiên cứu, nếu có những chi tiết thân mật liên quan mối quan hệ trong quá khứ, như sự thân mật thể lý hoặc yêu đương sâu sắc (do lỡ lầm) – điều này nên nói với người bạn đời. Chia sẻ thông tin về những điều đó có thể gây cản trở cho mối quan hệ hiện tại hoặc nếu bạn muốn xây dựng một tương lai an toàn, đó là điều phải làm để người bạn đời biết rõ chi tiết.
Điều đó giúp mối quan hệ của bạn tốt hơn và mạnh hơn – đừng sợ cho biết chi tiết sẽ bị người kia tiết lộ với người khác. Một số người nghĩ rằng bạn nên cho người bạn đời biết những bí mật của bạn, nhưng có những người lại cảm thấy chia sẻ mọi chi tiết thì phức tạp lắm. Thực ra “thà mất lòng trước” mà “được lòng sau”. Những người ác ý hoặc dã tâm thì có nói hay không họ vẫn có thể “hành hạ” người kia bằng nhiều cách.
Cứ cho người bạn đời đi vào mọi lãnh địa của cuộc đời bạn có thể là tai họa – nhất là khi mối quan hệ của bạn còn mới mẻ hoặc nếu bạn đang cố hàn gắn sau xung đột. Thường thì người bạn đời có thể lợi dụng điều đó và suy diễn đủ thứ về bạn. Xía vào chuyện của người khác cũng nguy hiểm. Thường thì các đôi vợ chồng phát hiện thông tin về người bạn đời bằng cách truy cập vào tài khoản của họ. Chị N., 23 tuổi, nói: “Dù nói anh ấy đừng làm vậy, nhưng anh ấy vẫn bí mật kiểm tra tin nhắn và thấy tôi vẫn liên lạc với người yêu cũ, điều đó gây rạn nứt tình cảm và nghi ngờ”.
Điều nên nói. Bạn chỉ nên nói những chi tiết bí mật về những gì bạn cảm thấy thoải mái. Như vậy không phải là gian dối, giấu giếm hoặc “chơi khăm”. Bởi vì đôi khi các bí mật “thâm cung bí sử” nhất có thể gây nguy cơ rạn nứt cho mối quan hệ hiện tại và tương lai của bạn. Cho biết những bí mật nhỏ thì được, nhưng nếu bạn chia sẻ các thông tin quá khứ thì có thể làm rạn nứt mối quan hệ thì cứ chôn kín trong lòng còn hơn.
Chia sẻ bí mật nhỏ. Cũng chẳng sao nếu chia sẻ các chi tiết như cách bạn đi uống cà-phê với đồng nghiệp nam hay nữ, nghĩa là bạn có thể về trễ, hoặc bạn đi dự sinh nhật người yêu cũ với tư cách bạn cũ. Đêm đó có thể làm bạn rất vui, nhưng không có gì phải lo sợ, cứ bình thường và tránh nói quá chi tiết về điều đó.
Vấn đề tiền bạc nhiêu khê lắm. Bạn vừa mua cho mình một bộ cánh ưng ý, nhưng hơi mắc tiền. Bạn có thể nói với người bạn đời về điều này để bạn có thể không cảm thấy có lỗi vì phải chi món tiền lớn, ảnh hưởng chi tiêu gia đình. Nên rạch ròi về vấn đề tiền bạc.
Nếu thấy có sự gian dối trong mối quan hệ, nên nói trực tiếp và thằng thắn với nhau. Nếu chần chừ, rồi người kia phát hiện, chắc hẳn là điều bất tiện. Đừng quên câu: “Của chồng, công vợ”.
Đúng nơi, đúng lúc. Nếu bạn muốn chia sẻ với người bạn đời – chẳng hạn chuyện tình ngày xưa. Cái gì cũng cần nhiều thời gian, đừng vội vàng “trải lòng ra” với người bạn đời. Bạn nên chờ lúc thuận tiện để có thể nói chuyện nghiêm túc với người bạn đời. Nếu bạn lục đục với chồng vì có lúc anh ấy đã tiết lộ các bí mật về sự thất vọng nào đó. Cố gắng kiên trì chờ đợi đúng thời điểm để nói chuyện. Thật vậy, ca dao Việt Nam rất chí lý khi đưa ra nhận định về yêu thương phu thê:
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
Cách “kê” rất quan trọng. Vợ chồng là hai con người hoàn toàn khác nhau về mọi thứ, cái mà người ta gọi là “giống nhau” hoặc “hợp nhau” cũng chỉ mang tính tương đối. Không bao giờ có hai chiếc lá giống nhau, chắc chắn cũng chẳng bao giờ có hai con người giống nhau. Dù chỉ là giống về bề ngoài, hai người sinh đôi cũng vẫn có điểm khác để có thể nhận biết ai là anh (chị) và ai là em. Với người Công giáo, cách “kê” tuyệt vời nhất là tha thứ.
Một lần nọ, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người, và họ hỏi: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ. Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:4-6). Họ hỏi vặn lại: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?”. Người bảo họ:“Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:8-9).
Vợ chồng là “một xương, một thịt” chứ không còn là hai. Một mà hai, hai mà một. Vợ chồng còn được Thiên Chúa liên kết qua mối dây ràng buộc là Bí tích Hôn phối, và Ngài truyền nghiêm lệnh: “Không được phân ly”. Như vậy, đối với Kitô hữu, mức độ chia sẻ phải chân thật hơn những người không có niềm tin vào Đức Kitô, nếu không thì không bằng người ngoại giáo!
Hôn nhân là một ơn gọi. Vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu phối ngẫu qua 3 chữ T: Thân mật, Thủy chung và Trinh khiết (khiết tịnh). Với 3 chữ T đó, cả vợ và chồng đều phải tự nhủ: “Tôi Trung Thành”. Đó không chỉ là lời hứa với nhau mà chính là hứa với Thiên Chúa.
Những người đã lập gia đình, hãy luôn biết “tương kính như tân”, và đừng quên rằng chính mình đã long trọng thề hứa với nhau trước mặt vị đại diện Giáo hội và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa: “Anh/em nhận em/anh làm vợ/chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em”.
Lời hứa đó không là hứa cho vui, hứa cho xong, hứa cho đủ nghi thức, nhưng là lời hứa có tính chất “thề” (thề “độc” chứ không thề thường đâu). Mà lời thề thì không ai “giải” được, vì đó là lời thề với Thiên Chúa!
Trầm Thiên Thu