Trong đời sống gia đình, Thiên Chúa giao phó Cha Mẹ nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đồng thời dạy cho chúng nên người Công Giáo, biết sống đạo tử tế và yêu thương tha nhân. Để là một người Cha gương mẫu, có nhiều điều mà một tín hữu phải thực hiện. Những gợi ý sau đây, sẽ giúp những người sẽ (và đã) là Cha kiểm điểm lại, và thực thi điều mình còn thiếu sót.
1. Cho Con Đức Tin
Hãy nói cho con mình biết về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và rất đỗi thương yêu con người. Thêm vào đó hãy dạy cho con biết nhận ra những kỳ công của Chúa hiện diện nơi vũ trụ bao la tới những tế bào nhỏ li ti. Bằng việc tham dự thánh lễ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc bác ái hay phụ giúp việc giáo xứ, chúng ta nêu gương sống Đức Tin cho con cái mình noi theo. Thật thế, khi chúng thấy cha mẹ có một niềm tin kiên vững, chúng sẽ bắt chước theo.
2. Chủ động đốc thúc cả gia đình đi lễ, đọc kinh.
Nếu người Mẹ là trái tim của gia đình, thì người Cha thường được ví là cái đầu của gia đình, với những ứng xử thiên về nguyên tắc, luật lệ, lý luận. Giữa Cha và Mẹ phải làm sao cùng có sự nhiệt tình và đồng lòng trong việc thờ phượng Chúa. Đừng để một mình người Mẹ làm nhiệm vụ đốc thúc cả nhà đi lễ hay đọc kinh tối. Chúng ta, những người Cha, phải sống sao cho con cái nhận ra rằng Cha của chúng luôn dành ưu tiên cho những việc thờ phượng Chúa và sống yêu thương tha nhân. Khi chúng thấy cả hai cha mẹ cùng nhiệt tình sống đạo, chúng sẽ thấm nhiễm và thực hành lối sống đó.
3. Dạy Con Cầu Nguyện
Cũng như xưa kia Chúa Giêsu dạy các tông đồ cách cầu nguyện, chúng ta cũng nên dạy các con ngay từ lúc còn nhỏ biết đọc kinh cầu nguyện. Thêm vào việc đọc các kinh cơ bản, chúng nên được dạy cách cầu nguyện đơn sơ theo trình tự: trước hết là chúc tụng ngợi khen Chúa, rồi tạ ơn Chúa, kế đến là xin ơn cho những người đang gặp khó khăn, và cuối cùng là xin ơn cho gia đình và bản thân. Chúng ta sẽ tập cho các con cầu nguyện vào nhiều thời điểm trong ngày, đôi khi chỉ với một lời đơn sơ. Điều hệ trọng mà chúng ta nên dạy các con là cầu nguyện chính là cách có được tình thân với Chúa.
4. Dạy Con Biết Xin Lỗi và Biết Tha Thứ
Ngay từ lúc con còn bé, hãy dạy cho chúng biết về yêu thương, chia sẻ, rộng lượng và tha thứ. Bằng những câu chuyện trong Phúc Âm hay trong cuộc sống hằng ngày, hãy nói cho con biết về lầm lỗi của con người và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Khi con đến tuổi khôn, chúng ta hãy nói cho chúng biết về bí tích hòa giải. Qua cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy làm gương cho con cái về sự tha thứ khi chính bản thân bị xúc phạm, hay về lòng thành thật biết nhận lỗi khi mình phạm sai lầm.
5. Biết Cho Đi
Điều gì khi đã nhận thì hãy biết san sẻ cho người khác. Lòng quảng đại là dấu chỉ của việc sống Đức Tin, mà qua đó dẫn người chưa tin đến cùng Thiên Chúa. Hãy tập cho con thói quen biết làm việc bác ái, bằng cách thu góp tiền hay thực phẩm giúp đỡ người túng thiếu sống chung quanh, hay đơn giản hơn cho con tiền để con bỏ giỏ nhà thờ khi đi dự lễ. Khi có cơ quan, trường học cần ta giúp đỡ, hãy giải thích cho con biết tại sao ta lại muốn giúp đỡ và tại sao ta lại chọn công việc thiện nguyện hợp với khả năng của ta.
6. Dành Thời Gian Cho Con.
Nhiệm vụ và vai trò của Cha trong việc nuôi dưỡng con đã được chứng minh là cần thiết và khó có thể thay thế. Và Công Cha góp phần không nhỏ trong qúa trình định hình cá tính của con mình. Vì thế hãy cố gắng dành thời gian để chơi hay để nói chuyện với con mỗi ngày, qua đó con cái cảm được tình yêu thương, và tiếp nhận những hướng dẫn đặc biệt từ người Cha. Khi người Cha tạo được sự tin cậy thân thiết nơi con mình, chúng sẽ tìm đến với người Cha khi chúng gặp khó khăn. Chơi đùa với con có lẽ là những giây phút hạnh phút nhất của người Cha. Quả vậy, hạnh phúc hiện diện trong tầm tay chúng ta. Nay mai khi con lớn lên, điều chúng ghi nhớ mãi là những kỷ niệm chơi đùa với Mẹ Cha.
7. Nói Chuyện Và Lắng Nghe Con
Chúng ta hãy tìm dịp để đối thoại với con về những khó khăn, thắc mắc, thành công hay thất bại của chúng. Đối thoại là hành động hai chiều. Nếu chỉ nói mà không nghe thì là độc thoại. Phải lắng nghe con và cố gắng hiểu con, nhất là khi con ở độ tuổi học trung học. Những khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh tạo ra những khoảng cách trong lối suy nghĩ, phán đoán của cha và con. Là cha mẹ, chúng ta phải giữ thái độ cởi mở, thân thiện, thông cảm để các con có thể dễ dàng chia sẻ những thắc mắc hay uẩn khúc trong lòng. Nên tránh thái độ nghiêm khắc, cộc cằn, không ngó ngàng gì tới con, vì như thế chẳng có đứa con dám hay muốn lại gần. Con cái cần có một người cha luôn yêu thương, biết lắng nghe, và cố vấn cho con biết điều đúng sai.
8. Áp dụng kỷ luật với con
Cha mẹ cùng chia xẻ nhiệm vụ nuôi dưỡng con, vì thế cha cũng phải kỷ luật con khi cần để giáo dục con đi theo lối ngay lành. Đừng để người Mẹ làm nhiệm vụ sửa dạy một mình, vì nếu thế, mục đích của việc sửa dạy sẽ bị mờ nhạt đi, và thiếu sự thuyết phục. Lý tưởng hơn cả, cả gia đình cùng theo một nguyên tắc một bản quy định, để khi con làm sai, thì Cha hay Mẹ sẽ là người chỉnh sửa ngay. Cha mẹ phải dạy cho con biết rõ ràng những điều phải làm, và chỉ cho chúng mối tương quan nhân quả, “nếu … thì…” trong việc chúng làm. Thêm vào đó, giữa lúc chơi đùa hay kỷ luật con, cha mẹ phải cho chúng thấy sự xuyên suốt của những nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống. Khi nói về tính lương thiện, hãy dạy chúng đừng nói dối trong những chuyện lớn lao và cũng đừng làm điều gian dối khi chúng chơi đùa với nhau.
9. Nhận ra những năng lực con có và giúp chúng phát triển.
Hãy nhớ tới dụ ngôn nén bạc trong phúc âm (Mt 25,14-30). Khả năng mà chúng ta nhận được là do Chúa ban. Chúng ta cố gắng giúp con cái nhận ra và phát triển những khả năng chúng có được. Có nhiều cha mẹ áp đặt con cái phải thực hiện những ước vọng không phải của chúng và ngoài khả năng của chúng. Nhiều cha mẹ cứ nghĩ là con mình thông minh tài giỏi hơn người, nên bắt chúng phải trở thành những ngôi sao, những minh tinh, những nhà thông thái lỗi lạc. Cũng có nhiều cha mẹ cứ ao ước con mình có nếp có tẻ, có trai có gái. Khi không được như ý, cha mẹ đâm ra thất vọng và lơ là trong việc chăm sóc đứa con đó. Tất cả những áp đặt sai lệch đó sớm muộn gì cũng sẽ gây ra những đổ vỡ trong cuộc sống con cái khi chúng lớn lên. Điều nên làm là cha mẹ hãy cổ vũ con cái khi thấy chúng ưa thích hay có khả năng làm điều gì đó. Dần dà qua thời gian qua sự cọ xát, những thiên hướng hay thiên khiếu của chúng sẽ bộc lộ, như ngọc trai sáng đẹp sau khi được chùi bóng.
10. Bảo vệ con
Trong dụ ngôn người gieo giống, hạt gieo vào mảnh đất màu mỡ, sẽ mọc và lớn lên, rồi sinh nhiều bông hạt (Mc 4,1-20). Cha mẹ sinh con ra, đều mong muốn con mình được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt lành để chúng lớn lên và trở thành một Kitô hữu thánh thiện và một công dân gương mẫu. Thế nhưng, mong muốn này không phải là điều dễ thực hiện, vì quanh ta vẫn còn có sự dữ. Là cha mẹ, chúng ta phải tạo lập một môi trường tốt đẹp cho con, bằng cách hướng dẫn con chọn bạn tốt mà chơi, đọc sách báo hay coi phim ảnh lành mạnh, và nếu có thể, gửi con đi học trường giáo xứ, hay các lớp giáo lý v.v. Chúng ta phải dứt khoát không để con tiếp cận những sản phẩm của văn hóa sự dữ, hay còn gọi là văn hóa tử thần. Để làm được chuyện đó, chúng ta phải tỉnh táo để nhận ra đâu là sự dữ, vì sự dữ rất giỏi trong chuyện trá hình, nhập nhằng giữa sáng và tối. Điều quan trọng hơn cả là hằng ngày chúng ta phải cầu nguyện để xin Chúa gìn giữ con cái và bản thân chúng ta khỏi mọi sự dữ.
Lucas Khổng Kim Quang