Hỏi:Khi linh mục xông hương đầu Thánh lễ, liệu ngài có xông hương cho Vòng Hoa Mùa Vọng theo cung cách xông hương cho Nến Phục Sinh trong Mùa Phục Sinh không? Còn về Máng Cỏ Giáng Sinh (trong mùa Giáng Sinh) thì sao, có được xông hương không? – T. D., Leuven, Bỉ.
Đáp: Các quy định liên quan việc xông hương được tìm thấy chủ yếu trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma và Sách Lễ Nghi Giám mục. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói:
“Việc xông hương
“276. Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).
“Ðược tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào:
“a. Khi đi rước tiến vào;
“b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;
“c. Khi rước và công bố Tin Mừng;
“d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân;
“e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.
“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.
“Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.
“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.
“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.
“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:
“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;
“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;
“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.
“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).
Mặc dầu có một nghi thức làm phép cho Vòng hoa Mùa Vọng trong Sách Các Phép ở Mỹ, Sách này không nói gì đền việc xông hương cho Vòng hoa ấy. Việc làm phép này là riêng cho Giáo Hội Mỹ, chứ không có trong Sách Các Phép ở các nước khác, chẳng hạn nước Ý.
Do đó, phải kết luận rằng Vòng hoa Mùa Vọng không được xông hương theo cung cách như xông hương cho Nến Phục sinh. Vòng hoa này không là một thánh tích, cũng không là một tượng ảnh, nó chỉ là một sự diễn tả lòng đạo đức bình dân hơn là một đồ vật phụng vụ tự thân.
Cây Nến Phục sinh nhận được sự tôn kính đặc biệt, bởi vì nó là một biểu tượng truyền thống và cổ xưa của Chúa Kitô phục sinh. Người ta có thể lập luận rằng, trong một cách thức nào đó Vòng hoa Mùa Vọng là một biểu tượng của Chúa Kitô đang đến, nhưng chúng ta thấy nó là một tập tục tương đối mới, và tập tục này là không hiện diện trong Giáo Hội phổ quát. Việc Vòng hoa này không được xông hương không làm giảm bớt trong bất kỳ cách nào tính hữu ích của Vòng hoa, trong việc nuôi dưỡng một tinh thần chuẩn bị cho đại lễ Giáng sinh.
Một Máng cỏ Giáng sinh, hoặc ít nhất một tượng của Chúa Giêsu Hài Đồng, đặt trong cung thánh có thể đưa vào loại “tượng ảnh của các thánh được trưng bày cho tôn kính công khai”, như được nói trong số 277, và do đó được xông hương.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng nhiều hướng dẫn của Giáo Hội khuyên không dựng Máng cỏ Giáng Sinh trong cung thánh, và trên hết, nó không bao giờ có thể nên là một trở ngại cho việc cử hành phụng vụ trang nghiêm. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Mỹ nói trong tài liệu “Xây dựng các Viên Đá Sống động” (Built of Living Stones):
“§ 124 § Kế hoạch trang trí mùa lễ nên thực hiện ở các khu vực khác ngoài cung thánh. Các trang trí là nhằm lôi kéo tín hữu đến với bản chất đích thực của các mầu nhiệm được cử hành, hơn là trở thành mục đích trong chính chúng. Hoa tự nhiên, cây cỏ, vòng hoa và các dây treo, và các đồ vật theo mùa có thể được sắp xếp và trưng bày, để đẩy mạnh các điểm tập trung phụng vụ. Bàn thờ nên để trống rõ ràng và không trang hoàng gì, không chưng cụm hoa lớn hoặc Máng cỏ Giáng Sinh quanh bàn thờ, và các đường đi ở hiên vào nhà thờ, lối giữa nhà thờ và cung thánh cần được để trống”.
Nếu Máng cỏ Giáng Sinh, như là phổ biến trong nhiều nhà thờ, được dựng ở ngoài khu vực cung thánh, linh mục không cần rời cung thánh để xông hương cho Máng cỏ.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 9.12.2014)