Marie đến từ vùng đất cát của nước Éthiopie, mang màu da sậm và có mùi nước biển. Còn trong lòng mẹ cô đã cùng mẹ dong duổi cuộc hành trình đi bộ dài không biết bao nhiêu cây số. Bởi vì, bị chiến tranh và nạn đói hoành hành, mẹ cô cương quyết rời bỏ làng quê vào năm 1983, khi mang thai cô được 8 tháng, để đến thủ đô Djibouti và cho cô ra chào đời tại đây. Cô Marie vừa tươi cười vừa nhẹ nhàng nói: ”Tính tình cương nghị của tôi có lẽ đến từ đó!”
Vào năm 11 tháng tuổi, Marie được một cặp vợ chồng người Pháp nhận làm con nuôi. 4 trong 5 đứa con của cặp vợ chồng này là con nuôi. Khi Marie nói đến cha mẹ nuôi và anh chị em trong gia đình thì cô nói với trọn tâm tình yêu thương trìu mến. Đối với Marie thì đây là một gia đình với đầy đủ ý nghĩa và cô rất hãnh diện được thuộc về gia đình này. Cô là con thật chứ không phải con nuôi. Marie nhấn mạnh:
– Chúng tôi không sản xuất một gia đình. Chúng tôi là một. Điều này tạo nên vẻ đẹp và nét trang trọng của tiến trình nhận con nuôi. Khi một đứa bé được nhận làm con nuôi thì người ta xóa bỏ căn cước gốc gác của nó. Tôi chuyển từ tình trạng con của một người mẹ đơn côi và người cha vô danh sang tình trạng làm con của một người mẹ khác và một người cha khác. Tôi được tháp nhập vào ”gia phả” của họ. Tôi “nhận được” tổ tiên: ông bà và họ hàng thân thích. Nghĩa là tôi có một trạng huống gia đình hợp pháp ngang hàng với các trẻ em người Pháp. Tôi có cùng quyền lợi cũng như bổn phận của một người Pháp. Tình trạng ”bình đẳng” này thật quan trọng, xét vì tôi không tránh khỏi đau khổ vì những cái nhìn những thắc mắc về cha mẹ và về màu da sậm của tôi.
Hồi tưởng lại chặng đường trải qua với tư cách là một đứa con nuôi cô Marie trầm ngâm nhấn mạnh đến hai chữ ”tình yêu”. Cô tâm sự:
– Người ta có thể nói là tôi được yêu thương trên mức trung bình của những đứa trẻ. Tôi được thừa hưởng một tiếp nối của Tình Yêu. Trước tiên là tình yêu đến từ mẹ ruột, mong nuốn cho tôi được sống. Khi mẹ cho tôi ra chào đời tại trại tị nạn ở Djibouti, mẹ quyết định giao tôi cho một cô nhi viện. Khi trao con cho cô nhi viện có nghĩa là mẹ tôi phải chọn lựa việc ký giấy ”bỏ rơi” tôi. Nhưng tôi lại nhìn thấy trong hành động ”bỏ rơi” ấy một ”ân huệ”. Bởi vì có lẽ mẹ tôi biết rõ rằng, tôi sẽ được nhận làm con nuôi từ một cặp vợ chồng ưu ái người Pháp: một người cha và một người mẹ. Người cha thay thế cho người cha vô danh của tôi và người mẹ thay thế cho mẹ tôi, người phụ nữ can đảm từ khước chức làm mẹ của mình.
Tôi luôn luôn cảm thấy cần có những bàn tay đưa ra đỡ nâng tôi để bù đắp cái mặc cảm bị tổn thương vì bị bỏ rơi. Mỗi khi bị mẹ la rầy quở trách tôi thường nũng nịu ôm lấy mẹ và hỏi: ”Mẹ ơi, mẹ có thương con không?” Câu hỏi dấu ẩn nỗi lo sợ sẽ bị mẹ bỏ rơi một lần nữa. Dĩ nhiên tôi thâm hiểu rằng, người ta không thể nào diễn tuồng đóng vai người khác. Mọi tình yêu của hai người trưởng thành dành cho một đứa trẻ, không thể nào lấp đầy nỗi khát vọng của đứa bé đối với cha mẹ ruột của nó. Bởi vì khát vọng này như đã được khắc ghi trong da thịt của nó. Cũng không gì có thể làm cho chúng ta quên mối liên hệ máu mủ với mẹ ruột vì mẹ mang ta 9 tháng trong bụng mẹ. Cũng không gì có thể thay thế sự hiện diện và lời khuyên nhủ của một người cha.
Cô Marie nói về cha mẹ nuôi với trọn tâm tình tri ân thảo hiếu.
Mẹ tôi vừa qua đời. Chúng ta thường nói đến hai danh xưng Cha Mẹ nhưng đôi lúc không suy nghĩ cho đủ. Thế rồi khi một trong hai người qua đời, chúng ta mới cảm thấy thấm thía cái chỗ trống mà người ra đi để lại. Không ai có thể lấp đầy cái chỗ trống này. Mẹ chính là cái phức tạp đồng lõa, là mẫu gương nữ giới đã nhào nặn nên tôi. Mẹ thật độc nhất. Mẹ là tha nhân. Mẹ là khác biệt. Như thế mẹ là người mà không ai có thể thay thế được, cho dầu chỉ là thay thế tạm thời.
… ”Lạy THIÊN CHÚA, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như THIÊN CHÚA? Chính Ngài là vị Thần thực hiện những kỳ công, biểu dương sức mạnh giữa muôn vàn dân nước. Tay Chúa đã cứu chuộc dân Ngài là giống nòi Giacóp và Giuse. Nước đã thấy Ngài, lạy THIÊN CHÚA, thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ, cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng. Mây tầng đổ mưa, mây tầng vang tiếng, ngang dọc khắp trời, tên lửa Ngài bay. Tiếng sấm của Chúa ầm ầm vang dội, ánh chớp chói lòa soi sáng thế gian, khắp địa cầu lung lay rung chuyển. Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài. Chúa dùng bàn tay của Môsê và Aharon mà lãnh đạo dân riêng của Chúa, như dẫn dắt đoàn chiên” (Thánh Vịnh 77(76),14-21).
(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1472, 5 Avril 2013, trang 6)
Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt