Không có Tha Thứ thì một nhóm người sẽ rơi vào vòng khốn cùng của trả thù của báo oán giống như một cơn dịch tễ đích thật! Thế nhưng, nguyên sự kiện nhắc đến Tha Thứ cũng đủ khơi lên nhiều phản ứng, chẳng hạn như thắc mắc:
– Có thể nào tha thứ hết được không?
Đối với nhiều người đương thời thì Tha Thứ là dấu hiệu của ngây-ngô, của yếu-nhược hoặc là thiếu công lý! Ngoài ra, đối với số đông thì Tha Thứ thuộc về lãnh vực riêng tư, bởi lẽ không có vấn đề Tha Thứ nơi tòa án, tại sở cảnh sát! Nó cũng không hề được nhắc đến trong luật lệ. Ngay cả khi có người nghĩ rằng cần phải tha thứ đi nữa, thì Tha Thứ vẫn là hành động ngoại thường thuộc về những bậc vĩ nhân, những vị anh hùng như Đức Chúa GIÊSU KITÔ – Đấng Cứu Thế -, ông Mahatma Gandhi (1869-1948) hoặc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II! Còn đại đa số thì vẫn cho rằng Tha Thứ là chuyện không thể làm được, nhất là khi chính chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta phải hứng chịu bao hành động khủng bố, bao cư xử bất công! Vậy phải làm sao đây?
Trước hết, xin xóa bỏ những hiểu lầm không đúng với Tha Thứ.
Tha Thứ không phải là quên đi. Như thế tôi có thể tha thứ mà vẫn không quên sự dữ tôi từng hứng chịu. Ngoài ra trí nhớ của tôi cũng hoạt động không ngừng. Nó thường khơi lên những chuyện tôi tưởng mình đã quên rồi. Thêm vào đó lương tri nói với tôi rằng nào có hề hấn gì khi tha thứ cho chuyện đã quên rồi, vì như thế, nó đâu còn nữa mà tha với thứ?!
Tha Thứ cũng không phải là phủ nhận điều xúc phạm đã hứng chịu. Cũng không phải là chối bỏ hoặc không nhìn nhận một lầm lỗi. Chẳng hạn như khi nói: ”Không sao hết! Không có gì trầm trọng! Đừng nghĩ đến nó nữa!” Nói như thế thì không làm nổi bật lộ trình của Tha Thứ.
Không có Tha Thứ nếu không có sự thật. Tình huynh đệ không xóa bỏ sự thật huynh đệ. Thánh Vịnh 85 câu 11 nói: ”Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”.
Tha Thứ cũng không từ khước các quyền lợi của nó. Tha Thứ thật chỉ diễn ra trong công lý. Thánh Vịnh 85 câu 12 nói: ”Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao”. Tình yêu không thế chỗ cho công lý. Công lý tìm cách trả lại quyền cho kẻ bị lường gạt bị lừa dối trong mối quan hệ giữa người với người. Nhưng Tha Thứ thuộc về một trật tự khác. Tha Thứ chính là Tình Yêu!
Như vậy, Tha Thứ vừa là cố gắng của con người vừa là hồng ân đến từ THIÊN CHÚA. Đó là một tiến trình đòi hỏi thời gian và đòi hỏi con người đi từng bước một trên một lộ trình cần nhiều cố gắng, cần nhiều hăng say và nhiệt tình. Nếu các trả-đũa các phục-thù là một loại ”boomerang – là một thứ khí giới hình lưỡi liềm để phóng đi xa, nếu không trúng đích lại trở về chỗ cũ – thì Tha Thứ cho phép thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của oán-thù của bạo-lực!
Tha Thứ luôn luôn là điều rất khó, vì thế, mọi người đều biết rằng, để có thể Tha Thứ, không nên khép kín trong nỗi cô đơn với vết thương. Cần phải gặp gỡ một người đáng tin cậy như Linh Mục, các nhà phân tâm hoặc những ai có nhiệm vụ lắng nghe để giải bày tâm sự để than thở về nỗi niềm đau đớn. Vết thương được chữa lành sẽ giúp dễ dàng hơn tiến đến Tha Thứ.
Ước gì mỗi tín hữu Công Giáo có thể tiến bước trên con đường Tha Thứ, bắt đầu bằng việc van xin THIÊN CHÚA ban cho chúng ta ơn có thể tha thứ cho chính chúng ta!
… Chứng từ của Cha Laurent Lair, Tổng Đại Diện giáo phận Bayeux và Lisieux (Bắc Pháp).
… Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Chúa GIÊSU mà hỏi rằng: ”Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” .. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ”Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên Trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mátthêu 18,21-22 / 32-35).
(”Église de Bayeux & Lisieux”, bimensuel diocésain, No 286, 22 Février 2012, trang 3)