Thật, báo chí rất khéo câu view và câu like với những tiêu đề giật tít mắt. Bản thân tôi nhìn cái “tai tồ” là biết họ muốn nói gì. Và cũng chả cần mất thời gian vì ba cái chuyện xập xí xập ngầu đó làm gì.
Hết sức đơn giản, cái chuyện ông già gì đó làm bậy với con bé nào đó ở Vũng Tàu. Xét cho bằng cùng thì ông mắc lỗi với con bé, với gia đình con bé và vi phạm pháp luật. Và thật sự thấy chẳng dính dáng gì đến ngay cả nồi cơm của nhà nào cả, vậy mà nhiều người bay vào bình luận đủ thứ đủ kiểu và có người còn đem nguồn tin đó dán ngay trước cửa nhà mình.
Rồi đến chuyện kẻ giết người phải đền mạng bằng án tử và bằng cách tiêm thuốc độc. Xét cho bằng cùng kẻ ác đó phạm tội với gia đình nạn nhân và vi phạm pháp luật và được pháp luật nghiêm trị. Chả hay ho gì về cái hành vi gian ác đó và cả khuôn mặt đó. Thế nhưng kể cả bữa cơm cuối cùng của tử tù cũng được báo chí moi móc ra cho bằng được. Suy cho kỹ, đạo lý con người không cho phép làm điều đó, không cho phép lấy hình ảnh của người ta rồi tung tóe lên mạng một cách vô tội vạ như thế.
Thử đặt câu hỏi, gia đình nào có con em của mình bị như thế đủ đau khổ đến mức nào rồi vậy mà cứ bị xã hội bơi móc và chì chiết. Thử hỏi nếu là con em của các anh hùng bàn phím hay các nhà báo thì các nhà báo và anh hùng bàn phím có miệt mài gõ về chuyện người ta như vậy không ?
Và, xét cho bằng cùng, điều cần quan tâm người ta lại chả quan tâm cũng như chả dám nói lên tiếng nói của lòng mình.
Hiện tại, con người đang sống trong hiện tình như thế nào có ai can đảm nói đâu ? Biết bao nhiêu điều phi lý và bất công nhưng có ai dám nói đâu ?
Truyền thông là con dao 2 lưỡi nhưng ít người để ý tới. Khi người ta muốn kéo dư luận thì người ta bơm phồng chuyện gì đó và tha hồ công kích. Nhiều người không suy cho kỹ và cứ dội bom dư luận theo.
Face-book, Zalo, Viber, Google … xét cho bằng cùng chả có tội gì. Tội hay không là do người sử dụng. Và tội cho những người làm điều xấu sợ công khai trên mạng nên tìm cách dẹp thôi. Bao nhiêu nước trên thế giới người ta sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho đời sống của con người thấy có ai nói gì đâu?
Nói đến đây bỉ nhân lại nhớ đến chặng đường thánh giá thứ 8. Chắc mọi người còn nhớ ở nơi thứ 8, các bà khóc thương than thở cho số phận của Chúa Giêsu. Nhưng rồi, ngạc nhiên chưa khi Chúa Giêsu lại quay lại nói với các bà là hãy than khóc cho chính mình và con cháu trước những tai họa sắp xảy đến trên thành đô này.
Quả thế, ngày hôm nay có quá nhiều người tạm gọi là đi khóc mướn. Họ khóc cho chuyện người này cho chuyện người kia mà họ quên khóc cho chính cái thân phận của mình. Gia đình của mình còn đó biết bao nhiêu vấn đề chưa được giải quyết nhưng được một cái thích đi giải quyết chuyện của người.
Ông bà ta thường nói : “việc nhà thì nhác – việc chú bác thì siêng” quả không sai. Chuyện nhà người ta thế này thế kia thì kệ người ta, chả dính dáng gì đến mình nhưng mình lại cứ thích “ăn cơm nhà – vác tù và hàng tổng”.
Hết sức buồn cười với những câu hỏi ngớ ngẩn hỏi về người khác với bỉ nhân. Bỉ nhân chỉ mỉm cười và hồi đáp rằng chuyện của bỉ nhân bỉ nhân còn chưa lo xong, lo chi chuyện thiên hạ.
Mà đúng như vậy, ngay cả là vợ là chồng của nhau, đến ngày chết đứng trước tòa phán xét thì Chúa sẽ không hỏi tội của vợ qua người chồng hay ngược lại. Mỗi người lúc đó phải trả lẽ về những gì mình đã sống, đã làm khi ở trần gian. Đó là điều căn bản nhất mà nhiều người không để ý đến mà để ý đến chuyện đâu đẩu đâu đâu.
Nói tới đây lại nhớ đến chuyện một số giáo dân thích cha này, giận cha kia và không đi Lễ cha nọ. Cha nào làm gì sai trái thì cha đó chịu trách nhiệm trước Chúa và trả lời trước Chúa. Mình là ai mà mình lại cứ phải đổ cho cha thế này, cha thế kia. Chả biết cha đó đúng hay sai nhưng mình giận không đi Lễ đó là lỗi của mình.
Làm cha như làm dâu trăm họ, làm sao có thể làm vừa lòng hết được tất cả mọi con dân để rồi người này người kia không thích là chuyện bình thường. Dù thích hay không thích thì cha đó vẫn làm cha và cha đó dâng Lễ thì Lễ vẫn thành. Chỉ có mình vịn cớ bỏ Chúa thì mình mang lỗi chứ cha có cha nào mang lỗi thay cho mình.
Chuyện nực cười là có những người hóng chuyện ai làm Đức Cha sắp tới ? Đức Cha này đi giáo phận nào ? Đức Cha kia đi về giáo phận mô ? … chuyện đó xét cho bằng cùng chẳng ảnh hưởng gì đến ơn cứu độ của mỗi người. Các Đức Cha đi đâu thì theo lệnh của Đức Thánh Cha, các cha đi đâu thì theo lệnh của giám mục hay của đấng bản quyền. Chả dính dáng gì đến mình cả vậy mà cứ phải lo xa.
Chả có Đức Cha hay Cha nào sống đời, ăn đời ở kiếp với một giáo xứ nào cả để rồi chuyện thuyên chuyển, thay đổi nơi ở, chốn làm việc là chuyện hết sức bình thường.
Mới đây, gặp Đức Cha Hợp, Ngài đùa vui với các cha : “Sắp tới đây, vài năm nữa có 9 Đức Cha nộp đơn xin nghỉ, trong đó có tôi, không biết trong các cha đây có ai làm giám mục thay tôi không ?”. Các cha biết là Đức Cha nói vui vì chuyện nâng lên hàng giám mục đó là do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiến cử và Đức Thánh Cha tuyển lựa. Chuyện đó chả dính dáng gì đến các cha nên các cha phì cười.
Xu hướng khóc mướn khóc dùm cho người khác ngày nay không còn là chuyện nhỏ trong xã hội nữa. Ai ai cũng thường “thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình”. Hãy nhìn lại chính bản thân mình trước khi dòm ngó kẻ khác để rồi Chúa không phải trách ta : “ngươi hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đi rồi hãy lấy cái rác trong mắt thiên hạ”.
Người Giồng Trôm