Bởi thế, nếu ai cũng làm những chuyện bình thường như nhau, suy nghĩ như nhau, hành động như nhau, thì không bao giờ chúng ta có được những Socrates, Plato hay Aristotle để “khai mở” tri thức nhân loại. Nếu ai cũng luôn gò ép mình trong cái khung của luật lệ, cái khung truyền thống như các Pharisêu trong Thánh Kinh thì cuộc sống hẳn chắc trở nên cứng nhắc và khô khan lắm. Thế nên, giữa những bình lặng của cuộc đời, những người “dám làm điều gì khác người” theo nghĩa tích cực lại có thể đem đến cho con người cả một một khung trời hy vọng. Trong số ấy, Đức Giêsu, như một “nhà cách mạng” đã làm những điều dị thường khi “phá vỡ truyền thống” trong tương giao và “thiết lập tiêu chuẩn tuyển lựa” cộng tác viên theo một phong cách rất riêng của Ngài.
Chuyện Đức Giêsu thường gặp gỡ và nói chuyện với phụ nữ hẳn nhiên là “một cuộc cách mạng” ấn tượng trong Thánh Kinh. Trong xã hội Do Thái, phụ nữ bị coi là thứ yếu nên họ không có một chút quyền lợi và vị trí nào. Họ phải lệ thuộc tất cả vào ngươi khác. Thế mà, Đức Giêsu, một vị tôn sư của Israel (theo như lời Nicôđêmô trong Ga 3,2) lại “phá luật” để tiếp xúc với họ. Quả thật. Ngài chẳng những tiếp xúc với những phụ nữ Do Thái có phẩm chất tốt như các bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna (x. Lc 8), hay chị em Macta và Maria, mà còn gặp gỡ những người bị coi là hạ đẳng trong xã hội như người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, hoặc người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong thành (x. Mt 26; Lc 7). Ngài cũng chẳng ngại ngần tiếp xúc với người phụ nữ xứ Samaria bên bờ giếng Giacop, trong khi giữa người Do Thái và người Samaria đã từ lâu xem nhau như kẻ thù (x. Ga 4, 7-42). Đặc biệt hơn, Đức Giêsu còn “chịu thua” sự kiên nhẫn, “lỳ đòn” của người đàn bà dân ngoại gốc Phênixê khi bà nài xin Ngài chữa con gài bà đang bị quỷ ám (x. Mc 7, 24-30; Mt 15, 21-28). Theo truyền thống, miễn là người Do Thái thì không được tiếp xúc với dân ngoại vì sợ bị ô uế, huống chi Đức Giêsu tiếp xúc với người phụ nữ dân ngoại. Hành động này quả thật dẫn đến những kết cuộc khó lường.
Kết quả của những cuộc gặp gỡ ấy là Ngài đã “phá vỡ” trật tự truyền thống và rào cản giữa người Do Thái với người Samaria cũng như giữa người Do Thái với dân ngoại, để xây dựng nên “văn hóa gặp gỡ” giữa Người với mọi người, không phân biệt tình trạng cá nhân, địa vị xã hội hay tôn giáo. Đó quả là cách mạng Đức Giêsu đã thực hiện. Nó đưa đến niềm hy vọng cho con người, khi Ngài đi bước trước để đến với con người chúng ta, cho dù chúng ta là ai. Vì quả thật, chúng ta cũng là những kẻ “vô danh tiểu tốt”, những kẻ tội lỗi nhưng được Thiên Chúa xót thương và cứu chữa qua hành động “mở đường” như thể phá luật của Đức Giêsu. Quả thật, Đức Giêsu mở ra một con đường cho những tương giao mới giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.
Thái độ mở đường của Đức Giêsu còn thiết lập nên một “phong cách tuyển lựa” rất riêng của Ngài khi Ngài tuyển chọn các tông đồ. Thông thường, để tuyển chọn những cộng tác viên cho một chương trình hành động hay cho một tổ chức nào đó, nhà tuyển trạch phải lựa chọn những ứng viên ưu tú như học vấn tốt, thông minh hay tài cán gì đó đặc biệt. Thế mà, khi tuyển chọn mười hai tông đồ, Đức Giêsu chẳng tuân theo những quy luật tuyển lựa như người đời thường làm. Ngài chọn những con người ít học như các bác ngư phủ Phêrô. Giacôbê, Gioan và Anrê; Ngài chọn những kẻ đa nghi như Tôma và Nathanael; Ngài chọn kẻ bị coi là phường tội lỗi như Matthêu; Ngài lại còn chọn cả kẻ mà Ngài biết là sẽ phản bội Ngài…Tại sao Đức Giêsu lại làm một việc khác thường như thế? Phải chăng Ngài muốn chơi nổi, hay trong “ý định thần linh” Ngài muốn mạc khải điều gì sâu xa? Hẳn nhiên là Ngài muốn cho chúng ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa thì khác với tư tưởng của loài người (x. Mc 8,33).
Việc lựa chọn những cộng tác viên như thế để thiết lập nên Hội Thánh, một cách nào đó, cho ta thấy Hội Thánh là của Thiên Chúa và Hội Thánh được Thiên Chúa thiết lập và giữ gìn. Đó không thể là kế hoạch của con người, bởi ngay từ ban đầu, Hội Thánh được khởi sự với những con người thấp kém và đầy những bất toàn. Quả nhiên, tiêu chuẩn lựa chọn cộng tác viên của Đức Giêsu rất lạ, nhưng nhờ vậy mà chúng ta có cơ hội trở thành môn đệ Người, trở thành cộng tác viên của Người. Nếu Đức Giêsu đưa ra những tiêu chuẩn như đạo đức thánh thiện, học giỏi con nhà giàu, bằng cấp hoặc tài năng…thì chắc không ai có thể trở nên môn đệ của Người, bởi tất cả chúng ta đều là những tội nhân, đều vô dụng trước mặt Thiên Chúa. Viết tới đây, tôi thấy lòng trào lên niềm vui sâu lắng và an bình, tôi được trở nên môn đệ của Ngài chỉ vì tình yêu vô điều kiện Ngài dành cho tôi mà thôi. Tôi trở thành môn đệ Ngài, đơn giản chỉ vì Ngài muốn vậy thôi!
Càng suy ngẫm về con người Đức Giêsu, tôi càng cảm phục Ngài bởi tình yêu thâm sâu mà Ngài dành cho con người và cho từng người. Ngài làm cách mạng cho con người không bằng gươm đao bạo lực mà bằng tình yêu. Nhờ đó, con người được mở ra những cách thế tương giao mới và tiêu chuẩn mới trong cuộc sống. Chính nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa, là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
(Trình Phan Sinh, SJ., dongten.net 16.02.2017)