Tại sao một cuộc tình đầu, hai người yêu nhau hồi còn cắp sách đến trường, đến nay sau 40 năm chung sống với 4 người con lại có kết thúc như vậy.
Tại sao một cặp vợ chồng mà người chồng đã từng là Phó Tổng Thống, ứng viên tranh chức tổng thống và đoạt giải Nobel Hòa Bình, mà vẫn không có đủ yếu tố để giữ cho đến chết mối tình và hạnh phúc hôn nhân của mình.
Và Tại sao trong những năm sóng gió của tám năm Phó Tổng thống, của những ngày tháng tranh cử chức Tổng thống, cũng như suốt 40 năm qua đã không làm hạnh phúc họ phải tan vỡ, mà phải chờ đến giờ này ?…” (Theo TS Trần Mỹ Duyệt, bài ‘Những thách thức của sự trung thành trong đời sống hôn nhân’).
Ông bà ta thường nói: “Vợ chồng như đũa có đôi”. Thực vậy, vì khi kết hôn hai bạn tự nguyện cam kết sánh đôi cùng hội cùng thuyền và sống chung với nhau đến hết cuộc đời. Họ chấp nhận đầu gối tay ấp để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng êm ái và phẳng lặng cả. Sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Và trong nhiều trường hợp, kết cục trở nên bi thảm, đó là xảy đến việc ly hôn ly dị.
“Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng” (Theo TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH KHXHNV TP.HCM – TTO 01-10-2008).
Một thực tế bi đát, xem ra đáng báo động!
Tuy nhiên, có thể nói bất kỳ cuộc ly hôn nào cũng có lí do riêng của nó. Không phải bỗng dưng mà người ta đưa nhau ra tòa. Câu nói trước tòa của đôi bạn thường là “Chúng tôi không hợp nhau…”, nhưng đó chỉ là cách nói chung chung. Chắc chắc trong đời sống vợ chồng, họ đã có những mâu thuẫn nào đó, có thể rất nhỏ nhưng kéo dài nhiều năm tháng khiến một trong hai hoặc cả hai người cảm thấy mệt mỏi, chán chường và muốn “ra riêng”. Có người bi quan đã nhận định thế này: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder).
Vậy để giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, chúng ta thử nghĩ đến một số giải pháp đơn giản nhờ đó hai bạn có đủ can đảm giải quyết những bất đồng giữa nhau, để có thể vững bước đồng hành đến cuối cuộc đời.
1. Nhận diện nguyên do gây mâu thuẫn
Trước hết phải khẳng định một điều: những mâu thuẫn bất đồng trong đời sống vợ chồng là chuyện tự nhiên, thường tình như tục ngữ VN có câu: “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng”. Do đó, đối với vợ chồng, vấn đề không phải là “giải phóng” hết mâu thuẫn bất đồng giữa hai người, nhưng là tìm ra những nguyên do nào gây nên những mâu thuẫn, bất đồng ấy để có giải pháp xử lý thích hợp. Mâu thuẫn có thể là do khác biệt về tính cách, tính tình. Có thể do cách suy nghĩ khác nhau về nhân sinh quan hay do sự đối lập trong cách phản ứng đối với những tình huống trong giao tiếp. Có thể là do bất đồng trong cách quản lý chi tiêu ngân sách trong gia đình. Có thể là do không cùng quan điểm trong việc nuôi dạy con cái. Cũng có thể do những trục trặc thầm kín trong “chuyện vợ chồng” vv. Nguyên do thì có nhiều. Nhưng điều quan trọng vẫn là hai bạn nên bình tĩnh xem xét vấn đề, khôn ngoan suy nghĩ và thận trọng quyết định. Căn bản vẫn là Tình Yêu. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN).
2. Im lặng là vàng
Nguyên tắc đầu tiên mà các nhà tư vấn tâm lý khuyên ta thực hành, đó là khi gặp mâu thuẫn, cả hai cùng im lặng. Im lặng không có nghĩa là chịu đựng cách tiêu cực mà là bình tĩnh trước sự việc. Không nóng vội. Không bốc đồng. Không thành kiến. Im lặng là sự biểu lộ của lòng vị tha và bao dung. Có người đã nói: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Đúng vậy, vì khi xảy ra “vấn đề” nào đó giữa hai người với nhau, những tranh luận cãi cọ “bằng lời” đôi khi chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Kinh nghiệm dân gian là: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Và cũng có ý kiến này: “Phải có hai người mới đủ gây lộn, nhưng người có lỗi vẫn là người nói nhiều nhất” (It takes two to make a quarrel and the one in the wrong is the one does the most talking).
3. Nghệ thuật nhượng bộ
Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Ông bà ta khuyên, “một sự nhịn chín sự lành”, nghĩa là nếu biết nhịn nhục, ta sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc…Tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu,niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”.
4. Tham khảo ý kiến của người khác
Khi các bạn gặp “vấn đề” trong đời sống vợ chồng, các bạn nên tham khảo ý kiến của nhiều người khác. Là người trong cuộc, có thể các bạn sẽ nhìn “vấn đề” một cách phiến diện, chủ quan. Vì vậy ta nên tham khảo ý kiến của người khác. Người khác có thể là cha mẹ, gia đình đôi bên. Có thể là anh chị em trong gia đình. Có thể là thầy cô đã từng dạy dỗ mình. Có thể là bạn bè, đồng nghiệp. Và cũng có thể là cha giải tội hay người phụ trách đoàn thể bạn tham gia vv. Những người mà bạn tham khảo sẽ cho các bạn những ý kiến bổ ích, nhờ đó các bạn tìm được một giải pháp thích hợp cho hoàn cảnh và tình huống cụ thể của mình. Có khá nhiều đôi bạn đã làm lành được với nhau sau một vài cuộc xung đột nặng nề vì họ đã biết lắng nghe và thực hiện sự chỉ dẫn của những người ngoài cuộc…
5. Tìm sự động viên của con cái và người thân trong gia đình
Trong “cuộc chiến” giữa hai vợ chồng, đôi lúc ta cảm thấy đơn độc và thất vọng. Nhưng nếu có sự tiếp tay, động viên từ phía gia đình, nhất là từ con cái, ta sẽ được nâng đỡ, ủi an. Để tránh cãi vã kéo dài, con cái có thể giúp cha mẹ hòa giải với nhau. Vai trò của con cái thật là thuận lợi và đắc lực. Con cái càng lớn, tiếng nói của họ càng nặng ký. Vì vậy, nếu một trong hai bạn biết tranh thủ sự hỗ trợ của con cái thì bầu khí gia đình sẽ được cải thiện và dần dần lấy lại được hòa khí. Hạnh phúc thì ai cũng ước mong và không ai muốn mất đi cả. Con cái chúng ta sẽ hiểu được điều đó. Vì “Tất cả kho tàng trên trái đất này đều không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Caldéron).
6. Hãy biết mình
Cổ nhân có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong mâu thuẫn vợ chồng, sở dĩ người ta khó làm lành với nhau là vì ai cũng nhận phần thắng về cho mình. Ai cũng nghĩ là mình phải và người kia trái. Ai cũng muốn đổ lỗi cho bạn mình trong khi mình cũng có lỗi. Vậy tốt nhất là mỗi người hãy tự biết mình. Bạn hãy tập thói quen “xét mình” vào buổi tối trước khi ngủ. Bảng “xét mình” sẽ chia làm hai cột, một bên là “Điểm mạnh/ tốt”, một bên là “Điểm yếu/ chưa tốt”. Dựa vào kết quả này, bạn sẽ thấy mình như thế nào, đang ở đâu, cần thay đổi gì…Cũng thế, nếu bạn đời của bạn cũng làm như bạn và cả hai cùng chia sẻ cho nhau biết về con-người-thực của nhau, thì lúc đó chắc chắn bạn sẽ có cái nhìn khác hơn về mình và về người bạn đời của bạn. Người đời khuyên: “Hãy vững tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những mặt yếu của nhau”. Bí quyết để có hòa thuận lâu dài nằm ở chỗ đó.
7. Cầu nguyện
Đối với đôi bạn Công giáo thì đây là một bí quyết tuyệt vời. Bởi trước khi kết hôn họ đã phải cầu nguyện nhiều rồi, huống chi là khi đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Đôi bạn phải cầu nguyện thường xuyên, liên lỉ vì hôn nhân là một biến cố cực kỳ quan trọng trong đời sống của một con người. Đó là ơn gọi và sứ mệnh mà Thiên Chúa đã ban và muốn chúng ta dấn thân thực hiện. Vậy cầu nguyện là một hành vi đạo đức không thể thiếu đối với đôi vợ chồng Ki-tô hữu. Đặc biệt là trong lúc gặp sóng gió, thử thách, các bạn càng phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. Có người đã khẳng định: “Nếu gia đình cùng cầu nguyện, thì sẽ vững bền mãi mãi”. Thực vậy, khi cầu nguyện chúng ta sẽ lắng nghe và thực hành giáo huấn của Lời Chúa: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13)./.
Aug. Trần Cao Khải