Tuy nhiên, hạnh phúc thật sự trong cuộc sống con người không phải là người có nhiều tài sản, tiền bạc, quyền uy thế lực, nhà cao cửa rộng, mà chính là tự do không bị ràng buộc bởi tham, sân, si. Do đó, ngoài việc phát triển kinh tế để đóng góp cho đời sống được thăng hoa, chúng ta cần phải mở rộng tấm lòng từ bi thương xót để chia sẻ và phục vụ con người. Giáo hội luôn xác nhận rằng, công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế, chỉ vì công bằng liên hệ đến con người và những nhu cầu của họ. Việc khám phá tài nguyên, việc tài chính, sản xuất, tiêu thụ và mọi giai đoạn khác phải luôn có hiệu quả về mặt luân lý. Lo đời sống kinh tế là điều rất tốt, kiếm được nhiều lợi nhuận là điều hay, nhưng phải đặt kinh tế vào việc phục vụ nhân vị. Con người luôn phải là mục đích của tất cả các chương trình kinh tế, xã hội chính trị. Ý thức được điều đó, Công đồng Vaticanô II trong Gaudium Et Spes đã có ý nói lên “đời sống kinh tế không chỉ nhằm để làm ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên nó nhắm tới việc phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại.[1] Qua đó cho ta thấy, Giáo hội muốn trình bày giá trị của lao động là gì? Vật chất là phương tiện hay cứu cánh? Của cải, vật chất phải chăng có ý nghĩa khi con người sống vì người khác? Nhân vị con người quan trọng thế nào? Sau đây là những giải đáp.
1.Giá trị của lao động:
Lao động có hiệu quả cao là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước, xã hội, gia đình và bản thân mỗi người. Lao động không chỉ góp phần nuôi sống con người, mà còn góp phần mình vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nhờ lao động mà con người có cuộc sống độc lập về của cải và tự do thi hành điều mình muốn mà không lệ thuộc vào ai.[2] Đức Gioan Phaolô II cũng đã nói lên giá trị của lao động là chính con người. Điều này nối kết trực tiếp với một hệ luận rất quan trọng mang tính đạo đức: thực sự con người được chỉ định và mời gọi lao động, nhưng trước hết lao động là “vì con người”, chứ không phải con người “vì lao động.”[3] Lao động luôn là mối bận tâm lớn nhất của con người. Nó đã trở thành phương cách thực hiện ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người là chia sẻ quyền thống trị của Thiên Chúa trên tạo vật. Đức Gioan XXIII ghi nhận khuynh hướng thời đại đề cao việc thủ đắc kiến thức, có nghành nghề chuyên môn và có thu nhập do lao động hơn là chỉ sống nhờ sở hữu tài sản.“Thái độ này phù hợp với đặc điểm tự nhiên của lao động. Vì phát xuất trực tiếp từ nhân vị, lao động phải chiếm vị thế ưu tiên trên việc chiếm hữu các tài sản vật chất, là những gì do bảnchất của chúng chỉ là phương tiện. Một số người coi đây như một bằng chứng tiến bộ của nhân loại.”[4]Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được mời gọi lao động để cộng tác với Ngài.
Khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và kêu mời con người lao động trên đất đai (St 2,5-6)và chăm sóc vườn Êđen mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó (St 2,15).[5] Lao động có một giá trị rất vinh dự, vì nó là nguồn đem lại của cải để con người được sống tươm tất, chống lại sự nghèo đói (Cn 10,4). Tuy nhiên, đừng để cho lao động trở thành ngẫu tượng của mình, vì “thà rằng ít tiền của mà liêm khiết, còn hơn là giàu sang mà thiếu công bằng” (Cn 16,8).[6] Lao động giúp con người chế ngự được thân xác khỏi tính lăng loàn, hướng tới người khác qua việc chia sẻ của cải vật chất cho những người đói khổ. Nhờ lao động, con người ý thức được cộng đoàn duy nhất trong vũ trụ, tạo nên mối quan hệ trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.[7] Lao động giúp con người vươn lên và thành công trong mọi lãnh vực. Sự thành công sẽ không bao giờ có chỗ cho những kẻ lười biếng. Lỗ Tấn (25/9/1881),[8] nhà văn Trung Quốc đã có lý khi nói: “Trên con đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng”. Quả thế, thánh Phaolô cũng nói rất cương quyết: “Ai không làm thì đừng có ăn” (2Tm 3,10). Khi ở giữa các giáo đoàn, thánh Phaolô không muốn thành gánh nặng cho các tín hữu, “không phụ thuộc vào ai” (1Tx 4,12). Những kẻ lười biếng là những kẻ chỉ thích ở không, sợ vất vả, sợ làm việc thì thật đáng chê trách.
Thánh Giuse là mẫu gương cần cù, âm thầm làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Ngài đã chấp nhận một công việc, một nghề thợ mộc, nghề đó không có gì là vinh dự trong xã hội Do Thái, nhưng thánh nhân vẫn kiên trì phục vụ và làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua đó, ta thấy thánh nhân đã dạy dỗ chúng ta hãy biết quý trọng sự làm việc. Chính Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã lên án thái độ của người tôi tớ lười biếng (Mt 25,14-30), khen ngợi người tôi tớ trung thành và không ngoan (Mt 24,46). Ngài diễn tả sứ mệnh của mình như một công việc: “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi vẫn làm việc” (Ga 5,17). Người cũng diễn tả sứ mệnh của các môn đệ như là những người làm việc trong mùa gặt của Chúa (Mt 9,37-38).[9] Những công khó của người lao động thì xứng đáng được nhận thù lao, vì “thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7). Thế nhưng, không chỉ tìm kiếm cơm áo gạo tiền mà đánh mát giá trị của nhân phẩm, đặc biệt là cứu cánh của đời người. Đức Giêsu dạy con người đừng trở thành nô lệ cho lao động.[10] Tiên vàn con người hãy lo cứu rỗi linh hồn mình (Mc 8,36), đừng vì lợi lộc mà xao lãng Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, con người được mời gọi hãy chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa, và tham gia bằng những việc làm của mình. Những vất cả lao nhọc khi làm việc mang giá trị cứu độ nếu biết kết hợp với Thánh giá của đức Kitô.[11]
2. Vật chất chỉ là phương tiện phục vụ con người:
Bao lâu còn sống thì bấy lâu chúng ta còn cần đến những nhu cầu chính đáng như ăn uống, ngủ nghỉ, quần áo, nhà ở … Có lẽ không ai ngây thơ mà nghĩ rằng mình chỉ cần tinh thần, không cần vật chất. Thế nhưng, chúng ta phải biết dùng mọi phương tiện vất chất một cách chính đáng cho nhu cầu sống ở đời và nhất là có lợi cho việc mưu tìm hạnh phúc Nước Trời, là hạnh phúc đích thật, Đức Giêsu đã nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 8,33). Có tinh thần nghèo khó, không ham mê, tham lam của cải vật chất, con người dễ thi hành công bằng và bác ái đối với tha nhân kém may mắn hơn mình. Nếu ta nói không cần tiền và vật chất, chỉ cần tinh thần thôi thì quả là ảo tưởng. Thế nhưng, chúng ta đừng xem vật chất làm cứu cánh của đời mình, vì Đức Giêsu đã cảnh báo về lòng lam lam của cải: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Quả vậy, vật chất có giá trị khi nó được dùng để phục vụ cho con người, làm tôn vinh Danh Chúa. Có tiền của và vật chất mà biết dùng vào những mục đích tốt cho mình và cho người khác thì lại là điều đáng khen ngợi và đề cao. Nói được như vậy là vì cuộc sống con người nói chung và hoạt động của Giáo hội nói riêng đều cần có tiền cho những nhu cầu chính đáng như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men khi đau yếu, phương tiện di chuyển, xây cất và bảo trì cơ sở thờ phượng và đi rao giảng Tin mừng. Đức Lêô XIII trong thông điệp Rerum Novarum đã phê phán cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản “gom góp của cải trong tay của một số người trong công nghiệp và thương mại đã biến một số nhỏ trở thành giàu sụ và đầu sỏ tài chánh để hầu như áp đặt ách nô lệ lên lưng của tuyệt đại đa số quần chúng vô sản.”[12] Chủ nghĩa này đề ra muốn có công bình xã hội thì phải quốc hữu hóa mọi phương tiện sản xuất, phủ nhận quyền tư hữu của cá nhân trong xã hội. Quả vậy, một xã hội muốn công bằng thì phải hòa giải người giàu với người nghèo xuất phát từ công bình.
3. Vật chất có ý nghĩa khi phục vụ nhân vị:
Ở đời, người ta thường coi trọng quyền lực, địa vị, tiền bạc, và của cải vật chất. Người có quyền lực lớn, địa vị cao, tiền của nhiều, sản nghiệp lớn, thường được mọi người ngưỡng mộ. Nhiều người nghĩ là cuộc sống của những người như vậy mới có ý nghĩa. Thế nhưng, của cải, vật chất có ý nghĩa nhất khi con người biết chia sẻ và phục vụ kẻ khác, nhất là những người đói khổ, chứ không có ý nghĩa khi giữ bo bo cho mình. Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo “đòi hỏi phải quan tâm đặc biệt đến người nghèo và người ở trong hoàn cảnh bị gạt ra bên lề […]. Đó là một sự chọn lựa, hay một thứ tự ưu tiên đặc biệt trong việc thực thi bác ái, được thể hiện trong suốt truyền thống Giáo hội.”[13] Đây là ơn gọi lớn lao, vì được chung phần với Thiên Chúa trong việc phát triển trật tự đã được tạo thành.
Trong viễn tượng toàn cầu, Đức Phaolô VI cho rằng muốn có phát triển thì nhân loại phải tôn trọng trật tự của công bằng xã hội, bởi vì “phát triển là danh hiệu mới của hòa bình.”[14] Theo ngài, chống bần cùng, bất công không phải chỉ là làm cho đời sống con người dễ chịu hơn, mà còn phát huy tinh thần đạo đức của mọi người và mưu cầu lợi ích chung của nhân loại. Như vậy, Đức Phaolô VI xem tình thương như gốc rễ của phát triển và công bằng như đòi hỏi thiết yếu của phát triển kinh tế. Dưới ánh sáng của diễn ngữ do Đức Phaolô VI phát biểu, Đức Gioan Phaolô II đã duyệt xét lại khái niệm phát triển trong thông điệp về vấn đề xã hội. Theo ngài, khái niệm này hiển nhiên không đồng hóa với việc chỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu vật chất bằng cách tăng thêm của cải, mà không đếm xỉa tới nỗi thống khổ của đa số dân chúng. Như vậy, Đức Gioan Phaolô II cùng chia sẻ một hướng nhìn với Đức Phaolô VI: tình thương vẫn là cội rễ của một sự phát triển toàn diện và phát triển phải mang chiều kích của trật tự công bằng xã hội, văn hóa và siêu việt của con người: “Sự phát triển đích thực không thể chỉ là tích lũy tiền bạc và làm gia tăng của cải cũng như các dịch vụ, nếu như việc phát triển đó lại được trả bằng giá của sự chậm phát triển đại chúng và không đếm xỉa gì tới những chiều kích xã hội, văn hóa và thiêng liêng của con người.”[15] Đối với tín hữu công giáo, ai đã đủ những gì cần thiết thì có bổn phận chuyển những cái dư thừa đến cho người nghèo, “đây là một bổn phận, không chỉ đơn thuần thuộc lãnh vực công bình (trừ những trường hợp ngoại lệ) nhưng thuộc lãnh vực bác ái Kitô giáo, do đó, đây là một bổn phận có thể vượt ra khỏi cái khung của pháp lý.”[16] Đức Piô XI ra thông điệp “Bốn Mươi Năm” (Quadragesimo Anno), sau thông điệp Rerum Novarum để khẳng định lại những vấn đề mà thông điệp Rerum Novarum đã nêu ra, và càng ngày các vấn đề ấy càng trở nên trầm trọng. Ngài nêu lên sự kiện một giai cấp, thuộc thiểu số nhỏ, đang hưởng hầu hết các phúc lợi mà những phát minh hiện đại đã cung cấp dồi dào; còn giai cấp kia, gồm vô số người lao động, bị kìm kẹp trong cái nghèo cùng cực, đang tìm cách thoát khỏi tình trạng mà họ đang bị cầm tù.[17] Mỗi người phải được lãnh phần phúc lợi của mình, nhưng việc phân phối phúc lợi hiện nay đang được thực thi một cách xấu xa vì sự cách biệt giữa một số ít người giàu có dư thừa và vô số người không tài sản; việc phân phối đó cần phải xét lại và đặt cho đúng tiêu chuẩn của lợi ích là công bằng xã hội.[18] Nếu vì lợi nhuận mà bỏ qua công bằng, xã hội này sẽ đi vào con đường lâm nguy.
4. Tầm quan trọng của nhân vị:
Thánh Tôma đã nhìn nhận nhân vị là một tạo vật đẹp nhất và cao quý nhất trên đời, bởi vì đó là một hữu thể tự tại, có lý tính và có tương quan. Do đó, nhân vị có vị trí cao nhất giữa các tạo vật. Vì thế, danh hiệu nhân vị đều có một phẩm giá và giá trị bất khả xâm phạm.[19] Ý thức được tầm quan trọng của nhân vị con người, Công đồng Vaticanô II quy về Giáo huấn xã hội của Giáo hội mà nhắc lại: Sự phát triển kinh tế phải phục vụ con người và dưới quyền kiểm soát của con người. Con người là tác giả chính và là cùng đích của mọi đời sống kinh tế, xã hội. Biết rằng, Công đồng không có ý đi sâu và lãnh vực chuyên môn về kinh tế, vì mục đích của Giáo hội chỉ cảnh báo việc phát triển kinh tế phải được con người kiểm soát. Phát triển không được bỏ mặc cho một thiểu số người hay một nhóm người nào đó nắm toàn diện quyền lực kinh tế, cũng không được bỏ mặc cho hoạt động kinh tế tự động của các cá nhân hay chỉ là một quyền lực chính trị. Sự sống con người có một giá trị tuyệt đối so với mọi của cải vật chất. Vì thế, “Giáo hội nâng cao phẩm giá con người bằng cách củng cố cấu trúc của xã hội và đem đến cho hoạt động thường ngày của con người một ý nghĩa sâu xa hơn, đồng thời đưa vào hoạt động ấy một ý nghĩa cao vời nhất.”[20] Cho nên con người là chủ thể và mục tiêu của xã hội. Phẩm giá của nhân vị không chỉ bao gồm trong hữu thể của mình, nhưng là một thụ tạo, nó mang ý nghĩa trong chính Đấng Tạo Hóa. Trong quan điểm Kitô giáo, cũng cần phải nhấn mạnh đến nền tảng Kitô học trong mạc khải về con người được thể hiện trong chính Đức Kitô, con người hoàn hảo,[21] qua mầu nhiệm nhập thể.
Học Thuyết Xã Hội Công Giáocòn cho biết “toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của người giữ vai trò chính không thể nhầm lẫn được, đó chính là con người.”[22] Như vậy, nguyên tắc nhân vị của một cộng đồng chính trị hay văn hoá có nghĩa là chấp nhận nhân vị với phẩm giá siêu việt của họ là “tác giả, trung tâm và mục đích của đời sống kinh tế xã hội.”[23] Nhân vị của con người là trung tâm điểm và là sự trổi vượt trên mọi thứ vật chất. Đức Gioan XXIII, trong Tông thư Hòa bình trên Trái đất, xác định “trong bất cứ hiệp hội nào của con người theo quy chế và sinh hiệu quả đều phải chấp nhận nguyên tắc nền tảng là mỗi con người là một nhân vị, tức là theo bản tính họ được phú bẩm sự hiểu biết và ý chí tự do. Vì thế họ là chủ thể của những quyền lợi và nghĩa vụ xuất phát ngay từ chính bản tính của mình; những quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát, bất khả xâm phạm, và không thể hủy bỏ.”[24] Nhưng điều này không có nghĩa là một thứ cá nhân chủ nghĩa cứng nhắc, vì tự bản tính mỗi con người mang tính xã hội, cũng không chối từ công ích. Nhưng nó nhấn mạnh rằng những quyền lợi của cá nhân không thể bị hi sinh cho quyền lợi tập thể. Trong lãnh vực kinh tế chẳng hạn, những quyết định về kinh tế không thể có thái độ tùy tiện đối với nhu cầu của những con người đã tạo nên chúng. Nhà nước cũng như xã hội phải theo đuổi công ích, luôn bị phụ thuộc vào sự thể hiện trọn vẹn của những cá vị. Vì thế, xã hội cũng như nhà nước có thể quy định những hoạt động của cá vị nhằm đạt đến những mục tiêu chung, nhưng không bao giờ đặt định về chính bản vị con người, cũng như về cuộc sống con người, đây là nền tảng của tất cả các quyền lợi khác.
Giáo hội chân nhận ra con người có được một phẩm giá trổi vượt, không thể so sánh và không gì có thể thay thế được, là một thụ tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Thiên Chúa không những tạo thành con người, nhưng còn đặt con người là trung tâm và là tột đỉnh của việc tạo thành, “vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác. Do ân sủng, mỗi nguời được mời để giao ước với Đấng Sáng Tạo, dâng lên Ngài một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được.”[25] Qua đó chúng ta thấy con người là thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng như là một bản vị để hiệp thông với Ngài. Mối hiệp thông đó còn được thể hiện nơi chiều kích xã hội trong bản tính con người, vì Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, mà có nam và có nữ (St 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.[26] Vì thế, con người có phẩm giá trổi vượt trên những thụ tạo khác và cần phải sống trong mối tiếp thông với người khác.
Tạm kết:
Trong một nếp sống văn minh vật chất, người ta chỉ muốn hưởng thụ mà ít ai thật sự muốn phục vụ. Giáo hội luôn mời gọi chúng ta can đảm đi xa hơn công bằng để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu, lòng từ bi, nhân ái. Vì thế, sự hiện diện của giáo dân trong lãnh vực xã hội được quan niệm như là việc phục vụ, như là dấu chỉ và là sự thể hiện đức bác ái. Sống trên đời, người ta ai cũng mắc nợ: nợ Thiên Chúa sự sống và mọi thứ mình có, nợ mọi người khác trong xã hội. Công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân.”[27] Công lý là những điều phù hợp với bản chất sâu xa của con người. Việc phục vụ này được thể hiện trong đời sống gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế, chính trị, theo những cách thức khác nhau. Chúng ta phải công nhận rằng, Giáo hội đã đưa ra một học thuyết xã hội theo luật tự nhiên. Chúng ta giải thích những nguyên tắc của chúng trong những phạm trù phải nhờ đến quan điểm của Thánh kinh về con người và xã hội. Chúng ta coi đạo đức xã hội đặt nền tảng trên những giá trị đòi buộc mọi người. Vì thế vấn đề giải thích là vấn đề trọng tâm của đạo đức xã hội. Như chúng ta đã đề cập đến, nền tảng của mọi hoàn cảnh xã hội là chính nhân vị. Xã hội được tạo lập cho con người chứ không phải ngược lại. Tất cả mọi giá trị trên đời, dù là vật chất, xã hội, văn hóa, hay tinh thần cũng chỉ là phương tiện để phục vụ con người, chứ không trở thành mục đích để bắt con người làm “dê tế thần”.[28] Con người là trung tâm điểm, nên xã hội có một phạm vi để phục vụ. Con người luôn phải lao động để có sản phẩm phục vụ bản thân, gia đình và xã hội, nhưng vật chất không phải là cứu cánh của đời người mà nó chỉ là phương tiện giúp ích cho con người được thăng tiến. Vì thế, của cải luôn có ý nghĩa khi nó được sống cho và sống vì người khác. Sở dĩ Học thuyết Xã hội của Giáo hội có giá trị trường tồn bởi vì học thuyết ấy đặt nền tảng trên nhân vị, phẩm giá con người do Chúa sáng tạo và cắm rễ sâu vào Tin mừng.
Văn Huy
————————————-
[1] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 64
[2] Lm Bùi Đình Cao, Giáo trình Thần học Luân lý chuyên biệt, ĐCV Vinh – Thanh, 2014, tr. 348
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Lao động của con người (Laborem Exercens) lời phi lộ. [14/9/1981]
[4] Gioan XXIII, Thông điệp Mẹ và Thầy (Mater et Magistra), số 107. [15/05/1961]
[5]Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 255
[6]Ibidem, số 257
[7]Giáo trình Thần học Luân lý chuyên biệt, ĐCV Vinh – Thanh, 2014, tr. 360
[8] Lỗ Tấn tên (Chu Thụ Nhân), là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn.
[9]Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 259
[10]Ibidem, số 260
[11]Ibidem, số 263
[12] ĐGH Lêô XIII, Thông Điệp Rerum Novarum (Tân Sự), số 3 [15/5/1891].
[13] Rerum Novarum, số 182
[14]Gaudium et Spes, số 78
[15] Ibidem, số 14
[16] Rerum Novarum, số 21
[17] ĐGH Piô XI, Thông điệp Bốn Mươi Năm (Quadragesimo Anno), số 3
[18] Quadragesimo Anno, số 58
[19] P. Nguyễn Thái Hợp, O.P, Để Họ Lớn Lên, Đức Tin & Văn Hóa, 2005, tr.228
[20]Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 2004, số 51
[21] Gaudium et Spes, số 22.
[22]Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, số 106.
[23] Gaudium et Spes, số 63
[24] Gioan XXIII, Tông thư “Hòa bình trên Trái Đất” (Pacem in Terris), số 9. [Ban hành 11/04/1963]
[25]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 357
[26]Gaudium et Spes, số 12
[27]Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1807
[28]Để Họ Lớn Lên, tr. 230