Trả lời: tôi đã hơn một lần giải thích sự sai lầm nói trên của một vài người không am hiểu thần học và bản thể học ( Ontology) nên cứ nói bừa bãi rằng “người Kitô hữu “ có Thiên Tính.(divinitatis).
Tôi xin khẳng định một lần nữa là con người nói chung và người Kitô hữu nói riêng khôngbao giờ có chung một bản tính hay bản thể (substance) với Đáng Tạo Hóa hay Thiên Chúa cả.
Ai không hiểu mà cứ ngoan cố nói sai như vậy, thì xin vui lòng đọc kỹ lại điều tôi cần giải thích một lần nữa như sau:
Trước hết,Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa là Đấng vô biên, vô cùng (infinite Being) trong khi con người chỉ là tạo vật có giới hạn (finite being). Như thế về mặt bản thể hay bản tính, Thiên Chúa không thể có chung một bản tính hay bản thể với con người trong bất cứ ý nghĩa nào, thần học căn bản hay giáo lý chân chính. Chỉ có “tâm linh” tưởng tượng ra chuyện hoang đường , thiếu hiểu biết này mà thôi .
Thật vậy , trong niềm tin Kitô Giáo, chúng ta được mặc khải và dạy cho biết rằng do hầu quả của Tội Nguyên Tô ( Original Sin) con người đã đánh mất “bản tính ngây thơ ban đầu= original innocence), một tình trạng ơn phúc đặc biệt giúp cho Adam và Eva có thể đứng vững trước mọi cảm dỗ và sa ngã . Nhưng sở dĩ họ đã sa ngã vì đã sử dụng ý chí tự do (Free will) chứ không vì bản tính yếu đuối, dễ sa ngã như tình trạng chung hiện nay của loài người sau hậu quả của tội Nguyên Tổ..
Nhưng phải nói ngay là cả Adam và Eve , trước khi phạm tội , cũng không được “đồng bản tính” với Thiên Chúa dù họ ở đang ở trong tình trạng ơn phúc đặc biệt , nói chi con người sau hậu quả sa ngã của ông bà khiến bản chất “ngây thơ ban đầu” của họ đã bị băng hoại hoàn toàn và di hại đến toàn thể con cái loài người ngày nay…
Chúa Kitô xuống trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi bị phạt và chết đời đời vì “ThiênChúa ,đấng cứu độ chúng ta , Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2: 4). Nhưng dù đã chết thay cho nhân loại , Chúa Kitô cũng không giúp con người lấy lại được tình trạng ơn phúc ban đầu mà Adam và Eve đã tự đánh mất sau khi phạm tội và “thấy mình trần truồng. ..nên trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa.” ( St 3: 7-8)
Mặt khác, cho dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ cho con người được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhưng ơn ấy không tự động ban phát cho hết mọi người cũng như bảo đảm chắc chắn phần rỗi cho ai sau khi chết. Trái lại, chỉ những ai đã được tái sinh qua phép Rửa và được “ Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa …khiến chúng ta được kêu lên Áp-ba ! Cha ơi !” ( Rm 8: 14, 15).
Nhưng là con cái Thiên Chúa thì phải sống xứng đáng với địa vị ấy thì mới được hưởng vinh phúc cùng Cha, vì “ đã là con thì cũng làthừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì mộtkhi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” ( cf 8: 17)
Nói rõ hơn, sau khi được tái sinh qua phép Rửa, chúng ta cũng được ví như dân Do Thái xưa đã vượt qua Biển Đỏ an toàn. Nhưng họ không được vào “Đất hứa, đầy sữa và mật ong” ngay mà còn phải tạm trú trong hoang địa suốt 40 năm để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa đã thương giải phóng họ qua bàn tay ông Mô-sê dẫn họ ra khỏi ách thống khổ bên Ai Cập.
Cũng tương tự như vậy, qua Phép Rửa, chúng ta được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, được trở nên con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta chưa được vào “Đất hứa” là Nước Trời ngay để vui hưởng hạnh phục đời đời với Thiên Chúa là Cha nhân hậu đã cứu độ chúng ta nhờ Chúa Kitô.
Trái lại, chúng ta còn phải sống tạm trên trần thế này một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người. Và vì còn phải “tạm trú” trên trần gian này, nên chúng ta có nhiều cơ hội để làm việc lành cũng như phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa do bản tính đầy yếu đuối nơi mỗi người chúng ta trước những nguy cơ tội lỗi của trần gian và mưu chước thâm độc của ma quỷ được ví như “sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” mà Thánh Phêrô đã cảnh giác. (1 Pr 5:8)
Như thế có nghĩa là phép rửa không biến đổi ngay chúng ta thành những người mạnh mẽ và không bao giờ còn phạm tội nữa.Thực tế không ai chối cãi được là trừ mấy em nhỏ chưa biết sử dụng trí năng, mọi người đã khôn lớn vẫn thấy mình đầy yếu đuối trước mọi nguy cơ của tội lỗi sau khi nhận lãnh bí tích rửa tội. Không phải vì bí tích không có hiệu quả mà vì con người cần cộng tác thêm với ơn thánh để giúp cho ơn thánh được hoạt động hữu hiệu; bởi lẽ con người còn ý chí tự do (Free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng để bước đi theo Chúa hay quay lưng lại với Người.
Do đó, chỉ sau khi đã chiến thắng mọi nguy cơ của tội lỗi trong quyết tâm sống theo đường lối của Thiên Chúa , tức là góp phần cộng tác tích cực vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, thì chúng ta mới xứng đáng được hưởng “ những gì rất quý báu và trọng đại mà Thiên Chúa đã hứa để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hưđốndo dục vọng gây ra trong trần gian.” này.( 2 Pr 1: 4)
Nói khác đi, chỉ sau khi toàn thắng sự tội, sự dữ với quyết tâm tin yêu Chúa và nhờ ơn Người phù giúp, chúng ta mới có hy vọng được cứu rỗi để được vui hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời trong Nước Hằng Sống. Có hy vọng thôi chứ chưa được hưởng Nhan Thánh Chúa bao lâu còn sống trong trần thế và trong thân xác có ngày phải chết này. Nghĩa là, bao lâu còn sống thì bấy lâu còn phải chiến đấu chống lại mọi kẻ thù của linh hồn, của hy vọng được cứu rỗi.
Và chỉ trong viễn ảnh được cứu rỗi đó, con người mới được “ dự phần hay thông phần bản tính của Thiên Chúa” trong phạm trù được trở nên giống Thiên Chúa về mọi sự thánh thiện, công chính, trọn tốt trọn lành của Người, cũng như được chiêm ngưỡng trọn ven Nhan Thánh Người là hạnh phúc vinh quang và an vui bất diệt..
Nhưng thông phần “bản tính Thiên Chúa” ở đây không có nghĩa là trở nên ngang hàng, bình đẳng với Thiên Chúa như Chúa Con và Chúa Thánh Thần đồng bản tính và uy quyền với Chúa Cha trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa.
Trong niềm tin của Giáo Hội, chỉ có Ngôi Hai Thiên Chúa vừa là Thiên Chúa và cũng là Con Người thật. Nghĩa là chỉ có Chúa Ngôi Hai tức Chúa Kitô có chung nhân tính (humanitatis) với loài người khi nhập thể làm Con Người để cứu chuộc nhân loại và mở đường cho loài người được “thông phần bản tính Thiên Chúa” trong viễn ảnh được cứu rỗi và được chia sẻ vinh phúc đời đời với Thiên Chúa như Thánh Phêrô đã dạy trên đây.
Tóm lại, chỉ có Chúa Kitô chia sẻ nhân tính (humanitatis) với nhân loại, trong khi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không có chung nhân tính này với loài người chúng ta.
Cũng trong niềm tin của Giáo Hội, thì Đức Trinh Nữ Maria được diễm phúc không mắc tội tổ tông và mọi tội cá nhân cũng như trọn đới đồng trinh để xứng đáng làm Mẹ Chúa Kitô; và do đó, cũng là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Kitô cũng là Thiên Chúa thật cùng với Chua Cha và Chúa Thánh Thần.
Nhưng dù với địa vị và ơn phúc cao trọng như vậy, Đức Mẹ cũng không có chung thiên tính ( divinitatis) với Ba Ngôi Thiên Chúa và vẫn phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, cũng như không được tôn thờ ở mức Latria là mức dành riêng cho Thiên Chúa. Nghĩa là, không phải vì được là Mẹ Thiên Chúa, mà Đức Maria cao hơn Thiên Chúa và được “thờ lậy” (adore) như Thiên Chúa. Trái lại, chúng ta chỉ thờ lậy một mình Thiên Chúa mà thôi, và tôn kính (venerate) Đức Mẹ ở mức Hyperdulia, là mức tôn kính cao nhất sau mức tôn thờ Latria dành riêng cho Thiên Chúa. Các Thánh, kể cả Thánh Giuse được tôn kính ở mức Dulia ( sau mức Hyperdulia) trong phụng vụ Thánh của Giáo Hội.
Như thế đủ cho thấy là Đức Mẹ và các Thánh, dù đã thánh thiện hoàn toàn và đang trọn vẹn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa trên trời trong phạm trù “thông phần thiên tính” với Thiên Chúa. Nhưng thông phần ở đây không có nghĩa là trở nên bình đẳng với Thiên Chúa, khiến chúng ta phải thờ lậy chung các ngài như thờ lậy Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nếu Đức Mẹ và các Thánh mà còn không được có chung thần tính với Thiên Chúa để trở nên làm một với Người như Ba Ngôi Thiên Chúa trong cùng một bản thể duy nhất, thì làm sao người Kitô hữu, hay con người nói chung, với bản chất “vong thân” vì tội nguyên tổ, lại có thể có “Thiên tính song song với bản tính “bị băng hoại” này được ??? và nếu có, thì “Thiên tính” ấy đứng ở chỗ nào trong tiến trình hoàn thiện của con người để được cứu rỗi và nên thánh ?
Nói khác đi, nếu quả thực con người có chung bản tính với Thiên Chúa- như có người vẫn cứ liều lĩnh nói sai, thì chúng ta còn cần gì đến công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô nữa ?
Bởi lẽ có “thiên tính” thì con người đã trở nên hoàn hảo trọn vẹn giống Thiên Chúa rồi, nên cần gì phải cố gắng để nên thánh nữa ???
Như vậy, rõ ràng cho thấy sự vô lý và hoang đường của lập luận “ người Kitô hữu có Thiên tính”. Lại mơ hồ và khôi hài hơn nữa khi giải thích quanh co thiếu căn bản thần học rằng “ Chúa Cha là thiên tính của người Kitô hữu”. Đức Chúa Cha , hay Chúa Con và Chúa Thánh Thần thì cũng là Một Thiên Chúa, một bản tính, một uy quyền, một vinh quang (splendor) như nhau. Vậy căn cứ vào nền tảng nào mà nói riêng Đức Chúa Cha là “thiên tính” của người Kitô hữu ? rõ thật vu vơ và phi lý.!
Đúng ra ,chỉ có thể nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn hy vọng và khát vọng lớn nhất của chúng ta, những người có diễm phúc được tin có Thiên Chúa và hy vọng được hạnh phúc, an vui vĩnh cửu với Người trong Nước Hằng Sống mai sau.
Tuy nhiên, dù đang sống trên trần thế này, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm ơn phúc và niềm vui được sống trong thân tình với Chúa, nếu chúng ta luôn sống theo đường lối của Người, luôn bước đi theo Chúa Kitô là Đường, là sự Thật và là sự Sống( Ga 14: 6). Nghĩa là luôn xa lánh mọi tội lỗi, vì chỉ có tội lỗi mới đẩy xa chúng ta ra khỏi thân tình “Cha-con” với Chúa và làm mất hy vọng được cứu rỗi để trọn vẹn vui hưởng Thánh Nhan Người trong phạm trù được “thông phần bản tính Thiên Chúa” như Thánh Phêrô đã dạy.
Đây là thực tế và nền tảng phải dựa trên để sống niềm tin vào Thiên Chúa trong cuộc lữ hành tiến về Quê Trời với nhiều thánh đố, gian nguy vì bản tính yếu đuối của con người trước mọi nguy cơ tội lỗi đến từ thế gian và nhất là từ ma quỷ, kẻ thù nguy hiểm nhất cho hy vọng cứu rồi của mỗi người chúng ta. Ai muốn sống “tâm linh” theo nghĩa nào thì cũng không thể chối bỏ được thực tế và căn bản trên đây.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn