Trong tháng mười một năm đó, Dorothy Day đã bị bắt giữ vì đã cùng với bốn mươi phụ nữ tụ họp trước Nhà Trắng để phản đối việc loại trừ phụ nữ khỏi quyền bỏ phiếu. Tại New York, nhà báo trẻ đã sống một cuộc sống rất khó khăn, bà bắt đầu có mối quan hệ với nhà báo Lionel Moise, một người không tử tế trong tình yêu. Bà đã mang thai và phá thai. Đó là một trải nghiệm đau đớn luôn theo bà suốt đời, bà không thể quên hình ảnh kẻ ăn chơi vô trách nhiệm. Bà nghĩ bà đã trở nên vô sinh và không bao giờ có thể có con nữa. Bà lại có mối quan hệ khác, đó là Forster Batterham, một nhà thực vật học, với ông bà gặp một tình yêu trưởng thành hơn; bà thực sự sống một giai đoạn ổn định về mặt tình cảm và đầy cảm xúc. Với Forster, Dorothy đã học được một tình yêu dành cho thiên nhiên. Và một ngày nọ, bà rất ngạc nhiên phát hiện mình có thai. Trong một quá trình tái sinh nội tâm và niềm vui mãnh liệt, bà đã có một đứa con gái và bà đặt tên là Tamar Theresa.
Sự ra đời của đứa con là đỉnh cao của cuộc gặp hạnh phúc, và cùng giai đoạn đó, một cuộc gọi dứt khoátđể cho thấy rằng Thiên Chúa là trung tâm của cuộc đời bà, bà nói: “Không có thụ tạo nào có thể nhận hoặc ngăn cơn lũ mạnh mẽ của tình yêu và niềm vui như cái mà tôi trải qua sau khi sinh con gái, chính vì điều này mà tôi cần phải ngợi khen và thờ lạy”. Hệ tư tưởng của bà, bản tính đấu tranh của bà và tất cả những gì bà đã học và sống đến thời điểm đó tạo ra trong bà một cuộc xung đột nội tâm lớn giữa lời kêu gọi của Chúa và sự vỡ vụn mà điều này đòi hỏi từ bà. Và rồi, lời mời gọi của Chúa chiếm ưu thế hơn mọi thứ khác. Dorothy, với lòng biết ơn sâu sắc, quyết định rằng sự lựa chọn đúng nhất đó là rửa tội cho con gái trong Giáo hội Công giáo. Bà chia sẻ: “Tôi không muốn con gái của tôi phải đấu tranh và vấp ngã trong cuộc sống như tôi đã thường xuyên phải đấu tranh và vấp ngã. Tôi muốn tin, và tôi muốn con gái tôi cũng tin, thuộc về một Giáo Hội có thể ban cho con tôi một ân huệ vô giá đó là đức tin nơi TC, vậy thì điều cần làm là cho bé trở thành một người Công giáo».
Tamar Theresa lãnh nhận bí tích Rửa tội trước mẹ. Dorothy cũng lãnh nhận bí tích Rửa tội sau đó, sau một nỗi đau đớn và dứt khoát chia tay với Forster, chắc chắn nguyên nhân là do vực thẳm tôn giáo giữa họ trở nên sâu sắc hơn sau sự ra đời của Tamar Theresa. Cái giá mà Dorothy phải trả cho sự quyết định rửa tội cho con gái và ôm lấy đức tin Công giáo là rất lớn: sự kết thúc mối quan hệ của bà với một người đàn ông mà bà yêu và sự mất mát một số người bạn.
Như thế, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của người phụ nữ phi thường này. Tính cách của bà, một người phụ nữ vẫn còn thích sự ân cần, quan tâm của một người đàn ông trong cuộc sống, giờ đây phải đối diện với sự cô đơn và gánh nặng của cuộc đấu tranh như một người giáo dân và người mẹ đơn thân trong một xã hội phân biệt đối xử phụ nữ. Nhưng cũng chính con người đó đã biết rung động, cảm thương và liên đới với tất cả những người đàn ông và phụ nữ nghèo. Chính họ làm cho bà trải nghiệm những đau khổ của thế giới và của nhân loại như của chính mình.
Sau khi chia tay với Forster, bà gặp Peter Maurin, một người đồng hành và một người bạn lớn trong đời sống tinh thần của bà cũng như trong hoạt động tông đồ của bà. Trong ông, Dorothy Day tìm gặp một Kitô hữu và một nhà cải cách cùng tâm trí và tình cảm. Năm 1933 bà bắt đầu tham gia vào Catholic Worker Movement, không chỉ viết báo, nhưng bà cùng với đồng nghiệp thành lập nhiều nơi đón tiếp, phục vụ các nạn nhân vô gia cư của cuộc Đại khủng hoảng của đất nước sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929. Vào thời điểm đó của cuộc đời, Dorothy Day đã thực hiện một bước ngoặc lớn: dứt khoát sống vì người nghèo.
Các chủ đề như công bằng và sự thay đổi các cơ cấu xã hội, bà thấy rõ không đủ khi chỉ chiến đấu chống lại tác động của đói nghèo. Nghèo đói là xấu và phải loại trừ. Do đó, cần phải biến đổi xã hội tận gốc. Các suy tư tương tự cho thấy Dorothy Day, trong kinh nghiệm về đức tin Công giáo và sự thần bí của bà, bà nhận được từ TC nguồn cảm hứng và sự hiểu biết, điều này đặt bà vượt xa những suy tư tiên tiến nhất của người Công giáo thời đó.
Các suy tư được tìm thấy trong các bài viết của bà, cho thấy bà là một nhà tiên phong của các phong trào sẽ xuất hiện sau này trong Giáo Hội. Nhận thức về tội lỗi xã hội và nhu cầu về giải pháp nền tảng thay vì chỉ là giải pháp giảm nhẹ và rời rạc, đã hiện diện nhiều trong thần học giải phóng bùng nổ trong Giáo hội Mỹ Latinh vào những năm bảy mươi. Dorothy Day chắc chắn là một nhà cách mạng, nhưng phù hợp với những gì bà gọi là “cuộc cách mạng của trái tim”. Bà chắc chắn là một nhà thần bí, nhưng một nữ thần bí ngoài cộng đồng. Vào những năm sáu mươi nó đã được các nhà lãnh đạo đối lập đánh giá cao và ca ngợi, như Abbie Hoffman, mô tả bà là người hippie đầu tiên. Bà đã viết say mê về quyền của phụ nữ, nhưng phản đối cuộc cách mạng tình dục của những năm sáu mươi, vì bà đã quan sát thấy những tác động tàn phá ở độ tuổi hai mươi.
Bà có một thái độ tiến bộ trong việc bảo vệ quyền con người, xã hội và kinh tế với một ý thức rất chính thống và truyền thống của đạo đức luân lý Công giáo. Sự tận tụy và vâng lời của bà đối với Giáo Hội tuy nhiên không mù quáng hoặc không chính đáng. Các cuộc đấu tranh chính của bà là ủng hộ công lý và hòa bình. Cuộc hành hương trần thế của bà kết thúc vào ngày 29 tháng 12 năm 1980 tại Maryhouse, New York, nơi bà qua đời giữa những người nghèo.(L’Osservatore Romano 02/6/2018)
Ngọc Yến
(RadioVaticana 18.06.2018)