Chắc dễ hiểu và dễ nhớ vào cái ngày lãnh sứ vụ linh mục, các vị tiến chức được vị giám mục chủ phong trong Thánh Lễ trao sứ vụ linh mục mời gọi tiến chức bước đi theo Đức Kitô, “rập đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa”.
Có lẽ vì lý do nào đó, do hoàn cảnh nào đó để rồi một số mục tử đã quên đi lời “nguyện hứa” của mình. Quên dần để rồi đánh mất đi căn tính đời tu của mình.
Nhìn những “tấm gương” của những chủ chăn, những mục tử vô cảm với người nghèo, đánh mất đi tình thương với con chiên bỗng nhiên lòng tôi quặn lại. Hẳn nhiên là không phải vị nào cũng như thế nhưng có lẽ tôi không may mắn nên gặp trực tiếp chứ không phải gián tiếp hay nghe người này nói, người kia kể nữa. Chính vì thế nghe xong càng đắng lòng.
Vị mục tử hơn ai hết phải có trái tim nhân hậu, phải có lòng chạnh thương như Thầy Giêsu. Thực tế, nhiều vị mục tử đã sống theo lời mời của Thầy Chí Thánh nhưng đâu đó vẫn còn lợn cợn những hình ảnh của những vị mục tử sống đời tu của mình xem ra như một cái nghề.
Chịu khó vào Chủng Viện, vào Dòng Tu để rồi được ăn được học. Được như thế là do bởi sự góp công góp của của nhiều thành phần dân Chúa, trong đó có cả những cụ già, những người buôn gánh bán bưng, những người di dân xa xứ tội nghiệp.
Vì yêu thương, vì quý ơn gọi để góp vào nhưng rồi xem ra sau khi “đậu chức”, sau khi “có chức” rồi thì tính cách dần dần thay đổi. Có lẽ do cuộc sống sung túc quá khiến các vị quên đi quá khứ của mình, quên đi mình xuất thân từ một gia đình nghèo.
Thoạt đầu, nghe thấy cũng chả sao nhưng thực tế đau lòng bởi có những vị mục tử như thế.
Bên cạnh các vị mục tử coi xứ, còn đó các đấng bậc chủ chăn. Khi ở trên cao rồi sẽ có đủ thứ lý do để biện minh cho mình về việc gặp gỡ giáo xứ, giáo dân và người nghèo.
Chính bản thân tôi tận mắt chứng kiến những cuộc đón rước long trọng của các vị chủ chăn khi đến giáo xứ ban bí tích Thêm Sức. Giáo dân, tất cả đều phải đứng có khi là nắng chang chang để xếp hàng đón chủ chăn. Đón xong chủ chăn chào Chúa xong theo thủ tục và được cha sở dẫn vào phòng lạnh ngồi nghỉ. Đến giờ ban bí tích xong rồi ra. Thánh Lễ xong lại trở vào phòng lạnh để dùng cơm.
Hẳn nhiên đó là chuyện bình thường, như cầu ăn nghỉ của con người nhưng xem ra có vẻ gì đó gọi là quan quyền. Những người nghèo, nhất là những người nguội lạnh thao thức nhìn thấy khuôn mặt của vị chủ chăn vì giản đơn là chủ chăn là người thay mặt Chúa, là người có quyền ban phát các bí tích.
Sau Thánh Lễ ban bí tích Thêm Sức hay khánh thành nhà thờ hay cung hiến bàn thờ là những bữa tiệc thịnh soạn được bày ra. Quây quần bên chủ chăn là những người có chức quyền, những đại gia trong xứ. Còn lại, những người nghèo thì lại ở đàng xa và họ không bao giờ có cơ hội bén mảng đến gần với người mà họ khao khát được gặp.
Có mấy vị chủ chăn can đảm gần những con người nghèo, những con người nguội lạnh, những người buôn thúng bán bưng … Những người nghèo, những người nguội lạnh họ cần lắm sự hỏi thăm, đời động viên, một lời khích lệ, một lời ủi an …
Nhìn những người như thế tôi cảm thấy chạnh lòng. Họ nghèo vật chất để rồi họ nghèo cả tinh thần và nghèo cả tình thương nữa đặc biệt từ các vị chủ chăn.
Lòng chạnh thương của các đấng với người nghèo làm sao có được khi các đấng sống như thế. Con tim các đấng đâu hiểu thấu được nhiều và nhiều con tim đang heo hắt từng ngày vì không có tiền chữa trị.
Tưởng nghĩ rằng sau những Thánh Lễ ban bí tích Thêm Sức, khánh thành nhà thờ, làm phép bàn thờ … nên chăng là bữa cơm bình dị chung cả giáo xứ và vị chủ chăn cùng đồng bàn với những người trong xứ đạo thì ắt hẳn chủ chăn sẽ gần gũi với giáo xứ, tiếp cận với những người nghèo hơn. Đó cũng chẳng là gì ngạc nhiên hay khó làm bởi lẽ như Chúa Giêsu ngày xưa Chúa còn đồng bàn với cả người thu thuế và hàng đĩ điếm. Chính cung cách sống như thế Chúa Giêsu đã gọi được những người như thế trở lại.
Cũng dễ hiểu bởi lẽ Chúa Giêsu luôn chủ trương tìm chiên lạc, chiên nguội lạnh, chiên ghẻ … để về băng bó và yêu thương. Còn những vị mục tử theo mục tử Giêsu thì sao ?
Có vị chủ chăn nào dám can đảm làm bữa cơm bình dân để khoản đãi những anh chị em khuyết tật, những anh chị em câm điếc, sida, ung thư giai đoạn cuối để gọi là gần gũi với họ không ? Tôi không hề oán trách hay chỉ trích hay ném đá. Phải hiểu cho tâm tình của tôi khi nghĩ đến các vị chủ chăn.
Có khi nào có vị chủ chăn nào đó có sáng kiến là mỗi tháng, có thể là 1 lần thôi làm mâm cơm “gia đình” bình dị để mời tất cả bà con trong xứ đến để có dịp tâm tình, có dịp sẻ chia, có dịp để nhận được tình thương của các vị chủ chăn không ? Thật ra chẳng là gì nhưng cũng là gì nếu như các vị chủ chăn thật sự sống nghèo, sống bình dị, sống chung với người nghèo. Khi các vị sống gần, sống bình dị, sống chung với người nghèo, người nguội lạnh tôi tin chắc rằng ít nhiều gì đó cũng có những cuộc thay đổ diệu kỳ.
Tôi trộm nghĩ có khi nào đến ngày mừng bổn mạng, mừng ngày chịu chức, mừng sinh nhật … các vị chủ chăn “giả vờ” mời những người bên lề xã hội thử xem sao ? Có vị nào can đảm sống nghèo, sống gần với những người ngheo một cách triệt để hay không ?
Cứ ngồi phòng lạnh, cơm bưng nước rót và xe hơi bóng lộn mà nói yêu thương người nghèo thì ai nói chẳng được. Sống trong cuộc sống không hề lo đói lo no, không phải chạy ăn từng bữa như những người nghèo mà nói thương người nghèo thì dễ nói và thậm chí nói còn hay nữa.
Có lần, tiếp xúc gần với một vị chủ chăn của một giáo phận, khi ra về, lòng tôi trĩu nặng bởi lẽ sự vô cảm của Ngài lên đến cao độ.
Chuyện là có dịp, có cơ hội, chúng tôi, là những người xuất thân từ những người nghèo cùng với vài vị linh mục đang trực tiếp giúp mục vụ cho anh chị em bệnh nhân sida, ung thư … gặp vị chủ chăn. Trực tiếp giới thiệu để rồi có thể vị linh mục đó cùng với dòng của Cha (chuyên lo cho người nghèo) có thể cộng tác với đức cha để sẻ chia với người nghèo nhưng hoàn toàn không hề có một lời thăm hỏi. Chỉ giản đơn là hỏi thăm về công việc, về nhà dòng của linh mục đó thôi chứ chưa cần nói gì đến chuyện cộng tác lo cho người nghèo thôi nhưng linh mục đó nhận được một thái độ lạnh tanh với vị giám mục dù ngồi cạnh bàn cơm.
Cũng vị giám mục giáo phận đó, nghe xong mà nhói lòng.
Lần kia, vị chủ chăn của giáo phận gặp một linh mục đang dấn thân mục vụ lo cho những bệnh nhân tâm thần trong giáo phận của ngài, thay vì an ủi hay khích lệ công việc của Cha đó, vị chủ chăn nói như thế này : “Cha rảnh quá hen ! Hơi đâu tắm rửa cho mấy người đó ! Về dưới kia tui giao cho dạy giáo lý kìa !”
Nghe xong nhói lòng ! Hẳn nhiên việc dạy giáo lý, giảng Lời Chúa rất cần trong Giáo Hội nhưng có lẽ cần lắm những tấm lòng để băng bó những vết thương lòng, vết thương xác thịt của những con người bị đẩy ra bên lề xã hội cũng như Giáo Hội.
Nếu nói như thế, Mẹ Teresa Calcutta nghe được chắc Mẹ nói : “Tui rảnh nhức nè ông giám mục ơi ! Tại tui chơi với mấy người bị bỏ rơi nè !”
Cũng chẳng dám trách ai, có lẽ nhạy cảm, có lẽ sống nghèo quen nên cung cách nghèo, máu của người nghèo chạy vào trong tôi tự lúc nào không biết. Chính vì thế cứ nhìn thấy cung cách sống quan liêu, trưởng giả của một số linh mục, chủ chăn tôi lại buồn.
Hẳn nhiên cũng có nhiều mục tử, nhiều chủ chăn lo cho Giáo Hội, lo cho đoàn chiên nhưng vẫn còn đó những vị mục tử, những chủ chăn xa rời giáo hữu, xa rời những người nghèo, những người nguội lạnh … Khi các vị mục tử và chủ chăn sống như thế, tôi thấy e rằng khó để nói họ biến đổi và trở về với Giáo Hội được.
Có tâm tình chia sẻ với tôi rằng con cái của họ xa dần nhà thờ, xa dần Chúa bởi lẽ cung cách của linh mục chánh xứ khác lạ …
Hẳn nhiên cũng là trường hợp hiếm nhưng cũng không phải là ít trong xã hội hôm nay nhất là xã hội chạy theo hưởng thụ và an hưởng.
Vẫn tưởng nghĩ các vị linh mục, những chủ chăn là những người có tấm lòng thật, tấm lòng chạnh thương như Thầy Chí Thánh Giêsu.
Còn đó những mẫu gương sống động trong đời tận hiến, với con tim yêu thương như Đức Cha Jean Cassaigne, linh mục Augustino Nguyễn Viết Chung … Các Ngài đã hết mình và hết tình với người nghèo.
Nhìn lên Thánh Tâm yêu thương của Chúa Giêsu trong tháng Kính Thánh tâm này tôi lại dâng lên Chúa lời nguyện ước để ngày mỗi ngày Giáo Hội có nhiều vị mục tử sống như lòng Chúa mong muốn hơn. Vẫn cầu xin để Giáo Hội có nhiều và thật nhiều chủ chăn sống vì người nghèo và sống với người nghèo hơn.
Micae Bùi Thành Châu