Có lẽ vì vội vã công bố để lấy điểm sau khi phản ứng chậm trong vụ Formosa, người ta đã quên rằng Arsen có hai loại: Arsen vô cơ và hữu cơ. Arsen vô cơ mới có độc tính và chủ yếu có trong các mạch nước ngầm. Arsen hữu cơ thì không độc, chiếm hàm lượng cao trong nước mắm là điều bình thường. Vội công bố nên có lẽ bị “hố”.
Sự chậm trễ trong giải quyết vấn đề, việc giám định và công bố thiếu xác đáng khiến cho nhiều người nghĩ đến các nguyên nhân khác nhau. Phải chăng đó là kết quả của lối sống “chậm tư duy”? Hay đó là do thiếu sự cập nhật thông tin nơi những người có trách nhiệm? Có cập nhật thông tin ở Việt Nam mà quên cập nhật thông tin ở thế giới chăng? Hay tại cái lối sống “ngồi phòng máy lạnh quen rồi nên phán lung tung” mà quên nghĩ đến hậu quả? Liệu đứng sau đó có phải là lợi ích của một nhóm người nào đó? Hay còn cái gì khác hơn nữa?
Dù là nguyên nhân nào, người ta đang dần mất đi niềm tin của nhau. Nói cách khác, người ta trong cơn khủng hoảng niềm tin.
Trong đợt lũ miền Trung vừa qua, câu chuyện về một nhân vật của công chúng, chỉ sau một ngày đã quyên góp gần 10 tỷ đồng, một con số mơ ước của nhiều tổ chức từ thiện, khiến cho ai cũng ngỡ ngàng. Lượng tiền quyên góp tăng nhanh đến nỗi nhân vật này xin những người đóng góp chuyển sang các tổ chức từ thiện.
Có người đã cho rằng dân Việt vốn nặng tình. Đồng bào miền Trung sau những ngày tháng khủng hoảng của nhà máy Formosa, lại thêm vụ lũ lụt do thời tiết và “xả lũ không đúng lúc” nên cần có sự đồng cảm sẻ chia. Vì vậy, ai đó lên tiếng tức khắc sẽ được đáp lời.
Nhưng, số tiền 2 tỷ của một cơ quan chức năng quyên góp cho đồng bào lũ lụt miền Trung, sau gần một tuần khuyến khích cán bộ công nhân viên chức cắt giảm tiền lương, để ủng hộ đồng bào lũ lụt có lẽ khiến cho vấn đề niềm tin ngày càng sáng tỏ hơn.
Dường như, người ta đang chuyển dần niềm tin từ các cơ quan chức năng vào một số cá nhân. Họ tin tưởng một cá nhân có ảnh hưởng, nói tiếng nói của đại để người dân, hơn là một tập thể chỉ có “nói hơn là làm”.
Khi một số cơ quan im hơi lặng tiếng trước những thực trạng đáng buồn của xã hội, khi mà người ta có những phát ngôn, những bài viết còn được định hình bởi những tư tưởng không còn đặt lợi ích trung tâm là con người, người ta phải chuyển niềm tin sang một chỗ xứng đáng hơn.
Thế nhưng, nhân vật quyên góp được gần chục tỷ trong hơn một ngày cũng không tránh khỏi sự khủng hoảng niềm tin. Có người nghĩ đó là “làm màu”, “làm lố”, là “chiêu trò PR”, là “diễn sâu”, … Để rồi, có người cũng phải thốt lên rằng “làm Lục Vân Tiên thời này sao khó quá”.
Trong cuộc khủng hoảng niềm tin này, liệu chăng người ta cần đặt niềm tin vào một chỗ nào đó hơn là nơi con người?
(BĐT SJ, dongten.net 21.10.2016)